Gói mình trong bộ bảo hộ phòng dịch cấp 4 bức bối, các y bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh vẫn nhanh nhẹn và thuần thục với mỗi ca sinh nở cho các sản phụ nghi nhiễm đến từ vùng dịch COVID-19. Giữa muôn vàn lo lắng, hồi hộp, mong chờ đan xen, tiếng khóc chào đời của những thiên thần nhỏ như ánh mặt trời ló rạng, xua tan âu lo bao trùm những ngày đại dịch.

Mỗi em bé chào đời ở khu cách ly là một lần cán bộ y tế “vượt cạn” cùng sản phụ.
Quá nhiều cung bậc cảm xúc!
Đó là chia sẻ của chị Phạm Thuỷ Vân, một giáo viên Tiểu học khi chị và con gái mới chào đời được trở về nhà sau hơn một tháng từ khu cách ly tập trung đến khu vực cách ly của Trung tâm Y tế huyện, rồi điểm cuối là Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh. Gần 40 tuổi chị Vân mới mang thai lần 2, mọi việc suôn sẻ cho đến khi vợ chồng chị trở thành F1. Tay ôm con gái bé bỏng, chị Vân trải lòng “Giờ chỉ nghĩ lại thôi là lại trào nước mắt. Thật sự không bao giờ nghĩ tháng cuối thai kỳ, hai mẹ con lại vất vả đến vậy, đếm từng ngày qua đi trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi, đặc biệt khi trong phòng tại khu cách ly tập trung 5 người thì 4 người đều trở thành F0. Mỗi ngày nặng nề trôi qua, có khi người thân, bạn bè gọi điện thoại không dám nghe vì sợ yếu lòng và khóc. Muôn vàn nỗi sợ hãi cùng đến…”.
Chị Vân giãi bày: “Hai vợ chồng cùng một phòng cách ly tập trung nhưng chị tránh xa cả chồng, tránh cả việc đối mặt F1 khác trong khu vực vệ sinh. Mỗi khi có F1 cùng phòng thành F0, sự lo lắng lại nâng thêm một mức, lại một chu trình lấy mẫu xét nghiệm mới với sự chờ đợi “không hạnh phúc” và kéo dài thời gian cách ly…”, “Nỗi hoang mang nặng nề nhất là sau khi chồng chị thành F0. Mỗi tối đi ngủ hai bên gối là 2 cuộn giấy lau nước mắt. Sắp đến ngày sinh rồi mà mỗi khi đọc báo thấy thông tin sản phụ F0 phải tách khỏi con lại lo lắng đủ bề rồi cả áy náy vì người đi chăm sóc hai mẹ con cũng có nguy cơ bị lây. Thai 35 tuần chị vào khu cách ly tập trung, ở đấy không có phương tiện khám thai, lại bị tiểu đường thai kỳ nên càng lo, hằng ngày chỉ dùng kinh nghiệm bản thân để theo dõi vận động của con xem con có khoẻ không. Giờ này được bình yên ôm con trong vòng tay, nhìn lại quãng ngày vừa qua, chị nghĩ mình thực sự may mắn, như có phép màu vậy”.
Một cái tên rất đẹp đã được đặt cho cô bé nặng 2,8kg sinh mổ trong khu cách ly tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh. Bố điều trị F0 ở bệnh viện dã chiến, mẹ bầu F1 cách ly y tế, theo dõi, điều trị tại bệnh viện chuyên khoa, con trai F2 cách ly tại nhà ông bà nội… thì mẹ an toàn không bị “nhảy” F0, em bé chào đời khoẻ mạnh là sự kỳ diệu mà cả gia đình chị Vân mong cầu đã trở thành hiện thực.
Bảo đảm an toàn “vùng đệm”
Toà nhà 3 tầng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh hiện là khu vực riêng biệt dành theo dõi, điều trị bệnh nhân sản, nhi thuộc diện F1, F2 hoặc đến từ vùng dịch tễ. Đây là nơi những ngày qua, bác sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng khoa Sản Đẻ, Bệnh viện Sản - Nhi cùng các đồng nghiệp đã đón hàng chục em bé có mẹ là F1, F2 hoặc đến từ vùng dịch. Bác sĩ Cường cho biết khu vực khám, chữa bệnh này được coi là “vùng đệm” để sàng lọc, phân loại đối tượng bệnh nhân.
Tại đây, mỗi ngày các y bác sĩ sàng lọc, khám và điều trị cho 35 đến 45 lượt bệnh nhân thuộc các nhóm trên, trong đó bình quân khoảng 10 ca đẻ hoặc mổ (bao gồm cả mổ đẻ và các bệnh lý sản khoa). “Bệnh nhân vào khu vực này đa dạng, có trường hợp thai phụ F1 doạ sảy, sinh non, u nang buồng trứng xoắn mổ cấp cứu… nhưng hồi hộp nhất, mong chờ nhất, lo lắng nhất là các sản phụ chuyển dạ đẻ. Với chúng tôi, mỗi lần đón một em bé chào đời trong khu cách ly cũng giống như một lần “vượt cạn” của chính mình vậy!” - bác sĩ Cường chia sẻ.
Khu nhà 3 tầng không thang máy, những sản phụ sau đẻ, bệnh nhân sau mổ ổn định đều được cán bộ y tế cáng tay từ tầng 1 lên phòng bệnh ở tầng 2 hoặc tầng 3. Bệnh nhân có người nhà đi cùng chăm sóc cũng chỉ ở trong phòng bệnh, tuyệt đối không được ra ngoài hành lang, do đó việc vận chuyển bệnh nhân đều do cán bộ y tế làm hết. Bao nhiêu ca mổ/ đẻ một ngày thì bấy nhiêu lần các nhân viên y tế phải dùng cáng tay.
“Có những ca vào chuyển dạ đẻ luôn hoặc phải mổ cấp cứu, trong khi chưa có kết quả xét nghiệm Realtime PCR nên chúng tôi xử trí như một ca dương tính. Đó là lý do vì sao các ca này mổ tại đây, đẻ tại đây và sau đó được chuyển lên khu nhà 9 tầng. Vì kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính với SARS-CoV-2 cho thấy họ an toàn”.
Để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, những trường hợp nguy cơ cao như F1, F1 có triệu chứng được bệnh viện bố trí ở phòng riêng biệt, có nhà vệ sinh riêng. Những sản phụ đẻ mổ sau kiểm tra sức khoẻ cả mẹ và con ổn định được cho xuất viện sớm để giải phóng giường bệnh đồng thời giảm nguy cơ cho chính bệnh nhân. Một phòng mổ dã chiến được Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh thiết lập tại tầng 1 của khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi phục vụ các ca mổ đẻ và các phẫu thuật khác cho bệnh nhân F1, F2, vùng dịch tễ.

Sản phụ sau sinh được cán bộ y tế khiêng cáng tay về phòng bệnh.
Đón ánh “mặt trời”
“Một cuộc mổ đẻ thường kéo dài từ 30-60 phút. Trong điều kiện không được bật điều hoà, lớp ngoài cùng là bảo hộ cấp 4, bên trong là quần áo cá nhân, rồi quần áo phòng mổ nên mổ xong thì người cũng ướt sũng vì mồ hôi, cơ thể mệt mỏi do mất nước và căng thẳng tập trung vào cuộc mổ. Lần đầu tiên thấy vướng víu, xong rồi thì cũng thấy quen. Điều đọng lại cuối cùng là tất cả đều vui mừng vì có thêm một em bé an toàn được sinh ra” - bác sĩ Đinh Thế Anh chia sẻ.
Nữ hộ sinh Lê Thị Thu Hương và các kíp trực đã đỡ đẻ cho nhiều cháu có mẹ đến từ vùng dịch tễ - “Mặc bộ bảo hộ phòng dịch rất nóng bức, càng mệt hơn trong những ngày nắng nóng đến gần 40 độ C, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Hơn nữa, các bệnh nhân vào khu vực này thiệt thòi hơn bệnh nhân thông thường, phần lớn chỉ có một mình mà không có người nhà chăm sóc với nỗi lo lắng chuyển thành F0, thậm chí sợ hãi bị lây bệnh từ những bệnh nhân xung quanh, do đó chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với bệnh nhân”. Trong gần 20 năm gắn bó ngành Y, từng đón hàng nghìn em bé chào đời nhưng những em bé chào đời trong khu cách ly mang đến cho chị Hương cảm xúc khác biệt, ấn tượng sâu đậm nhất là một em bé sinh non ở tuần 32, chỉ nặng 1,8kg, phải nuôi lồng kính sau sinh: “Cả sản phụ và mẹ chồng đều rất lo lắng nên hỏi rất nhiều. Mừng vì cháu bé chào đời an toàn nhưng thương vì con còn non tháng, cần chăm sóc đặc biệt”.
Còn bác sĩ Thế Anh vẫn dõi theo trường hợp một thai phụ là F1 chuyển thành F0 có hoàn cảnh đặc biệt. Bản thân thai phụ bán hàng rong, chồng F1 làm nghề đánh giày đi cách ly tập trung, mẹ đẻ là F0. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, Bệnh viện dồn toàn lực để điều trị, về sau được chuyển tuyến T.Ư để có phương pháp, phương tiện điều trị tối ưu nhất.
“Đi đẻ trong mùa dịch, thuộc đối tượng nguy cơ phải vào khu cách ly để theo dõi, điều trị, canh cánh trong lòng sản phụ và người nhà những phấp phỏng lo âu,… vì thế chúng tôi luôn động viên bệnh nhân và người nhà yên tâm tin tưởng, đồng thời nỗ lực hết mình giúp sản phụ sinh nở an toàn. Trong bối cảnh đó, mỗi em bé khóc to chào đời là hạnh phúc, may mắn với cả gia đình và chính cán bộ, nhân viên y tế”. - Bác sĩ Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Rời “Khu vực cách ly đặc biệt” ở Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh, trong tôi hỗn độn những xúc cảm khó nói thành lời. Tiếng khóc “oa oa” của những thiên thần nhỏ bé sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt bồi đắp thêm niềm tin mãnh liệt về ngày mai tươi sáng với ăm ắp tình yêu thương…
Phía sau những “mặt trời” ấm áp trong khu cách ly là sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sỹ áo trắng!
Phóng sự của Việt Hoa
Ý kiến ()