Cùng các thành viên Ban ATGT tỉnh đi thăm hỏi, động viên những gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vừa qua mới thấm thía hết nỗi đau đớn của họ khi đột ngột mất người thân, mất đi những trụ cột trong gia đình. Hậu quả để lại trong hầu hết các gia đình sau tai nạn giao thông là gánh nặng kinh tế, tinh thần khủng hoảng và nỗi đau chưa biết bao giờ nguôi ngoai.

Thực trạng trật tự ATGT
Dù đã rất nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT chung, song chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận ATGT đang diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Đơn cử như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã hơn 4 năm triển khai, thực hiện, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên.
Người tham gia giao thông ở các vùng quê, hay trên các tuyến đường nội thị trong các khu dân cư mới được xây dựng... vẫn chưa có thói quen đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó còn rất nhiều hiện tượng cố tình đi sai Luật Giao thông như vượt đèn đỏ, vượt đường sai quy định, đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng... Đó còn chưa nhức nhối bằng hiện tượng uống rượu, bia điều khiển phương tiện rồi gây tai nạn ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, các yếu tố như đường sá, cầu cống xây dựng chưa đồng bộ, công tác tổ chức giao thông kém, bất cập, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng, họp chợ... cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Song xét cho cùng, nguyên nhân chính gây mất ATGT và dẫn đến các vụ tai nạn giao thông chủ yếu vẫn do ý thức của người tham gia giao thông, hay đó còn gọi là “văn hóa giao thông”.
Dưới sự chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, những năm gần đây, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển chung của tỉnh. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chủ lực là lực lượng Công an quyết liệt vào cuộc, với quyết tâm cao đưa trật tự ATGT vào nền nếp, nhưng có lẽ yếu tố quyết định vẫn là ý thức con người. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông luôn phải đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới hạn chế được thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra.
Nỗi đau còn mãi
Đã một năm sau cái chết của cậu con trai Nguyễn Minh Trí đang học năm cuối trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đau thương, tang tóc vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ nằm trong một ngõ nhỏ của phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh). Ông Nguyễn Đương Tu, bố nạn nhân là thương binh hạng 2, từng xông pha khắp các chiến trường, chứng kiến không biết bao lần về sự hy sinh của đồng đội, nhưng khi đối mặt với sự ra đi vĩnh viễn của đứa con trai duy nhất, dường như ông không trụ vững được. Người mẹ Nguyễn Thị Bằng ngày ngày chỉ biết ôm di ảnh con rồi khóc. Sự tồn tại trong gia đình nhỏ ấy chỉ còn duy nhất là nỗi đau đớn mất con.
Hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Luyện ở thị trấn Chờ (Yên Phong) cũng đau xót biết bao. Bố, mẹ bỏ nhau, em sống với mẹ ở quê ngoại, cuộc sống rất khó khăn. Hai mẹ con không có nhà để ở, phải đi ở nhờ người thân. Thế rồi cái ngày định mệnh đã xảy ra khi em chuẩn bị bước vào năm học mới ở trường THPT Yên Phong I, Luyện bị xe ô tô tải đâm vào và cướp mất đôi chân. Dù tính mạng vẫn được bảo toàn, nhưng thương tật thì vĩnh viễn, nó cũng đồng nghĩa với tương lai sáng sủa của em có thể bị khép lại...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi ngày trên cả nước có khoảng 30 người tử vong do tai nạn giao thông. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có 30 gia đình phải chịu sự đau đớn, mất mát to lớn bởi sự ra đi đột ngột của người thân và hàng chục gia đình phải chịu hậu quả nặng nề vì thương tật do tai nạn giao thông để lại.
Với Bắc Ninh, trong vòng 10 năm lại đây (từ năm 2000 đến 2011) đã có khoảng gần 2000 người chết vì tai nạn giao thông, hàng nghìn người bị thương và thiệt hại tài sản lên đến cả tỷ đồng. Những con số nhức nhối này cho thấy, tai nạn giao thông đã trở thành “Quốc nạn” cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Đó cũng là thông điệp mà Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử nạn vì tai nạn giao thông do tỉnh tổ chức gửi đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Để không còn nỗi đau từ tai nạn giao thông thì ngay từ bây giờ, mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật; ngành chức năng cũng cần cẩn trọng, trách nhiệm hơn trong công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự ATGT chung... Có như vậy mới kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông trong cuộc sống của chúng ta.
Đồng cảm - trách nhiệm
Hưởng ứng Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử nạn vì tai nạn giao thông, phóng viên Báo Bắc Ninh đã có dịp trò chuyện, tìm hiểu nỗi đau mà các gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Qua đây, mong nhận được sự đồng cảm và trách nhiệm hơn nữa của toàn xã hội.
Mong sao không có gia đình nào phải chịu những đau thương, mất mát
(Cụ Nguyễn Thị Chì, 82 tuổi, thôn Đạo Tú, Song Hồ (Thuận Thành), gia đình của các nạn nhân Hoàng Bá Trường, Nguyễn Thị Tuyết và Hoàng Bá Sơn)
Thật xúc động trước sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nuớc, các cấp, các ngành trong tỉnh dành cho gia đình tôi. Tai nạn kinh hoàng đó đã xảy ra 5 năm rồi, nhưng nỗi đau mất con trai, con dâu và cháu nội thì còn mãi. Dù mấy năm trôi qua nhưng thảm cảnh đó vẫn luôn hiện về từng đêm. Bố mẹ cháu ra đi để lại 5 đứa con thơ dại, tôi già yếu nhưng vẫn phải là chỗ dựa cho các cháu. Nhìn các cháu lớn lên thiếu tình thương yêu của cha mẹ tôi cũng đau lòng lắm. Gia cảnh thì túng thiếu, sức khoẻ tôi ngày càng yếu, không biết sau này các cháu sẽ sống ra sao. Tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa để các cháu có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng mong mọi người phải cẩn thận khi tham gia giao thông, tránh những điều không may xảy ra.
Nỗi đau sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai
(Chị Nguyễn Thị Bích, mẹ nạn nhân Trần Đức Lin, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh)
Cháu vừa tốt nghiệp Đại học ra trường và làm quản lý vật tư tại một Công ty may thuộc khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). Trên đường đi làm về qua Quốc lộ 1A, đoạn chân cầu Như Nguyệt thì cháu gặp nạn do xe tải chở hoa quả nổ lốp. Nuôi con đến lúc khôn lớn, trưởng thành, những tưởng sẽ được cậy nhờ, nào ngờ chỉ trong chốc lát, tôi mất con. Nỗi đau này chẳng bao giờ nguôi được. Hy vọng mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, trách nhiệm bản thân khi tham gia giao thông để không xảy ra nỗi đau đớn như gia đình chúng tôi.
Anh ấy để lại cho tôi gánh nặng quá lớn
(Chị Phan Thị Hường, vợ nạn nhân Nguyễn Quốc Dương, thôn Chi Hồ, xã Tân Chi, huyện Tiên Du)
Tết năm 2010, chồng tôi đi chúc Tết họ hàng nội ngoại và bạn bè ở các thôn lân cận rồi vĩnh viễn không trở về với mẹ con tôi nữa. Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của anh ấy và để lại cho tôi gánh nặng quá lớn, vừa phải đối mặt với nỗi đau mất chồng, lại một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống thì quá khó khăn, khắc nghiệt. Hiện bản thân tôi còn bị sỏi mật, quanh năm phải uống thuốc. Mẹ con tôi cứ sống lay lắt qua ngày, không biết rồi tương lai của các cháu sẽ ra sao. Bây giờ tiền học của các cháu đều nhờ vào anh, chị em ruột và ông bà ngoại. Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn nữa đến các cháu, giúp gia đình tôi vượt qua nỗi đau, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hi vọng không còn cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố vì tai nạn giao thông
(Bà Đồng Thị Hợp, 62 tuổi, mẹ của nạn nhân Đồng Đăng Tâm, thôn Tân Tiến, Cao Đức, Gia Bình).
Tôi chỉ có mình cháu Đồng Đăng Tâm. Bao nhiêu tình yêu thương, niềm hi vọng tôi đều gửi gắm nơi cháu, vậy mà chỉ trong chốc lát, cháu bỏ tôi ra đi vĩnh viễn. Giờ trong nhà chỉ còn mình tôi và mẹ già 84 tuổi nên nỗi đau càng nhân lên gấp bội. Tôi mong sao mọi người khi tham gia giao thông biết cẩn trọng, đi lại an toàn tránh làm hại mình hại người. Hi vọng không còn người mẹ nào phải mất con, vợ mất chồng, con mất bố vì tai nạn giao thông nữa.
Biết bảo vệ mình và bảo vệ mọi người khi tham gia giao thông
(Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ nạn nhân Doãn Duy Hoàn, xã Phú Lương, huyện Lương Tài)
Hoàn cảnh gia đình tôi thuộc diện khó khăn của xã, con thì mất do tai nạn, chồng tôi bị bại não 4 năm nay, mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn hết vào tôi. Cháu nhà tôi, khi đang ngồi sau xe đạp của bạn thì bị ngã văng ra lòng đường rồi xe công nông cán phải. Tôi rất đau lòng và cứ tự dằn vặt mình sao không bớt chút thời gian để đưa đón con đi học. Tôi mong những người làm cha, làm mẹ hãy dành sự quan tâm tốt nhất cho con trẻ, dạy chúng ngay từ nhỏ phải có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông, để mỗi đứa trẻ khi lớn lên đều trở thành người công dân có ích cho xã hội, biết bảo vệ mình và bảo vệ mọi người khi tham gia giao thông.
Ý kiến ()