Bài 2: Phát triển du lịch- sáng tạo từ mỗi địa phương
Bắc Ninh có mật độ di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cao và tương đối đồng đều ở các địa phương. Nhận thức được tiềm năng và để lan toả giá trị văn hoá, mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có những sáng tạo riêng nhằm khai thác và tận dụng những thế mạnh vốn có để phát triển du lịch phù hợp với lợi thế và điều kiện riêng. Từ đó, nhiều mô hình du lịch văn hoá, sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng đã định hình được thương hiệu, đang là những mô hình phát triển bền vững, thu hút khách; góp phần đánh thức, phát huy bền vững các giá trị văn hóa bản địa của từng địa phương.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hoá
Hát quan họ tại Đền Giếng (phường Hoà Long).
Thành phố Bắc Ninh hôm nay đang dần trở thành thành phố đáng sống của tỉnh. Bên cạnh phát triển đô thị văn minh, hiện đại, Thành phố chú trọng phát huy thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hoá.
Hiện nay, toàn thành phố có gần 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 80 di tích và cụm đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh; hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch. Tiêu biểu như Văn Miếu Bắc Ninh, cụm di tích Chùa Dạm, đình Diềm, đền Giếng, đền Bà Chúa Kho... Ngoài ra, thành phố còn có nhiều lễ hội đặc trưng như hội Xuân Ổ (Võ Cường) với phiên chợ âm dương; Hội đền Đức Vua Bà (Thuỷ tổ Quan họ) làng Viêm Xá (Diềm); Hội thi kéo co làng Hữu Chấp (Hoà Long); Hội rước lợn ỷ và đuổi cuốc làng Trà Xuyên (Khúc Xuyên); Lễ hội chém lợn và hát quan họ làng Ném Thượng (Khắc Niệm)…
Đồng chí Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng VHTT-TT thành phố cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Ninh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề cập đến một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu là "Đầu tư phát triển, tuyên truyền quảng bá giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể tạo điểm nhấn, ấn tượng mạnh về bản sắc văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tăng cường sức hấp dẫn của đô thị trung tâm".
Theo đó, thành phố phát triển du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa Quan họ tại các điểm đến tiêu biểu như: Làng Quan họ cổ Viêm Xá (Diềm), Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh kết nối thiết chế văn hóa "Nhà chứa Quan họ" tại các làng Quan họ cổ như: Đương Xá, Thị Cầu; Bồ Sơn, Hòa Đình; Niềm Xá... Hình thành một số tuyến du lịch trọng điểm gắn kết với các địa phương trong tỉnh như: Tour du lịch Bên dòng Như Nguyệt với các điểm đến là Đền Bà Chúa Kho - làng Quan họ cổ Viêm Xá (Diềm) - các di tích trên chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng Tiến sỹ Kim Đôi kết nối làng nghề gốm Phù Lãng; Văn Miếu Bắc Ninh - Đền Bà Chúa Kho - Khu Diềm... và nhiều tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá vùng quê, tuyến du lịch chuyên đề theo dòng lịch sử, khám phá chùa cổ, hành trình qua đền thờ Thủy tổ Quan họ...
Nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa trong phát triển du lịch, thành phố Bắc Ninh xác định chú trọng xây dựng các mô hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện. Hiện tại, thành phố Bắc Ninh tập trung các nguồn lực xây dựng phát triển Khu du lịch Miền Quan họ tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa, thưởng thức văn hóa ẩm thực địa phương, đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh kết nối với Khu du lịch văn hóa - lễ hội đền Bà Chúa Kho.
Du lịch song hành cùng kinh tế xã hội
Lễ hội Đền Đô thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội Đền Đô, một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở Bắc Ninh được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của vua Lý Công Uẩn, người khai mở vương triều Lý, phát triển văn minh Đại Việt; đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngoài lễ hội, du khách còn có dịp trải nghiệm các hoạt động như đấu vật, chơi cờ người, hát quan họ, hội thơ, chơi đu tiên, thả chim bồ câu, chơi chọi gà, thi nấu cơm niêu đất... Ước tính trong những ngày diễn ra lễ hội (từ 14 đến 16-3 âm lịch hàng năm), lễ hội Đền Đô thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch.
Tham dự lễ hội Đền Đô năm 2024, ông Phùng Đắc Minh, du khách từ huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) cho biết, đây là dịp để nhân dân với lòng thành kính những bậc có công với nước, đáp ứng nhu cầu của con người trở về với cội nguồn, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại bản sắc văn hóa dân tộc. Sau khi tham dự lễ hội, đoàn khách đi cùng ông Minh cũng đến thăm một số di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Từ Sơn và vùng lân cận như chùa Tiêu, chùa Phật Tích…
Là một đô thị công nghiệp với nhiều khu công nghiệp, làng nghề truyền thống nổi tiếng, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và gìn giữ, hiện thành phố Từ Sơn có 207 di tích trong danh mục kiểm kê của tỉnh. Trong đó, có 103 di tích được Nhà nước công nhận, xếp hạng cùng hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác phát triển du lịch. Tiêu biểu là quần thể di tích gắn với nhà Lý và vương triều Lý tại Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý (Đình Bảng); quần thể di tích Đình - Đền - Chùa Dương Lôi (Tân Hồng); di tích chùa Tiêu (Tương Giang)… cùng hệ thống các di tích lưu niệm danh nhân, các di tích lịch sử các mạng như khu lưu niệm các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Quang Đạo, chùa Đồng Kỵ, nhà cụ Đám Thi … Trong những năm qua, nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Từ Sơn, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân.
Ngoài ra, thành phố có 50 lễ hội truyền thống cùng 2 làng quan họ gốc, 9 làng quan họ thực hành và các loại hình nghệ thuật hát Tuồng, Chèo; nhiều làng nghề thủ công truyền thống (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, dệt vải, nấu rượu, làm bánh phu thê…), loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác… Những loại hình di sản này không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục lịch sử truyền thống, mà đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc trưng, bản sắc văn hóa tạo thêm thế mạnh thu hút khách du lịch đến với mảnh đất này.
Xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái, tâm linh
Huyện Gia Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, tâm linh.
Mục tiêu quan trọng huyện Gia Bình đang hướng tới là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng thương hiệu du lịch Gia Bình là du lịch sinh thái, tâm linh.
Với mạng lưới di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, trong đó có 10 di tích lịch sử cấp Quốc gia; nhiều di tích có giá trị, gắn với những địa danh, nhân vật nổi tiếng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đặc biệt là Đền thờ Thái sư, Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp (Đông Cứu); di tích lịch sử Lệ Chi Viên- hiện trường vụ án oan của Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại xã Đại Lai. Xã Cao Đức có khu di tích lịch sử đền thờ Cao Lỗ Vương, vị tướng thời An Dương Vương có công chế tạo nỏ thần, được coi là vị tổ quân khí. Những di tích lịch sử này còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị khá thú vị cho du khách khi tìm hiểu.
Cùng với đó là những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gò đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, nón lá Môn Quảng (Lãng Ngâm) với nhiều sản phẩm vừa mang giá trị kinh tế cao, tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm hồn dân tộc. Ngoài ra, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng tạo điều kiện để địa phương xây dựng và phát triển các mô hình trải nghiệm làng quê kết hợp với các di sản văn hóa phi vật thể như hát ca trù, chèo, quan họ được người dân gìn giữ, lưu truyền tạo thành.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Gia Bình ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát triển du lịch sinh thái, tâm linh giai đoạn 2020- 2030. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, huyện phối hợp các cơ quan chức năng lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận xếp hạng 1 bảo vật Quốc gia bia đá “Tĩnh Lự thiền tự bi” (xã Lãng Ngâm) và 5 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; tu bổ các di tích, điểm du lịch, công trình văn hoá, thể thao, khu vui chơi, giải trí gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vào địa bàn huyện nghiên cứu, lập dự án xây dựng, phát triển du lịch và kết nối tour, sản phẩm du lịch của địa phương với tỉnh và các địa phương lân cận. Điển hình như dự án “Dòng sông Huyền thoại”; dự án du thuyền trên sông Đuống…
Huyện cũng từng bước triển khai các hình thức tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, di sản văn hoá, dịch vụ và du lịch trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các nền tảng số; xuất bản, phát hành 1000 cuốn sách “Di tích lịch sử huyện Gia Bình” (lần thứ 2); in phát hành 3.000 cuốn Cẩm nang du lịch “ Huyện Gia Bình - Miền quê văn hiến” (song ngữ tiếng Việt, tiếng Anh) và đang tiến hành biên soạn, xuất bản cuốn “ Danh nhân huyện Gia Bình”…
Thời gian tới, Gia Bình tập trung vào hai thế mạnh là di tích lịch sử và không gian làng quê; hình thành các sản phẩm du lịch hướng đến khai thác đối tượng khách là giới trẻ như học sinh, sinh viên, các tầng lớp lao động, cư dân ở các thành phố lớn về tham quan, khám phá, trải nghiệm, chú trọng khai thác thị trường có lưu trú.
Ngọc- Hoa
Ý kiến ()