KỲ II: Trận đánh ngoài dự kiến

Sau 3 ngày huấn luyện bổ sung cho bộ đội, kế hoạch hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị cũng đã xong. Căn cứ vào phương châm chỉ đạo tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo bất ngờ, chắc thắng” và căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ được giao, chiều 26-4, chúng tôi được lệnh cơ động. Sau khoảng hai tiếng lầm lũi đi, chúng tôi đến bờ sông Bé, cho bộ đội nghỉ giải lao khoảng 15 phút, tôi lệnh cho các đại đội vượt sông, rồi tự mình ôm bọc quân trang vượt lên trước, do được huấn luyện kỹ nên cuộc vượt qua sông Bé nhẹ nhàng và trật tự, chúng tôi tiếp tục đi, gần sáng thì đến nơi trú quân.
16 giờ 30 phút ngày 27-4, một tràng tiếng nổ bỗng vang lên, tôi đoán đây là hỏa lực chuẩn bị cho trận đánh “bóc vỏ” vòng ngoài, trận địa pháo binh của Quân đoàn không ở xa đây lắm nên tôi nghe thấy cả tiếng nổ đầu nòng pháo, ngay sau đó chúng tôi có lệnh cơ động đến khu vực sình Bà Đá để chờ xe tăng và ô tô. Sáng sớm ngày 28-4, Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng cho gọi tôi lên nhận nhiệm vụ, tăng cường cho tiểu đoàn tôi 1 Đại đội tăng, Đại đội trưởng là Nguyễn Đức Tề người quen hồi tham gia cùng diễn tập ở Nho Quan. Hai chúng tôi bắt chặt tay nhau và hợp đồng tác chiến. Trước khi xuất phát chúng tôi được tăng cường thêm 3 chiếc xe tăng phối hợp và người dẫn đường, Đại đội trưởng tên là Phát, qua trao đổi tôi biết anh là đồng hương, quê Từ Sơn, Bắc Ninh.
0 giờ ngày 29-4-1975, “có lệnh xuất kích”, tôi phát lệnh: “Tất cả lên xe!” Kiểm tra đội hình xong, tôi lên xe tăng của Phát. Đúng 2 giờ sáng chúng tôi nhận lệnh “xuất phát”. Ngay lập tức, tất cả các xe cùng nổ máy, cả khu rừng đang yên tĩnh như rùng rùng chuyển động. Ra khỏi khu rừng, chúng tôi bắt vào con đường mang tên Trần Lệ Xuân, hơn một tiếng sau, chúng tôi gặp đường 16. Dọc đường từ sân bay Ông Lình trở đi còn khá nhiều mìn chống bộ binh do địch gài, khi xe tăng đè lên chúng nổ như ngô rang, Phát nói với tôi, mìn chống bộ binh chỉ như gãi ghẻ thôi, không ăn thua gì với xích T54 này, chỉ lo mìn chống tăng thôi anh ạ. Tới dốc Bà Nghĩa, bỗng những chớp lửa lóe lên từ phía lô cốt thấp tè bên đường và những ngôi nhà xung quanh, những tiếng nổ dội lên. Một loạt đạn cày trước mũi xe, theo phản xạ tôi hơi cúi xuống và hô: Có địch ngăn chặn! tăng dùng hỏa lực. Đại đội trưởng Phát lệnh cho xe giảm tốc độ và hai xe sau dàn thành đội hình dích- zắc phát hỏa lực. “Oành”! Một chớp lửa mầu da cam nháng lên ở đầu nòng súng, cùng với nó là một làn sóng nóng rát mặt thổi về, chiếc xe đang chạy chầm chậm khựng lại, giật nẩy lên một cái làm mấy chiến sĩ ngồi phía sau suýt rơi xuống đất. Hai xe bên cũng bắn về phía đó, bọn địch bỏ chạy toán loạn, khẩu đại liên bên tháp pháo tuôn một dòng đạn xối xả về hướng chúng, khẩu 12 ly 7 cũng quay về mục tiêu nhả đạn, tiếng đập vào khóa nòng “choác…choác” điếc cả tai mặc dù đã có mũ công tác.
Từ dốc Bà Nghĩa trở đi, con đường 16 được trải nhựa, mặt đường rộng rãi khá tốt, trời lại gần sáng nên tốc độ cơ động nhanh hơn hẳn. Mới chạy được một đoạn, từng loạt đạn từ phía trước bắn dữ dội vào đội hình. Tôi nhắc các chiến sĩ nép mình vào sau tháp pháo tránh đạn, đồng thời cúi thấp người xuống sau nắp cửa Trưởng xe và dùng ống nhòm quan sát. Lực lượng địch ở đây khá mạnh, có hệ thống công sự vật cản vững chắc, có lẽ đây chính là khu quân sự Tân Uyên, nếu đúng thì lực lượng địch có khoảng một tiểu đoàn. Thực sự, đây là tình huống ngoài dự kiến đối với đội hình mũi thọc sâu. Nhưng dù trong dự kiến hay ngoài dự kiến thì chỉ còn cách tiêu diệt chúng để mở đường mà đi. Tôi quyết định dùng hỏa lực chế áp địch, sau đó báo cáo trung đoàn tổ chức tấn công cho thống nhất. Đạn các loại từ trong chi khu bắn ra như vãi trấu, chiếc xe tăng của Nguyễn Đức Tề cách sau xe tôi vài chục mét bỗng bùng cháy, có lẽ bị bị trúng đạn pháo hay tên lửa chống tăng của địch, mấy chiến sĩ ngồi sau tháp pháo bị thương đang giúp nhau xuống xe. Tôi quyết định lệnh cho Trung đội 1 của Đại đội 2 phối hợp với 3 xe tăng T54 đánh thẳng vào cổng chính; Trung đội 2 phối hợp với xe tăng K63-85 tiến công bên sườn trái; Trung đội 3 tiến công bên sườn phải; Đại đội 1 và Đại đội 3 sẵn sàng tiếp ứng; trong khi chờ hỏa lực các đơn vị áp sát mục tiêu. Tôi vừa rứt lời thì hàng loạt chớp lửa bùng lên trong cứ điểm, đặc biệt những chùm đạn sáng của cao xạ 37mm hạ nòng bắn vào cứ điểm cứ chiu chíu như những đàn chim lửa, khi chạm vào mục tiêu đầu đan nổ tung ra những chùm hoa lửa như hoa cà, hoa cải. Tôi bảo Phát, anh cho xe tiến thêm một đoạn nữa dùng pháo tham gia hỏa lực. Chiếc T54 lừ lừ tiến về phía trước, thỉnh thoảng từ miệng nòng pháo chớp lửa lại nháng lên. Bên sườn trái và sườn phải cũng đang áp sát mục tiêu. Sức công phá của hàng chục khẩu pháo mặt đất, gần chục khẩu pháo trên xe tăng và mấy khẩu cao xạ hai nòng thật khủng khiếp.
Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng lệnh cho tôi qua bộ đàm, giọng anh dứt khoát: “Pháo đã chuyển làn. Bắt đầu tấn công”.
“Rõ”. Tôi trả lời và nhổm hẳn người lên cửa trưởng xe, vừa vẫy tay về phía trước, vừa hô: Xung phong. Chiếc xe giật mạnh rồi lao đi, mìn ở dưới hai băng xích nổ như pháo Tết. Hai cánh cổng đã bị đạn pháo bắn tung, nhưng ngay trước cổng là mấy hàng rào dây thép gai bùng nhùng và mấy chục cái “cự mã” chắn đường bằng sắt sơn từng khoanh trắng đỏ dăng ngang đường. Chiếc xe vẫn không hề giảm tốc độ lao thẳng vào đống hỗn độn đó. Tất cả các xe tăng đã vào bên trong cứ điểm và tách ra thành đội hình hàng ngang. Các nòng pháo liên tục khạc lửa. Mấy cái tháp canh cái thì tung lên, cái thì đổ sập. Hỏa lực của địch bắn trả vẫn vô cùng dữ dội nhưng dường như bất lực trước mấy khối thép lì lợm này. Các chiến sĩ bộ binh cũng tích cực góp lửa, bọn địch lùi dần về phía sau. Chúng tôi tiến sát Trung tâm chỉ huy, bọn địch chạy toán loạn như ong vỡ tổ, nhưng một số tên vẫn ngoan cố len lỏi giữa các khu nhà, tôi lệnh cho bộ binh xuống truy quét. Vừa nhổm người lên vẫy tay ra hiệu cho các xe bên cạnh cho bộ binh xuống xe thì một chớp lửa bỗng nháng lên ngay khẩu 12 ly 7 của địch ở bên phải, tôi bỗng thấy đau nhói bên sườn rồi gục xuống nắp cửa trưởng xe và không biết gì nữa. Sau này, nghe anh em kể lại, trận này ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 316 là một đơn vị nổi tiếng thiện chiến của địch, bắt tên tiểu đoàn trưởng cùng hàng trăm binh sĩ, đồng thời xóa sổ Chi khu quân sự Tân Uyên-một chướng ngại vật trên con đường tiến về Sài Gòn của quân đoàn.
Tôi tỉnh lại lùng nhùng trong mớ băng cuốn quanh thân người và cánh tay phải. Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng xuất hiện, tay anh vỗ nhẹ lên vai tôi như xoa dịu-Cậu tỉnh thế này là tốt rồi.
- Tôi chỉ bị nhẹ thôi. Xe tôi đâu rồi? Trung đoàn trưởng cười nhẹ: Ừ, nhẹ thôi. Nhưng cậu phải điều trị đã, tớ đã cử người thay thế cậu và anh em đã tiếp tục đi rồi.
- Anh cho tôi đi cùng xe anh vậy! Trung đoàn trưởng liếc nhìn đồng hồ, xoa nhẹ vai tôi lần nữa: Cứ ở lại điều trị, bây giờ tớ phải đi đây. Giọng anh dứt khoát và rút tay khỏi vai tôi rồi vẫy vẫy-Tạm biệt nhé! Hẹn gặp lại tại Sài Gòn.
Tôi thấy thất vọng trong lòng, chả nhẽ vào đến đây rồi mà lại không được tham gia trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn, tự dưng tôi ứa nước mắt. Cậu quân y còn rất trẻ biết tâm trạng của tôi liền nhẹ nhàng nói: Anh không chủ quan được đâu, vết thương của anh mất rất nhiều máu, chậm tý nữa là đi đấy.
Quá trưa, ngày 30-4, không còn những tiếng súng nổ lớn vọng về nữa, cái cứ tạm thời của đội điều trị vốn yên tĩnh bỗng vang lên tiếng thét của ai đó: “Ta thắng rồi. Các đồng chí ơi! Ta thắng rồi”. Tất cả chúng tôi nhổm cả dậy. Cậu y tá lao vào như một cơn lốc: Ta thắng rồi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi, đài Sài Gòn vừa phát Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Tôi ngồi lặng đi tận hưởng niềm vui sướng, vậy là cuộc chiến lâu dài và gian khổ giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc đã đến hồi kết thúc. Để đi đến giờ phút này, biết bao xương máu đã phải đổ ra. Thắng lợi này vĩ đại biết bao! Tôi tự hào là mình cũng đã góp một chút nho nhỏ vào sự nghiệp đó. Chỉ hơi tiếc, trên con đường trường chinh đó mình lại “ngã ngựa” ở những cây số cuối cùng. Nhưng không sao cả! Đó là chuyện của cá nhân tôi. Còn cái lớn nhất đối với tất cả dân tộc là nước nhà đã thống nhất, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã được vãn hồi trên dải đất thân yêu hình chữ S này.
Trường Sinh (Ghi theo lời kể của Anh hùng LLVTND Nguyễn Như Hoạt)
Ý kiến ()