Năm 2020 đã khép lại, nhưng dấu ấn của ngành giáo dục Bắc Ninh qua những con số ấn tượng thì còn được nhắc nhiều. Đó là thành quả sự nỗ lực bền bỉ của toàn ngành; sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo tỉnh các thời kỳ. Sau 23 năm đổi mới, Bắc Ninh đã có bước phát triển ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong những niềm tự hào, thì có lẽ truyền thống hiếu học của quê hương đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ vẫn là điều khiến chúng ta tâm đắc nhất.

Đồng chí Nguyễn Hương Giang Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện nhà tài trợ tuyên dương học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019-2020 trong chương trình “Chắp cánh ước mơ - Bắc Ninh với khuyến học khuyến tài năm 2020”.
Còn nhớ năm 2000, khi ngành giáo dục cả nước còn lạ lẫm, thậm chí mơ hồ về khái niệm trường chuẩn Quốc gia thì Lương Tài, huyện thuần nông mới tái lập còn nhiều khó khăn đã về đích sớm nhất toàn quốc với 100% trường Tiểu học được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trở thành điểm sáng tiêu biểu toàn quốc. Suốt một thời gian dài, ngành GD-ĐT Lương Tài vinh dự đón đoàn đại biểu nhiều tỉnh trong Nam ngoài Bắc học tập kinh nghiệm về xây dựng trường chuẩn.
Năm 2020, bức tranh giáo dục Bắc Ninh lại bừng sáng. Đến thời điểm tháng 11-2020, tỷ lệ phòng học kiên cố hiện đại và trường chuẩn Quốc gia khối công lập tỉnh Bắc Ninh cùng về đích 100%, tương đương 466 trường Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT; trong đó 100% trường THCS và THPT đều đạt chuẩn Quốc gia mức 2. Nhiều trường không chỉ hiện đại, đạt chuẩn ở mức cao mà còn có giá trị sử dụng lâu dài, có tính đến yếu tố tăng dân số cơ học khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Rõ ràng, với sự quan tâm cùng quyết tâm của tỉnh, ngành GD-ĐT Bắc Ninh vẫn là điểm sáng tiêu biểu toàn quốc về kiên cố trường học và xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp. Đây là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm 2020, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục ổn định và ngày càng thực chất; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt thành tích xuất sắc, làm bừng sáng hơn bức tranh giáo dục Bắc Ninh. Cần phải nói thêm rằng, nhiều năm qua, mặc dù Bắc Ninh luôn vững vàng trong tốp đầu toàn quốc về phát triển giáo dục, nhưng chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể hiện qua các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế vẫn là điều khiến lãnh đạo tỉnh và ngành GD-ĐT rất trăn trở, bởi kết quả đạt được chưa xứng với truyền thống quê hương cùng sự quan tâm chăm lo của tỉnh, thể hiện qua nhiều cơ chế đãi ngộ với giáo viên, học sinh các trường trọng điểm và trường chuyên. Đến năm học 2019-2020, sau nhiều năm bền bỉ phấn đấu, những người quan tâm đến giáo dục mũi nhọn của tỉnh nức lòng trước kết quả đặc biệt xuất sắc mà đội tuyển tỉnh đạt được tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, với 64/72 thí sinh dự thi đạt giải, chiếm 89% gồm 8 giải Nhất, 20 giải Nhì, 21 giải Ba, 15 Khuyến khích. Đây là kết quả xuất sắc nhất, toàn diện nhất kể từ khi tái lập tỉnh, đưa Bắc Ninh vào tốp 3 tỉnh dẫn đầu toàn quốc cả về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải và số thí sinh đạt giải Nhất Quốc gia. Trong đó, em Đỗ Đức Mạnh (Trường THPT Chuyên Bắc Ninh), giải Nhất Vật lý Quốc gia vinh dự được dự thi và đạt giải Ba kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu năm 2020.
Năm 2020, toàn tỉnh có trên 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, trong đó số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi (theo tổ hợp khối thi Đại học truyền thống) đạt 27 điểm trở lên là 424 lượt; 137 điểm 10 tuyệt đối; điểm bình quân 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học tiếp tục trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc. Còn tại cuộc thi Quốc tế về phát minh sáng chế khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, tổ chức tại Hàn Quốc và Moldova, ngành GD-ĐT Bắc Ninh cũng vinh dự giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc…
Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2020-2025, với nhiều điểm mới so với 2 giai đoạn trước đó (2013-2017 và 2017-2020).. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trong cả giai đoạn 2020-2025 là 1.385 tỷ đồng trong đó, riêng kinh phí mua sữa 1.361 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 50% tương đương 680 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 25% tương đương 340 tỷ đồng, phụ huynh đóng góp 25% cũng tương đương 340 tỷ đồng)… Đây thực sự là tin vui với trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học Bắc Ninh, vừa cho thấy sự quan tâm cùng quyết tâm của tỉnh về chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, cùng góp phần đạt mục tiêu cải thiện thể trạng và tầm vóc cho thế hệ tương lai của quê hương. Chính vì vậy, chương trình “Sữa học đường” cần phải được triển khai và vận hành thật hiệu quả. Tạo tiền đề để có thể những năm học tiếp, chương trình sẽ được mở rộng tới cả học sinh các cấp học cao hơn?
Tất nhiên, tốc độ phát triển KT-XH mạnh mẽ của tỉnh những năm gần đây cũng đặt ra cho ngành GD-ĐT nhiều vấn đề cần chung tay giải quyết. Khó khăn lớn nhất là do dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến số học sinh các cấp cũng tăng nhanh, mỗi năm tăng từ 12 đến 15 nghìn học sinh, tương đương khoảng 20 trường học trung bình. Trong khi đó, việc thành lập và tuyển mới giáo viên cho các trường công lập rất khó khăn, do không có biên chế, nhiều trường vì thế bị áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp. Rất nhiều trường chuẩn, do quy mô học sinh tăng quá nhanh, dẫn đến thiếu diện tích đất, do vậy nếu làm chặt chẽ sẽ không đủ tiêu chí đạt chuẩn. Theo tính toán của Sở GD-ĐT, với quy mô năm học 2020-2021 (hơn 500 trường học với hơn 340 nghìn học sinh các cấp và 1,7 vạn cán bộ, giáo viên), ngành GD-ĐT Bắc Ninh thiếu khoảng 3.700 giáo viên các cấp.
Với tinh thần cầu thị của ngành và quyết tâm cao của UBND tỉnh, nhiều khó khăn của ngành GD-ĐT Bắc Ninh về cơ sở vật chất trường học, về đội ngũ giáo viên, về các cơ chế chính sách đối với giáo viên, học sinh xuất sắc, về vị trí trong bảng xếp hạng thi tốt nghiệp THPT… đang có lời giải đáp phù hợp. Có những khó khăn giải quyết được ngay, cũng có những khó khăn cần phải tiến hành giải quyết theo lộ trình, nhưng tựu trung, trong phạm vi năng lực và quyền hạn, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành GD-ĐT phát triển toàn diện.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn giao nhiệm vụ cho ngành GD-ĐT Bắc Ninh, ngay trong năm học 2020-2021, phải phấn đấu nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng thi tốt nghiệp THPT, vì đây là kỳ thi rất quan trọng, phản ánh tương đối chính xác chất lượng giáo dục thực chất của mỗi địa phương. Duy trì trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về thành tích thi học sinh giỏi Quốc gia; tiếp tục phấn đấu có học sinh được dự thi và đạt giải Quốc tế; khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ nhằm nâng cao kiến thức toàn diện, vừa là cách để tuyên truyền, góp phần làm lan tỏa hình ảnh vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc trên đường hội nhập và phát triển, trong đó truyền thống hiếu học, khoa bảng vẫn được giữ vững và phát huy lên tầm cao mới…
Năm 2020, bức tranh Giáo dục Bắc Ninh bừng sáng, nhưng tỉnh và ngành không hề tự mãn kết quả đạt được, ngược lại còn chủ động với tầm nhìn xa, nhận rõ những hạn chế, bất cập từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời cho những năm tới. Rõ ràng, tỉnh rất quan tâm và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngành GD-ĐT phát triển toàn diện. Vì vậy, ngành GD-ĐT Bắc Ninh cần phải nỗ lực hơn nữa giữ vững vị thế là điểm sáng trong bức tranh giáo dục toàn quốc. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp bách, đón đầu cho những bước phát triển toàn diện mới, khi tỉnh Bắc Ninh chính thức trở thành thành phố trực thuộc T.Ư…
Trọng Khánh
Ý kiến ()