Ban Quản lý ATTP tỉnh được thành lập theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động từ tháng 4-2018. Bắc Ninh là một trong 3 địa phương trong cả nước thành lập thí điểm Ban Quản lý ATTP, thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh ATTP.
Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2018.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý ATTP, phóng viên Báo Bắc Ninh có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Ngọc Thực, Trưởng Ban Quản lý ATTP.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết đôi nét về công tác tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Ban Quản lý ATTP tỉnh?
Đồng chí Trần Ngọc Thực: Theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh hiện nay về tổ chức, bộ máy bao gồm: Lãnh đạo Ban, 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 5 Đội Thanh tra - Quản lý ATTP. Ban Quản lý ATTP tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn chính như sau: Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ATTP; chương trình, quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch dài hạn và hàng năm về lĩnh vực ATTP. Quản lý nhà nước về ATTP trong suốt quá trình từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc phạm vi quản lý về ATTP được phân công, phân cấp (trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, hoạt động kiểm soát giết mổ do ngành nông nghiệp quản lý và hoạt động kiểm tra phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm do Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý). Tổ chức cấp giấy tiếp nhận, xác nhận, chứng nhận liên quan đến lĩnh vực ATTP; quản lý hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát về ATTP, phòng ngừa khắc phục sự cố ATTP và các hoạt động khác có liên quan đến quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Việc thành lập Ban Quản lý ATTP mang lại những ưu thế gì cho Bắc Ninh trong việc bảo đảm ATTP trên địa bàn, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Ngọc Thực: Bắc Ninh là tỉnh có đặc thù về lĩnh vực ATTP: Là địa phương có nhiều bếp ăn tập thể, cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân các KCN; là cửa ngõ Thủ đô với khối lượng lớn hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường. Những năm qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế, trong đó công tác phối hợp quản lý ATTP chưa chặt chẽ, ví như theo quy định, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước, song trên thực tế vẫn còn tình trạng một sản phẩm, một cơ sở chịu sự quản lý của 2, 3 cơ quan khác nhau…
Để góp phần quan trọng bảo đảm ATTP, khắc phục sự chồng chéo nói trên, Bắc Ninh là một trong ba địa phương trong cả nước được thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP. Việc thành lập Ban Quản lý ATTP mang lại nhiều lợi thế trong việc bảo đảm ATTP, góp phần đưa công tác Quản lý nhà nước về ATTP không còn chồng chéo về công tác quản lý giữa 3 ngành Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Công thương. Ban quản lý ATTP là một cơ quan chuyên trách duy nhất giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý về ATTP tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt; tập trung các nguồn lực sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Là đầu mối duy nhất giúp UBND tỉnh quản lý toàn diện, thống nhất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Ban Quản lý ATTP tỉnh xây dựng phương hướng, nhiệm vụ gì để thực hiện tốt hoạt động chuyên môn trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Ngọc Thực: Để thực hiện tốt công tác chuyên môn về ATTP trong thời gian tới Ban Quản lý ATTP tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung sau: Tiếp tục củng cố rà soát các điều kiện, các quy định pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý về công tác quản lý ATTP. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cho người dân, người hành nghề và cán bộ quản lý; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm; chủ động lấy mẫu kiểm soát nguy cơ, truy xuất nguồn gốc và xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; phát huy vai trò của Đội thanh tra - Ban Quản lý ATTP tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn.
Tiếp tục tổ chức đào tạo tập huấn, hướng dẫn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã để bảo đảm đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý ATTP; triển khai các hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp và phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt tuyến cơ sở để thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn.
Phóng viên: Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, theo đồng chí, ngoài vai trò của Ban Quản lý ATTP cần thiết có những giải pháp cụ thể nào nữa?
Đồng chí Trần Ngọc Thực: Việc thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP là một trong những nhiệm vụ và giải pháp thuộc nhóm giải pháp “Kiện toàn hệ thống tổ chức - bộ máy, cán bộ quản lý ATTP từ tỉnh đến cơ sở” trong Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn” vì vậy, để hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án cần phải có nhiều giải pháp. Cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp, các doanh nghiệp kiểm soát ATTP từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm để có thể phát triển thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11-12-2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Các sở, ban, ngành, UBND các cấp chủ động triển khai các nhiệm vụ, hoạt động được giao; nhất là giải pháp cụ thể trong các tiểu đề án; bám sát mục tiêu của Đề án để thực hiện bảo đảm có hiệu quả, đạt các mục tiêu đề ra.
Tiếp tục nâng cao kiến thức và phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội đóng vai trò quan trọng bảo đảm sự thành công của Đề án.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thùy Vy
Ý kiến ()