Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu thi đua, được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc. Điều này càng khẳng định vị thế của Bắc Ninh luôn trong tốp những tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về phát triển giáo dục.
ĐIỂM SÁNG GIÁO DỤC TOÀN QUỐC
Gần đây nhất, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017, chất lượng giáo dục thực chất của Bắc Ninh được thể hiện qua nhiều con số: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,06%, xếp thứ 5 toàn quốc; 403 lượt thí sinh đạt 27 điểm trở lên và 103 bài thi đạt điểm10, xếp thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP HCM; điểm trung bình môn Vật lý cao nhất toàn quốc với 6,21 điểm, môn Hóa học xếp thứ 2 toàn quốc với 6,14 điểm…
Trong năm học, chất lượng giáo dục toàn diện của Bắc Ninh tiếp tục được giữ vững ở mức cao. Toàn ngành tích cực đẩy mạnh đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học, tích cực triển khai việc dạy Ngoại ngữ trong trường phổ thông, tập trung vào việc bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo quy định và mua sắm thiết bị dạy học. Hiện 100% giáo viên Ngoại ngữ trong trường phổ thông của Bắc Ninh đã đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu, 33 giáo viên Ngoại ngữ dạy Toán bằng Tiếng Anh. Về tổng thể, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Bắc Ninh có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (100% đạt chuẩn, 85,3% trên chuẩn) cao nhất toàn quốc, đủ mạnh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Học sinh Trường THCS Yên Phong chào cờ trong lễ khai giảng năm học 2017-2018.
Là tỉnh nhiều năm dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ phòng học kiên cố (hiện tại đạt 98,5%) và trường chuẩn Quốc gia (438/479 trường, đạt 91,4%), nhưng trong năm học, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đồng bộ hóa; tiếp tục đầu tư xây dựng các trường THCS trọng điểm, trường chuẩn Quốc gia gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Các trường học khi sửa chữa hoặc di chuyển xây mới đều dựa trên quy hoạch tổng thể, chuẩn hóa ở mức cao và có giá trị sử dụng lâu dài.
Trong năm học, cùng với phong trào thi đua đổi mới phương pháp dạy học, ngành cũng rất quan tâm đổi mới công tác thông tin truyền thông về Giáo dục, đẩy mạnh công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh sau THCS và THPT; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy… Các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành được đánh giá ngày càng đi vào chiều sâu và đạt kết quả tốt.
Tháng 2-2017, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT làm việc tại Bắc Ninh, sau khi kiểm tra hồ sơ và thẩm định trực tiếp tại cơ sở, Bộ hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tỉnh Bắc Ninh. Dịp tổng kết năm học 2016-2017 vừa qua, ngành Giáo dục Bắc Ninh được Bộ cấp Bằng công nhận, trở thành tỉnh về đích sớm nhất toàn quốc trong công tác phổ cập giáo dục (PCGD) và xóa mù chữ (XMC) theo các tiêu chí cao nhất của Bộ GD-ĐT.
THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI
Trước thềm năm học mới, nhiều thách thức và cơ hội đan xen, đòi hỏi ngành GD Bắc Ninh phải nỗ lực không ngừng mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới Giáo dục.
Mong muốn Bắc Ninh luôn là điểm sáng toàn quốc về phát triển GD-ĐT Nhân dự hội nghị của Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP Bắc Ninh, chiều 29-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đến chào xã giao đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Trong cuộc trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, Bắc Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển, trong đó có GD-ĐT, vì vậy cần tận dụng thời cơ để đầu tư phát triển, mong muốn Bắc Ninh tiếp tục là điểm sáng toàn quốc về GD-ĐT. Bộ trưởng gợi ý, Bắc Ninh ngoài việc duy trì phổ cập giáo dục các cấp học, cần quan tâm xây dựng những khu, trường học (ngoài công lập) đạt đẳng cấp Quốc tế, đào tạo liên thông từ Mầm non đến Đại học. Các trường này sẽ được đào tạo theo mô hình giáo dục tiên tiến, chất lượng cao theo hình thức xã hội hóa, có thể thu hút đông đảo học sinh Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận theo học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực. Quan tâm vấn đề dạy và học Ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, chú trọng công tác phân luồng học sinh cuối cấp, nhất là cấp THPT, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra… |
Thách thức, cũng là trăn trở bao năm của ngành và lãnh đạo tỉnh là chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể hiện qua các cuộc thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế chưa được như mong muốn, mặc dù năm học vừa qua Bắc Ninh đã khánh thành Trường THPT Chuyên Bắc Ninh hiện đại bậc nhất toàn quốc và tới đây là hệ thống 8 trường THCS trọng điểm, nguồn tuyển liên thông cho Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Tiếp nữa, Bắc Ninh luôn tự hào là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia cũng như tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng mấy năm gần đây, cơ cấu dân số thay đổi, số học sinh các cấp tăng nhanh khiến rất nhiều trường phải đối mặt với áp lực quá tải về số lớp cũng như số học sinh/lớp. Tính riêng TP Bắc Ninh, mỗi năm mỗi cấp (gồm Mầm non, Tiểu học, THCS) tăng khoảng 1.000 học sinh, tổng là 3.000 học sinh, tương đương… 6 trường học, trong khi số trường không tăng. Việc tăng nhanh số lượng học sinh các cấp cũng khiến cho đội ngũ giáo viên của Bắc Ninh (ngoại trừ khối THPT) bị thiếu hụt, đây là điều đáng lo ngại vì hiện nay chỉ tiêu biên chế cho ngành vô cùng khó khăn.
Hôm nay ngày 5-9, ngành Giáo dục cả nước đồng loạt khai giảng năm học mới 2017-2018. (Ảnh: Khai giảng năm học 2016-2017 tại Trường THPT Hàn Thuyên).
Thách thức hiện hữu, nhưng ngay trong năm học 2016-2017, ngành chủ động tham mưu và đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt nhiều chương trình, đề án quan trọng, tạo cú hích giúp ngành có những bước phát triển toàn diện mới trong năm học 2017-2018 và những năm học tiếp theo. Điển hình phải kể đến là Đề án “Quy hoạch phát triển GD-ĐT Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến 2025 và 2030”. Theo mục tiêu đề án, nhiều trường quá tải sẽ được tách, xây mới nhiều trường ở những khu vực cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ cao về mạng lưới trường, lớp học. Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục Mầm non và trường Tiểu học giai đoạn 2017-2020. Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm cấp huyện”. Theo đó cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh 9 trường trong đề án sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu tiên vượt trội so với các trường cùng cấp. Quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên, học sinh được thể hiện rõ trong Quy định của UBND tỉnh về “Một số chế độ chính sách đối với giáo viên trường Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm”, “Quy chế truyển chọn giáo viên Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm”…
Về đội ngũ giáo viên, UBND tỉnh đã nhất trí để ngành GD-ĐT phối hợp các ngành hữu quan, các huyện, thị xã, thành phố hợp đồng số lượng giáo viên theo quy định thống nhất cho các cơ sở giáo dục còn thiếu, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học do quy mô số lớp, số học sinh/lớp của nhiều trường tăng. Đây là yêu cầu cần thiết trong điều kiện Bộ Nội vụ siết chặt chỉ tiêu biên chế, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, UBND tỉnh có kế hoạch cụ thể lộ trình xóa phòng học cấp 4, kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia, các trường điểm và trường trọng điểm nhằm tạo diện mạo mới cho ngành giáo dục. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng của tỉnh, của ngành khi Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.
Rõ ràng, trong năm học mới 2017-2018, dù phải đối mặt không ít thách thức, nhưng ngành Giáo dục Bắc Ninh nhờ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh cũng đang đứng trước nhiều cơ hội để vươn lên gặt hái nhiều thành quả mới trong công tác dạy và học. Tất nhiên thành công đến đâu và thành quả gặt hái được đến đâu còn phụ thuộc vào công tác quản lý, chỉ đạo của ngành GD-ĐT Bắc Ninh.
Ý kiến ()