Hai mươi năm là quãng thời gian chưa dài song ngôi trường vinh dự mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên trung của Đảng ta - Trường THPT Ngô Gia Tự, luôn tự hào vì đã trưởng thành mọi mặt chỉ sau hai thập niên xây dựng, trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy khối các trường THPT tỉnh Bắc Ninh nói chung và thị xã Từ Sơn nói riêng…

Ngôi trường mang tên đồng chí Ngô Gia Tự.
Trường chuẩn thứ 2 khối THPT tỉnh Bắc Ninh
Tháng 9-1999, sau khi được tái lập, cả huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn) chỉ còn 1 trường THPT, đó là Trường THPT Lý Thái Tổ. Nhiều năm trước đó, trường này đã quá tải cả về số lớp và số học sinh trên lớp, do dân số tăng nhanh, kéo theo học sinh các cấp cũng tăng nhanh.
Để đáp ứng nhu cầu học tiếp THPT của đông đảo con em nhân dân trên địa bàn, được sự tham mưu của huyện và Sở GD-ĐT, đúng ngày lễ trọng đại kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2000), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định thành lập trường THPT Ngô Gia Tự, địa chỉ đặt tại xã Tam Sơn, mảnh đất hiếu học nức tiếng xứ Đông Ngàn, thuộc vùng Kinh Bắc cổ xưa, cũng là quê hương đồng chí Ngô Gia Tự, nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta.
Khi mới thành lập, trường chỉ có 13 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 8 lớp 10 với hơn 400 học sinh, phải học nhờ tại Trường THCS Từ Sơn ở xã Đồng Nguyên. Là những người mở đường, 13 cán bộ, giáo viên dưới sự dẫn dắt của thầy Trần Ngọc Văn, nguyên Hiệu trưởng nhà trường đã đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Thầy Trần Ngọc Văn nhớ lại: “Nhờ sự quan tâm và quyết tâm của UBND tỉnh, tháng 8-2000, khuôn viên hơn 2,1 ha của trường tại xã Tam Sơn đã có tường rào bao quanh và 5 phòng học cấp 4 để đón thêm hơn 400 học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2000-2001. Có thể nói, dù vẫn trong điều kiện một chốn 2 nơi (hơn 400 học sinh lớp 11 vẫn học nhờ Trường THCS Từ Sơn cách đó 3 km), nhưng trong mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự bắt đầu ánh lên những niềm tin, những tia hy vọng về tương lai tươi sáng của ngôi trường trên mảnh đất Tam Sơn vốn xưa nay nổi tiếng là vùng “nhân kiệt”.

Phòng thực hành môn Tiếng Anh hiện đại của Trường THPT Ngô Gia Tự.
Khó khăn dần qua và cái cảnh “một chốn hai nơi” chính thức chấm dứt từ tháng 2-2002, khi trường được tiếp nhận khu nhà lớp học 3 tầng khang trang, kiên cố với 18 phòng học. Từ đó, học sinh 3 khối 10, 11, 12 với hơn 1.100 em mới được học tập trung tại trường ở xã Tam Sơn.
Quê hương trên đà phát triển, nhờ sự tham mưu tích cực, kịp thời của thị xã Từ Sơn và ngành GD-ĐT, Trường THPT Ngô Gia Tự tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng tương đối đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện cần thiết giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường nên chỉ sau 7 năm thành lập, đến năm 2007, Trường THPT Ngô Gia Tự đã hội đủ các tiêu chí và vinh dự được công nhận trường chuẩn Quốc gia.
Thời điểm ấy cả nước có rất ít trường THPT đạt chuẩn Quốc gia, còn tại Bắc Ninh thì đây là trường chuẩn Quốc gia thứ 2 khối THPT của tỉnh, sau Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Bởi vậy, uy tín và vị thế của trường từng bước được khẳng định, sau 10 năm thành lập, trường 2 lần được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; còn tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (3-2-2010), Trường THPT Ngô Gia Tự vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tập thể Lao động xuất sắc 10 năm liên tục
Nhờ sự quan tâm của tỉnh, Trường THPT Ngô Gia Tự nhanh chóng được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhưng đó mới là điều kiện cần, còn nguyên nhân quan trọng mang tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chính là tinh thần đoàn kết gắn bó và nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường với phương châm “Chất lượng là danh dự của nhà trường”.
Theo thầy Dương Hồng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự thì những năm đầu thành lập, chất lượng tuyển sinh đầu vào của trường rất thấp, phần vì trường mới chưa khẳng định được uy tín, phần vì cái “bóng” của Trường THPT Lý Thái Tổ giàu truyền thống đã in hằn trong tâm trí nhiều phụ huynh, học sinh. Bởi vậy một thời gian dài, hầu hết học sinh giỏi ở Từ Sơn, trong đó có nhiều học sinh giỏi ở Tam Sơn, sau tốt nghiệp THCS chỉ thi vào THPT Lý Thái Tổ. Số học sinh giỏi thi vào THPT Ngô Gia Tự có năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, năm nhiều thì được 20 đến 30 em… khiến nhà trường rất trăn trở. Với tinh thần đoàn kết nhất trí, cán bộ, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự đã phát huy mạnh mẽ trí tuệ tập thể, quyết tâm thực hiện đúng mục tiêu “Chất lượng là danh dự của nhà trường”. Bền bỉ mục tiêu đó, chất lượng giáo dục toàn diện của Trường THPT Ngô Gia Tự từng bước được nâng lên, dần trở thành địa chỉ tin cậy của ngành GD-ĐT Bắc Ninh trên quê hương Tam Sơn giàu truyền thống hiếu học.

Tập thể cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự gặp mặt nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Sau 20 năm thành lập, lịch sử Trường THPT Ngô Gia Tự có thể chia thành 2 chặng chính. Giai đoạn 2000-2010 là chặng đầu, do nhà giáo Trần Ngọc Văn làm Hiệu trưởng, là chặng vượt khó vươn lên để từng bước khẳng định vị thế, điểm nhấn là từ năm 2007 khi trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Giai đoạn 2010-2020 là chặng hai, do thầy Dương Hồng Sơn làm Hiệu trưởng, là chặng bứt phá vươn lên khẳng định uy tín và vị thế trong khối các trường THPT tỉnh Bắc Ninh.
Thầy Hiệu trưởng Dương Hồng Sơn tự hào cho biết: Trong 10 năm liên tục, từ năm học 2010-2011 đến hết năm học 2019-2020, trường liên tục được UBND tỉnh công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc, trong đó có 2 năm được Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, tháng 10-2019, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong các kỳ thi cấp tỉnh như thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ…, trường đều tích cực tham gia và đạt nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận. Thi tuyển sinh vào lớp 10, nếu như trước đây, số học sinh giỏi dự thi đầu vào rất thấp thì những năm qua, nhờ uy tín nâng cao, số lượng học sinh giỏi đăng ký thi vào Trường THPT Ngô Gia Tự đã tăng vọt lên từ 150 đến 170 em, điểm chuẩn tuyển sinh vì thế cũng khá cao, nhiều năm dẫn đầu các trường THPT số 2,3 và bằng một số trường THPT số 1 của tỉnh. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn ổn định từ 97% đến 99%; tỷ lệ học sinh đỗ Đại học công lập nguyện vọng 1 đạt trên 60%.
Sau 20 năm, từ chỗ chỉ có 8 lớp 10 với hơn 400 học sinh thì đến năm học 2020-2021, Trường THPT Ngô Gia Tự đã có 34 lớp với hơn 1.500 học sinh. Về đội ngũ cán bộ giáo viên, khi mới thành lập, trường chỉ có 13 người thì đến nay là 86 người, 100% đạt chuẩn trong đó 26 giáo viên có trình độ trên chuẩn (Thạc sỹ). Thầy Hiệu trưởng Dương Hồng Sơn nhận định, đội ngũ giáo viên chính là điểm mạnh của nhà trường bởi phần lớn tuổi nghề của họ đang vào độ chín (trên dưới 40 tuổi), trường có nhiều giáo viên năng lực, tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Đây thực sự là vốn quý của nhà trường, nếu sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục, tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn trong nhiều năm tới.
Hiện tại, cơ sở vật chất của Trường THPT Ngô Gia Tự được đánh giá là đồng bộ, hiện đại bậc nhất khối các trường THPT của tỉnh. Tuy nhiên về lâu dài, trước áp lực tăng dân số kéo theo nhu cầu học tiếp THPT của đông đảo con em nhân dân trên địa bàn, với sự tham mưu đúng đắn, kịp thời của thị xã Từ Sơn và ngành GD-ĐT, UBND tỉnh đã Quyết định mở rộng diện tích cho trường thêm 1,5 ha đất. Trên diện tích đó sẽ xây dựng khu liên hợp hiện đại bao gồm nhà lớp học, bể bơi, nhà đa năng, sân bóng đá…, đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt của trường chuẩn chất lượng cao, quy mô 45 lớp với khoảng 2.000 học sinh.
20 năm, quãng thời gian không dài, nhưng với ngôi trường vinh dự mang tên đồng chí Ngô Gia Tự trên mảnh đất Tam Sơn thì đã làm được rất nhiều việc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp trồng người của quê hương. Đây vừa là nguồn lực, vừa là động lực để trường tiếp tục vươn lên gặt nhiều “trái ngọt” hơn trong những năm học tới, cùng góp phần tô thắm truyền thống hiếu học đất Tam Sơn, nơi sản sinh và nuôi dưỡng bao “nhân kiệt”, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự, nhà cách mạng tiền bối, chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Thanh Tú
Ý kiến ()