Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết...
Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm“, nói không đi đôi với làm” và yêu cầu “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”.
Trong những năm gần đây, “Lợi ích nhóm” cũng được một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều cách nhìn với các cấp độ, góc độ khác nhau. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng “Hầu hết các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” kéo dài nhiều thập niên, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển là do “lợi ích nhóm” - nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu. Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, hai cơ quan báo chí của Trung ương Đảng và một số tạp chí chuyên ngành đã đăng tải kết quả nghiên cứu bước đầu của một số nhà khoa học; những bức xúc của dư luận xã hội và nhân dân về lợi ích nhóm.
Sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến hiện tượng “lợi ích nhóm” là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này. Trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, cách hiểu về “lợi ích nhóm” cũng khá khác nhau. Vì vậy, nhận thức đầy đủ về “lợi ích nhóm” và những hệ lụy của “lợi ích nhóm” để có kiến giải phòng ngừa, ngăn chặn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Những nghiên cứu bước đầu của các nhà khoa học cho rằng “lợi ích nhóm” là lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau, hỗ trợ nhau, cùng nhau hướng tới những lợi ích và bảo vệ lợi ích đó.
Lợi ích nhóm mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến, được ghi trong các văn kiện của Đảng gần đây, được nhân dân quan tâm là sự chi phối của một nhóm người cùng chung mục đích, gần gũi nhau, liên kết với nhau hoạt động bất minh nhằm mưu cầu những lợi ích không chính đáng; đó là lợi ích của một nhóm người lấy lợi ích của nhóm mình làm mục tiêu, không quan tâm đến lợi ích chung thậm trí xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội; là chủ nghĩa ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người liên quan. Khi nói đến việc chống “lợi ích nhóm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến việc chúng ta phải chống cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động ích kỷ này.
Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, biểu hiện dưới các dạng sau đây:
- Cơ quan hoặc cán bộ lãnh đạo cấp dưới tạo quan hệ gần gũi, thân thiết với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, nhất là đối với người có vai trò quyết định, bằng mọi hình thức để được phân bổ dự án, kinh phí, đề tài… cho địa phương, đơn vị; được bố trí, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ có quyền lực và có nhiều lợi ích cho bản thân.
- Một số doanh nghiệp, doanh nhân tạo quan hệ móc nối với cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền, hình thành đường dây ngầm, “có đi, có lại” tác động đến việc xây dựng cơ chế quản lý, chính sách tài chính, tiền tệ, đất đai, thủ tục hành chính (kể cả một số công chức lãnh đạo, quản lý nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng còn có thể lợi dụng để trục lợi)… Một số cán bộ công chức (trong đó có người là lãnh đạo, quản lý) trở thành “sân sau” cho doanh nghiệp, doanh nhân, tạo cơ hội để doanh nghiệp, doanh nhân được trúng thầu hoặc được chỉ định thầu những dự án lớn, được thuê hoặc chuyển nhượng nhiều đất đai, hỗ trợ về vốn, tài chính, miễn giảm thuế, giảm nộp ngân sách không đúng chính sách… một số cán bộ, công chức trở thành “công bộc” tận tụy với doanh nghiệp, doanh nhân, bảo kê cho doanh nghiệp kinh doanh trái pháp luật, hoặc đỡ đầu, tạo thế cho doanh nhân được cơ cấu vào cấp ủy và cơ quan dân cử các cấp.
Đáp lại sự tận tụy ấy, doanh nghiệp, doanh nhân thể hiện thịnh tình trong các dịp lễ, tết, trao tặng quà biếu bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị lớn, tặng cổ phiếu, cổ phần, chuyển nhượng nhà đất với giá rẻ, mời công chức hoặc người thân của công chức đi tham quan, du lịch hoặc du học nước ngoài. Không ít dư luận dị nghị về những “đại gia” bỏ tiền lo lót cho công chức thăng tiến vào những vị trí cao hơn.
- Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức, doanh nhân, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.
Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm đã và đang gây ra những hệ lụy trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Bản chất của lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích là mưu cầu lợi ích bất minh, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi chi phối việc xây dựng chính sách, các quyết định quản lý dẫn đến những quyết định đầu tư ngân sách vào những dự án, công trình không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí lớn và là miếng đất mầu mỡ để các nhóm lợi ích tham ô, bòn rút ngân sách gây thiệt hại lớn đối với tài sản của nhà nước, xã hội, tập thể và công dân.
Trong bối cảnh hiện nay, để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn lợi ích nhóm cần tiến hành một số giải pháp sau:
Một là: Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về lợi ích nhóm, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ bản chất và hệ lụy của lợi ích nhóm không những làm tổn thất nguồn lực kinh tế-xã hội, cản trở công cuộc đổi mới mà còn là nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vọng của chế độ, của quốc gia. Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn lợi ích nhóm là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của mỗi công dân.
Hai là: Đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy công quyền. Công khai, minh bạch trong quản lý hành chính là một nội dung hết sức quan trọng, đây là biện pháp nhằm triệt tiêu cơ hội thực hiện hành vi tham nhũng, làm cho các nhóm lợi ích không còn môi trường để chi phối, lợi dụng...
Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong tất cả các khâu của công tác cán bộ như đánh giá cán bộ, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm...
Ba là: Xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực thông qua hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND các cấp), của đại biểu dân cử và các cơ quan tư pháp. Đặc biệt là tạo cơ chế để nhân dân kiểm soát, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, của công chức viên chức.
Bốn là: Đối với những cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức có nhiều dư luận dị nghị, cần tổ chức chỉ đạo kiểm tra, thanh tra làm rõ đúng sai, dù người đứng đầu đơn vị hoặc cá nhân đang giữ chức vụ gì. Xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Năm là: Tăng cường, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, gắn công tác này với cuộc vận động “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức tác phong Hồ Chí Minh”, với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Thường trực và Ban Thường vụ cấp ủy các cấp cần định kỳ làm việc với các cơ quan tham mưu của cấp ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng, nắm bắt dư luận và có biện pháp chỉ đạo cụ thể đối với những vấn đề quần chúng quan tâm, giải quyết dứt điểm những vụ việc nhân dân bức xúc, bất bình, công khai minh bạch việc xử lý cán bộ.
Ý kiến ()