Một mùa xuân mới lại về trên mọi miền đất nước, đem đến nhiều niềm vui và hy vọng. Ở làng Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong) - nơi vừa trải qua cuộc “đại phẫu” về xử lý ô nhiễm môi trường, sắc xuân lan tỏa trên từng nếp nhà, đường làng ngõ xóm. Cảnh vật hồi sinh, tâm hồn người dân bỗng phấn chấn đến lạ.
Văn Môn ngày mới.
Sức sống mới sau cuộc “đại phẫu”
Trở lại Văn Môn những ngày sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi cảm nhận rõ diện mạo tươi sáng hơn từ những hàng cờ hoa rực rỡ trang hoàng ở khắp không gian làng nghề. Không còn cảnh ùn tắc bởi những chuyến xe hàng cỡ lớn, không còn những cột khói đen kịt nghi ngút toả ra bầu không khí, trẻ con ung dung đạp xe trên đường, các bà, các chị vô tư cười nói ở trước hiên nhà. Những hình ảnh ấy tưởng bình dị, nhưng thật đáng trân quý biết bao.
Ngắm cây đào đang bung nở sắc thắm ở ngôi nhà nằm ngay trên trục đường chính vào thôn Mẫn Xá, ông Nguyễn Văn Huyên, người dân thôn Bình An (xã Đông Thọ), giáp ranh với làng nghề Mẫn Xá chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi, gia đình tôi mới được đón Xuân trong lành như vậy. Họ hàng đi chúc Tết mà không phải vừa đeo khẩu trang vừa bắt tay nhau như trước. Bao năm nay, nhiều hộ dân ở Mẫn Xá giàu lên nhờ nghề cô đúc nhôm, nhưng cũng chính nghề này làm khổ cuộc sống của chính họ và các hộ dân lân cận. Chúng tôi rất phấn khởi khi chủ trương của nhà nước được thực hiện nghiêm minh, trả lại cuộc sống an toàn, yên tâm về sức khoẻ hơn cho người dân”.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành chức năng, tới nay, 100% các cơ sở cô đúc, tái chế kim loại trong khu dân cư tại làng nghề Mẫn Xá đã dừng sản xuất. Trong đó 207 cơ sở tự nguyện tháo dỡ, 382 lò và 327 ống khói được phá bỏ. Cụm Công nghiệp làng nghề Mẫn Xá do chưa đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường, phòng cháy chữa cháy cũng đang tạm dừng hoạt động để phục vụ việc khắc phục. Cũng từ đây, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn không còn bủa vây đời sống của người dân đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho chính các cơ sở sản xuất.
Gặp ông Mẫn Văn Mùi, thôn Mẫn Xá - một trong những hộ tiên phong thực hiện việc di dời, chúng tôi thấy rõ hơn ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề thực sự đã được nâng lên. “Trước đây, gia đình tôi có cơ sở sản xuất hơn 200m2 chuyên làm cô đúc, tái chế nhôm ở ngay giữa làng nghề. Từ ngày 25-11, sau khi được tuyên truyền, vận động và thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện, chúng tôi đã phá dỡ lò đốt, dừng sản xuất. Đồng thời, khẩn trương tìm địa điểm sản xuất mới và may mắn thuê được mặt bằng rộng khoảng 600m2 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ở cơ sở mới này, chúng tôi đầu tư dây chuyền hiện đại, thiết kế lại toàn bộ hệ thống xử lý chất thải, khí thải, nước thải, đáp ứng các điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường theo yêu cầu của nơi sở tại. Sau 15 năm sản xuất trong làng, xa quê hương là điều không ai mong muốn, nhưng vì sự cuộc sống bình yên chung của mọi người dân, chúng tôi quyết tâm gây dựng lại cơ sở sản xuất theo hướng bền vững”- ông Mùi chia sẻ.
Đứng trước khu vực sản xuất đã được phá dỡ, ông Mẫn Văn Tuyên, một hộ có hơn 60 năm làm nghề cô đúc nhôm bày tỏ: “Việc tiếp cận các địa điểm mới gặp rất nhiều khó khăn, đi kèm với đó là những hạn chế về dịch vụ liên quan như vận chuyển, nguyên liệu... vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm giới thiệu địa điểm sản xuất, giao dịch tập trung; đôn đốc chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá sớm thực hiện các nội dung đáp ứng điều kiện cho phép hoạt động, các cơ sở trong cụm tiếp tục được sản xuất. Ngoài ra, việc đầu tư di dời khá lớn, dự kiến hàng tỷ đồng nên mong tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính cho người dân, nhất là với khoảng 90% các hộ làm trực tiếp và dịch vụ liên quan đến nghề cô đúc nhôm. Người dân hy vọng sớm được tạo điều kiện về chuyển đổi ngành nghề thông qua việc đào tạo nghề mới”.
Không để ô nhiễm tái diễn
Nhấp chén trà nóng ngày đầu năm mới, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Công Đoàn phấn chấn: Nghề cô đúc nhôm đã ăn vào “xương máu” của người dân từ hàng trăm năm nay, nhưng ngay sau khi tỉnh, huyện bắt tay vào xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại đây, được tuyên truyền, vận động, đối thoại, cơ bản các chủ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân đều nắm bắt và tuân thủ nghiêm túc các văn bản lãnh, chỉ đạo của các cấp; ý thức chấp hành tốt, có thái độ tinh thần hợp tác và 100% cơ sở dừng sản xuất. Những tưởng công tác duy trì an ninh, trật tự sẽ rất khó khăn, phức tạp, song ý thức người dân thực sự chuyển biến, không có hiện tượng tái diễn sản xuất, nhân dân đón xuân mới đầm ấm, an vui, kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu tại đây.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, ngay sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện hoàn thành công tác kiểm tra, dừng sản xuất, chuyển đổi, di dời đối với các hộ sản xuất trong làng nghề Mẫn Xá và tạm dừng sản xuất đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp làng nghề (chờ chủ đầu tư cụm công nghiệp hoàn tất các điều kiện về xử lý môi trường, an toàn điện, phòng chống cháy nổ), Huyện uỷ, UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng và xã Văn Môn vẫn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn việc tái sản xuất như: Duy trì các điểm chốt chặn phương tiện vận chuyển nguyên liệu ra, vào làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề; 5 tổ công tác vừa nắm bắt tình hình vừa thực hiện tuần tra, kiểm soát 24/24h và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi lén lút tái sản xuất. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và thực hiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Thịnh khẳng định: Cuộc cách mạng làm sạch môi trường tại xã Văn Môn - nơi được coi là điểm ô nhiễm nhức nhối nhất cả nước từ hàng chục năm nay thực sự thành công lớn ngoài mong đợi. Với quan điểm chỉ đạo không để cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, cô đúc, tái chế kim loại trên địa bàn xã Văn Môn, xã Đông Thọ tái hoạt động, Yên Phong chắc chắn sẽ làm tốt công tác bảo vệ môi trường tại đây gắn với bảo đảm an ninh trật tự, ổn định tình hình địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn huyện phát triển bền vững, nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Văn Môn để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc đầm ấm, hân hoan về một cuộc sống mới tươi sáng hơn, khang trang, sạch đẹp hơn. Nhất là khi UBND tỉnh ban hành Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ chấm dứt sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), xã Văn Môn (Yên Phong) và cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du)-3 khu vực bị ô nhiễm nhất tỉnh được xử lý dứt điểm trong năm 2024. Đây là động lực để người dân yên tâm phát triển kinh tế theo hướng đi mới và tin tưởng vào những quyết sách của tỉnh.
Ghi chép của Lan Thương
Ý kiến ()