Một Phó Đức Phương “gàn”
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 tại Hà Nội, nhưng quê nội huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), quê ngoại ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông chính là cháu ruột của nhà cách mạng nổi tiếng Phó Đức Chính - cánh “tay phải” của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tương truyền rằng, sau khi khởi nghĩa thất bại, chí sĩ Phó Đức Chính bị Pháp tử hình cùng nhóm 13 người của Nguyễn Thái Học, tuy nhiên ông là người duy nhất đã yêu cầu được nằm ngửa, không bịt mắt để “nhìn rõ lưỡi dao tội lỗi…” chém xuống cổ mình. Có lẽ cái tính “gàn” của nhạc sĩ Phó Đức Phương xuất phát từ gen di truyền của gia đình?

Đã từ lâu giới chuyên môn đã xếp các nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương vào nhóm “Tứ quái sông Hồng”để ám chỉ sự khởi nguồn không giống ai của “nhóm nhạc” ngông nghênh nhưng cũng rất tài năng này (họ đều sinh ra ở các địa phương ven con sông Hồng). Thậm chí, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha còn đặt cho 4 thành viên trong nhóm những biệt danh rất “kêu” như Phương “gàn”, Cường “cuồng nhiệt”, Tiến “bụi” và Thụ “Giáo sư”. Cái “gàn” của Phó Đức Phương thể hiện rõ nhất khi ông thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - một điều “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử âm nhạc nước nhà. Thậm chí, hồi ấy nhạc sĩ Phó Đức Vạn - anh trai của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã khuyên em nên bỏ cuộc trở về với sáng tác nhưng không ngờ, ông em nổi xung: “Nếu anh còn nói nữa trước đồng nghiệp của em ở VCPMC, em sẽ chém đầu anh lấy máu tế cờ”.
Phó Đức Phương đến với âm nhạc cũng khá vòng veo. Lúc còn là học sinh phổ thông, ông đã thể hiện năng khiếu âm nhạc, yêu thích ca hát và hăng say hoạt động văn nghệ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, không hiểu tại sao ông không thi vào trường nhạc mà lại thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, trúng tuyển vào khoa Toán - Lý. Nhưng đến cuối năm thứ hai, sắp bước vào năm thứ ba, ông xin thôi học vì lẽ say mê âm nhạc hơn ngành đang học. Sau đó ông xung phong đi nông trường Cửu Long ở Hòa Bình, làm công nhân chăn nuôi, vừa xâm nhập thực tế, vừa chờ cơ hội đi học nhạc. Đó là vào năm 1965, lúc ông 21 tuổi.
Năm 1966, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và trúng tuyển. Khi được hỏi có cảm thấy bất lợi khi không đi trực tiếp mà đi đường vòng để đến với âm nhạc, ông tâm sự: “Tôi tuy phải đi đường vòng, nhưng cũng chẳng thiệt thòi gì. Những năm tháng trăn trở, lao động, chất liệu cuộc sống, tình yêu âm nhạc đã thấm rất sâu trong tâm hồn tôi. Với riêng tôi, toán học và âm nhạc có mối liên hệ đặc biệt. Toán học tưởng chỉ là những con số, nhưng thật ra đó là khoa học trừu tượng, rất cần một óc tưởng tượng cũng như âm nhạc vậy…”.
Những sáng tác về miền Quan họ
Ngày đó thật tình cờ do chiến tranh chống Mỹ leo thang, Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán tại xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), trong thời gian chờ đợi học tập những tiết học đầu tiên thì chính khung cảnh của một làng quê Việt Nam truyền thống, chiếc nôi của những làn điệu dân ca Quan họ ngọt ngào, tình tứ đã khiến chàng sinh viên Phó Đức Phương viết lên ca khúc đầu tay khi mới 22 tuổi - “Những cô gái Quan họ”. Ngay ở những câu mở đầu ca khúc này đã tạo được ấn tượng đẹp với người nghe: “Trên quê hương Quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca/Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng…”. Cái độc đáo của bài hát này là trong giai điệu hoàn toàn không có dấu vết của một làn điệu dân ca Quan họ cụ thể nào, nhưng người nghe lại cảm thấy khá rõ nét duyên dáng của các cô gái trên quê hương quan họ và cái hồn dân gian của nông thôn miền Bắc đang bàng bạc trong từng câu ca của bài hát.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San từng phân tích: “Điều gì tạo nên giá trị đặc biệt của tác phẩm “Những cô gái Quan họ”? Một bút pháp kỳ diệu? Một chất liệu lạ lẫm? Những kỹ xảo sáng tác đặc biệt? Không, bài hát lôi cuốn người nghe trước hết ở cái hồn, cái tố chất thuần Việt, đậm đà phong vị “Quan họ” nhưng lại không cổ, không cũ, mà hiện đại, dạt dào sức sống mới, trẻ trung sôi nổi, duyên dáng, điệu đà. Bài hát khá ngắn gọn, được viết ở thể hai đoạn với bố cục chặt chẽ, vuông vức. Toàn bộ ca khúc được duy trì bởi một tiết tấu chậm rãi, thong thả. Những biến phách (đảo và nghịch phách) được tác giả triệt để sử dụng trong suốt cả bài tạo vẻ đung đưa, lung linh rất sinh động mà nếu không có xử lý rất khéo này, ắt là sẽ không tránh khỏi sự đơn điệu”. Có thể nói giữa những ngày tháng “nước sôi lửa bỏng” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bài hát ra đời như một làn nước mát lành dội mát những ngày nóng nực. Hình ảnh những cô Tấm ngày xưa - những cô gái đảm đang trên đồng lúa quê hương Quan họ nay, hiện ra bằng âm thanh thật hoàn hảo, tạo một vẻ đẹp vừa kiêu hùng lại vừa mềm mại, dịu hiền, óng ả vốn dĩ là những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

“Những cô gái Quan họ” như là “tờ giấy thông hành” để người nhạc sĩ họ Phó tung tẩy, tự tin trên con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Song song với nhiều sáng tác nổi tiếng như: “Chảy đi sông ơi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”…, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn mê đắm và gắn bó mật thiết với mảnh đất đã sinh thành ra người mẹ kính yêu của mình. Những năm tháng thiếu thời trên quê ngoại (làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) đã đưa ông đến dòng sông Quan họ, ở đó ông tha hồ ngụp lặn, thỏa thích vẫy vùng. Phải chăng đây chính là nguồn cội tạo nên một thương hiệu Phó Đức Phương “lãng mạn và huyền diệu”! Nhiều tác phẩm âm nhạc của ông đều đầy ắp âm hưởng dân ca và sâu đậm hồn quê. Những năm đầu thời kỳ đất nước đổi mới, ông là tác giả âm nhạc vở “Chuyện tình Tiên Du” (đạo diễn Ngọc Phương), một vở thử nghiệm đưa dân ca Quan họ lên sân khấu kịch, gây được chú ý.
Ông đã sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca và phối khí nhiều tiết mục dân ca Quan họ cho các nghệ sĩ ở Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) biểu diễn, nhiều tiết mục đã đoạt Huy chương Vàng tại các hội diễn toàn quốc, tiêu biểu như: “Tay Tiên chúc chén rượu đào” cho NSND Thúy Cải, “Khóc bạn” (sau đổi thành “Người đi Tam Đảo múa hồ”) cho NSƯT Quý Tráng,“Lấy chi làm thú giải phiền” cho NSND Thúy Hường, “Nâng chén rượu nồng”... Ông đã nhiều lần lặn lội đến các làng Quan họ gốc, tiếp xúc với các nghệ nhân Quan họ, đã từng cùng NSND Thúy Cải và các liền anh, liền chị bồng bềnh trên con thuyền thúng, ngược dòng Như Nguyệt trong xanh, để rồi cho ra đời tác phẩm “Ngược dòng sông quê” đầy lãng mạn và huyền diệu.
Thế nhưng, đó là chưa đủ cho tâm hồn lãng mạn và tài năng thiên bẩm của người nhạc sĩ phố Hiến với mảnh đất Quan họ mến yêu. Năm 1998, trong lần về Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, NSND Thúy Cải đã thân mật khuyên ông nên về quê cư ngụ. Từ lâu, ông đã có ý tưởng phải viết một cái gì đó về làng quê, lời khuyên chân tình của nghệ sĩ Thúy Cải đã làm thức dậy trong ông những kí ức về một miền quê, nơi có những triền đê, “những dòng sông bên lở, bên bồi”, nơi có “phiên chợ nghèo, lều tranh, mái xiêu”, nơi “cánh cò xưa tạc vào giấc mơ”, ở đó có bóng dáng của người chị, người mẹ, quanh năm dầu sương, dãi nắng, tảo tần, bầu bạn với bánh đa, bánh đúc, dệt nên những “thảo thơm, đồng xanh, trái ngọt”. Thế là cái tứ “theo em anh thì về” đã mở đầu bài hát “Về quê” của ông.
Ông từng tâm sự với báo giới rằng: “Tôi thấy tim mình nhói rộn lên một chút hồi hộp, bồn chồn. Tôi suy ngẫm, băn khoăn và dồn tụ dần những tình ý của mình cả trong bữa ăn, lúc làm việc hoặc chuyện trò... Thật kỳ lạ, đêm hôm đó, tôi buông bút giữa bài hát để đứng dậy lấy chiếc khăn mặt bông, vì từ lúc đó nước mắt tôi cứ tuôn ra đầm đìa, sùi sụt. Thì ra nghệ thuật cũng như cuộc đời tôi vậy, sự mộc mạc, giản dị và chân thật tự đáy lòng sẽ khơi dậy những cội nguồn yêu thương, sự đồng cảm...”.
Từ giai điệu đến ca từ, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã gửi gắm đến người đời một thông điệp giản dị: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu ?”. Đúng vậy dù ta đi đâu về đâu thì quê hương vẫn luôn trong trái tim mỗi người, để ta phải thổn thức, phải nhớ mong, phải mong chờ. Quê hương chính là nơi đón ta về trong sự bình yên nhất, mộc mạc nhất, chân tình nhất. Và trong những ngày này, mỗi khi giai điệu của ca khúc “Về quê” được vang lên người yêu nhạc cũng khóc, khóc vì nó đã chạm đến trái tim của họ, khóc vì thương người nhạc sĩ đang chiến đấu trong một cuộc chiến hết sức căng thẳng, cam go. Chỉ mong rằng, “cha đẻ” của nó sẽ mãi giữ được tinh thần, sự lạc quan vốn có để có thể chiến thắng bệnh tật, để rồi lại có thể về thăm quê hương Quan họ đang ngày càng ngóng trông người con xa xứ trở về.
Ngô Khiêm
Ý kiến ()