Nhà, làng, nước là 3 trụ cột của văn hóa Việt Nam. Gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên thì đất nước phát triển. Hạnh phúc chỉ thật sự trọn vẹn khi mỗi cá nhân, mỗi gia đình không chỉ biết xây đắp hạnh phúc cho riêng mình, mà còn biết yêu thương, sẻ chia, gánh vác trách nhiệm công việc với cộng đồng, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Không có tệ nạn xã hội, không tội phạm, không bạo lực gia đình, không có mâu thuẫn dẫn đến cãi lộn, ẩu đả...”, đó là niềm tự hào của mỗi người dân làng Chè (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) được Trưởng thôn Trần Thế Sơn khẳng định khi nói về nơi mình đang sống. Kinh tế phát triển, cùng với xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, mỗi người dân nơi đây đều chú trọng gìn giữ nếp nhà, chung sức xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa.
Về Làng Chè hôm nay, cảm nhận đầu tiên chính là sự trù phú của một vùng đất được đúc kết qua câu ca “Tiền Chè Dọc, Thóc Đông Sơn”. Nhiều công trình công cộng, nhà ở của người dân được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ của một làng văn hóa tiêu biểu trong phong trào xây dựng Nông thôn mới: 100% đường làng được nhựa hóa, bê tông hóa, các công trình như: Nhà văn hóa, đình, đền, chùa, nhà thờ, trường Mầm non, sân bóng đá… được nhân dân đóng góp ngày công lao động, kinh phí xây dựng khang trang, hiện đại.
Nhìn lại hành trình xây dựng làng văn hóa, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Làng Chè có được vóc dáng như ngày hôm nay là công sức của các thế hệ cán bộ lãnh đạo địa phương tâm huyết, gương mẫu vận động nhân dân chung tay góp sức, gây dựng phong trào. Trân trọng hơn cả là sự đồng thuận, đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cùng chung tay xây dựng quê hương”.
Làng Chè hiện có hơn 700 hộ gia đình, (hơn 2.000 nhân khẩu). Ngoài làm nông nghiệp, người dân chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Trong quá trình phát động và xây dựng làng văn hoá, lãnh đạo địa phương lựa chọn những người có tâm huyết, nhiệt tình với phong trào tham gia Ban kiến thiết, Ban giám sát... Việc làng dù lớn hay nhỏ đều được đưa ra họp dân, khi triển khai thực hiện phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và điều quan trọng nhất là công khai, minh bạch các nguồn tài chính để tạo niềm tin trong dân. Chính vì thế, các đợt phát động ủng hộ đều được người dân đồng tình hưởng ứng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm. Làng Chè có hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ Phòng chống thiên tai…do các cấp, các ngành phát động luôn được nhân dân tích cực tham gia đóng góp. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng được quan tâm, Hội Khuyến học, Hội cựu giáo chức hoạt động sôi nổi. Các đám cưới, đám tang được tổ chức tiết kiệm, không rườm rà, phô trương, lãng phí.


Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, bảo tồn nét kiến trúc truyền thống, gắn với môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Song hành cùng phát triển kinh tế, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở làng Chè thu hút đông đảo người dân tham gia, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh của hội người cao tuổi, Câu lạc bộ khiêu vũ, Câu lạc bộ Quan họ, Đội bóng đá, bóng bàn, cầu lông… thu hút hàng trăm hội viên sinh hoạt hàng ngày. Vào những dịp Tết Nguyên đán, lễ hội của làng, Ngày hội Đại đoàn kết… thành viên các Câu lạc bộ trở thành hạt nhân tiêu biểu tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân. Anh Đào Tiến Thịnh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ bộc bạch: “Tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của làng, chị em phụ nữ không những vui khỏe về thể chất và tinh thần mà còn thêm gắn bó, đoàn kết với nhau hơn, hăng hái thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Ở làng Chè, nhiều gia đình có 3-4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn duy trì nề nếp gia phong. Ngoài việc bảo lưu, phát huy giá trị gia đình truyền thống, đề cao đạo đức, lòng hiếu thảo, các gia đình tiếp nhận hài hòa các giá trị hiện đại về bình đẳng giới, quyền con người… “Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc” ở làng Chè ra đời khá sớm. Lúc đầu chỉ có 10 gia đình tham gia, đến nay tăng lên 80 gia đình. Khi tham gia sinh hoạt, các thành viên có dịp chia sẻ, trao đổi bí quyết, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, chung tay phòng-chống bạo lực, giao lưu văn nghệ, tạo không khí đoàn kết, vui tươi. Câu lạc bộ không chỉ là nơi để các gia đình trang bị thêm những kiến thức bổ ích về giữ gìn hạnh phúc, nuôi dạy con cái, mà còn là địa chỉ để những cặp vợ chồng đang gặp buồn phiền, mâu thuẫn đến nhờ gỡ rối. Trước đây, nhiều cặp vợ chồng hay xích mích, nhiều khi người chồng không muốn cho vợ tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ nhưng từ khi tham gia CLB, các anh càng thêm hiểu và cảm thông với vợ nhiều hơn.
Chị Đào Thị Hoàn, Chủ nhiệm CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” cho hay: “Thông qua sinh hoạt CLB, các gia đình được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kỹ năng xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực, phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Mỗi gia đình hạnh phúc góp phần tăng tỷ lệ gia đình văn hóa, xây dựng làng hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.
Một nét đẹp văn hóa ở Làng Chè còn được thể hiện ở lệ ăn tất niên vào dịp cuối năm tại mỗi xóm ngõ. Người dân cùng ngồi lại với nhau, tự nguyện đóng góp kinh phí ăn bữa cơm, tình cảm họ hàng, xóm ngõ ngày càng thắt chặt hơn, mọi mâu thuẫn, xích mích đều “chín bỏ làm mười” để nhìn thấy nhau lại vui vẻ, đoàn kết, gắn bó. Người dân dù theo đạo Phật hay Công giáo nhưng ngày lễ Noel hay lễ hội của làng đều cùng nhau tổ chức, đóng góp kinh phí tu sửa nơi thờ tự làm điểm tựa tâm linh chung của mọi người.
Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Xây dựng và giữ vững danh hiệu làng văn hóa không chỉ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi cá nhân mà còn tô thắm thêm giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần tạo nguồn lực phát triển toàn diện cho xã hội. Chi bộ thôn trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề luôn đề cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là những cán bộ từng kinh qua công tác tại các cơ quan, đơn vị nay trở về quê hương. Ở làng Chè, 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, không có học sinh bỏ học. Nhiều gia đình, dù kinh tế còn ở mức khiêm tốn nhưng niềm hạnh phúc lớn hơn là có nhiều con đỗ Đại học và sau Đại học, khi ra trường có việc làm ổn định, không chỉ công tác tốt mà còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các phong trào của địa phương.
Yêu thương, tôn trọng, chia sẻ giữa các thế hệ trong một gia đình để từ đó lan tỏa ra không gian làng xã và toàn xã hội thực sự là “Chìa khóa vàng” để mỗi gia đình là một tổ ấm góp phần vun đắp giá trị gia đình, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hình thành nên giá trị quốc gia, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi người dân làng Chè đã và đang góp sức mình xây dựng quê hương thực sự là Làng hạnh phúc.
Đào Khoa
Ý kiến ()