Nhận điện của nhà giáo Nguyễn Xuân Viên, tôi lại có chuyến xuôi về bên kia sông Đuống, thăm một vùng quê đất chật người đông. Vùng quê ấy từ khoảng hai chục năm nay đã được giới truyền thông ưu ái, gọi là “làng Đại học”. Đó là xã Mão Điền, huyện Thuận Thành.

Trường THCS Mão Điền được xây dựng khang trang hiện đại.
Nói về mảnh đất Mão Điền, sử nước cùng sử làng đã rành rẽ, đó là một ngôi làng hình thành cách đây non nghìn năm. Đức minh quân Lý Thái Tổ sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, trong lần xa giá đến châu Cổ Pháp đã ban tiền, lụa cho các kỳ lão địa phương và trưng dụng một dải đất mênh mang làm Sơn lăng cấm địa. Một bộ phận người dân làng Báng, thuộc phường Đình Bảng (thành phố Từ Sơn) hiện nay đã xuôi dòng Đuống di cư xuống phía Nam và chọn cánh đồng Chằm (Mão Điền) để định cư.
Những cư dân đầu tiên ấy, chắc phải mạnh mẽ lắm mới chống chọi và sinh tồn được ở vùng đất hoang đầy rẫy những khó khăn? Mão Điền là đất trũng, họ phải đào ao, lấy đất, vượt thổ đắp làm nền nhà, dấu tích để lại là hệ thống ao, hồ dày đặc, giăng kín các xóm, thôn. Cái khó ló cái khôn, nhờ hệ thống ao, hồ, sau này người dân Mão Điền phát triển thành nghề ươm, nuôi cá giống một thời bươn bả khắp các vùng miền. Lâu dần, Mão Điền thành nơi đất lành chim đậu, người dân nhiều nơi tụ về sinh cơ lập nghiệp. Đất thì hữu hạn trong khi con người cứ sinh sôi và cái khó lại tiềm tàng.
Trong cuộc mưu sinh bươn chải mà vẫn thiếu ăn, người dân Mão Điền đã nhận ra rằng, phải vươn lên bằng con đường học vấn mới có thể thoát nghèo và ổn định bền vững cuộc sống. Tinh thần ấy nhanh chóng lan toả, bện quện trong suy nghĩ và việc làm của người dân Mão Điền, họ chấp nhận vất vả, chấp nhận hy sinh để việc học của con em mình được hanh thông. Mưa dầm thấm lâu, ý chí của ông bà cha mẹ đã trở thành quyết tâm của con cháu các gia đình, dòng họ trong hành trình thêu dệt những ước mơ đẹp.
Trở lại câu chuyện với nhà giáo Nguyễn Xuân Viên, một người thầy đáng kính đã góp phần thắp sáng ngọn lửa hiếu học và góp phần để Mão Điền được vinh danh là “làng Đại học” suốt nhiều năm qua.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm năm 1976, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Viên được phân công giảng dạy tại trường cấp 2 Tam Dị (huyện Lục Nam, Bắc Giang). Với lòng say nghề và khát khao được cống hiến, thầy Viên nhanh chóng khẳng định năng lực, trở thành giáo viên cốt cán môn Văn, được phân công bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi môn Văn cấp huyện, tỉnh và Quốc gia. 24 tuổi, thầy được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng một trường điểm của tỉnh.
Năm 1981 cấp trên có ý chuyển thầy về Phòng GD-ĐT tạo nguồn cán bộ, nhưng thầy không muốn; ý định đề bạt Hiệu trưởng trường Tam Dị, thầy Viên cũng chối từ … Vì trong sâu thẳm, thầy chỉ muốn về quê dạy học toàn tâm toàn ý cho nghiệp trồng người. Năm 1982, thầy Viên được điều về Thuận Thành, làm quản lý ở một số trường, năm 1987 thầy về Mão Điền làm Hiệu trưởng trường xã một mạch cho đến khi nghỉ hưu (năm 2014).
Nhiều người biết, trước đó trường xã không mấy nổi bật nhưng từ khi được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Viên dẫn dắt đã có nhiều thay đổi tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, từng bước trở thành điểm sáng khối các trường cùng cấp của huyện Thuận Thành rõ nhất trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện và thi tuyển sinh vào THPT công lập… Năng lực, uy tín và tâm huyết, vừa làm Hiệu trưởng, thầy Viên vừa kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học xã Mão Điền. Nhiều người nói, thầy Viên vừa là người thắp lửa, vừa là người giữ và lan toả ngọn lửa hiếu học từ vùng quê Mão Điền đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2014, thầy Nguyễn Xuân Viên nghỉ chế độ, nhưng bầu nhiệt huyết với nghiệp trồng người trong ông không hề nguội lạnh, dòng họ Nguyễn Xuân đã tín nhiệm, cử ông làm Trưởng Ban Khuyến học dòng họ.
Ở Mão Điền, Nguyễn Xuân là dòng họ lớn và hiếu học tiêu biểu với gần 3.300 khẩu. Theo thống kê của Hội đồng gia tộc, đến nay dòng họ Nguyễn Xuân có hơn 700 người trình độ Đại học trở lên (không tính Cao đẳng), trong đó có 3 Phó Giáo sư, 20 Tiến sĩ, gần 70 Thạc sĩ, nhiều cán bộ cao cấp, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, doanh nhân thành đạt… Tháng 12-2020, thầy Viên vinh dự đại diện cho dòng họ Nguyễn Xuân là dòng họ duy nhất tỉnh Bắc Ninh được tôn vinh tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc ở Hà Nội.
Hình như, lãnh đạo xã Mão Điền thấy nhà giáo Nguyễn Xuân Viên vẫn rất quan trọng trong công tác khuyến học nên đến 2021, xã lại mời thầy tham gia Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học? Ở tuổi gần 70, thầy vẫn cần mẫn với công việc truyền lửa, truyền cảm hứng học tập cho con em nhân dân trong xã. Thầy như cuốn từ điển sống về chuyện học vùng đất học vậy.
Ví thầy như cuốn từ điển khuyến học xã bởi những số liệu liên quan thầy luôn nằm lòng, thầy nói: Mão Điền thời hiện đại, khởi đầu chuyện đỗ đạt có thể tính từ năm 1993, năm đầu bứt phá với 28 học sinh đỗ Đại học và Cao đẳng, năm 1994 tăng lên 36, năm 1995 lên 45, năm 1996 lên 78 em… Từ sau năm 2000, mỗi năm Mão Điền có hằng trăm học sinh đỗ Đại học, đỉnh cao nhất là 2009 với 235 học sinh… Thông thường gọi “làng Đại học” là chỉ gói gọn trong một làng (thôn) nhưng riêng Mão Điền thì cả xã là một “làng Đại học” đủ thấy chuyện học nơi đây lan toả mạnh mẽ đến thế nào?
Năm 2000, nhà giáo Lê Nho Nùng khi ấy là Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã nhận xét rất hình ảnh về đất học Mão Điền như sau: Người Mão Điền, nhất là thế hệ trẻ đang tiến hành một cuộc “di dân” mạnh mẽ đến các thành phố, các trung tâm văn hoá, văn minh của đất nước, điểm đến là các trường Đại học, Học viện. Họ là những tài năng của quê hương đang ý thức vươn lên trên con đường học vấn làm rạng rỡ quê hương.
Còn nhớ, sáng ngày 4-9-2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sau khi dự khai giảng năm học 2009-2010 tại trường THPT Thuận Thành số 1 đã về thăm xã Mão Điền, bất ngờ và cảm phục về một “làng Đại học” bên sống Đuống, Phó Chủ tịch nước đã động viên các em em học sinh trường xã dự buổi gặp mặt: “Bác rất tin tưởng và kỳ vọng trong tương lai, những cháu học sinh đầy nghị lực đang ngồi đây sẽ trở thành những công dân toàn cầu có thể thích ứng với công việc ở bất cứ đâu, trong nước hay nước ngoài”.
Đúng như nhận định của nhà giáo Lê Nho Nùng, cuộc “di dân” từ Mão Điền ra các thành phố lớn nhất là thủ đô Hà Nội vẫn diễn ra mạnh mẽ. Mảnh đất 430 ha với hơn 15 nghìn dân ấy đã góp cho sự nghiệp trồng người quê hương 9 Giáo sư, Phó Giáo sư, 35 Tiến sĩ, hàng trăm Thạc sĩ và hàng nghìn Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ (riêng dòng họ Nguyễn Xuân đã có hơn 700 người)… Như vậy có thể nói không quá rằng, Mão Điền hiện không chỉ là “làng Đại học” mà còn là “làng trên Đại học” thậm chí là “làng Bác sĩ” bởi rất nhiều người thành danh trong lĩnh vực Y tế, điển hình như: PGS-TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; PGS-TS Vũ Hồng Thăng, Thầy thuốc Ưu tú, Bệnh viện K Hà Nội; PGS-TS Vũ Đăng Lưu, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội; GS-TS Nguyễn Duy Bắc, Bệnh viện Quân đội 103…, ở tỉnh có Bác sĩ Nguyễn Chí Chương, cựu thủ khoa Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Bắc Ninh. Em trai bác sĩ Chương là đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Tiến sĩ Luật đầu tiên của tỉnh, hiện là Phó Chánh án Thường trực Toà án Nhân dân tối cao…
Có cảm giác, viết về chuyện học ở Mão Điền là đề tài không mới nhưng khơi mãi không vơi, khi người người đều chăm lo chuyện học. Bằng chứng là từ 17-7-2022, lịch sử giáo dục Bắc Ninh thêm trang mới khi lần đầu tiên, ở môn Vật lý, có học sinh giành Huy chương Bạc Olympic Quốc tế, đó là Nguyễn Đăng Phúc (thôn Nội, xã Mão Điền), học sinh lớp 12 chuyên Vật lý, trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Hiện Phúc là sinh viên năm nhất, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước Nguyễn Đăng Phúc, người Mão Điền cũng mang về cho Việt Nam 2 Huy chương Vàng Olympic Quốc tế, đó là em Nguyễn Ngọc Minh, môn Hoá học năm 2007 và em Nguyễn Quang Bin, môn Toán năm 2019.
Có thể thấy, quê hương Bắc Ninh sau 25 năm tái lập đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng nếu hỏi đâu là niềm tự hào lớn lao nhất, nhiều người vẫn nói đó là truyền thống hiếu học và khoa bảng, là ý thức vươn lên trên con đường học vấn đã ăn sâu vào máu thịt người dân. Truyền thống ấy hiện hữu ở nhiều nơi nhưng chắc chắn Mão Điền điểm sáng ít nơi nào sánh được.
Ghi chép của Thanh Tú
Ý kiến ()