Trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà, đạo lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” luôn được dân tộc ta đề cao, truyền bá và phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết. Đặc biệt là Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị ban hành về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 13-10-2007 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; ban hành Hướng dẫn số 39-HD/BTGTU về “Quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW và Chỉ thị số 10-CT/TU”; tham mưu với Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Chỉ thị số 11-CT/TW của Trung ương và Chỉ thị số 10-CT/TU của Tỉnh uỷ cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn Đảng bộ.
Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo, Hội Khuyến học và các ngành liên quan cùng cấp tham mưu với cấp uỷ ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo thực hiện. Nổi bật là Ban Thường vụ Huyện uỷ Quế Võ sau sơ kết 5 năm thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/HU ngày 14-12-2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học và đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện Quế Võ giai đoạn 2012-2016”). Cùng với việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, Ban Tuyên giáo: Thị ủy Từ Sơn, Thành ủy Bắc Ninh, Huyện ủy Quế Võ, Huyện ủy Gia Bình, Huyện ủy Lương Tài tham mưu cấp uỷ tổ chức hội nghị cho cán bộ chủ chốt cấp Huyện, xã, hiệu trưởng, hiệu phó các trường học trên địa bàn; Ban Tuyên giáo Huyện ủy: Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du sao gửi chỉ thị đến tất cả các chi, đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành của huyện để tổ chức thực hiện. Với sự tham mưu của Ban Tuyên giáo các cấp, 100% cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị của Trung ương, của tỉnh nghiêm túc, đảm bảo đúng thời gian quy định; tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt trên 93% (riêng ngành Giáo dục-Đào tạo, việc quán triệt và tổ chức thực hiện đến 100% cán bộ, đảng viên và giáo viên).
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên định hướng các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về gương điển hình của tập thể và cá nhân... Nhiều bài viết trên Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH tỉnh tạo được sự lan tỏa sâu rộng, có tác dụng tích cực trong cổ vũ phong trào thi đua ở các địa phương toàn tỉnh. Tiêu biểu là phóng sự “Lời người vang vọng” viết về khuyến học, khuyến tài, của tác giả Trương Đức Cường (Đài PT-TH tỉnh) đoạt Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2010. Do làm tốt công tác tuyên truyền, ngày càng xuất hiện nhiều cộng đồng khuyến học có bề rộng, lẫn chiều sâu như: Mão Điền (Thuận Thành), Phú Mẫn (Yên Phong), Việt Hùng (Quế Võ), Trang Liệt (Từ Sơn)... Từ các gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học đã xuất hiện nhiều “Làng Đại học” như: Đại Mão, Mão Điền (Thuận Thành); Vọng Nguyệt, Phú Mẫn (Yên Phong)... Mô hình cộng đồng học tập gắn với “Tiếng trống khuyến học ban đêm” được nhiều địa phương hưởng ứng, điển hình là huyện Yên Phong có 69/74 thôn, làng, khu phố duy trì. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh để tổ chức tuyên truyền.
Song song với việc tham mưu các văn bản, tuyên truyền quán triệt, thực hiện chỉ thị của Trung ương và Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Sau kiểm tra, giám sát đều có báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết; kịp thời đề xuất với Tỉnh uỷ về cơ chế chính sách, đúc rút kinh nghiệm giúp Tỉnh ủy trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, để chỉ đạo đồng bộ Đại hội Hội Khuyến học các cấp tỉnh Bắc Ninh các nhiệm kỳ có hiệu quả thiết thực theo kế hoạch của Hội Khuyến học Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy Công văn về việc “Tổ chức Đại hội Hội Khuyến học các cấp”, theo đó, yêu cầu Hội Khuyến học tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh uỷ; Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH tỉnh và các cơ quan liên quan tuyên truyền về đại hội Hội Khuyến học các cấp và những điển hình tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài.
Có thể nói, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh đã phát triển sâu rộng đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học, với nhiều đối tượng xã hội tham gia, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục ở các bậc học; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao; cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ dạy và học dần được trang bị theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; công tác quản lý giáo dục được nền nếp hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu của Ban Tuyên giáo các cấp trong thực hiện các Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện ở một số xã, thị trấn còn chưa thường xuyên, chưa đồng đều; việc tham mưu giúp cấp ủy xây dựng chương trình hành động, nhất là ở một số cơ sở còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương; công tác tuyên truyền ở một số nơi có lúc còn chưa hiệu quả; công tác phối hợp với các ngành chức năng trong kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ thị ở một số cơ sở còn chưa thực sự hiệu quả…
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thời gian tới, Ban Tuyên giáo các cấp cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu giúp cấp ủy trong xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là trong xây dựng chương trình hành động cần sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị và mang tính khả thi cao.
Hai là, chủ động tham mưu với cấp ủy tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập, tổ chức thực hiện theo hướng “nhanh, gọn, hiệu quả”; xác định việc viết thu hoạch sau mỗi hội nghị là một yêu cầu bắt buộc, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Ba là, thường xuyên chỉ đạo, định hướng cho các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các văn bản, chính sách mới; chú trọng tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình các tập thể và cá nhân… Trong công tác tuyên truyền cần gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, chủ động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, nhằm giúp cho cấp ủy nắm vững tình hình và đề ra các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Năm là, tăng cường cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
Nguyễn Phương Mai
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Ý kiến ()