Hẳn với nhiều người và nhất là người dân ở khu vực đồng bằng Bắc bộ đã không còn xa lạ với những ca khúc mượt mà, đằm thắm, đậm chất dân gian của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện với nhạc sĩ hôm nay tôi mới biết rằng, ông có một tình yêu lớn dành cho dân ca Quan họ mà tình yêu ấy đã ngấm dần vào ông từ những năm còn rất nhỏ khi về thăm ông bà ngoại ở xã Phù Đổng (trước đây thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Luôn giữ được tâm hồn sáng tác
Thú thật tôi biết đến tên tuổi của nhạc sĩ Đoàn Bổng từ rất lâu rồi. Ngày còn nhỏ khi sống ở quê nhà Hải Dương, vào mỗi buổi chiều khi được nghe qua hệ thống loa phát thanh những giai điệu trong trẻo, da diết: “Dòng sông Đáy quê em/Sông trăng hay sông lụa/Nong kén vàng như lúa/Tròn vạnh một góc trời”, tôi đã muốn đặt chân đến mảnh đất xứ Đoài để ngắm nhìn dòng sông Đáy đẹp hiền hòa, thơ mộng. Thế rồi, lớn lên nghiệp báo đã dẫn tôi đến gặp “cha đẻ” của những ca từ ấy- nhạc sĩ Đoàn Bổng- cách đây vài năm trước. Từ mối nhân duyên ấy mà từ đó đến nay tôi thường xuyên đến thăm ông và may mắn được ông yêu mến như con cháu trong nhà. Mỗi lần gặp ông là được nghe ông chia sẻ một câu chuyện thú vị về cuộc sống, về sáng tác và tôi luôn coi đó là những kinh nghiệm quý giá trong cuộc đời cũng như trong công việc làm báo.
Ông không chỉ gây ấn tượng với tôi trong sáng tác mà trong cả cách sống, cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Ngày ngày trong căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Đoàn Bổng luôn đầy ắp tiếng cười của những người bạn nhạc sĩ, nhà thơ hay đơn thuần là những người yêu nhạc, mê thơ ông. Ông vẫn luôn quan niệm, trong cuộc sống cái quý giá nhất là tình bạn, có nhiều bạn thì có nhiều niềm vui. Và đó chính là điều mà ông thêm yêu cuộc sống hơn, tâm hồn phong phú hơn. Nhiều người từng hỏi “bí quyết” để “giữ chân” khách của ông là gì? Chẳng cần đắn đo, suy nghĩ, ông đáp: “Muốn bạn đến chơi thì mình phải hiếu khách, nhiệt tình và sống chân thành. Hơn nữa, mình phải luôn bằng lòng với những gì mình đang có”.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Chính vì giữ được tâm hồn tươi trẻ, sự lạc quan, yêu đời mà trong thời gian gần đây, ông liên tiếp cho ra đời nhiều ca khúc được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam như: “Nghe trong tiếng yêu”, “Hà Nội đêm”, “Ninh Bình tình đất, tình người”… Trong đó, “Nghe trong tiếng yêu” (phổ thơ Trà My) ông đã đồng cảm với nhà thơ, vốn là người phụ nữ cao tuổi nhưng rất mơ mộng, luôn tưởng tượng tiếng yêu văng vẳng đâu đấy, tiếng người yêu rót vào tai lời yêu thương khiến con người ta phấn chấn, trẻ trung và yêu đời. Còn “Hà Nội đêm” (phổ thơ Trần Minh) thì đó lại là đôi trai gái yêu nhau trong điều kiện luôn nghĩ về nhau mà ít có cơ hội được gặp gỡ. Trong một đêm thu Hà Nội đẹp trời họ đã đến với nhau nhưng không ai thủ thỉ về tình yêu. Họ lặng im đi bên nhau, đôi khi chỉ là va chạm nhẹ về mặt thể xác nhưng trong trái tim mỗi người có nhịp đập rộn rã và thấy tình yêu nảy nở nhiều hơn. Ông cho rằng, đó chính là sự lịch lãm, văn minh, đúng mực và sâu sắc của người Hà Nội gốc.
Năm nay đã bước vào tuổi 77 nhưng nhạc sĩ Đoàn Bổng vẫn cho rằng mình không có tuổi. Bởi, ông quan niệm tuổi mỗi năm qua đi, nhưng đó là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn. Quan trọng trong người sáng tác phải còn nguyên cảm xúc của tuổi đôi mươi. Nói rồi, ông lấy ví dụ nhạc sĩ Văn Ký năm nay đã bước vào tuổi 91 nhưng vẫn viết tình ca, huống chi ông là bậc đàn em kém đến 14 tuổi. Vấn đề trái tim mình có rạo rực, thổn thức hay không, thấy vẻ đẹp của thiếu nữ vẫn rung động, tức là vẫn yêu, vẫn sáng tạo. “Với những bản tình ca, khi hát lên ta sẽ nghĩ về tình yêu đẹp của con người, để ta sống luôn đẹp như lời bài hát ta vừa hát. Đó cũng chính là cách giáo dục bằng nghệ thuật như người xưa vẫn nói: “Lời ngọt lọt đến xương”. Âm nhạc đẹp, nhắc nhở ta sống đẹp, hạnh phúc như bài hát ta vẫn nghêu ngao hát hoặc nếu không hát được thì nghe và cảm nhận”, nhạc sĩ Đoàn Bổng khẳng định.
Dạt dào ký ức về mảnh đất Kinh Bắc
Nhạc sĩ Đoàn Bổng sinh ra ở một miền quê ven dòng sông Hồng (huyện Thường Tín, Hà Nội). Thế nhưng, mẹ của ông lại là người xã Phù Đổng mà từ trước năm 1961 thuộc về địa phận huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chính vì thế mà trong một sáng tác của mình mang tên “Ký ức hai dòng sông” ông có thổ lộ sông Đuống “nuôi lớn nhanh chàng trai Phù Đổng” cùng với đó là dòng sông quê cha “tắm mát tình yêu đôi lứa Đồng Tử - Tiên Dung” đã “làm nên sức sống trường tồn, làm nên những thiên thần bất tử”.
Ông kể, từ khi còn nhỏ, ông đã rất mê hát và đặc biệt yêu thích dân ca quan họ. Bởi, mỗi lần về quê ngoại, được ông ngoại chỉ dạy hát những câu quan họ rồi giảng giải về lối sống nghĩa tình, cách cư xử văn minh, đúng mực của người Kinh Bắc. Thậm chí, hồi ấy, mỗi khi có khách đến chơi ông ngoại thường hồ hởi, tự hào giới thiệu với bạn bè về người cháu của mình và yêu cầu cháu hát cho mọi người nghe. Chính năng khiếu ca hát sớm bộc lộ đã giúp ông có những căn bản nhất định về âm nhạc để sau này đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp.
Ông còn nhớ thời kì theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), khi ấy trường sơ tán về huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có học bộ môn dân ca. Nhà trường đã mời một nghệ nhân về dạy quan họ. Sớm là người yêu quan họ nên ông đã dễ dàng bắt nhịp được với môn học này và trở thành sinh viên xuất sắc nhất lớp. Thế rồi, khi đã lọt vào “mắt xanh” của nghệ nhân, cậu học trò Đoàn Bổng thường được cô cho đi theo làm giám khảo những cuộc thi hát quan họ. Tất nhiên, không phải đi để chấm điểm mà đó là cách cô muốn cho cậu học trò cưng của mình tìm hiểu kiến thức thực tế về quan họ từ các liền anh, liền chị. Sau này, khi ra trường và về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng rồi Đài Truyền hình Việt Nam, ông đặc biệt quan tâm, chú ý đến việc giới thiệu, quảng bá quan họ trên các kênh sóng của Đài thông qua những dự án phối hợp với Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc (cũ).

Nhạc sĩ Đoàn Bổng (trái), tác giả và nhạc sĩ, nhà thơ Nghiêm Bằng - con trai nhạc sĩ Văn Cao.
Hẳn với nhiều người yêu dân ca quan họ đã không còn xa lạ với ca khúc “Đêm sông Cầu” (nhạc Đoàn Bổng, thơ Đỗ Trung Lai). Hai “vị khách” quê lụa đã có một ca khúc để đời về miền đất này mà theo người con của quê hương Kinh Bắc- nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Xuân Ba thì đây là một trong số ít những ca khúc mà có cả phần nhạc và lời mang màu quan họ. Và cũng vì yêu thích ca khúc này mà hai người con của quê hương quan họ khác là ca sĩ Thúy Miền và Văn Tuấn đã tự thu đĩa để quảng bá rộng rãi đến công chúng.
Thời gian và tuổi tác làm ông quên đi cụ thể mình đã phổ nhạc ca khúc này như thế nào, trong thời điểm ra sao, nhưng ông chỉ nhớ rằng đã đọc được bài thơ của nhà thơ quân đội Đỗ Trung Lai trên Báo Nhân Dân khi hai người chưa hề biết mặt nhau. Phải nhiều năm sau trong một chương trình nghệ thuật của Quân chủng Phòng không- Không quân, họ mới gặp nhau. Nhưng một điều chắc chắn rằng để phổ nhạc cho một bài thơ giàu vần điệu, hình ảnh của quan họ như vậy thì bản thân người nhạc sĩ phải rất am tường về dân ca quan họ.
Nhưng vì giai điệu của ca khúc mang màu quan họ nên nhiều người vẫn lầm tưởng đây là dân ca mà vô tình quên đi tác giả của nó. Vậy nhưng, với nhạc sĩ Đoàn Bổng điều đó cũng không sao cả bởi điều quan trọng là ca khúc đã đi được vào lòng công chúng và có sức sống vượt thời gian. Trong bài hát có nhắc đến hình ảnh cô Tấm là đại diện cho người con gái Việt Nam, đó là sự chăm chỉ, duyên dáng, xinh đẹp mang đậm chất Á Đông: “Đêm hôm qua mình em hát câu quan họ, sông Cầu nước chảy lơ thơ/Em là cô gái từ lâu tôi đợi tôi chờ/Em là cô Tấm ngày xưa đến với tôi giữa mùa trẩy hội…”.
Được biết “Đêm sông Cầu” là bài thơ ngắn đầu tiên trong đời thơ của nhà thơ Đỗ Trung Lai, đó là những tình cảm mà ông dành cho một thôn nữ Kinh Bắc xinh đẹp - sau này là vợ ông. Thật tình cờ, bài thơ này đã lọt “mắt xanh” của cả hai người nhạc sĩ tài hoa, đó là nhạc sĩ Đoàn Bổng với ca khúc cùng tên và cố nhạc sỹ Phan Lạc Hoa với ca khúc “Tình yêu bên dòng sông quan họ”.
Khi được hỏi về những sáng tác khác về Bắc Ninh, nhạc sĩ Đoàn Bổng trầm ngâm cho biết thực ra cũng có một ca khúc khác là “Bắc Ninh quê ta đó” phổ thơ của một tác giả quê ở Từ Sơn và đã được đăng trên Tạp chí Người Kinh Bắc nhưng chưa có điều kiện thu âm. “Thực ra tôi cũng định viết về Bắc Ninh nhưng chưa có điều kiện vì Bắc Ninh ngày nay có quá nhiều đổi mới. Trong khi muốn có một sáng tác để đời thì phải đi vào những chủ đề độc đáo, đặc biệt với góc nhìn mới mẻ. Chắc có lẽ khi anh em làm công tác nghệ thuật ở Bắc Ninh mời đi thực tế, tôi mới có thể viết được bài khác”, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết.
Khi tôi đang gõ những dòng cuối này, thì thấy trên Facebook, ông đã “check in” ở một miền đất khác- đó là thành phố mang tên Bác. Mừng cho ông - người nhạc sĩ đã sắp sửa bước vào tuổi 80 - nhưng vẫn rất sung sức cho những chuyến đi và những dự định sáng tác mới. Mong rằng, trong thời gian sắp tới, nhạc sĩ Đoàn Bổng sẽ có tác phẩm về mảnh đất bên con sông Cầu đã làm nao lòng biết bao vị khách bốn phương.
Ngô Khiêm
Ý kiến ()