Hình ảnh những con đường bê tông chạy quanh các ngõ xóm, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, những khu vui chơi, giải trí hiện đại, những vườn hoa, công viên cây xanh… giờ không còn quá xa lạ với các vùng quê thuần nông trong tỉnh. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những quyết sách hợp lòng dân của tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng Nông thôn mới. Khoảng cách giữa nông thôn-thành thị dần thu hẹp, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, diện mạo nông thôn đang từng ngày khởi sắc.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo giá trị kinh tế cao, bền vững.
“Sống xanh” hiện hữu
Suốt quãng đường từ trụ sở Đảng ủy, UBND xã về thôn Cách Bi, xã Cách Bi (Quế Võ), đồng chí Nguyễn Thị Thành, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã không giấu nổi sự tự hào về quê hương mình. Đưa chúng tôi về ngõ xóm nhỏ, nơi mình sinh ra và lớn lên, đồng chí Thành chỉ tay về những bức bích họa trên tường và hàng trăm chậu, bồn hoa rực rỡ màu sắc, đa dạng về hình dáng, chất liệu vừa được người dân và chính quyền chung tay hoàn thành phấn khích: Hơn 40 năm gắn bó với quê hương, chưa bao giờ thấy quê hương mình xanh, sạch đẹp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người người dân nơi đây cao đến thế. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của cấp ủy, đoàn thể thôn chung tay vận động người dân xây dựng “Xóm kiểu mẫu” với sự tham gia của 14 hộ gia đình. Trong khoảng thời gian gần 1 tháng, 100% số hộ tự nguyện góp công, góp của chỉnh trang, xây, trát lại tường đã cũ, xây mới những đoạn chưa có tường, quét vôi ve đồng bộ tường trong xóm, vẽ tranh, làm cổng xóm, trồng hoa… Kết quả, hàng trăm m2 tranh tường, hàng trăm chậu hoa các loại được hình thành, tạo bộ mặt rực rỡ, tràn đầy sức sống. Ngày hoàn thành việc trang trí, xóm nhỏ như một ngày hội, sự hài lòng, phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của tất cả người dân. Cuộc sống xanh thực sự hiện hữu ở miền quê này.
Nhớ lại khoảng thời gian 10 năm về trước, Cách Bi bước vào xây dựng Nông thôn mới với xuất phát điểm không cao như một số địa phương lân cận. Là địa phương thuần nông, nguồn thu chủ yếu từ cây lúa, củ khoai, trong khi xây dựng Nông thôn mới lại cần một nguồn kinh phí không nhỏ. Song “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, của huyện và nhất là sự đồng thuận của người dân, các tiêu chí Nông thôn mới của địa phương dần được hoàn thành. Năm 2017, sau khoảng thời gian 6 năm nỗ lực, xã Cách Bi được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Phấn khởi trước sự khang trang, hiện đại của quê hương, không dừng lại ở đó, Cách Bi tiếp tục vươn lên quyết tâm đạt các tiêu chí nâng cao. Năm 2019, xã giao Hội Phụ nữ chọn thôn Cách Bi làm điểm xây dựng mô hình “Làng 3 sạch”. Ban điều hành mô hình do đồng chí Bí thư Chi bộ thôn làm Trưởng ban nhanh chóng bắt tay phân công các thành viên hướng dẫn, vận động, tổ chức và đôn đốc các hộ dân tham gia thực hiện 3 tiêu chí: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng. Kết quả, người dân toàn thôn tự nguyện đóng góp hơn 2.000 ngày công trồng cây, trồng hoa, dọn cỏ, chăm sóc hơn 300 bờ ao, đường hoa; ủng hộ hơn 150 triệu đồng mua các trang thiết bị trong nhà văn hóa, xây dựng sân bóng cho trẻ em… Quan trọng hơn cả là hoạt động: dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; chăm sóc, dọn cỏ đường hoa, bảo đảm vệ sinh từ nhà ra ngõ, không vứt rác ra đường, để rác đúng nơi quy định… được duy trì thường xuyên, liên tục, quyết tâm thực hiện các tiêu chí “Nông thôn mới nâng cao”.
Cách Bi là điển hình cho những làng quê xanh dần hiện hữu trong cuộc sống hiện đại này. Điều này một lần nữa khẳng định hướng đi đúng của tỉnh trong chiến lược tăng trưởng xanh bền vững.
Mục tiêu cứng, quyết tâm cao
Bắc Ninh tự hào về đích xây dựng Nông thôn mới nằm trong tốp đầu cả nước, khẳng định chủ trương đúng đắn của một chương trình tổng thể, toàn diện về phát triển kinh tế- xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng khu vực nông thôn. Tỉnh xác định rõ: Xây dựng Nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững cả về vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, gắn với quá trình đô thị hoá, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, đưa các vùng nông thôn thành nơi đáng sống. Chính vì vậy, phát huy kết quả đạt được ở giai đoạn đầu 10 năm xây dựng Nông thôn mới, tỉnh nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao, với quyết tâm thực hiện các mục tiêu cứng đến năm 2025: 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50 mô hình khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, vì sự phát triển hài hoà, bền vững chung của tỉnh.
Đồng chí Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định: Với cương vị là cơ quan thường trực trong thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, Chi cục tham mưu với tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh bảo đảm xây dựng Nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, kết nối nông thôn- đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới. Ưu tiên hình thành, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thu mua, kết nối, cung ứng, chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm phát huy lợi thế địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên của vùng. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn, đẩy mạnh hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Bảo đảm các yếu tố an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Để đạt các mục tiêu đặt ra, cả hệ thống chính trị thực sự vào cuộc, xây dựng chiến lược hành động cụ thể, với quyết tâm “Bắc Ninh chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Trong đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, ưu tiên nhiệm vụ trọng tâm về phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, bảo đảm sự kết nối nông thôn- thành thị, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái nông thôn. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Kiện toàn bộ máy thực hiện Chương trình ở các cấp, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách xây dựng Nông thôn mới ngày càng chuyên nghiệp, có tâm, có tầm để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn nhân lực, vật lực trong dân theo nguyên tắc tự nguyện, thống nhất cao, tạo sức mạnh đại đoàn kết trong toàn dân về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Những vùng nông thôn trù phú, hiện đại mang dáng dấp đô thị thực sự hình thành và đang tạo sức lan toả mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi mới từng ngày ở những vùng nông thôn đáng sống. Đó chính là những mảng ghép sáng cho một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.
Ghi chép của Lan Hoàn
Ý kiến ()