Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, văn hiến và cách mạng, nơi khởi nguồn của Thuỷ tổ Việt Nam (Kinh Dương Vương), là quê hương của Vương triều Lý cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt… quê hương của những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh mượt mà đằm thắm đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngược dòng lịch sử, Trấn Kinh Bắc xưa khởi nguồn từ năm 1469, qua nhiều tên gọi khác nhau song ở thời kỳ nào cũng sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, làm rạng danh đất nước, có “Một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Trấn Kinh Bắc cũng nức tiếng là “Vương quốc” của lễ hội với đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa mang tầm vóc quốc gia. Trải qua hai lần chia tách và sáp nhập, ngày 15-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã có Nghị quyết chia tách Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, tạo đà phát triển cho quê hương Bắc Ninh trong giai đoạn mới.
Năm 2012, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Bắc Ninh vui mừng kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh (1997 - 2012). Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển quê hương, qua đó củng cố lòng tin, quyết tâm phấn đấu, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương giàu truyền thống văn hiến, cách mạng tiến nhanh, vững chắc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH).
15 năm trước, Bắc Ninh còn là một tỉnh nông nghiệp thuần tuý thì đến hôm nay đang tiến nhanh trên con đường CNH-HĐH, đóng góp đắc lực vào công cuộc đổi mới đất nước. Thực hiện lộ trình xây dựng tỉnh công nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của tỉnh, đề ra mục tiêu chiến lược, khoa học, đồng thời xác định được hướng đi đúng, có bước đi thích hợp tạo bước đột phá để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; cùng nhau đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sau mỗi năm nhìn lại, chúng ta lại thấy tự hào bởi những kết quả đạt được năm sau đều cao hơn năm trước. Tổng kết cả chặng đường 15 năm sau ngày tái lập tỉnh, chúng ta có quyền tự hào hơn về sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã được đền đáp xứng đáng bằng hoa thơm quả ngọt. Với những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã đưa Bắc Ninh lên một tầm cao mới, trở thành điểm sáng của cả nước. Năm 2011, Bắc Ninh tự hào trở thành địa phương đứng thứ 2 toàn quốc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 4 bậc so năm 2010, đến nay đã nằm trong 13 tỉnh tự cân đối và có phần điều tiết ngân sách về Trung ương. Qua đó khẳng định vị thế, hình ảnh của một tỉnh năng động đang trên con đường đẩy mạnh CNH-HĐH. Bắc Ninh đã và đang tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân 14,1% năm; quy mô kinh tế lớn mạnh không ngừng, năm 2011 gấp 6,6 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dich vu seo tích cực theo hướng hiện đại. Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 70,7%, dịch vụ 20,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,5% (năm 1997 tỷ trọng 3 khu vực này tương ứng là: 23,8% - 45,0% - 31,2%). GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.130 USD, gấp 108,7 lần so với năm 1997; công nghiệp phát triển nhanh, liên tục tăng trưởng cao, công nghệ ngày càng hiện đại, công nghiệp hỗ trợ bước đầu hình thành góp phần thu hút các nhà đầu tư, các Tập đoàn kinh tế lớn đến với các KCN tập trung của tỉnh. Khu vực làng nghề và các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, đa nghề tiếp tục phát huy thế mạnh, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh trong phát triển công nghiệp, là đầu tầu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh hiện nằm trong tốp 10 tỉnh cao nhất cả nước; nông nghiệp vượt qua khó khăn, liên tục được mùa và phát triển; năng suất luá từ 39,2 tạ/ha năm 1997 lên 63,1 tạ/ha năm 2011; hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng bình quân 48,5%/năm; năm 2011, xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt 5,8 tỷ USD, gấp 282 lần so năm 1997; hoạt động tài chính - ngân hàng có bước phát triển vượt bậc; năm 2011 thu ngân sách đạt trên 7.100 tỷ đồng, gấp 41 lần so với năm 1997; công tác quy hoạch được quan tâm rà soát, bổ sung; đầu tư cho phát triển được chú ý, kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội được tăng cường, tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn. Các hoạt động an sinh xã hội, văn hoá xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, đạt nhiều thành tích. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Chính quyền các cấp; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, thiết thực, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc.
Để có được những kết quả toàn diện nêu trên là do những nhân tố động lực của sự phát triển đó là:
Thứ nhất, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, Chính quyền, sự đồng thuận trong nhân dân, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương đất nước của cả hệ thống chính trị; định hướng đúng đắn về hướng đi, mục tiêu, nhiệm vụ của các thế hệ lãnh đạo thời kỳ đầu tái lập tỉnh và được tiếp nối bổ sung của thế hệ lãnh đạo kế tiếp đã tạo cho tỉnh có sự phát triển ổn định, bền vững.
Ngay từ ngày mới tái lập, tỉnh đã tập trung triển khai 10 nhiệm vụ cấp bách: ổn định bộ máy; điều kiện làm việc cho các cơ quan, đồng thời xây dựng quy hoạch thị xã tỉnh lỵ và các đô thị trên toàn tỉnh; củng cố và phát triển làng nghề; xúc tiến đầu tư, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát động chiến dịch nâng cấp cải tạo đường giao thông nông thôn… Trong điều kiện khó khăn, chính sự đoàn kết nhất trí và tinh thần hăng say lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân là động lực quan trọng nhất để tỉnh vượt qua khó khăn trong những năm đầu và tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.
Thứ hai, xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn cho phát triển trong giai đoạn mới, điều này đã xác lập nền tảng vững chắc và tạo ra những dấu ấn trong sự phát triển của Bắc Ninh 15 năm qua. Ngay từ năm 1997, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (năm 2000) đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp. Cùng với quá trình đó, quy hoạch tiếp tục rà soát và hoàn thiện, lựa chọn các khâu đột phá, tiếp tục tư duy để kiến tạo tầm nhìn trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra: phấn đấu đến năm 2015, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Thứ ba, hệ thống chính sách khuyến khích và phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng và kịp thời bổ sung, sửa đổi đáp ứng những bước chuyển biến trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế, nhiều chính sách sáng tạo của Bắc Ninh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế cuộc sống, tạo động lực phát triển như: các chính sách về thu hút đầu tư; phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút và sử dụng nhân tài; khuyến khích tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội (hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo; hỗ trợ người cao tuổi), đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường.
Thứ tư, phát huy lợi thế so sánh về địa kinh tế và trên các ngành, lĩnh vực, sớm có những điều chỉnh về chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, theo mục tiêu xây dựng tỉnh công nghiệp và tương thích với quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 1997 - 2000, tỉnh tập trung phát triển khu vực kinh tế truyền thống; giai đoạn 2001-2005, tỉnh chuyển mạnh sang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và từ năm 2006 đến nay phát triển công nghiệp gắn với đô thị và thu hút đầu tư có chọn lọc; khuyến khích và chú trọng phát triển các dự án quan trọng, nhất là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch giải quyết nhiều việc làm cho lao động, thu ngân sách lớn, thân thiện môi trường.
Thứ năm, tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ của Trung ương, phối hợp hỗ trợ của các địa phương; huy động các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng, đã tạo ra cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển. Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Quốc lộ 1B, nâng cấp Quốc lộ 18. Dấu ấn giao thông quan trọng nhất của tỉnh là chủ động và quyết tâm triển khai các dự án nâng cấp quốc lộ 38, và xây dựng Cầu Hồ nối liền hai bờ sông Đuống, tạo đà cho một Bắc Ninh phát triển thịnh vượng, đồng đều. Cùng với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ 271, 280, 282, 295, đang triển khai xây dựng cầu vượt sông Đuống… hoàn thiện mạng lưới đường đô thị, Bắc Ninh có quyền tự hào về một mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ và liên thông trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính Nhà nước; triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình “Một cửa và một cửa liên thông hiện đại”;
Thứ bẩy, sự lãnh đạo toàn diện thường xuyên của các cấp uỷ Đảng; giám sát tích cực của HĐND; chỉ đạo điều hành tập trung, quyết liệt có hiệu quả của các cấp chính quyền; phối hợp tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị; sự tham gia rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong giai đoạn phát triển mới, Bắc Ninh cần tiếp tục phát huy những nhân tố động lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra, đồng thời bổ sung các nhân tố mới của xu thế phát triển khoa học và hội nhập quốc tế, phát huy nhân tố con người, khuyến khích sáng tạo, thu hút và sử dụng tài năng tạo nên bước đột phá trong phát triển của giai đoạn mới, đó là:
1. Rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bám sát mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng các yếu tố nền tảng của tỉnh công nghiệp thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Quy hoạch, tổ chức không gian kinh tế và đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết, phát huy được lợi thế về địa kinh tế, xây dựng Bắc Ninh trở thành khu vực trọng điểm tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hoàn thành Đồ án Quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa chủ động, đúng hướng, tạo nguồn vốn và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai của đô thị Bắc Ninh.
2. Cụ thể hoá các chính sách của Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh, đặc biệt chú ý thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết TW3, khoá XI; Tăng cường thu hút, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các mục tiêu ưu tiên, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tiếp tục khai thác lợi thế so sánh, xây dựng cơ chế chính sách mới dựa trên nguyên tắc về nâng cao chất lượng và hiệu quả; tiếp tục nâng cao tỷ trọng và thực hiện chính sách đầu tư có chọn lọc, ưu đãi, khuyến khích đầu tư các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, thu ngân sách lớn, thân thiện môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; hình thành và kết nối đô thị công nghiệp, khu đào tạo, nghiên cứu, triển khai, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực phía Bắc. Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tài chính, ngân hàng, dịch vụ phát triển kinh doanh; tăng nhanh thu ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng ứng dụng rộng rãi công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh có năng suất, chất lượng, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu đa mục tiêu: nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tham gia đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập cho người nông dân; đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới gắn quá trình đô thị hóa với việc thực hiện các tiêu chí với chuẩn cao hơn.
4. Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp đầu cả nước. Cải cách hành chính dựa trên mô hình áp dụng một cửa và một cửa liên thông hiện đại. Hiện đại hoá công sở, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc như: ô nhiễm môi trưòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khiếu nại tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... bảo đảm giữ vững và tăng cường quốc phòng an ninh, tạo môi trường ổn định cho đầu tư phát triển.
5. Phát huy yếu tố con người và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá và xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục thực chất, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng trường THPT chuyên Bắc Ninh và hệ thống trường THCS trọng điểm ở cấp huyện; đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng khu đại học; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với trình độ phát triển của tỉnh công nghiệp, chuẩn bị một bước để đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng hình ảnh Bắc Ninh với nền tảng kinh tế phát triển, khu công nghiệp, đô thị hiện đại kết hợp với truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc - văn hoá Kinh Bắc, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Bắc Ninh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu mạnh, phồn vinh; cùng cả nước đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang của Đảng, của dân tộc, đưa đất nước tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý kiến ()