Những ngày này, trên quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, trọng nghĩa tình đang rộn ràng, vang ngân những khúc hát, bài ca của công nhân, người lao động cả nước trong khuôn khổ hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động toàn quốc năm 2022”.

Một tiết mục của Nhà hát Dân ca Quan họ chào mừng Hội diễn.
Với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công thuộc 26 đoàn nghệ thuật quần chúng đại diện cho đội ngũ công nhân, lao động đến từ 24 tỉnh, thành phố, Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022” đã được khai mạc vào tối ngày 6-7 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh). Các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đào Hồng Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức hội diễn địa phương cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến dự và tặng hoa chúc mừng, động viên các đoàn nghệ thuật.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022” cũng là minh chứng sống động cho việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người lao động. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức công đoàn, của các doanh nghiệp để xây dựng đội ngũ công nhân, người lao động có nếp sống văn hóa lành mạnh, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa những định hướng về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong quá trình kháng chiến kiến quốc cũng như quá trình tái thiết, dựng xây đất nước, hình ảnh của những người công nhân kiên cường trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động sản xuất đã đi vào thi ca, âm nhạc những bản tình ca bất hủ. Tiếng hát của người công nhân, người lao động đã đi vào lịch sử phong trào văn hóa nghệ thuật quần chúng, tạo tiền đề vững chắc cho nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ những vườn ươm đó, nhiều anh chị em công nhân, người lao động đã trở thành những nghệ sĩ tài năng, những người quản lý nghệ thuật tên tuổi.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng các đoàn nghệ thuật quần chúng tham dự hội diễn.
Để tiếp nối mạch nguồn truyền thống và phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của công nhân Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội diễn Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022 với quy mô toàn quốc. Đây là hoạt động thiết thực thể hiện quyết tâm chính trị của toàn ngành Văn hóa thực hiện nghiệm vụ “chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 - 9-7-2022 ); hướng tới chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929- 28-7-2022 ).
Phát biểu chào mừng các đoàn nghệ thuật quần chúng về tham dự hội diễn được tổ chức trên quê hương Quan họ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động toàn quốc năm 2022” là dịp để công nhân, người lao động cả nước được giao giao lưu, gặp gỡ; tạo môi trường đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đội ngũ công nhân, người lao động, qua đó tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền trên dải đất Việt Nam mến yêu của chúng ta; đồng thời đây cũng là cơ hội để quảng bá du lịch, văn hóa của các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh.
Theo kế hoạch, ngày 8-7, các đoàn tiếp tục dự thi tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chương trình cụ thể: Sáng (từ 8h30): Đoàn NTQC Liên đoàn công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Đoàn NTQC tỉnh Lâm Đồng; Đoàn NTQC tỉnh Lạng Sơn; Đoàn NTQC tỉnh Ninh Bình. Chiều (từ 14h00): Đoàn NTQC tỉnh Phú Thọ; Đoàn NTQC TP. Hải Phòng; Đoàn NTQC tỉnh Bình Dương; Đoàn NTQC tỉnh Thái Nguyên. Tối (từ 20h00): Đoàn NTQC tỉnh Hòa Bình; Đoàn NTQC tỉnh Thanh Hóa; Đoàn NTQC tỉnh Yên Bái; Đoàn NTQC tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, vào lúc 19h30 sẽ có 2 chương trình lưu diễn phục vụ nhân dân tại thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong. Lễ bế mạc và trao giải hội diễn vào lúc 20h ngày 9-7 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh). |
Hầu hết đơn vị đều có sự đầu tư biên đạo, dàn dựng chương trình nghệ thuật hoành tráng, công phu, mang đến không khí rộn ràng, tưng bừng, rực rỡ, đa thanh đa sắc. 26 đoàn nghệ thuật tham gia hội diễn là 26 màu sắc với chủ đề riêng, đơn vị nào cũng mong muốn giới thiệu, phô khoe vẻ đẹp văn hóa, con người, thế mạnh, tiềm năng du lịch vùng đất quê hương mình.
Chia sẻ bên lề hội diễn, ông Lê Hoàng Ái Nam, Trưởng đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chương trình nghệ thuật của Đồng Tháp mang chủ đề “Có một nơi như thế” để nói lên những nét đặc sắc về con người, cảnh vật, vùng đất Sen Hồng mến khách, nghĩa tình. Chúng tôi còn muốn kể với mọi người về những giá trị truyền thống văn hóa, tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của đất Sen Hồng, đặc biệt là đức tính hào sảng, cần cù, năng động, sáng tạo của người dân Đồng Tháp trên hành trình hội nhập và phát triển.

Màn múa “Mùa hái quả” của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk.
Trong khi Đồng Tháp mang đến hội diễn sắc hương ngan ngát của đất Sen Hồng thì đoàn nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk lại mang cái nắng, cái gió đầy rạo rực của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên với những vũ điệu rộn ràng “Mùa hái quả” quện trong dòng chảy tiếng đàn Tơ-rưng, với “Vòng tay Đam San”, “Cánh chim báo tin vui”, “Về nghe gió kể”... Chị Trương Thị Ánh, Trưởng đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Từ mảnh đất cao nguyên hùng vĩ, đoàn nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk rất vui mừng được mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên về với mảnh đất Bắc Ninh - nơi có những làn điệu Dân ca Quan họ trữ tình, đằm thắm, nghĩa tình. Với chủ đề “Yêu sao Đắk Lắk hôm nay”, chúng tôi muốn gửi đến công chúng những tinh hoa đại ngàn với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong những tiếng cồng chiêng ấy, biết bao câu chuyện sử thi đã được kể lại, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chương trình nghệ thuật còn như một lời mời bạn muôn phương về với Đắk Lắk quê tôi để chìm đắm trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng đêm hội, thưởng thức hương vị cafe đậm đà và cảm nhận sự đổi thay về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội...
Bằng những vũ điệu, lời ca, tiếng đàn ngân vang, hội diễn “Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022” không chỉ khắc họa vẻ đẹp tâm hồn, tầm vóc, trí tuệ người Việt Nam, mà còn cho thấy tinh thần làm việc hăng say, phấn chấn của con người trong lao động sản xuất với niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp. Ngày nối ngày, họ vẫn đang miệt mài, cần mẫn, âm thầm cống hiến sức mình để làm đẹp thêm cho cuộc sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhanh của nhóm PV VH-XH
Ý kiến ()