Hiện nay, trong chiến lược phát triển đô thị, các nhà quy hoạch thường đề cao vấn đề bảo tồn những giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Đối với đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh – một đô thị có không gian phát triển đan xen nhiều làng văn hóa với bề dày lịch sử thì vấn đề bảo tồn trên là tất yếu.
Tuy nhiên, để bảo tồn được không gian các làng trong xu hướng đô thị phát triển, hướng đến một thành phố hiện đại, văn minh cần có sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp chính quyền, người dân và các nhà khoa học chuyên ngành.
Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh gồm thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và 3 xã Chi Lăng, Hán Quảng, Yên Giả (Quế Võ) với quy mô khoảng 260km2. Vùng quy hoạch đô thị trung tâm, tuy không rộng nhưng có nhiều làng với địa hình khá đa dạng làm nên những cảnh quan hấp dẫn, mang đặc trưng của làng Bắc bộ. Phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những di sản vật thể và phi vật thể khá đậm đặc. Trong đó có hơn 20 xã với nhiều làng nghề truyền thống, làng văn hóa cùng hơn 80 di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh là những “tài sản vô giá” cần bảo tồn phát huy trước tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.
Theo ông Cao Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng, không gian làng đóng vai trò thiết yếu trong đời sống văn hóa của người Việt xưa và nay, bởi đây không chỉ là nhân tố gắn kết cộng đồng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa không gian làng. Vì vậy, nếu không làm tốt việc phát triển đô thị sẽ xóa nhòa không gian văn hóa truyền thống của làng, thay vào đó là các kiến trúc đô thị hiện đại nhưng sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn có. Việc bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh góp phần xây dựng một đô thị mang sắc thái riêng biệt, vừa hiện đại, vừa gìn giữ được những kiến trúc truyền thống vốn có.
Với tư tưởng lấy trục văn hóa xuyên suốt quá trình phát triển đô thị, Quy hoạch chung đô thị trung tâm Bắc Ninh đã định hướng “Bảo tồn không gian làng” - một giải pháp quan trọng tạo nên nét khác biệt cho thành phố tương lai. Tuy nhiên, từ trước đến nay không nhiều nghiên cứu về bảo tồn hình thái không gian kiến trúc, cảnh quan của làng, lại càng chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào vấn đề bảo tồn không gian làng trong lòng một đô thị phát triển. Do đó, cần thiết có một nghiên cứu đầy đủ nhằm hiện thực hóa vấn đề bảo tồn không gian làng và cần sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực và người dân trong, ngoài khu vực nghiên cứu. Trước hết, cần xác định được danh mục các làng cần bảo tồn không gian; xây dựng nội dung, phương pháp, mô hình và quy chế quản lý, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy sự bảo tồn, phát huy giá trị của làng trong quá trình đô thị hóa.
Không gian xanh chiếm nhiều diện tích của nhà cổ tại thôn Kiều (xã Hiên Vân, Tiên Du).
Mới đây, Hội thảo khoa học “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2015-2030 do Sở Xây dựng tổ chức tại làng Na (xã Hiên Vân, Tiên Du) thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh. Thông qua ý kiến đóng góp, các đại biểu khẳng định vấn đề bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh phải có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị không gian văn hóa làng. Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại và bất cập giữa bảo tồn, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan của làng; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian văn hóa làng của đô thị Bắc Ninh; vai trò của việc đào tạo nghề với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề; xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau…
Đây là những ý kiến quý giá, góp phần bổ sung, hoàn thiện nội dung “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh” do Sở Xây dựng đang thực hiện. Qua đó cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không chỉ về mặt lý luận khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa, môi trường của địa phương.
Ý kiến của một số chuyên gia trong các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, lịch sử-văn hóa trong và ngoài tỉnh tại hội thảo “Bảo tồn không gian làng (BTKGL) trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015- 2030”.
Bảo tồn không gian làng truyền thống không thể theo hướng “bảo tàng hóa”
(PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng)

Bảo tồn không gian làng truyền thống không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, đô thị hóa của làng. Bảo tồn ở đây được hiểu là bảo vệ sự tồn tại của cảnh quan, không gian, giữ cho nó không mất đi, chứ không phải để cho làng không phát triển. Do đó, bảo tồn không gian văn hóa làng không thể theo hướng “mô hình hóa”, “bảo tàng hóa” làm đóng băng một ngôi làng và những hoạt động sống. Chúng ta hãy xem xét cái cần giữ ở làng cổ Bắc Ninh là gì? Cái mà làng cổ nơi đây cần giữ chính là cảnh quan sinh thái nhân văn của làng cổ, cấu trúc không gian của làng cổ, các di tích tiêu biểu. Quan trọng nhất chính là nếp sống, lối sống của người dân địa phương trở thành đối tượng hấp dẫn cho du lịch trong tương lai. Ngành chức năng nên xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống trên toàn thành phố, làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau cho làng cổ. Về mặt chính sách, nên linh hoạt coi việc giữ được không gian cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử của làng là mục tiêu cao nhất, mặt khác không thể coi nhẹ lợi ích của cộng đồng.
Con người phải được đặt vào trung tâm của việc bảo tồn
(Tiến sỹ Khuất Tân Hưng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)

Để bảo tồn di sản làng truyền thống, cần chú ý bảo tồn các yếu tố quan trọng: tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và phương thức khai thác tài nguyên (phương thức mưu sinh). Việc xem nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác có thể khiến chúng hòa tan trong lòng đô thị, gây ra những xáo trộn trong đời sống dân cư làng, hoặc biến chúng thành di sản “chết” chỉ còn cái xác không hồn trong lòng đô thị. Sự tham gia của cư dân địa phương vào công cuộc bảo tồn dưới sự trợ giúp của các nhà chuyên môn sẽ là điều kiện lý tưởng để bảo đảm cho sự tồn tại của làng truyền thống. Như vậy, đối với di sản làng truyền thống con người phải được đặt vào trung tâm của việc bảo tồn, bảo đảm cho họ sinh sống và phát triển hài hòa trong môi trường cân bằng giữa các giá trị văn hóa, tinh thần, cảnh quan... Họ cũng phải được quyền tham gia vào các hoạt động liên quan đến bảo tồn làng cổ - nơi họ vẫn có thể mưu sinh và duy trì lối sống, phong tục tập quán truyền thống.
Giá trị di sản văn hóa là “hồn cốt” của quê hương
(TS Trần Quang Nam, Giám đốc Sở VH-TT & DL)

Để bảo tồn không gian làng trong đô thị không làm mất đi những giá trị di sản văn hóa truyền thống, trước hết việc quy hoạch phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại với các giá trị di sản văn hóa của làng cổ. Bởi các giá trị di sản văn hóa là “hồn cốt” của quê hương đất nước, phải nhận diện được không gian văn hóa làng và giá trị của các di sản văn hóa như cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống; di tích lịch sử - văn hóa; thuần phong mỹ tục; các loại hình văn hóa dân gian... để chọn lọc cái hay, cái đẹp và gạt bỏ lạc hậu, có phương án bảo tồn, phát huy giá trị của làng trong đô thị. Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước cần có sự chung tay của toàn dân, cộng đồng dân cư tham gia “xã hội hóa” về việc bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa làng và các giá trị di sản văn hóa của làng trong đô thị.
Khâu quy hoạch các làng cổ là yếu tố quan trọng
(KS Phạm Đình Nghĩa, Chủ tịch danh dự Hội Xây dựng tỉnh)

Ngoài yếu tố hàng đầu là đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức thì khâu quy hoạch các làng cổ là yếu tố quan trọng. Mỗi làng có vị trí, không gian và các đặc tính riêng rẽ nên chỉ có thể trả lời rành mạch bằng quy hoạch chi tiết 1/500 hay 1/1000 dài hạn và có tầm nhìn xa hơn. Chỉ có quy hoạch mới có thái độ rõ ràng về xây dựng cải tạo làng xóm, trong đó thỏa mãn những đòi hỏi tất yếu của người dân. Nói cách khác phải hiện đại hóa làng thay vì thả nổi hay bao vây làng để làng chậm phát triển, cải hoán tùy tiện, nham nhở để rồi những giá trị cốt lõi bị mai một. Ngoài ra, không thể thiếu quy chế quản lý quy hoạch và chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực của cộng đồng để bảo tồn không gian làng. Đó là điều kiện tiên quyết, là cơ sở pháp lý để các dự án đô thị khác buộc phải tôn trọng không gian làng.
Bảo tồn không gian làng cần ưu tiên cây xanh, mặt nước
(KTS Nguyễn Huy Phách, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng)

Trong tổng thể quy hoạch đô thị, cần quan tâm tổ chức thành hệ thống các làng truyền thống, chúng sẽ xâu chuỗi với nhau và phát huy hết các giá trị phi vật chất của nhiều làng quê khác nhau. Các làng liên hệ tiếp nối với nhau qua hệ thống không gian cảnh quan môi trường mặt nước, cây xanh. Bởi vậy, việc tổ chức cần có cơ chế chặt chẽ, phù hợp với vị trí, giá trị cụ thể của mỗi làng nhằm tạo ra đặc trưng cho đô thị Bắc Ninh. Việc tổ chức không gian từng làng đơn lẻ không được lẫn lộn giữa quy hoạch làng trong phố với quy hoạch xây dựng Nông thôn mới. Cần hạn chế nâng tầng cao nhà, biến chợ thành siêu thị và mua bán chia nhỏ đất làm tăng mật độ xây dựng trong không gian làng; bố trí linh hoạt trong cơ cấu quy hoạch làng có thể là cây xanh, vườn hoa-đây là thành phần chức năng mới so với cấu trúc làng truyền thống. Thực hiện đồng bộ quy hoạch cảnh quan song song với áp dụng các chế tài quản lý không gian kiến trúc. Riêng cây xanh, mặt nước trong không gian làng phải được đặc biệt ưu tiên thích đáng.
Ý kiến ()