3 giờ sáng, khi mọi người còn say giấc, công việc của một ngày bận rộn đã bắt đầu ở khu cách ly y tế tập trung cấp tỉnh đặt tại Trung đoàn 833 ở khu Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Cũng lúc này, “chị nuôi”, Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hải vội lên chiếc xe máy được lắp giá thồ hàng lăn bánh dời đơn vị đi chợ mua thực phẩm phục vụ cho hàng trăm suất ăn của người dân và lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly.
Tờ mờ sáng, tổ bếp bắt tay vào chuẩn bị, sắp đặt, chế biến bữa sáng cho các công dân cách ly. Dọn dẹp xong lại chuẩn bị cho bữa trưa, rồi nấu bữa tối. Người nào việc nấy, nhặt rau, thái thịt, làm cá, vo gạo, nấu, nướng, xào, rán… Quy trình tiếp phẩm, sơ chế, chế biến, lưu nghiệm, chia suất ăn, chuyển đến vị trí tập kết ở từng tầng trong khu cách ly nhịp nhàng như một dây chuyền định sẵn.
Lúc cao điểm, tại khu cách ly này phải nấu gần 1.000 suất ăn/ngày. Tổ bếp có 4 chị nuôi và 6 anh nuôi, đã chốt ở đây từ đầu tháng 5 chưa được về nhà, con nhỏ phải gửi về quê. Đánh trận trong bếp từ sớm đến tối, quần áo lúc nào cũng đẫm mồ hôi, nặng mùi cá, thịt, dầu, mỡ. “Là người lính thì nhiệm vụ nào cũng vinh quang và với lính nuôi quân yêu cầu là “cơm dẻo, canh ngọt” và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi người có khẩu vị riêng nên nấu ăn cho hàng trăm người cũng như “làm dâu trăm họ”, để tất cả đều “gật đầu khen ngon” quả là không dễ. Bộ đội từ nhân dân mà ra, nay được trực tiếp phục vụ nhân dân nên mỗi nhân viên tổ bếp đều rất nỗ lực, chọn nguồn thực phẩm tươi ngon có nguồn gốc, xuất xứ, tiếp thu ý kiến của bà con để lên thực đơn đủ chất dinh dưỡng, tích cực chế biến, thường xuyên đổi món và sẵn sàng làm món riêng cho các cụ già, cháu nhỏ.”, chị nuôi Hải chia sẻ.
Đối với quân đội, dù trong cuộc chiến nào, hậu cần luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đi trước một bước. Và hôm nay, trong cuộc chiến đấu mới, chưa có tiền lệ, dù không trực tiếp đối đầu với “giặc COVID” nhưng những người lính nuôi quân của Trung đoàn 833 không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm, mà còn dành tình cảm, sự trân trọng để thầm lặng phục vụ, chăm sóc, làm hậu phương vững chắc giúp đồng đội và nhân dân thêm vững tin, ấm lòng vượt qua khó khăn, thực hiện tốt cách ly, chung sức đẩy lùi “giặc dịch”.

Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hải đi chợ mua thực phẩm, bảo đảm hậu cần cho khu cách ly đặt tại Trung đoàn 833.
Trong cái nắng gắt của đợt cao điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 400C, Bác sĩ Nguyễn Bá Bội ướt đẫm mồ hôi vì vừa đeo chiếc máy hơn 20kg phun khử khuẩn toàn bộ khu cách ly. Vừa xong nhiệm vụ của Bác sĩ Bội lại đến lượt của Y sĩ Lê Đức Tùng, Điều dưỡng Ngô Thị Hạnh đi kiểm tra sức khỏe công dân. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra, hơi nước bốc mờ kính che mắt, nóng nực, bức bối vẫn không làm chậm những bước chân leo từng tầng, đến từng phòng của 3 tòa nhà để đo thân nhiệt, phát khẩu trang, tận tình hướng dẫn, tuyên truyền, động viên công dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Với tỷ lệ công dân đến cách ly dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cao (35/322 công dân) nên công tác phòng, chống lây nhiễm chéo tại đây được thực hiện rất nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, Hộ lý Nguyễn Thị Điểm sắp đặt vật tư y tế, còn Y sĩ Nguyễn Xuân Hiệp, Tổ trưởng Tổ y tế và Bác sĩ Giáp Văn Thiệu làm báo cáo ngày, chuẩn bị cho đợt lấy mẫu xét nghiệm tiếp theo, xử lý kết quả theo dõi sức khỏe công dân...
Tổ y tế ở đây gồm 6 y, bác sĩ đều đến từ Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bắc Ninh. Lần đầu đảm nhiệm công tác y tế tại khu cách ly tập trung nhưng không kịp bỡ ngỡ thì ngay ngày đầu tiên (7-5) đã dồn dập làm việc suốt từ 19 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau để tiếp nhận công dân và ê kíp nhanh chóng phối hợp bộ đội, công an hoạt động trơn tru với rất nhiều đêm trắng đón công dân và nhiều ngày nắng nóng lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm… Dù vất vả với bộn bề công việc, thường trực đối diện với nguy cơ lây nhiễm nhưng các y, bác sĩ vẫn xác định đây là khoảng thời gian ý nghĩa để tích dầy thêm kinh nghiệm nghề, kinh nghiệm sống và quan trọng hơn là niềm tự hào của những người thầy thuốc được phục vụ nhân dân.
Tiếp quản công tác tổ chức, quản lý các khu cách ly tập trung cấp tỉnh từ tháng 4-2020, Trung đoàn 833 (Bộ CHQS tỉnh) đã đón hàng trăm đợt với hàng nghìn công dân nước ngoài và Việt Nam đến cách ly y tế. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư nguy hiểm, phức tạp này, Trung đoàn phải đóng quân phân tán ở 4 địa điểm, điều động hơn 80% quân số tổ chức, quản lý 3 khu cách ly tập trung cấp tỉnh. Trước những thử thách mới, Thượng tá Trần Quốc Nghiệp, Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy cơ sở cách ly ở phường Khắc Niệm khẳng định với sự tin tưởng “Toàn quân coi phòng, chống dịch COVID-19 là cuộc chiến đấu và bất luận trong hoàn cảnh nào, quân đội luôn đi đầu trong phòng, chống dịch. Dưới sự chỉ huy tập trung, thống nhất của Trung đoàn, bộ đội ở mỗi khu cách ly nêu cao quyết tâm, tinh thần chủ động, độc lập tác chiến, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hiệp đồng với các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Lực lượng y tế kiểm tra thân nhiệt công dân đang cách ly tập trung.
Các khu cách ly tập trung do Trung đoàn 833 quản lý được tổ chức chặt chẽ, điều hành hoạt động khoa học, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Cùng với đẩy mạnh công tác dân vận, thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, tài chính luôn công khai và mọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân từ gói bánh, hộp sữa, chai nước, quả trứng, mớ rau, bìa đậu… đều kịp thời đến trực tiếp công dân, cán bộ, nhân viên.
Từ đầu tháng 5-2021 đến nay có hơn ba trăm công dân thực hiện cách ly y tế tập trung tại cơ sở Khắc Niệm. Bà con đến từ nhiều nơi trong tỉnh, đông nhất là từ “tâm dịch” xã Mão Điền, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành. Do đặc trưng dịch tễ mà có người già, người trẻ, thiếu nhi và nhiều gia đình 3 thế hệ cùng đi cách ly. Cụ Nguyễn Văn Ký ở Điện Tiền, Nguyệt Đức, Thuận Thành cùng cụ bà, con gái và con rể ở chung một phòng trong khu cách ly so sánh “Bà con trong xã đi cách ly phòng, chống dịch như đi sơ tán phòng, tránh máy bay thời chống Mỹ. 84 tuổi đời mới chứng kiến dịch bệnh ghê gớm, nguy hiểm thế này”. Một nách 3 đứa con nhỏ, còn chồng cách ly ở cơ sở khác, chị Tạ Thị Hà người thôn Lê Xá, xã Nguyệt Đức vừa cho bé Ngân- con gái út mới được 9 tháng tuổi bú, vừa nhắc hai cậu con trai 8 tuổi và 5 tuổi là Hiếu và Khánh về giường để đo thân nhiệt, vừa nhanh nhảu “Dịch này quái ác quá, nóng nực như thế này mà phòng có điều hòa nhiệt độ cũng không dám bật, phải chịu khó khắc phục để nhanh được về nhà thôi các anh, chị ạ”…
Giữa lúc đại dịch hoành hành, phải xa mái ấm đến nơi cách ly thì cực chẳng đã nhưng cụ Ký, chị Hà còn có người thân bên cạnh. Bé Nguyễn Thanh Trúc, ở xóm Công, xã Mão Điền mới 5 tuổi- cái tuổi còn quá thơ dại đã phải xa vòng tay thân yêu của gia đình. Dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bố của bé điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 ở Tiên Du, còn mẹ của bé điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 2 tại Gia Bình. 10 ngày xa bố, mẹ để cách ly tập trung ở Khắc Niệm, bé Trúc cũng có kết quả dương tính và theo nguyện vọng của gia đình, cháu được chuyển về điều trị cùng bố ở Tiên Du. Những biến cố dồn dập có lẽ sẽ để lại nhiều ám ảnh trong tâm hồn trẻ thơ.
Dịch là “giặc”, chống dịch là đánh giặc, sẽ có những tổn thất khó bù đắp nhưng những sẻ chia, động viên và tình người còn ấm mãi. Công dân Nguyễn Thị Tuyển, xóm Ba, Mão Điền còn nhớ sự lo lắng, hoang mang và cả sợ hãi ngày đầu đi cách ly, lại càng nhớ “sự yêu thương, chăm sóc tuyệt vời, ân cần, ấm áp như với người thân yêu, máu mủ” của lực lượng quản lý, phục vụ nơi này. Cũng suy nghĩ ấy, chị Nguyễn Thị Tân, giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên, thành phố Bắc Ninh coi những quan tâm và tình cảm được nhận khi đi cách ly là “cái phúc”, “cái duyên” của mình và tri ân vất vả của những “Chiến binh áo trắng”, “Bộ đội Cụ Hồ”, “Công an nhân dân” bằng cách vừa thực hiện nghiêm túc quy định cách ly chống dịch, vừa dạy học online, hoàn thiện hồ sơ lớp 12 mình chủ nhiệm…
Giữa thời bình cả nước căng mình chống giặc COVID-19, mỗi khu cách ly tập trung là một mặt trận mà ở đó từ chỉ huy đến mỗi chiến sĩ đều đang vững vàng chiến đấu. Quân đội chỉ huy chung, trực ban, duy trì trật tự nội vụ, bảo đảm hậu cần, cơ sở vật chất. Công an giữ vững an ninh, an toàn. Y tế đảm nhiệm phòng, chống dịch, thường trực theo dõi, xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe và dịch tễ của người cách ly. Và mỗi công dân bằng việc nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch cũng đang góp phần cho cuộc chiến đấu gần hơn đến ngày thắng lợi.
Ghi chép của Hoàng Thảo
Ý kiến ()