Thu vàng trong trái thị. Thu thơm trong hương cốm. Thu chín trong sắc hoa. Thu ngọt trong sắc nắng sóng sánh như mật. Thu tan trong những cơn mưa chợt đến, chợt đi... Và, thu quyến luyến, dùng dằng trong câu dân ca ngọt lịm, thiết tha nơi miền Kinh Bắc mến thương. Quan họ mùa thu có thể không náo nức, dập dìu và miên man như mùa lễ hội Giêng Hai, nhưng quyện trong tiết thu dịu dàng, thanh khiết, câu Quan họ lại lấp lánh một vẻ đẹp nồng nàn da diết và thổn thức đến nao lòng...
"Em có về miền quê câu hát..."
Thỏa nỗi nhớ mong, 20h ngày 1-9, người dân Bắc Ninh cùng du khách gần xa lại được thong dong dạo bước quanh khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) và bồng bềnh lãng du trong không gian âm nhạc đầy xao xuyến quyến quyện với hương vị nghĩa tình, thảo thơm của đất trời mùa thu miền Quan họ dịu dàng, vương vấn...
Qua giọng hát điêu luyện, lối biểu diễn duyên dáng chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, công chúng sẽ được đắm mình vào những giai điệu quê hương sâu lắng, trữ tình như: Sương giăng bến nước, Năm tháng mong chờ, Tôi là con trai Bắc Ninh, Nhất ngon là mía Lam Điền, Chim khôn đỗ nóc nhà quan, Tưởng đến gần xa, Nhớ mãi khôn nguôi... Để quảng bá và lan tỏa sâu rộng tới công chúng muôn phương, chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền tối 1-9 sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh, kết thúc có bắn pháo bông nghệ thuật.

20h tối 1-9, chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) với chủ đề "Giai điệu quê hương".
Trở lại cố hương sau gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, một chiều thu tháng Tám, anh Dương Đại Nguyên, 40 tuổi ở Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) đã gác lại công việc bộn bề đến thưởng thức chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền. Anh Nguyên chia sẻ: Trước khi xa quê hương, hầu như tôi rất hiếm khi chủ động nghe Quan họ. Nhưng sau gần 10 năm bươn trải mưu sinh nơi đất khách quê người, mỗi lần Tết đến Xuân về, tôi rất nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Mỗi lúc chạnh lòng nhớ cố hương, tôi lại mở nghe câu hát của các liền anh, liền chị, nhiều khi vừa làm việc vừa đeo tai nghe cho vơi thỏa nỗi nhớ niềm thương về nơi "chôn rau cắt rốn"... Câu hát quê hương thấm ngấm dần trong tôi như thế cho đến khi trở lại quê nhà thì Quan họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Hồn quê hương thấm lặn vào trong câu hát, nâng bước mỗi người vượt qua lúc chông chênh, làm vơi vợi niềm khắc khoải, nhớ thương thao thiết... Không biết đã có bao người con xa xứ vin vào câu hát quê hương để thấy lòng mình vẫn neo đậu bến sông Cầu lơ thơ nước chảy. Cũng đâu biết có bao nhiêu người con Bắc Ninh-Kinh Bắc nương nhờ câu Quan họ nghĩa tình mà sống, mà trưởng thành. Song có một điểm chung nổi bật ở miền quê này, từ những em bé lên ba lên bốn đến các nghệ nhân tuổi trên dưới 50, thậm chí là những lão nghệ nhân chạm ngưỡng 100 tuổi lưng còng, mắt mờ, tay yếu, chân run vẫn chung niềm say mê hiếm có đối với tiếng hát quê hương. Rất nhiều người thiên hạ đến Bắc Ninh đã không thể hiểu được, tại sao người dân nơi đây có một tình yêu mãnh liệt với Dân ca Quan họ đến thế!?
Tự hào giai điệu quê hương
Quan họ là một sinh hoạt tinh thần đặc sắc của người dân vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh, có sự chọn lọc kỹ càng về ngôn từ, được trau chuốt công phu về nghệ thuật, có kỷ luật chặt chẽ về lề lối sinh hoạt bình đẳng. Lối chơi Quan họ đã trở thành điều kiện mà ở đó mỗi tiếng hát cất lên khiến người ta yêu hơn quê hương mình mà hăng say lao động, trân quý con người hơn mà đoàn kết, gắn bó cùng nhau. Bởi thế, Dân ca Quan họ Bắc Ninh chẳng những được công chúng muôn phương yêu thích, mến mộ mà còn rất được coi trọng, có một giá trị cao trong đời sống không chỉ ở vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc mà với cả nhân loại.

Chất trữ tình đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã lôi cuốn bao người sành âm nhạc trong nước và quốc tế.
Nội dung các bài Quan họ phản ánh phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Bắc Ninh. Ngoài thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần hiếu học, cần cù trong lao động và khát vọng về cuộc sống ấm no, hòa bình, hạnh phúc, Quan họ còn là một bản tình ca vô cùng thắm thiết mà ở đó tình yêu đôi lứa là đề tài chủ yếu. Theo nghiên cứu của Đặng Văn Lung: Thống kê hơn 500 bài Dân ca Quan họ đã thu thập được những con số đáng chú ý như: 63 bài có chữ thuyền (hoặc đò), 55 bài chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều, 47 bài nói đến đèn sách học hành, 24 bài có chữ cá, chữ chim, 21 bài có chữ bướm, chữ hoa... Hầu hết các bài Quan họ đề cập đến tình cảm đôi lứa và 65% trong số đó là nói về tình yêu không thành.
Chất trữ tình đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã lôi cuốn bao người sành âm nhạc Việt Nam và nước ngoài. Ngôn ngữ Quan họ là sự hội tụ tuyệt vời của ngôn ngữ thơ ca và nhạc hoạ trong những cung bậc tình cảm giao hoà giữa nam và nữ, giữa con người với con người, con người với thiên nhiên vạn vật và thần linh... thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh, thuỷ chung như nhất.
Theo kế hoạch, cùng với chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền sẽ có các hoạt động hưởng ứng khác diễn ra trong hai ngày 1-9 và 2- 9 gồm: Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về bảo vệ môi trường" tại Công viên Nguyên Phi Ỷ Lan; trưng bày ảnh "Vẻ đẹp miền Quan họ" tại khu vực Bảo tàng tỉnh; trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm làng nghề truyền thống của Bắc Ninh; giới thiệu tour, tuyến, điểm du lịch và quảng bá sản phẩm OCOP; mở cửa phòng đọc Thư viện tỉnh; biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư tại khuôn viên Thư viện tỉnh; trình diễn nghi lễ kéo co làng Hữu Chấp tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ; giao lưu âm nhạc đường phố, nhảy dân vũ, các trò chơi dân gian... Các hoạt động được tổ chức thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng tới bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh quê hương Bắc Ninh thân thiện, mến khách; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, du lịch của nhân dân; đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương; nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. |
Lời ca Quan họ không phải lối văn mộc mạc, thô sơ như phần nhiều các loại hình dân ca khác mà óng ả, chải chuốt, lai láng mặn mà, diễm lệ và tao nhã. Mỗi câu hát đều được chắt chiu sàng lọc kỹ lưỡng, vừa có sức gợi cảm như ca dao, vừa có sức rung ngân như thơ Kiều: "Sầu đong càng lắc càng đầy/Một ngày đằng đẵng coi tầy ba thu", rồi "Người về tựa chốn loan phòng/Tôi về tựa ngọn đèn chong canh chầy", hoặc "Trót nhời gắn bó một hai/Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông", hay "Chén son để cạnh mạn thuyền/ Chén son chưa cạn, lời nguyền chưa phai"...
Qua đằng đẵng tháng năm, Dân ca Quan họ trở thành món ăn tinh thần thiết yếu của người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc, là sợi nhớ, sợi thương của những người con xa xứ, và là niềm ngưỡng mộ, khát khao, xao xuyến của du khách gần xa. Với lòng tự hào về vốn quý của quê hương, các thế hệ người dân Bắc Ninh luôn ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận lực dốc sức bảo tồn, gìn giữ, làm cho di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày một xanh thêm ngọn, nở thêm cành.
Thanh Lâm
Ý kiến ()