Kỳ II: Kiên cường bám “trận địa” điều trị F0
Hàng trăm y bác sĩ đã không được trở về nhà suốt gần một tháng chống dịch vừa qua, dù có thể khoảng cách địa lý chỉ vẻn vẹn vài cây số. Họ phải cách ly với đồng nghiệp, tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng như các trường hợp nghi nhiễm. Với hơn 500 ca dương tính với SARS-CoV-2 tính đến thời điểm này, Bắc Ninh thực sự đang đối đầu với thách thức và khó khăn gấp bội những mùa dịch trước. Từ các khu điều trị F0, những “dũng sĩ” ngành Y đang ngày đêm chiến đấu, bảo vệ sức khoẻ cho bệnh nhân COVID-19, giành giật sự sống cho những người có diễn biến nhanh, nặng.
“Em chẳng nhớ hôm nay là thứ mấy!”
Khó khăn lắm điều dưỡng Ngô Thị Tuyến, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới có chút thời gian rảnh để trò chuyện với chúng tôi bởi chị và các đồng nghiệp thường xuyên quay cuồng với việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. So với những đợt dịch trước, cường độ công việc tại khoa Truyền nhiễm đợt này cao gấp nhiều lần. Đây hiện là một trong 2 bộ phận điều trị cho bệnh nhân F0 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi này thường xuyên thu dung từ 50-60 bệnh nhân COVID-19. Chị Tuyến là người có hoàn cảnh đặc biệt nhất khoa Truyền nhiễm, bình thường chỉ có hai mẹ con chị sống với nhau - “Sau khi nhận lệnh, em gọi luôn bố đẻ từ Bắc Giang xuống đón con gái về quê vì biết trận này phức tạp, chẳng biết bao giờ mới được về nhà”.
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, chị Tuyến cho biết: “Ngày nhiều nhất, khoa tiếp nhận 32 bệnh nhân F0, liền hôm sau đó thêm 22 bệnh nhân vào điều trị. Từ đó đến nay liên tục có từ 50-60 bệnh nhân lưu tại khoa. Một số bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh, không có bệnh nền, tuổi trung niên, vốn rất khoẻ mạnh cũng chuyển nặng, suy hô hấp rất nhanh, nhiều người phải thở oxy, thậm chí có người phải lọc máu liên tục cấp cứu. Cả ngày quay cuồng với công việc, em chẳng nhớ hôm nay là thứ mấy và là ngày thứ bao nhiêu có dịch nữa rồi chị ạ!”.
Do nhân lực mỏng, trong khi bệnh nhân thì đông nên nhiều khi nhân viên y tế vừa chăm sóc, theo dõi bệnh nhân này, vừa khuân vác đồ cho bệnh nhân khác mới nhập viện. “Có lần chạy đi chạy lại 3 tầng cầu thang mệt quá, trong khi phải “nhốt” mình trong bộ quần áo bảo hộ bí bách đến vắt ra mồ hôi, em thử đo nhịp tim thì nhảy lên tận 179, dễ hiểu vì sao đồng nghiệp của mình bị ngất vì kiệt sức” - chị Tuyến nói.

Hai mẹ con cùng là bệnh nhân F0, nhân viên y tế kiêm người nhà.
Khác với các bệnh nhân điều trị nội trú thông thường được kèm người nhà chăm sóc, bệnh nhân COVID-19 chỉ có một mình. Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có gần chục bệnh nhân trên 80, 90 tuổi, cụ cao tuổi nhất 94 tuổi, nhân viên y tế vừa điều trị vừa phải chăm sóc như người nhà. Các y bác sỹ cho biết có cụ bị lẫn, thi thoảng lại đi lung tung trong khoa, không chịu đeo khẩu trang, lúc tình trạng bệnh nặng phải thở oxy nhưng cứ giằng giật ống chụp, lúc truyền dịch thì giằng xé, cắt dây truyền; có cụ vệ sinh không tự chủ, nhân viên y tế phải dọn, rửa không khác gì con cháu trong nhà. “Bệnh nhân COVID-19 cần bổ sung dinh dưỡng nhưng có nhiều người không ăn được, những bệnh nhân già yếu, chúng em phải dỗ dành, bón cơm, cháo, sữa. Có những ca trực, bệnh nhân đông nhưng lại diễn biến nặng nên thời gian kéo dài, vào ca lúc 7 rưỡi sáng mà 1 giờ chiều mới được ăn cơm. Lúc đói nhìn cơm thèm thế, mà đến lúc ăn thì mệt không muốn nuốt” - những chiến sỹ áo trắng nơi đây cho biết.
Chẳng có kết quả nào cho cuộc bình bầu “Ai nhàn nhất” trong khu điều trị bệnh nhân F0 tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bởi đã vào các kíp điều trị thì không có ai rảnh rang. “Các bác sĩ thì thăm khám liên tục cho bệnh nhân vì nhiều ca nặng, chị điều dưỡng phụ trách bao quát toàn diện hoạt động của khoa, ngày nào cũng 10 giờ đêm mới kết thúc một ngày làm việc, còn chúng em luôn tay, luôn chân với những công việc không tên. Ở khoa em có một chị chồng là chiến sỹ Quân đội đi chống dịch, con gái lớn 9 tuổi là F1 đi cách ly tập trung, bé 6 tuổi ở nhà một mình. Nhà có 4 người thì mỗi người một nơi, nghĩ mà rớt nước mắt” - Tuyến chia sẻ.
Trái tim “Từ mẫu”
Ở những đợt dịch trước, dù luôn sẵn sàng nghênh đón mọi tình huống, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh không phải điều trị bệnh nhân F0 mà chỉ có một số trường hợp nghi nhiễm. Thế nhưng, ở đợt dịch phức tạp này, nơi đây tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm.
Cả hai vợ chồng cùng là bác sĩ và cùng tham gia chống dịch đợt này, bác sĩ CKII Phạm Thị Thanh Hương, Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh tâm sự: “Hai vợ chồng ở 2 bệnh viện cách nhau một con đường thôi mà gần hai chục ngày không được gặp nhau. Thi thoảng có thời gian rảnh thì gọi điện thoại cho nhau, mà lúc thì anh bận, lúc thì em bận, rồi sau thì mệt, quên, đâm ra có khi mấy ngày mới nói chuyện với nhau một lần”.
Khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi thường xuyên biến động bệnh nhân nhưng tại đây luôn có khoảng 50 bệnh nhân F0 và nghi nhiễm thuộc cả 2 đối tượng Sản và Nhi được theo dõi, điều trị. Bác sĩ Hương cho biết, các bệnh nhi đông hơn, chiếm phần lớn số ca mắc, trong đó có 2 cháu bé nhất chỉ 2 tháng tuổi và mẹ cũng là bệnh nhân F0. Hầu hết các ca mắc đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi từ ổ dịch xã Mão Điền (Thuận Thành) và trong số đó rất nhiều là chùm ca bệnh trong một gia đình.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số mắc vẫn tiếp tục tăng là áp lực chung đối với các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, ở Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, đối tượng điều trị là bệnh nhi có đặc thù riêng. “Độ tuổi phổ biến của bệnh nhi F0 là trên 2 tuổi, vì thế khó khăn nhất là việc thực hiện quy định đeo khẩu trang của các cháu, nhiều cháu phải đeo khẩu trang khó chịu quá lại giật ra” - bác sĩ Hương cho biết.

“Bé không sợ bác sĩ nữa đâu, bé quen rồi!”
Vì quá nhỏ, các cháu được kèm theo một người nhà đi kèm chăm sóc, một số trường hợp cả mẹ và con đều là F0: “Ở bệnh nhi F0, các biểu hiện bệnh không nặng nề như người lớn, có khoảng hơn một nửa các cháu điều trị tại đây không có triệu chứng gì, số còn lại ho, sốt, viêm đường hô hấp trên, nhưng vì là trẻ con, vẫn cần phải có sự chăm sóc của người nhà, trong khi một số cháu mẹ cũng là bệnh nhân, có biểu hiện nặng hơn, sốt cao, nhức mỏi người, rất mệt vẫn phải chăm sóc con, rất thương!”, “Có những gia đình cả nhà cùng là F0 nhưng vì thời gian mắc rồi đối tượng, mức độ bệnh khác nhau nên có khi nhà 4 người mà mỗi người điều trị một bệnh viện” - chị Hương gián đoạn câu chuyện bởi vẫn phải bao quát, điều hành công việc trong khoa qua camera và bộ đàm.
“Tại đây, có 4 trường hợp bệnh nhân F0 đang mang thai, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, cũng thương lắm! Có ca chửa ngoài tử cung phải mổ cấp cứu, có ca F0 lúc nhập viện đã ra huyết đen rồi, chúng tôi cố gắng giữ nhưng vẫn sảy thai”; “Trong khi đó, một số lại sang chấn tâm lý, hoang mang, stress khi biết mình từ F1 thành F0. Bận rộn với việc điều trị, nhưng chúng tôi bảo nhau lưu tâm hơn đến những trường hợp đặc biệt đó, động viên họ vượt lên khó khăn để chiến đấu, chiến thắng bệnh tật” - các y bác sĩ tâm sự.
Ngoài hệ thống camera và bộ đàm để theo dõi, điều hành công việc ở 3 tầng khu nhà truyền nhiễm, các y bác sĩ có thể giao tiếp với bệnh nhân qua nhiều kênh. Hằng ngày, việc thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân được duy trì, nhưng đối với bệnh nhi thì tần suất khám nhiều hơn, ngày nào ít nhất cũng 2-3 lần. Bác sĩ phụ trách khoa trăn trở “Do lần đầu tiên điều trị bệnh nhi F0 nên chúng tôi có nhiều áp lực và lo lắng bởi chưa có kinh nghiệm mà lại điều trị nhiều bệnh nhân một lúc. Chúng tôi thường xuyên tham vấn các bệnh viện chuyên nhi tuyến cuối, nhưng các bệnh viện đó cũng chưa bao giờ có nhiều bệnh nhi mắc COVID-19 như thế. Vì vậy, “vừa làm vừa dò”, chúng tôi thăm khám nhiều lần trong ngày, khám kỹ để nhận biết sớm những dấu hiệu chuyển nặng”.
Khi được hỏi về “hậu phương” của các y bác sĩ tham gia điều trị đợt này, bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương hăng hái: “Chúng tôi quyết tâm đã “ra trận” thì không rời bỏ vị trí! Mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng khi xác định theo đuổi ngành Y đồng nghĩa với việc phải chấp nhận hy sinh để cống hiến. Ngay đầu mùa dịch, tôi làm công tác tư tưởng với cán bộ, nhân viên y tế, dặn mọi người lúc nào cũng mang sẵn đồ đạc ở viện, chủ động thu xếp việc nhà. Bạn nào không “ăn vạ” được ông bà thì đành gửi con về quê để yên tâm chống dịch”.
Vĩ thanh
Khi tôi đang viết những dòng này cũng là lúc đón nhận tin vui 12 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 đã được chữa khỏi và xuất viện. Tia sáng ấy cũng là cơn gió mát lành thổi vào bầu không khí căng thẳng những ngày chống dịch đang diễn ra. Tin rằng, đó cũng là động lực để những người chiến sỹ áo trắng viết tiếp những câu chuyện xúc động mà đầy kiên cường trên mặt trận không tiếng súng - cuộc chiến cam go chống đại dịch COVID-19.
Phóng sự của Việt Hoa
Ý kiến ()