Nguyễn Trung Hiền
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
Những năm gần đây, các trang mạng xã hội (MXH) ngày càng tăng. Cả nước có khoảng 70 triệu người người dùng MXH (chiếm tỷ lệ hơn 70% số dân). Việt Nam là một trong 10 nước có lượng người dùng MXH cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Tại tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ người dân dùng mạng xã hội cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước, tập trung nhiều ở lứa tuổi từ 40 trở xuống.
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng phần mềm để rà soát, theo dõi thông tin trên MXH.
Không ai có thể phủ nhận những lợi ích MXH mang lại, song bên cạnh những mặt tích cực thì MXH cũng để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, nguy cơ khó lường. Với những động cơ, mục đích khác nhau, từ đơn giản như muốn “câu like”, “câu view” để nổi tiếng, đem lại các lợi ích về kinh tế, cho đến âm mưu thâm độc tác động đến tư tưởng, niềm tin của người dân, một bộ phận người dùng mạng xã hội đã phát tán thông tin bịa đặt hoặc cắt, ghép, bóp méo thông tin trên nhiều nền tảng MXH. Tin giả, tin xấu độc xuất hiện thường liên quan đến những sự kiện được dư luận quan tâm, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội như tình hình dịch bệnh, thiên tai, bão lũ… thậm chí, có những tin giả đã từng gây “bão” mạng.
Công an huyện Yên Phong xử phạt hành chính trường hợp đưa tin không đúng về vỡ đê sông Cầu.
Tại tỉnh Bắc Ninh, thông tin xấu độc, sai sự thật hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý không tốt đôi khi vẫn xuất hiện trên MXH, nhất là trên các trang fanpage MXH facebook. Một số thông tin gây ra tác động tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Điển hình, tháng 9 vừa qua, một số tài khoản cá nhân trên MXH đã đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ, vỡ đê trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi đăng tải, thông tin này lan tỏa rất nhanh trên môi trường mạng, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng, đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và cuộc sống bình thường của người dân. Gần đây nhất, trên MXH faecbook, tài khoản mang tên "Beat Bắc Ninh" và "Beat Thuận Thành" chia sẻ thông tin không được kiểm chứng về một nam sinh trên địa bàn thị xã Thuận Thành bị đánh hội đồng vào ngày 17/11/2024, kèm theo hình ảnh và chú thích giật gân, câu khách. Thực tế vụ việc này xảy ra từ năm 2023 và lực lượng chức năng đã giải quyết xong. Thông tin này lan tỏa khiến cộng đồng mạng hiểu lầm vụ việc vừa mới xảy ra và vẫn chưa được giải quyết, đã tạo dự luận xấu đối với ngành chức năng.
Trước những mặt trái, mặt tiêu cực của MXH, Sở TT&TT đã tham mưu ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những thông tin xấu độc trên không gian mạng. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân khi sử dụng MXH. Chủ động rà quét, sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi, tổng hợp dư luận đối với từng vụ việc cụ thể, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Thời gian gần đây, Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị chức năng cung cấp thông tin, tài liệu, ngăn chặn, xử lý kịp thời 20 tài khoản facebook có nội dung sai trái, bịa đặt, gây kích động, nói xấu cơ quan nhà nước… xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp thông tin sai sự thật. Nhắc nhở, yêu cầu hàng chục tài khoản trên MXH gỡ bỏ thông tin thiếu chính xác, thông tin gây hiểu nhầm và cam kết không tái phạm. |
Công tác xử lý thông tin xấu độc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đem lại những kết quả nhất định, người dân khi sử dụng MXH nâng cao ý thức hơn song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Thực tế cho thấy, thông tin trên mạng thường có sớm hơn thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong khi đó, thông tin trên MXH lại đưa tùy hứng, chưa qua kiểm duyệt, thẩm định. MXH là kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, nhất là đối với lứa tuổi mới lớn, học sinh, sinh viên, trong khi hệ thống văn bản liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính rất chặt chẽ nhưng vi phạm trên môi trường mạng lại mang tính chất ẩn danh, đối tượng vi phạm dễ dàng xóa dấu vết.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Đây được coi là giải pháp rất quan trọng, bước tiến mới trong công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ người dùng. Điểm mới của Nghị định 147 là quy định trẻ em dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của người đó và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.
Đặc biệt, Nghị định quy định bắt buộc xác thực tài khoản MXH bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân nhằm đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin. Việc này không chỉ giúp người dùng nâng cao trách nhiệm, ý thức khi chia sẻ thông tin lên MXH mà còn tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, hạn chế được các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo, đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc, lừa đảo trực tuyến.
Nghị định 147 còn quy định rõ trách nhiệm đối với các nhà cung cấp dịch vụ, phải đưa ra các biện pháp bảo vệ thông tin, dữ liệu người dùng. Đồng thời, có trách nhiệm cung cấp, rà quét, gỡ bỏ nội dung xấu, độc trên nền tảng của mình khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Tùy theo mức độ, số lần sai phạm, các tài khoản vi phạm sẽ bị khóa tạm thời hoặc khóa vĩnh viễn. Đối với các nền tảng xuyên biên giới, khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Nghị định 147 chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là một trong những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu thông tin xấu độc, sai sự thật. Cùng với đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “phủ xanh” thông tin tích cực, nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng MXH để mỗi người dân thấy rõ tính hai mặt của nó, có ý thức trách nhiệm trong việc bày tỏ ý kiến, chia sẻ thông tin. Trước những thông tin, sự việc trái chiều, cần bình tĩnh kiểm chứng qua những kênh thông tin chính thống chứ không vội vàng chia sẻ hay bình luận thiếu căn cứ hoặc tin theo một cách mù quáng. Đối với những vụ việc nhạy cảm dễ nảy sinh thông tin trái chiều, các cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, tránh những thông tin trái chiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()