Năm 2013 Chính phủ tiếp tục xác định là Năm An toàn giao thông “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Quyết định này nhằm tạo những chuyển biến mang tính toàn diện hơn, sau những thành công của Năm ATGT 2012.
Hệ thống giao thông Bắc Ninh đang từng bước được hoàn thiện.
Vẫn còn tình trạng xe công nông chở hàng cồng kềnh ở một số tuyến đường trong tỉnh.
Tỉnh Bắc Ninh, cửa ngõ phía Bắc thủ đô Hà Nội, có nhiều tuyến Quốc lộ quan trọng đi qua nhưng kỷ cương ATGT đang dần được củng cố, siết chặt. Đặc biệt vừa qua, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra Liên ngành trực tiếp xuống các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra nhiều vấn đề về bảo đảm trật tự ATGT. Ngay sau đợt kiểm tra, phóng viên (PV) báo Bắc Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Vương Hữu Truyền, Giám đốc Sở GTVT; Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉn; Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành. PV: Trong hơn 1 tháng vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về TT ATGT đã làm việc tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Ông cho biết đoàn đã chú trọng những khía cạnh nào của công tác bảo đảm TT ATGT?
Ông Vương Hữu Truyền: Đến ngày 15-5, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra toàn bộ 8/8 huyện, thị xã, thành phố và chú trọng kiểm tra những nội dung liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT sau: Kiểm tra các văn bản triển khai và kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh về công tác bảo đảm TT ATGT trước, trong, sau dịp Tết nguyên đán Quý tỵ và quý I năm 2013 của Ban ATGT các địa phương bao gồm cả Ban ATGT xã, phường, thị trấn. Đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT; hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm; phối hợp bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, giữa các cấp của địa phương; tình hình tai nạn giao thông tại địa phương; kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển mũ bảo hiểm.
PV: Sau khi kiểm tra, ông nhận thấy những vấn đề gì đang nổi cộm về trật tự ATGT hiện nay?
Ông Vương Hữu Truyền: Công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập: Tại những đường một chiều có dải phân cách cứng nhiều đoạn mở không cần thiết có nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất cao. Cụ thể thành phố Bắc Ninh như đường Lý Thái Tổ, Lê Thái Tông, đường Huyền Quang…; đường TL295B (đoạn Đình Bảng-Chùa Dận) ở thị xã Từ Sơn; huyện Gia Bình đường TL282 (đoạn thị trấn Gia Bình)…; tình trạng lắp đặt đường lên vỉa hè tại các khu vực dân cư, đô thị diễn ra khá phổ biến làm cho nước không thoát và mất mỹ quan đô thị; biển quảng cáo, biển bán hàng trên vỉa hè, trên dải phân cách giữa gây hạn chế tầm nhìn cho người tham gia giao thông là nguyên nhân gây TNGT đang tồn tại ở các địa phương.
Mạng lưới đường giao thông nông thôn tuy được đầu tư khá tốt nhưng do có nhiều điểm giao cắt với đường ngõ xóm trong khi việc cắm biển báo trên các tuyến đường cũng chưa làm được nên tiềm ẩn gây TNGT rất cao. Công tác triển khai văn bản của cấp huyện, thị xã, thành phố mới chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản mà chưa có kiểm tra thực hiện ở các cấp cơ sở, vì vậy công tác bảo đảm trật tự ATGT hiệu quả rất thấp.
Vẫn còn tình trạng xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động trên đường, kể cả trên các tuyến đường Quốc lộ và tỉnh lộ, nhất là các làng nghề và huyện phía Nam sông Đuống.
Số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm còn diễn ra khá phổ biến, trong đó cán bộ công chức vẫn vi phạm.
Công tác kiểm tra việc kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm tuy đã được triển khai nhưng vẫn còn tình trạng bán mũ không bảo đảm chất lượng .
PV: Tại các đô thị lớn của tỉnh tình hình trật tự ATGT có gì phức tạp, thưa ông?
Ông Vương Hữu Truyền: Tình trạng lấn chiếm hành lang, lòng đường vỉa hè còn diễn ra nhưng chưa được xử lý kịp thời, đặc biệt là những cửa hàng rửa xe, sửa chữa xe máy để bùn đất, nước ra đường là một trong những nguyên nhân gây TNGT, mất mỹ quan đô thị và làm hỏng mặt đường. Kinh doanh tự do xung quanh công viên vào các buổi chiều, tối vẫn diễn ra ở thành phố Bắc Ninh mà không được xử lý.
Công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường trong đô thị ít được chú trọng nên việc đào phá, hoàn trả không được kiểm soát đã làm cho công trình bị xuống cấp hoặc không khắc phục được kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, tiềm ẩn TNGT còn nhiều .
PV: Kiểm tra chất lượng MBH chất lượng cũng là một nội dung quan trọng của Đoàn kiểm tra. Ông cho biết thực trạng tình hình quản lý, kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn? Ông Vương Hữu Truyền: Qua quá trình kiểm tra cho thấy tình hình quản lý, kinh doanh MBH trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tương đối tốt nhưng vẫn còn một số hộ kinh doanh, bán những loại MBH không đạt chuẩn và không dán báo giá trên mũ.
PV: Qua đợt kiểm tra này, theo nhận định của ông - một người đã gắn bó nhiều năm với nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT thì Bắc Ninh phải thực hiện những công việc gì để thiết lập kỷ cương trật tự ATGT bền vững, lâu dài?
Ông Vương Hữu Truyền: Trước hết phải xác định bảo đảm trật tự ATGT là trách nhiệm của cả cộng đồng. Khi mọi người đều có ý thức trách nhiệm với công tác này thì mới hy vọng chuyển biến tốt được. Bởi vậy, mọi hoạt động đều phải hướng tới mục tiêu làm cho mọi người có ý thức xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng và tự giác trong việc chấp hành Luật Giao thông. Bên cạnh đó người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp…Các ngành chức năng, địa phương cần quyết liệt thực hiện các biện pháp, trước mắt phấn đấu tiếp tục giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì TNGT mỗi năm. Để đạt được điều này, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được duy trì thường xuyên ở ngay trong nhà trường, mỗi gia đình và mỗi cơ quan đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu: trong gia đình là cha mẹ, nhà trường là các thầy, cô giáo, hiệu trưởng nhà trường, trong cơ quan đơn vị, tổ chức là người Thủ trưởng, đối với địa phương là Chủ tịch UBND và người đứng đầu cấp ủy. Đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT là hoạt động vừa có tính cưỡng chế nhưng cũng có tác dụng tích cực trong giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế TNGT. Đầu tư kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng hạ tầng, khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động đạt hiệu quả thiết thực. Cần rà soát, tiến tới hạn chế lưu hành những phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường… Chẳng hạn, kiên quyết loại những ô tô không đủ điều kiện đăng kiểm, xe máy cũ nát, các loại xe thô sơ không được kiểm định chất lượng phương tiện có khói thải và tiếng ồn vượt mức cho phép… Trong đó, cần siết chặt quản lý các trung tâm đăng kiểm và có quy định về trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân chứng nhận sai đối với phương tiện không đảm bảo an toàn gây hậu quả nghiêm trọng.
Tăng cường chất lượng đào tạo lái xe và sát hạch GPLX, chú trọng hơn việc giáo dục đạo đức người lái xe thay vì chỉ quan tâm dạy kỹ năng thực hành, quan tâm việc dạy sát hạch theo hướng bám sát thực tế giao thông hiện nay, thay vì theo mô hình hoặc tình huống giả định thiếu thực tế. PV: Xin cảm ơn ông!
Ý kiến ()