Khi kết thúc công việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính quyết định “trốn phố” về sinh sống tại xã Phật Tích (huyện Tiên Du) dù không phải nơi “chôn rau cắt rốn” của mình bởi tình yêu với con người, mảnh đất và văn hóa của vùng Kinh Bắc, đặc biệt là dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ngót 20 năm gắn bó với mảnh đất đầy thương mến này, ông đã sáng tác được một số tác phẩm ca ngợi quê hương Kinh Bắc như: Hành khúc thành phố Bắc Ninh, Kinh Bắc nẻo đường xa, Bắc Ninh thành phố gọi thơ, Phật Tích và nổi bật hơn cả là vở kịch hát Nàng Nhũ Hương.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính.
Một chiều đông rong ruổi trên đường quốc lộ 1 để tìm về mảnh đất “sơn thủy hữu tình” Phật Tích, tôi vô cùng thích thú với không gian sống của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính. Đó là khu đất rộng gần 2.000 mét vuông với căn nhà cổ kính được xây dựng theo kiến trúc của người Kinh Bắc xưa, với mảnh vườn rộng rãi trồng đủ các loại cây ăn quả và rau xanh. Ông bảo, mỗi khi sáng tác mà “bí” quá là lại ra vườn câu cá, tỉa cành, tưới cây, nghe tiếng chim hót để lấy lại cảm xúc. Và cũng không ít lần từ những giây phút tĩnh lặng tâm hồn như vậy ông đã nảy ra một tứ nhạc mới. Điều đó lý giải vì sao khi tuổi càng cao nhạc sĩ Ngô Quốc Tính lại sáng tác nhiều hơn, chất lượng càng tốt hơn. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông không ngại dấn thân với những tác phẩm lớn đòi hỏi khắt khe về học thuật.
Không biết “vô tình hay hữu ý” mà khi tôi vừa bước chân vào căn nhà ấy thì cũng là lúc tiếng hát của dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm vang lên. Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính với đôi mắt xa xăm của người đàn ông từng trải, chầm chậm kể cho tôi nghe hành trình từ một cậu bé nhà quê Hà Nam đến một người nhạc sĩ nổi tiếng như hiện nay. Hồi bé, ông rất yêu thích những bài Quan họ như: Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Ra ngó vào trông, Hoa thơm bướm lượn… thậm chí có lần đi xem một bộ phim chiếu rạp khi bài hát Ngồi tựa mạn thuyền vang lên giữa thành phố Venice của nước Ý, ông đã bật khóc.
Cứ thế tình yêu với âm nhạc và đặc biệt là dân ca Quan họ mỗi ngày cứ nhen lên trong ông. Thế nhưng để đến được với âm nhạc thì đó là một hành trình dài mà ông đã phải trải qua. 19 tuổi, khi rời xa vòng tay bố mẹ để ra Thủ đô lập nghiệp, ông đã kiếm sống bằng nhiều nghề nặng nhọc như: Kéo xe bò, chạy xích lô… rồi tối về lại ngủ nhờ nhà của một người họ hàng cạnh Văn Miếu, đó đúng hơn là một cái gầm cầu thang rộng chưa đến 10 mét vuông. Thế nhưng, điều may mắn đã đến và thay đổi cuộc đời ông khi trong một lần đạp xích lô tới gần ga Văn Điển thì thấy một hoạ sĩ đang ngồi vẽ tranh. Vốn là người thích vẽ nên ông đã bỏ luôn công việc chính mà mê mẩn ngắm những nét vẽ đầy màu sắc trên bức tranh của người hoạ sĩ. Thấy lạ về một cậu thanh niên áo quần nhem nhuốc lại yêu và say đắm với hội họa nên người họa sĩ đã đề nghị được nhận ông về trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) để làm mẫu vẽ cho sinh viên. Sau đó, ông lại được nhận làm chân rửa bát, nấu cơm trong nhà ăn kí túc xá của trường.
Được làm việc trong môi trường giáo dục nên Ngô Quốc Tính sớm nhận thức rằng chỉ học hành mới làm thay đổi tương lai của chính mình. Thế là, khi ban ngày vắt kiệt sức với những công việc tay chân thì tối đến, ông lại đi bộ tới số 9, Hàng Trống học vẽ để rồi bằng quyết tâm nỗ lực không ngừng nghỉ ông đã thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Cầm tấm bằng họa sĩ nhưng ông lại không mưu sinh bằng nghề vẽ, bởi trong người thanh niên chí lớn ấy được trời phú ưu ái cho quá nhiều năng khiếu. Và một trong những năng khiếu bộc phát mạnh ở thời kỳ này là âm nhạc nhưng khác với nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông tham gia làm âm nhạc (chỉ huy dàn nhạc Đoàn Chèo rồi Đoàn Ca Múa Kịch Ninh Bình) rồi mới quay lại học nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ra trường, ông về làm biên tập viên Nhà xuất bản Âm nhạc rồi Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Trong nhiều sáng tác về mảnh đất Kinh Bắc, có lẽ nổi bật hơn cả là vở kịch hát không nhạc đệm Nàng Nhũ Hương viết về Thủy tổ Quan họ (hiện đền thờ Vua Bà tại làng Diềm, thành phố Bắc Ninh). Trong đó khúc ca Dòng trăng lúng liếng nằm trong kịch hát Nàng Nhũ Hương góp mặt là một trong bảy tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Đây chính là cảnh đặt tên cho nàng Nhũ Hương, một người con gái đẹp, tuổi trăng tròn lẻ, không ai biết cha mẹ, họ hàng thân thích. Tương truyền khi nàng thích hát thì ngực tỏa hương thơm. Nếu không thích hát mà cứ bắt nàng hát thì có mùi ngược lại. Ngày ngày nàng dạy người dân cấy lúa, trồng dâu, tối đến lại truyền dạy cho những bài hát Quan họ nhưng có điều đặc biệt là nàng đi đến đâu là có đám mây vàng che chở đến đấy. Trong đêm huyền ảo trên sông Cầu, liền anh liền chị đặt tên cho nàng là nàng Nhũ Hương.
Viết Nàng Nhũ Hương, nhạc sĩ đã sáng tạo khi không sử dụng nhạc đệm bởi theo ông giải thích thì: “Tôi đã học các cụ bởi trong Quan họ cổ cũng không có nhạc đệm đòi hỏi thì người hát phải “vang, rền, nền, nẩy”, tức là hát phải tròn vành rõ chữ, giọng hát bộc lộ toàn bộ cái hay, cái dở nếu có. Để viết được, đòi hỏi người nhạc sĩ phải phải thực sự tinh tế, nhạy cảm, làm sao để người nghệ sĩ biểu diễn có đất phô được chất giọng của mình”. Trong vở kịch hát, ông đã khai thác nhuần nhuyễn âm chất của dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo ông, người nhạc sĩ phải có trách nhiệm tiếp thu tinh hoa âm nhạc các cụ rồi xây dựng nên thành chủ đề âm nhạc của mình, độc lập, đóng góp tích cực vào sự nghiệp âm nhạc truyền thống.
Mới đây, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đã được Hội Âm nhạc Hà Nội trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô với vở nhạc kịch Lũy Hoa (vở nhạc kịch thứ hai sau Huyền diệu biển). Bắt tay vào viết nhạc kịch Lũy hoa, nhạc sĩ đã được con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn Nguyễn Huy Thắng nhiệt tình giúp đỡ cho mượn nhiều tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của cha ông. Tuy nhiên, sau đó ông lại tiếp tục phát triển lên thành vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Bởi theo ông, Lũy hoa chỉ nói về Liên khu 1 và Trung đoàn Thủ đô năm 1946 thì có phần hơi hẹp. Theo lời giới thiệu của một số bạn bè ông đã về khu vực Nhật Tân để tìm hiểu lịch sử và bổ sung thêm một phần nội dung nữa của vở nhạc kịch. Đó là nội dung khắc họa đậm nét về vùng “lũy thép” Hà Nội sau những năm Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ năm 1946, tái chiếm Hà Nội và một số địa phương khác. Khi ấy, nhân dân ở vùng đào Nhật Tân đã anh hùng chống trả quân địch.
Trong Hoa lũy thép, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính xây dựng hai nhân vật chính ở làng đào Nhật Tân, đó là cô du kích Bích Đào xinh đẹp, hát hay và người yêu của cô, chàng Đại hội trưởng Trung đoàn Thủ đô, tên Dân. Đào được cấp trên giao nhiệm vụ tình báo, nắm tình hình địch ở địa phương. Song song với đó, còn có tuyến nhân vật phản diện, tên Oanh (biệt hiệu Oanh “đỏng đảnh”) hay ghen ghét, đố kỵ với Bích Đào. Đêm 29 Tết, Đào nhận nhiệm vụ mang lá cờ Tổ quốc bơi ra cắm ở Tháp Rùa nhưng do bị Oanh chỉ điểm nên Đào đã bị Pháp bắt. Quân địch đã dùng nhiều cực hình hòng khai thác thông tin từ cô nhưng bất thành, cuối cùng chúng đã giao kèo “nếu đốt lá cờ thì chúng sẽ tha”. Biết không còn cách nào khác, cô đã đề nghị được xin một chai xăng vờ để đốt cờ nhưng thực ra là để tự thiêu mình. Hình ảnh “ngọn đuốc sống” của nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Sắp tới, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ dựng vở nhạc kịch Hoa lũy thép. Biết rằng sẽ rất tốn kém nhưng nhạc sĩ Ngô Quốc Tính khẳng định: “Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tôi sẽ làm một vở nhạc kịch hoành tráng đúng với tinh thần, tầm vóc của một tác phẩm lớn ca ngợi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội”. Tin rằng, bằng quyết tâm và khẩu khí như vậy, người nhạc sĩ già sẽ tiếp tục có nhiều sáng tác âm nhạc đóng góp quê hương Bắc Ninh nói riêng và cho nền âm nhạc nước nhà nói chung.
Ngô Khiêm
Ý kiến ()