Người cao tuổi ở xã An Thịnh (Lương Tài) cũng không nhớ rõ cây tỏi đã được trồng trên đất này từ bao giờ, chỉ biết rằng, tỏi đến sớm nhất ở thôn An Trụ, trở thành cây truyền thống của địa phương, gắn bó với người dân từ rất lâu đời. Nhờ điều kiện địa lý độc đáo và kinh nghiệm trồng, chăm sóc được đúc rút thành quy trình sản xuất truyền thống đã tạo thành thương hiệu “Tỏi An Thịnh”.

Nông dân An Thịnh bảo quản tỏi sau thu hoạch.
Từ bao đời, những người sinh ra, lớn lên trên đất An Thịnh ít nhiều đều gắn bó với cây tỏi, khi còn nhỏ thì giúp gia đình tách tép tỏi giống, rồi bó tỏi, lớn hơn thì phơi, sấy, chọn tỏi giống, trồng và chăm sóc... kinh nghiệm của cha ông vì thế được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nhà chị Trần Thị Huệ, ở thôn An Trụ (An Thịnh) treo tỏi từ nhà ngang đến chái bếp, mái hiên. Một đời làm nghề nông, chị Huệ gắn bó với cây tỏi trên đồng đất quê hương, trước đây, gia đình chị trồng đến hai mẫu tỏi, nay còn một mẫu. Ngoài tỏi tự trồng, chị còn thu mua tỏi của bà con trong thôn, trong xã để đi chợ bán và giao cho thương lái. Chị Huệ cho biết: “Tỏi An Thịnh luôn được người dân ưu chuộng vì củ tỏi chắc, nhân tỏi rắn, vị thơm đặc trưng, cay nồng, bỏ củ tỏi ngoài vườn cả tháng trời mà không bị hỏng.”.
Khu vực xã An Thịnh có khí hậu khá lạ, phân thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình năm 23,40C, nhiệt độ trung bình tháng 10 đến tháng 3 từ 15-22 0C. Thời tiết lạnh và khô trong thời gian tháng 11 đến tháng 3 là điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy vật chất khô trong củ tỏi, giúp tỏi An Thịnh chắc và có vỏ mỏng hơn. Thổ nhưỡng ở An Thịnh là đất phù sa có tầng biến đổi, ít chua, thành phần cơ giới thịt pha cát nhẹ, khả năng giữ ẩm tốt, cùng một số chỉ tiêu dinh dưỡng và độ ẩm trong đất là điều kiện thuận lợi cho sự tích lũy allicin, hàm lượng vitamin C và tro thô rất cao trong tỏi.
Bí quyết canh tác truyền thống của người An Thịnh như sử dụng giống tỏi bản địa (tỏi tía), lựa chọn và bảo quản giống tốt, bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kinh nghiệm canh tác bằng phương pháp thủ công và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch góp phần cho tỏi An Thịnh có chất lượng đặc thù.
Tính theo Âm lịch, tháng 7 hằng năm, người dân bắt đầu tách tép tỏi giống, bảo quản ở nhiệt độ thấp, rồi ngâm tỏi trong nước hoặc dung dịch phân lân trong vài giờ đồng hồ trước khi đem trồng trên ruộng vào trung tuần tháng 8. Đất trồng tỏi phải làm kỹ, bón lót phân chuồng, đạm, lân, kali, đánh luống. Sau khi trồng tỏi theo khoảng cách hợp lý, dùng rơm, rạ phủ kín mặt luống. Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây tỏi tiến hành tưới nước, tưới thúc và bón phân đạm, kali, rải thêm tro bếp lên mặt luống và thường xuyên làm cỏ. Trồng 130 ngày có thể thu hoạch tỏi thương phẩm, còn tỏi giống để thêm trên ruộng khoảng 10 ngày và thời vụ thu hoạch tỏi từ tháng 1 đến tháng 3. Sau thu hoạch, để tỏi không bị óp, giữ được mùi vị tự nhiên, có màu đẹp thì phải phơi nắng nhẹ và hun bằng khói rơm.
“Kinh nghiệm trồng tỏi là do ông cha truyền lại cũng như nấu cơm bằng nồi gang trên bếp rơm, bếp củi, cùng loại gạo, chiếc nồi mà cơm có ngon hay không lại phần lớn do tay người nấu cho bao nhiêu nước, điều tiết ngọn lửa, thời gian đun, ghế cơm… Trồng tỏi cũng thế, cùng giống tỏi, đồng đất, khí hậu nhưng năng suất, chất lượng củ tỏi của mỗi nhà cũng có sự khác biệt”, chị Trần Thị Huệ chia sẻ một cách ví von.
Trên mỗi xứ đồng ở thôn An Trụ như Đồng Lầy, Đồng Tranh, Đồng Cửa Giỏ… chất đất cũng có sự khác nhau, đòi hỏi người trồng tỏi phải đánh giá, nhận biết để có cách làm đất, điều tiết lượng nước tưới và chăm sóc phù hợp. Trong thời hiện đại này, chị Huệ đem tỏi giống đã tách vào phòng có điều hòa nhiệt độ 7 đến 8 ngày (khoảng 22 độ) rồi đem trồng thì chỉ 7 đến 10 ngày là mọc mầm và sinh trưởng tốt.
Giá cả cũng có năm lên, năm xuống nhưng nhìn chung cây tỏi cho giá trị kinh tế cao. Một năm trồng một vụ cho thu hoạch từ 1-1,3 tấn/sào. Được giá như năm 2019 thì 1 ha tỏi thu 460 triệu đồng. Năm 2020, giá tỏi 14 nghìn đồng/kg thì bình quân 1 sào người dân cũng thu 14 triệu đồng, giá trị trên 1 ha đạt 380 triệu đồng; toàn xã trồng 90 ha tỏi mang lại doanh thu gần 40 tỷ đồng.

Chất lượng tỏi An Thịnh được khẳng định trên thị trường.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Bí thư Đảng ủy xã An Thịnh chia sẻ: “Với đặc thù là xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, Đảng ủy, chính quyền xã xác định để phát triển kinh tế nông nghiệp phải phát huy thế mạnh cây màu chủ lực là cây tỏi. Tỏi An Thịnh có tiếng vì chất lượng cao và được thị trường khẳng định từ lâu nhưng để nâng cao giá trị cần sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, đặc biệt phải xây dựng được thương hiệu. Được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, năm 2016, xã An Thịnh đã đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giúp địa phương xây dựng thương hiệu cho cây tỏi”.
Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp và làng nghề giai đoạn 2018-2020” do UBND tỉnh ban hành, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì về xây dựng thương hiệu với 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề điển hình của tỉnh. Trong đó, duy nhất Tỏi An Thịnh được xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp truyền thống phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Với trách nhiệm và sự nghiêm túc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân, ngày 10-7-2020, Cục Sở hữu Trí tuệ ban hành Quyết định số 2653/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00082 cho tỏi An Thịnh. Đơn vị tổ chức quản lý là UBND huyện Lương Tài và 10 hộ dân của xã An Thịnh được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “An Thịnh”. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được cấp bảo hộ CDĐL.
Ông Nguyễn Văn Dỹ, Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy lợi thế phát triển sản xuất và quảng bá sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Hiện nay, theo rà soát, đánh giá tiềm năng đất đai, An Thịnh có thể mở rộng diện tích trồng tỏi (90 ha năm 2020) lên 150 ha. Từ đó, không chỉ tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn tạo cơ hội cho đối tác kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, dịch vụ vận tải...
Để thực hiện được mục tiêu này theo ông Đỗ Văn Hanh, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lương Tài thì UBND huyện đã ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ của CDĐL, bao gồm: Mô hình tổ chức quản lý CDĐL; quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng CDĐL; quy trình chuẩn về sản xuất, kiểm soát việc sử dụng và chất lượng sản phẩm; quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì; hệ thống biểu mẫu theo dõi hoạt động quản lý; hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm “Tỏi An Thịnh” bao gồm hệ thống tem, nhãn, bao bì, tờ rơi, poster, website… Trong vụ Đông năm 2021, huyện sẽ tổ chức trồng thí điểm 1 ha tỏi tại An Thịnh theo quy trình chuẩn về sản xuất do UBND huyện ban hành nhằm rút kinh nghiệm để áp dụng chung. Sau đó sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL, tem, nhãn, bao bì cho tất cả các hộ trồng tỏi của An Thịnh, xúc tiến quảng bá thương hiệu và thực hiện các quy chế quản lý thương hiệu.
Tỏi An Thịnh là giống tỏi tía (tỏi trọc) có tên khoa học là Allium sativum L. Củ có trọng lượng 13-15g/củ, vỏ mỏng, tép rất chắc và thơm đặc trưng, cay nồng. Chất lượng nổi bật của tỏi An Thịnh là có hàm lượng Allicin rất cao từ 6,01- 15,67 mg/g (Allicin trong tỏi Lý Sơn chỉ đạt từ 0,05426- 0,1331 mg/g). Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Allicin tạo nên mùi, hương vị đặc trưng của tỏi, là thành phần có hoạt tính sinh học chính của tỏi; là một loại kháng sinh tự nhiên với chức năng giảm viêm có lợi ích trong việc chống oxy hóa, nâng cao sức khỏe, phòng, chống một số bệnh… Trong tỏi An Thịnh còn có hàm lượng Vitamin C rất cao từ 90,45- 136,72 mg/kg. Hàm lượng Polyphenol tổng số từ 595,15- 755,00 mg/kg; hàm lượng Selenium từ 648,15- 763,60 mg/kg có chức năng chống oxy hóa, chống lại các tế bào gốc tự do. |
Ghi chép của Hoàng Thảo
Ý kiến ()