Trở lại thôn Đông Bình, thị trấn Gia Bình (Gia Bình) sau 25 năm tái lập tỉnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của miền quê chiêm trũng. Con đường về Đông Bình hôm nay nằm giữa những dãy nhà cao tầng san sát. Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn cho biết: “Trong hai năm 2021 và 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế - xã hội địa phương duy trì, phát triển đúng hướng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Tháng 11-2022, thôn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đông Bình là vùng đất chiêm trũng nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, để nâng cao đời sống nhân dân, thôn chủ trương thực hiện dồn điền thổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống lúa mới phù hợp với thổ nhưỡng vào gieo trồng. Đến nay ruộng đất được tích tụ, đường giao thông nội đồng quy hoạch lại tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị kinh tế. Đối với diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả, thôn chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, dưới bàn tay cần cù của người dân, ruộng đồng chiêm trũng canh tác không hiệu quả, nay đã trở nên tươi xanh tràn đầy sức sống. Hiện thôn có 90 ha đất trồng lúa và 3 ha nuôi trồng thủy sản. Để giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2022, các Chi hội đoàn thể tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 112 hộ vay 6 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đình Lợi trao Bằng khen của UBND tỉnh cho Ban CTMT thôn Đông Bình, thị trấn Gia Bình (Gia Bình).
 |
Đi trên con đường làng rộng rãi, trải bê tông phẳng lì, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nguyễn Đức Sơn phấn khởi: “Con đường này được xây dựng lên từ sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân. Trước đây, đường giao thông trong thôn nhỏ, hẹp nên rất khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Năm 2021, thôn triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 10 km với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình còn băn khoăn không đồng tình. Thôn đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa khi mở rộng đường; công khai minh bạch trong các khâu, các bước triển khai thực hiện đã tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Gia đình ông Hoàng Hưng Tố là một trong những hộ đầu tiên hiến đất mở rộng đường. Ông Tố chia sẻ: “Khi thôn chủ trưởng mở rộng đường giao thông; nắm bắt được lợi ích khi đường được mở rộng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa, gia đình tôi đồng tình hưởng ứng. Gia đình tự nguyện phá dỡ tường rào, giải phóng mặt bằng, bàn giao 20 m2 đất cho thôn”. Cũng như ông Tố, gia đình ông Hoàng Văn Quang tự nguyện hiến 13 m2 cho địa phương để mở rộng đường. Từ những tấm gương như ông Tố, ông Quang, hưởng ứng chủ trương của địa phương, hơn 200 hộ gia đình tự nguyện hiến 2.000 m2 đất. Hiện, đường trục chính của thôn được mở rộng từ 3 đến 3,5 m lên từ 5 đến 6m, ngõ xóm từ 2 đến 3m lên từ 4 đến 4,5 m.
Rời Đông Bình chúng tôi về thôn Phúc Lâm, xã Nghĩa Đạo (Thuận Thành) - một làng NTM kiểu mẫu tiêu biểu. Năm 2019, thôn được huyện Thuận Thành chọn làm điểm xây dựng mô hình Làng NTM kiểu mẫu. Thực hiện mô hình, thôn vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường. Để xây dựng cảnh môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, thôn tu sửa tường rào hai bên trục đường chính, vẽ tranh bích họa trên tường với chủ đề làng quê và bảo vệ môi trường. Các trục đường trong thôn được bê tông hóa và lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đi lại của người dân. Thôn hướng dẫn các hộ quy hoạch khuôn viên gia đình khoa học, tạo không gian sống hợp lý, sạch sẽ; đồng thời phân công mỗi hộ gia đình phụ trách dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa, cây xanh trồng hai bên đường trước nhà. Định kỳ vào ngày chủ nhật hằng tuần, Chi hội Phụ nữ tổ chức cho hội viên và nhân dân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, khu thể thao, phát dọn hàng rào, chăm sóc cây xanh ven đường. Nhờ đó, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp với hơn 1.000 m đường hoa rực rỡ sắc màu bao quanh thôn. Ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phúc Lâm cho biết: “Xây dựng làng NTM kiểu mẫu, từng bước xây dựng Phúc Lâm thành miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng đời sống người dân được nâng cao. Hiện Phúc Lâm đạt các tiêu chí NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo. Hằng năm, thôn có 97% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 5 năm liên tục thôn đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định”.
Ngay từ khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập (1997), Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị với mục tiêu chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp. Theo đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, sau 25 năm tái lập tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển thêm nhiều tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu tham gia công tác Mặt trận; quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động phù hợp bám sát nhiệm vụ của địa phương… Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được củng cố, tăng cường. Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh có 34 tổ chức thành viên, tăng 17 tổ chức so với năm 1997.
Phát huy truyền thống đoàn kết, những năm qua các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết, tương trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh. Nhân dân đồng lòng thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, chung sức xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, MTTQ các cấp vận động nhân dân tự nguyện hiến hơn 19.000 m2 đất để làm đường, công trình dân sinh; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động xây dựng hơn 1.800 công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho xây dựng NTM. Hiện 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao với thu nhập bình quân đạt gần 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Những kết quả đạt được của MTTQ các cấp trong hành trình xây dựng và phát triển của tỉnh hơn 25 năm qua là minh chứng sinh động cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ các cấp trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển.
Mai Phương
Ý kiến ()