Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố dịch virus Corona là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố dịch do virus Corona tại Việt Nam. Để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình dịch bệnh và có biện pháp phòng, chống hiệu quả, Báo Bắc Ninh phỏng vấn TTƯT, Bác sĩ CKII Tô Thị Mai Hoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh về một số thông tin liên quan.
Phóng viên: Với vai trò là cơ quan Thường trực và chịu trách nhiệm về chuyên môn, xin bà cho biết những hành động cụ thể của ngành Y tế Bắc Ninh trong chủ động ứng phó với dịch bệnh?
TTƯT, BSCKII Tô Thị Mai Hoa: Với tinh thần quyết liệt, chủ động và sẵn sàng ứng phó với dịch, Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống nCoV sát với diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam. Trước và trong Tết Nguyên đán ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị trong ngành. Ngày 30-1-2020, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống nCoV, phối hợp với công an địa phương lập theo dõi tình trạng sức khỏe những người Trung Quốc trở lại Bắc Ninh làm việc sau kỳ nghỉ Tết; đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh bình ổn giá thuốc, khẩu trang y tế; tăng cường giám sát phát hiện những ca nghi mắc đầu tiên; thực hiện phương châm 4 tại chỗ, xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Trước Tết Nguyên đán, thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch do các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch nCoV tại các đơn vị ngành y tế cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phóng viên: Trường hợp xảy ra dịch và có sự lây lan trong cộng đồng, ngành Y tế có sự chuẩn bị gì để kiểm soát tốt tình hình, thưa bà?
TTƯT, BSCKII Tô Thị Mai Hoa: Bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị thành lập đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch nCoV, sẵn sàng đáp ứng, tham mưu và tìm giải pháp hạn chế dịch lan rộng. Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các đơn vị dự trù vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch và điều trị theo nhiều tình huống.
Bên cạnh việc lập kế hoạch đáp ứng với các tình huống khác nhau từ chưa có ca bệnh, đến khi có nhiều ca bệnh và lây lan trong cộng đồng, Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt các khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp đón điều trị người bệnh tại các cơ sở y tế, hạn chế tối đa lây nhiễm trong bệnh viện và trên đường vận chuyển người bệnh khi chuyển tuyến.
Giám sát công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ.
Các đơn vị trong ngành đều xây dựng kế hoạch phòng, chống nCoV tại đơn vị, phân công nhiệm vụ cho các khoa, phòng, bộ phận triển khai thực hiện. Thành lập các đội đáp ứng nhanh, đội phòng chống dịch cơ động, phân công nhiệm vụ trực phòng, chống dịch. Tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh; phân luồng và bố trí khám riêng đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính.
Chủ động xây dựng phương án tiếp nhận, phân loại, cách ly, điều trị người bệnh; bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh nCov tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Phổi và các Trung tâm Y tế tuyến huyện. Thực hiện cách ly người bệnh nghi mắc tại chỗ (nếu có). Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát phát hiện; chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường giám sát dịch tễ đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, các trường hợp đi đến từ vùng có dịch nhằm phát hiện sớm các ca nghi mắc đầu tiên.
Phóng viên: Khi có thông tin nghi ngờ có người nhiễm nCoV hoặc những thắc mắc, lo lắng của người dân về việc phòng ngừa dịch bệnh thì người dân có thể liên lạc với cơ quan chuyên môn địa phương qua kênh nào, thưa bà?
TTƯT, BSCKII Tô Thị Mai Hoa: Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp số điện thoại đường dây nóng của từng TTYT, phổ biến tới tận các Trạm Y tế và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận dễ dàng nhất, công bố trên các website của tất cả các đơn vị. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế, Bộ Y tế qua các phương tiện truyền thông, website của Sở Y tế để người dân và các doanh nghiệp trong các KCN nắm được, qua đó có thể báo cáo trực tiếp các trường hợp bệnh nghi ngờ và nghe tư vấn về các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Người dân trong tỉnh khi có thắc mắc có thể gọi điện đến đường dây nóng Sở Y tế Bắc Ninh 0965 41 19 19 để được giải đáp.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật công bố danh sách và địa chỉ các cơ sở có khả năng thu dung và điều trị nCoV trên các website hành chính công của tỉnh và website của Bộ Y tế.
Phóng viên: Theo bà, những biện pháp phòng, chống dịch cần tiếp tục triển khai trong tình hình hiện nay?
TTƯT, BSCKII Tô Thị Mai Hoa: Phòng, chống dịch bệnh không thể chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các sở, ban ngành trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là vai trò của Công an tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh... trong quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe đối với người Trung Quốc nhập cảnh vào Bắc Ninh. Thời gian tới, để hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch một cách thường xuyên và rộng rãi trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh và hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn tránh tình trạng hoang mang, lo lắng quá mức, không chủ quan với dịch bệnh. Chú trọng tuyên truyền các biện pháp phòng, chống nCoV trong các doanh nghiệp có người Trung Quốc làm việc, trong các lễ hội, trong trường học và cho người nhà người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tờ rơi truyền thông phải đến tận tay học sinh, người dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chủ động giám sát, theo dõi sớm những người đi đến từ vùng có dịch, người có tiếp xúc gần với các trường hợp mắc và nghi mắc bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc để chủ động cách ly, theo dõi hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Hướng dẫn người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh do nCoV và người về từ vùng dịch chủ động cách ly tại nơi cư trú để phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng; chủ động liên hệ cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe đối với tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Cập nhật, tổng hợp báo cáo thông tin tình trạng sức khỏe của các trường hợp phải theo dõi hàng ngày. Tiếp tục thực hiện phân loại người bệnh ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh; phân luồng và bố trí khám riêng đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính; tuân thủ nguyên tắc cách ly triệt để người nghi ngờ mắc bệnh, thực hiện nghiêm chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Sẵn sàng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly, thu dung điều trị với các tình huống dịch bệnh xảy ra; thực hiện phương châm 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ).
Một yếu tố có vai trò quan trọng nữa là thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn!
Việt Hoa (thực hiện)
Ý kiến ()