Là vùng đất văn hiến, cách mạng; Bắc Ninh có nhiều di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESSCO công nhận, đa dạng các làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống… Đây là những tiềm năng, lợi thế lớn để Bắc Ninh phát triển du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu riêng cho ngành “công nghiệp không khói” miền quê Quan họ.
Bài 1: Đánh thức tiềm năng du lịch
Mang trong mình tình yêu với quê hương, mong muốn lan tỏa những hình ảnh đẹp của miền quê Kinh Bắc với bạn bè, không ít người sinh ra ở những làng quê có nghề truyền thống luôn giữ gìn và phát huy mô hình sản xuất tạo nên thương hiệu và biến những làng nghề hàng trăm năm tuổi trở thành những điểm đến thu hút du khách, tận dụng những tài nguyên bản địa để vừa phát triển, gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống, vừa tạo cơ hội để kết nối, quảng bá du lịch.
Đánh thức sức sống làng tranh Đông Hồ
Tranh dân gian Đông Hồ được khôi phục và phát triển trở thành sản phảm du lịch đặc sắc của tỉnh Bắc Ninh
Nhiều năm về trước, người ta còn hoài nghi về sức sống của tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành), bởi trải qua biến thiên của thời gian, dòng tranh này đang dần bị mai một và chẳng còn mấy ai theo đuổi. Miệt mài vực dậy dòng tranh quý bằng tình yêu và vốn kiến thức được trao truyền từ đời trước, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và các nghệ nhân dòng họ Nguyễn Hữu có những cách làm sống dậy dòng tranh quý, góp phần quảng bá, mang tranh Đông Hồ đến gần với du khách.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gắn bó và yêu thích với tranh Đông Hồ từ lúc 10- 11 tuổi. Tuy nhiên, nghề làm tranh tại làng Hồ lúc bấy giờ gần như bị rơi vào quên lãng khi hầu hết các hộ gia đình ở đây chuyển sang làm nghề đồ gỗ, nhuộm giấy, hàng mã. Đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh truyền thống, ông Nguyễn Đăng Chế và con cháu đã quyết tâm vực dậy lại dòng tranh cổ.
Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ là cơ sở sản xuất tranh gắn với du lịch có diện tích hơn 6.000m2 được thành lập, đi vào hoạt động cách đây hơn 15 năm. Tại đây có hơn 100 bản khắc gỗ cổ và gần 1.000 bản khắc mới được gia đình ông thu thập, lưu giữ từ năm 1992 đến nay. Cùng với khôi phục bản khắc cổ, sản xuất, dạy nghề cho con em địa phương, đây còn là địa chỉ giới thiệu sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước, phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh Đông Hồ.
Ngoài nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, gia đình các nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa- Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Hữu Quả (con trai, dâu của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam) cũng cần mẫn làm nghề và không ngừng sáng tạo để giữ được những tinh hoa, kỹ thuật của tranh Đông Hồ cổ như một cách thức tiếp nối nghề của cha ông.
Không chỉ vậy, các nghệ nhân họ Nguyễn Hữu và gia đình còn tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian và tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ ở trong nước và trên thế giới; tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cho hàng nghìn học viên ở khắp mọi nơi trên cả nước yêu mến dòng tranh Đông Hồ. Ngoài việc lưu giữ, trưng bày hàng trăm bản khắc cổ, những bức tranh lung linh sắc màu như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Gia đình các nghệ nhân họ Nguyễn Hữu cũng triển khai thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch kết nối làng tranh Đông Hồ với các di tích, di sản trên địa bàn tạo thành lộ trình hấp dẫn du khách.
Xây dựng mô hình du lịch từ làng nghề truyền thống
Nằm bên con sông Cầu thơ mộng, Phù Lãng trong mắt du khách là sự mộc mạc với những ngôi nhà có mái ngói rêu phong; hai bên đường làng, những dãy chum vại, đồ gốm gia dụng… được xếp gọn gàng. Từ nhiều năm nay, Phù Lãng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều du khách khi hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như phong cảnh một làng quê bình yên bên bờ sông Cầu.
Làng gốm Phù Lãng đã và đang trở thành điểm đến, trải nghiệm của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh
Hiện làng nghề gốm Phù Lãng có khoảng 200 hộ gia đình, với hơn 1.000 người tham gia lao động. Mỗi năm trung bình đón khoảng 20.000 khách du lịch. Nhờ sự đổi mới trong cách làm, những sản phẩm gốm của Phù Lãng đã được đông đảo khách hàng gần xa biết tới, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở làng gốm Phù Lãng, nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh được biết đến bởi đôi bàn tay tài hoa, khéo léo với những sản phẩm đa dạng, đặc sắc từ gốm và cách quảng bá sản phẩm gốm của quê hương. Yêu hội họa và yêu chất liệu gốm mộc, suốt hơn 20 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh luôn tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho nghề gốm với những chiếc lọ hoa, lục bình, tiểu cảnh, đèn, tranh gốm… mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Không dừng lại ở việc làm những sản phẩm gốm, nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh còn mong muốn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề gốm Phù Lãng, thông qua việc lựa chọn hướng phát triển du lịch làng nghề.
Năm 2019 gia đình anh Thịnh thành lập “Trung tâm bảo tồn văn hóa Việt- làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng” để lưu giữ, bảo tồn những nét đặc sắc của làng và du khách được tham gia trực tiếp vào các khâu cơ bản trong việc tạo ra các sản phẩm gốm như: nặn, vuốt, trang trí hoa văn họa tiết, hoa lá hoặc các con giống. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây trải nghiệm được xem như một kênh quảng cáo, quảng bá làng nghề, đóng góp cho việc phát triển du lịch ở làng.
Kết nối những điểm đến nổi tiếng vùng Kinh Bắc
Tài nguyên du lịch bản địa, địa danh nổi tiếng của Bắc Ninh đang được nhiều cá nhân, đơn vị khai thác
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Trần Trọng Tùng từ chối nhiều vị trí việc làm tiềm năng tại Thủ đô để cùng một số thành viên trong CLB đầu tư và khởi nghiệp Bắc Ninh chung tay xây dựng, phát triển dự án Công ty du lịch Bắc Ninh. Theo đó, các thành viên của dự án áp dụng khoa học và công nghệ 4.0, truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội và liên kết chuối giữa các đơn vị cung ứng thực phẩm, dịch vụ trải nghiệm thực tế ở hầu hết các điểm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề nổi tiếng của Bắc Ninh như: Đền Đô, chùa Phật Tích, Lăng Kinh Dương Vương, làng gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ….
Để quảng bá và hỗ trợ cho người dân, du khách đăng ký tham gia, cùng với tư vấn hướng dẫn trực tiếp, Công ty đẩy mạnh phát triển các phần mềm quản lý, hướng dẫn, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Tiktok… Hiện Công ty tổ chức 2 tour du lịch, tần suất 1 lần/tuần vào ngày Chủ nhật; gồm: Tour 1: Đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương và làng tranh Đông Hồ; Tour 2: Làng Diềm, nhà hát Dân ca Quan họ, Đền Bà Chúa kho, chùa Diên Quang, đền Nguyễn Cao, đền Tam Phủ và làng gốm Phù Lãng. Mỗi tour có hướng dẫn viên chuyên nghiệp am hiểu về các địa danh lịch sử và hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin tại các điểm đến.Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, công ty tổ chức được 20 tour với 40 người/tour. Trong đó khách nước ngoài chiếm 10%, còn lại là khách trong nước. Ngoài ra, Công ty liên kết các đơn vị cung ứng chuỗi sản phẩm dịch vụ như Nem Bùi Đàm Gia, bánh phu thê Minh Thu, bánh tẻ Kinh Bắc, bánh Khúc làng Diềm… để bán những sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu mua làm quà của khách du lịch.
Theo Giám đốc Trần Trọng Tùng, để tiếp tục khai thác tài nguyên du lịch địa phương cũng như phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, anh và cộng sự đang xây dựng hệ thống thông tin, kho dữ liệu về 12 điểm đến trong Tour du lịch của Công ty. Ngoài trải nghiệm thực tế, du khách có thể sử dụng app “Buffet tour” để sử dụng kho dữ liệu với nhiều thông tin được tích hợp như: clip, hình ảnh, lời bình giới thiệu về các điểm di tích, làng nghề; các lễ hội truyền thống và ý nghĩa văn hóa, lịch sử… các địa điểm đó.
Bên cạnh những mô hình du lịch kể trên, trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân tận dụng, ưu tiên các sản phẩm xuất phát từ tài nguyên bản địa, kết hợp giữa niềm đam mê và nhu cầu thị trường để làm du lịch. Những khu nghỉ dưỡng, trải nghiệm làng nghề hay những khu trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, ẩm thực, sinh thái… mọc lên ngày càng nhiều tạo điểm đến ấn tượng. Dù là hoạt động được thời gian dài hay mới manh nha phát triển, những mô hình du lịch đó đã thể hiện sự năng động, tư duy phát triển, khả năng bắt nhịp và chuyển mình trước xu thế mà còn tạo nên những mảnh ghép nhỏ cho góp phần tô sáng bức tranh du lịch tỉnh nhà.
Ngọc-Hoa
Ý kiến ()