Buổi làm việc giữa lãnh đạo chủ chốt Sở GD-ĐT và UBND huyện Thuận Thành một chiều tháng 4 kéo dài đến gần 18 giờ. Hai bên từ chỗ đồng thuận đã đi đến thống nhất cao nhiều giải pháp thiết thực vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển mới khi huyện Thuận Thành được nâng cấp lên thị xã, kỳ vọng về một cực tăng trưởng mới của tỉnh vùng nam Đuống… Tâm trí tôi chợt bừng lên những câu chuyện giáo dục thú vị mà bản thân từng chứng kiến và ghi lại ở đất học Thuận Thành!
Chuyện học ở đất học
Nói Bắc Ninh là đất học, người ta thường đề cập nhiều đến Thuận Thành, vùng đất cổ Luy Lâu, nơi có đền thờ và lăng Sỹ Nhiếp, vị Thái thú phương Bắc nhưng có công lớn với sự học, được dân ta suy tôn là Nam Giao học tổ. Trọng sự học, khu đền thờ và lăng Sỹ Nhiếp ở Thuận Thành luôn được nhân dân ý thức coi sóc, khói hương quanh năm.
Nhớ những năm đầu tái lập tỉnh, trong bộn bề gian khó, những người nông dân có nghề nuôi cá giống ở Mão Điền vẫn thắt lưng buộc bụng cho con được học tập thành người. Mão Điền là xã, nhưng hơn hai chục năm qua, báo chí quen gọi là “làng Đại học” bởi mỗi năm có hàng trăm học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng. Năm 2000, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Nho Nùng về Mão Điền có một câu nói rất hay, đại ý: người trẻ Mão Điền đang tiến hành một cuộc “di cư” ra các thành phố lớn. Đường đi ấy tuy gập ghềnh nhưng cũng rất vẻ vang, góp phần làm rạng danh đất học!
Đầu những năm 1980, có một nhà giáo nổi tiếng từng từ chối làm Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Bắc, đó là Hiệu trưởng trường cấp III Thuận Thành Nguyễn Tiến Chấn. Năm 1990, thầy Chấn nghỉ hưu, đồng chí Ngô Đình Loan khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc đề nghị thầy tham gia công tác khuyến học xã Song Hồ quê hương. Đáp lại thiện chí cấp trên, thầy Chấn nhận nhiệm vụ và đã xây dựng Song Hồ thành đơn vị đầu tiên và là điểm sáng toàn Hà Bắc về công tác khuyến học, khuyến tài.
Chẵn 10 năm sau, khi Thuận Thành thành lập Hội Khuyến học, thầy Chấn lại được đề nghị làm Chủ tịch, đồng chí Ngô Đình Loan khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khuyến khích: Thầy giáo Chấn sinh ra để làm giáo dục!
Quả vậy, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, Thuận Thành được cả nước biết đến là vùng đất học tiêu biểu xứ Kinh Bắc. Cũng vì là điểm sáng toàn quốc, Thuận Thành vinh dự đón tiếp nhiều tổ chức khuyến học khắp trong Nam ngoài Bắc đến giao lưu, học tập kinh nghiệm. Nhà giáo Nguyễn Tiến Chấn là người thắp sáng ngọn lửa và truyền cảm hứng để ngọn lửa khuyến học tỏa sáng khắp nơi. Dịp 20-11-2010, thầy vinh dự được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Trường THCS Song Hồ - đơn vị đầu tiên và duy nhất khối THCS tỉnh Bắc Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Còn nhớ, những năm 2000, Sở GD-ĐT khi tiếp các đoàn cán bộ giáo dục đến giao lưu, học tập kinh nghiệm thường dẫn về trường THCS Song Hồ. Ngôi trường ấy 23 năm dưới sự dẫn dắt của người thầy đáng kính - Nhà giáo Ưu tú Vương Toản liên tục là trường Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, Lá cờ đầu khối THCS và đến năm 2005, trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất khối THCS tỉnh Bắc Ninh (cho đến nay) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Khối THPT, phương châm chỉ đạo “dạy thật, học thật, thi thật” từ những năm 1960 của thầy Nguyễn Tiến Chấn đến nay vẫn nguyên giá trị tại trường THPT Thuận Thành số 1, nơi thầy 25 năm làm Hiệu trưởng. Thời điểm Bộ GD-ĐT còn tổ chức thi Đại học theo hình thức 3 chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả thi) từ năm 2002 đến 2013, trường THPT Thuận Thành số 1 nổi tiếng là ngôi trường của những thủ khoa với rất nhiều em đạt 30/30 điểm thi Đại học; trường liên tục lọt danh sách những trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc…
Ngày 3-9-2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự khai giảng năm học 2009-2010 tại trường THPT Thuận Thành số 1. Xúc động trước nghị lực vượt khó của thầy trò nhà trường, Phó Chủ tịch nước lần đầu tiên sử dụng cụm từ “công dân toàn cầu” trong bài phát biểu của mình: “Bác kỳ vọng trong tương lai, học sinh trường THPT Thuận Thành số 1 sẽ trở thành những công dân toàn cầu, có thể đáp ứng được công việc ở bất cứ đâu trong nước và trên thế giới”.
Lại nhớ thời điểm tháng 7 năm 2017, báo chí đăng nhiều bài về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong kỳ thi THPT Quốc gia, thế nhưng tôi để ý không thấy ngôi trường nào có tới 61 lượt thí sinh đạt 27 điểm trở lên theo khối thi Đại học như trường THPT Thuận Thành số 1?
Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO): “Thành phố/thị xã học tập” là thành phố/thị xã đầu tư vào chất lượng học tập suốt đời cho mọi công dân nhằm giải phóng tất cả tiềm năng của công dân thành phố đó; đầu tư vào sự phát triển bền vững tại nơi làm việc; khơi dậy và tiếp thêm năng lượng cho các cộng đồng dân cư của thành phố đó; khai thác giá trị sáng tạo của các đối tác cấp địa phương, khu vực và Quốc tế… Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có thành phố Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2026 sẽ trở thành thành phố học tập. |
Tại Bắc Ninh, đến nay đây vẫn là một trong những đơn vị đáng tự hào nhất khối THPT về chất lượng giáo dục toàn diện.
Xây dựng Thuận Thành thành thị xã học tập!
Đó là gợi ý của đồng chí Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT trong buổi làm làm việc với huyện Thuận Thành về phát triển giáo dục. Đồng chí Giám đốc Sở cho rằng, Thuận Thành là đất học nên cần nhân rộng và lan tỏa những điển hình giáo dục, khuyến học như ở các xã Mão Điền, Hoài Thượng; phát huy tốt năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; xây dựng các mô hình điển hình về giáo dục truyền thống, đạo đức mang dấu ấn học sinh Thuận Thành… Sở GD-ĐT cam kết tiếp tục hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ để huyện, tới đây là thị xã Thuận Thành đạt các mục tiêu nói trên.
Tại buổi làm việc, bức tranh giáo dục Thuận Thành được UBND huyện khái quát theo đúng tinh thần nói ít ưu điểm và nói nhiều hạn chế. Về ưu điểm, toàn huyện có 65/65 trường Mầm non, Tiểu học và THCS công lập với hơn 2.400 cán bộ quản lý, giáo viên, hơn 40 nghìn trẻ Mầm non và học sinh 3 cấp; tỷ lệ trường chuẩn đạt 100%; chất lượng giáo dục đại trà ổn định vững chắc và thực chất, khẳng định qua chất lượng thi vào lớp 10 công lập nhiều năm xếp thứ nhất, nhì trong tỉnh; số lượt giáo viên dạy giỏi và giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh luôn trong tốp đầu tỉnh; chất lượng dạy học ngoại ngữ được nâng cao; phong trào thể dục thể thao trường học ngày càng phát triển sâu rộng…

Buổi học của cô, trò trường Tiểu học Trí Quả, đơn vị tiêu biểu của ngành GD-ĐT huyện Thuận Thành.
Về hạn chế, đó là tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên phổ thông; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn thấp. Đặc biệt mặc dù 100% trường Mầm non, Tiểu học và THCS của huyện từng được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng tỷ lệ trường chuẩn mức 2 thấp và hiện nay nhiều phòng học đang xuống cấp; kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối THCS vừa thấp lại không ổn định…
Tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, để trở thành thị xã học tập, lãnh đạo huyện Thuận Thành cần tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học phù hợp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa trước mắt đến năm 2025 và định hướng đến 2030, gắn với quy hoạch chung của tỉnh. Trong đó phải tính đến quy mô tăng dân số cơ học để quy hoạch trường, lớp học phù hợp và có giá trị sử dụng lâu dài. Ưu tiên phát triển hệ thống trường ngoài công lập nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công. Quan tâm chăm lo chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tập trung giải pháp nhằm giải quyết căn bản tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên các cấp… Đặc biệt, huyện phải chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ GD-ĐT.
Về kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối THCS, mặc dù năm học 2021-2022 học sinh Thuận Thành xếp thứ 8/8 huyện, thành phố, nhưng không phải do học sinh Thuận Thành kém mà một phần quan trọng do trường THCS trọng điểm của huyện trong quá trình tuyển sinh chưa thu hút được tối đa số học sinh giỏi ở các xã có phong trào giáo dục mạnh. Công tác quản lý, kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh của cán bộ, giáo viên trường trọng điểm huyện cũng còn nhiều hạn chế…
Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành trân trọng tiếp thu và đề nghị Sở GD-ĐT quan tâm, đồng hành để xây dựng huyện trở thành thị xã học tập trong tương lai, xứng danh đất học.
Có lẽ, với người dân Thuận Thành, ý thức vươn lên trên con đường học vấn từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt, do vậy mục tiêu xây dựng thị xã học tập chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vấn đề ở chỗ, lãnh đạo huyện và ngành GD-ĐT Thuận Thành phải thực sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và phải ưu tiên cao cho phát triển giáo dục. Phải luôn nhận thức sâu sắc rằng, đầu tư cho phát triển giáo dục mới chính là điểm tựa vững chắc cho những bước phát triển toàn diện và bền vững của quê hương Thuận Thành trong tương lai…
Ghi chép của Thanh Tú
Ý kiến ()