Kỳ III. Thời cơ mới, vận hội mới
Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, sản phẩm của làng nghề cơ bản sản xuất thủ công, manh mún, tiêu thụ trong nước với số lượng, mẫu mã khiêm tốn. Đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà” bắt buộc kinh tế làng nghề chuyển dịch sang mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường. Hiện đại hóa công nghệ, đa dạng sản phẩm vừa mang tính truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu thị trường là “chìa khóa” để các doanh nghiệp làng nghề mở cánh cửa hội nhập cùng thế giới.
Phối cảnh dự án Khu cảng cạn và dịch vụ Logistics tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh).
Sinh lực mới cho làng nghề
Tại Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Bắc Ninh chưa bao giờ xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, sản xuất công nghiệp mạnh tay và quyết liệt như lúc này. Việc để xảy ra những tồn tại, bất cập đối với khu vực kinh tế làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ có trách nhiệm quản lý thiếu chặt chẽ, đồng bộ, khoa học của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Tới đây, để chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, đầu tư tại các CCN thực sự bài bản, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới môi trường, giao UBND cấp huyện quản lý, trình chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, Sở Công Thương thẩm định các dự án trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh rất tâm đắc với quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Ông Bắc nhận định: “Đại phẫu” các điểm nóng môi trường làng nghề cũng là một cuộc “cách mạng” về thay đổi nhận thức, hành vi đối xử với môi trường sống của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Nền kinh tế nước ta giờ đây đã hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới với nhiều tiêu chuẩn vô cùng khắt khe liên quan đến môi trường. Bắc Ninh hiện quỹ đất, dư địa cho phát triển công nghiệp không còn nhiều, lãnh đạo tỉnh chỉ ưu tiên và đón nhận các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất, công nghệ hiện đại, ít tác động, thậm chí không làm tổn hại đến môi trường. Những doanh nghiệp đã vi phạm mà không khắc phục thì kiên quyết không chấp thuận các dự án đầu tư.
Môi trường là một trong những trụ cột quan trọng của phát triển bền vững nền kinh tế. Từ thực tiễn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các làng nghề hiện nay, “bài toán” môi trường phải được đặt ra trong quá trình phát triển với lời giải “trách nhiệm” cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trọng tâm của công tác quy hoạch cần cập nhật theo mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội với bảo vệ môi trường. Như vậy, công tác bảo vệ môi trường phải đi trước một bước chứ không phải “lẽo đẽo” đi sau phát triển.
Làng nghề vốn tồn tại cấu trúc hai trong một, “làng trong nghề và nghề trong làng”. Các hộ dân làm nghề theo kiểu “cha truyền con nối” nên thiếu sự hợp tác để cùng đóng góp, bảo vệ và xử lý những tồn tại về môi trường. “Chuyển đổi cơ bản sang nền kinh tế xanh sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh. Trao đổi với ông Hiếu, chúng tôi được biết: Sau khi dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trong khu dân cư, thành phố Bắc Ninh ưu tiên dành nguồn kinh phí cho công tác tổng vệ sinh môi trường, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, đường giao thông trong khu dân cư. UBND thành phố tiến hành lập Dự án cải tạo môi trường sông Ngũ Huyện Khê, hai bên bờ đê được kè đá, bơm ngược nước từ sông Cầu để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm, tạo cảnh quan sinh thái. Toàn bộ nước thải, rác thải được xử lý đồng bộ, triệt để hàng ngày. Tại làng nghề sẽ có trạm quan trắc môi trường, khói bụi nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của Đề án cải tạo môi trường.
“Làng nghề sẽ không mất đi đâu cả! Người dân, bên cạnh việc được khuyến khích khôi phục, phát triển nghề làm giấy dó, giấy vàng mã, giấy bản truyền thống sẽ tập trung phát triển dịch vụ “hậu sản xuất giấy”. Trong các cuộc đối thoại với các hộ sản xuất ở Phong Khê, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh luôn cam kết như vậy.
UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định chấp thuận Công ty Logistics LSH là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ Logistics tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và xã Đông Phong (huyện Yên Phong) có quy mô quy hoạch hơn 94,5ha với tổng vốn đầu tư hơn 4,609 tỉ đồng. Trong đó chi phí thực hiện dự án 4,225 tỉ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự kiến hơn 348 tỉ đồng.
Tương lai không xa, khi CCN Phong Khê I, II được quy hoạch, xây dựng thành khu thương mại, văn phòng giao dịch các sản phẩm ngành giấy… cùng với triển khai xây dựng Khu cảng cạn và dịch vụ Logistics Phong Khê sẽ “thay máu”, tạo ra nguồn sinh lực mới cho kinh tế làng nghề bước sang một chu kỳ phát triển mới. “Chỉ tính riêng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giấy phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt Nam đã vô cùng phong phú. Bắc Ninh lại là “thủ phủ” sản xuất công nghiệp nên dư địa phát triển của ngành sản xuất giấy còn nhiều tiềm năng để ngỏ. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp làng nghề có nắm bắt được “cơ hội vàng” để khai thác hay không? Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm ngành giấy chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”. Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định.
Các sản phẩm ngành sản xuất giấy đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống, kinh tế-xã hội.
Xanh hóa làng nghề sẽ giải quyết triệt để vấn đề môi trường
Làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Xanh hóa các làng nghề là giải pháp căn cơ nhằm phát triển sản xuất bền vững, góp phần xây dựng một nền kinh tế nông thôn thịnh vượng.
Ông Ngô Hữu Phương, Giám đốc Công ty giấy và bao bì Phương Đông có kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong ngành sản xuất giấy chia sẻ: Doanh nghiệp của tôi vừa đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất giấy quy mô 600 tấn/ngày, (170.000 tấn/năm) theo tiêu chuẩn hiện đại, thân thiện với môi trường tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) được chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ. Thực tiễn sản xuất khép kín tại Nhà máy không hề gây ô nhiễm đến môi trường, tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất giấy ở Phú Lâm hay Phong Khê gắn bó với nghề làm giấy đã lâu, chúng tôi mong muốn tỉnh bố trí quỹ đất, giới thiệu địa điểm để doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về môi trường. Các cấp chính quyền chỉ cấp phép cho doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện các dự án đầu tư chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn môi trường theo chuẩn quốc tế. Tại khu vực làng nghề cũ chỉ cho thực hiện các dự án sản xuất “hậu nghề giấy” như: đóng gói giấy ăn, giấy vệ sinh, hoàn thiện bao bì, ký kết các hợp đồng kinh tế liên quan đến nghề sản xuất giấy… Làm được điều này không chỉ giữ được nghề sản xuất giấy mà còn giải quyết căn bản những “nhức nhối, tồn tại” do ô nhiễm môi trường từ sản xuất giấy gây ra.
Làng nghề tạo sinh kế cho người dân, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Song việc đánh đổi sức khỏe, môi trường của cả làng, cả xã để lấy sinh kế, lợi ích kinh tế được xem “là cái giá quá đắt” khi phải xử lý những hậu quả do ô nhiễm môi trường gây lên không phải một vài năm, thậm chí hàng chục năm mới giải quyết được. Những biện pháp mạnh “mạnh tay” đóng cửa, di dời các hộ sản xuất, doanh nghiệp ra khỏi làng nghề vào các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung nhằm giải bài toán về hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, chất thải... Các cấp chính quyền tích cực vào cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp di dời ra khỏi khu dân cư được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ các thủ tục thuê đất, thành lập doanh nghiệp… để sớm ổn định sản xuất tại địa điểm mới, chuyển đổi mô hình, ngành nghề…
Nguồn kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2025-2030 khoảng 154,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh. Trong đó, kinh phí hỗ trợ chi phí di dời 77,25 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng 77,25 tỷ đồng. Mức lãi suất được hỗ trợ theo hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại từng thời kỳ, tính trên tổng số tiền vay để đầu tư xây dựng cơ sở mới. Thời gian hỗ trợ không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt hỗ trợ.
Bằng tư duy đổi mới, quyết liệt trong hành động, chính quyền và người dân tìm được “tiếng nói chung” về khát vọng xây dựng một đời sống thịnh vượng hơn, môi trường sống an toàn hơn cho mục tiêu phát triển xanh, đầu tư vào những ngành công nghiệp không khói, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giúp Bắc Ninh vững vàng trên bước đường xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương-thành phố net zero.
Tỉnh Bắc Ninh dự kiến hỗ trợ 50% kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị, nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án đối với các cơ sở tự nguyện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) đến năm 2030. Với điều kiện, các cơ sở này đã hoàn thành thủ tục ký hợp đồng thuê lại mặt bằng với đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất đúng theo quy định của pháp luật. Đối với các hộ sản xuất đã thực hiện di dời hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để thực hiện dự án mới, tỉnh Bắc Ninh dự kiến hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký của cơ sở với tổ chức cho vay, nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án. |
Thực tế ở Việt Nam đã có một số làng nghề như: Dệt lụa Hà Đông, gốm sứ Bát Tràng… trước đây cũng nổi tiếng về ô nhiễm môi trường thì nay không chỉ bảo tồn và phát triển mạnh về kinh tế mà còn trở thành làng du lịch. Phát triển du lịch làng nghề được coi là giải pháp quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, hỗ trợ đắc lực cho khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Các sản phẩm du lịch làng nghề nếu được khai thác theo hướng “du lịch xanh” sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa gìn giữ cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, vừa hướng tới “ nền kinh tế xanh”, nguồn sinh lực tiếp sức cho làng nghề phát triển, hội nhập, nhưng vẫn đậm bản sắc văn hoá Bắc Ninh- Kinh Bắc.
Người Bắc Ninh tự hào được tiền nhân trao truyền và lan tỏa Di sản dân ca Quan họ, dệt thêu nên một “Thương hiệu văn hóa” riêng biệt trong thời kỳ hội nhập. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Xanh hóa các làng nghề truyền thống góp phần xây dựng một nền sản xuất bền vững, kinh tế nông thôn thịnh vượng.
Một ngày không xa, tại làng giấy dó Đống Cao, tranh dân gian Đông Hồ sẽ được in trực tiếp ở đây để phục vụ du khách đến thăm quan. Không chỉ ngày hội làng, mà ngày rằm, Quan họ các làng kết chạ hát canh ở cửa đình, nhà chứa, trên sông Ngũ Huyện Khê, trên sân đình - đền Tướng quốc… như khi xưa các cụ vẫn hát.
Phóng sự của Đào Đình Khoa
Ý kiến ()