Những ngày này, trên các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh dù trong hoàn cảnh nào cũng hừng hực khí thế thi đua “vượt nắng, thắng mưa” của cán bộ, công nhân, người lao động. Không ít trong số đó từng là những con đường “đóng băng” thi công thời gian dài. Chính việc hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo của tỉnh khi phát động phong trào “100 ngày cao điểm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh” tạo khí thế quyết tâm hoàn thành những công việc, phần việc cụ thể. Đây là một “cú hích” mạnh mẽ để xoay chuyển vốn đầu tư công, tạo bước đột phá trong quá trình triển khai thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.
Kỳ 1: Tháo gỡ rào cản chậm giải ngân vốn đầu tư công
Có những dự án tạm dừng thi công đến 4 năm, nhiều dự án thi công dở dang từ 1-2 năm, gây lãng phí nguồn lực nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp độ phát triển chung của tỉnh. Chúng tôi mục sở thị nhiều tuyến đường “ngắt quãng”, cỏ mọc phủ kín, những điểm ách tắc giao thông kéo dài do công trình thi công dở dang, khiến nhân dân đi lại vô cùng khó khăn, vất vả, chưa nói đến việc làm ảnh hưởng lớn đến giao thương phát triển kinh tế- xã hội giữa các địa phương có tuyến đường đi qua. Đây là những “rào cản” mà ngành chức năng phải xoắn đáo vào cuộc để tháo gỡ, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt “cầm tay, chỉ việc”.
Dự án đầu tư xây dựng Cầu Nét ĐT.295 chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng.
Điểm tên những công trình ách tắc
Mấy năm qua, bất cứ ai đi qua con đường ĐT 295 từ Từ Sơn đến Yên Phong hay ngược lại đều ngán ngẩm bởi sự ùn tắc tại điểm Cầu Nét bắc qua con sông Ngũ Huyện Khê. Trong khi 2 bên cầu đường rộng mở thì cây cầu vẫn nằm im, bất động khi mới triển khai được mấy hạng mục mố cầu, để người đi đường và phương tiện phải chật vật, ì ạch đi qua con đường tạm đầy khói bụi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình, người dân khu phố Thọ Trai, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn cho biết: “Mấy năm nay, dự án cầu Nét “đóng băng” thi công, dòng xe đi qua cầu tạm di chuyển chậm, ùn tắc cùng với khói bụi, ồn ào khiến cuộc sống của người dân gần đây vô cùng khổ sở…”.
Qua tìm hiểu, dự án Cầu Nét được tỉnh phê duyệt từ năm 2018, khởi công năm 2020 và dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng do vướng mặt bằng, thi công chậm nên đến tháng 6-2023 khi mới hoàn thành được 35% khối lượng thì dừng hẳn. Nhiều hạng mục, thiết bị, vật liệu tại công trình bị phơi sương, mưa năng lâu ngày han gỉ. Điểm mấu chốt của dự án là ách tắc trong công tác GPMB, đặc biệt là hơn chục hộ dân ở xã Đông Thọ, huyện Yên Phong nằm ở khu vực đầu cầu thuộc hành lang bảo vệ đê.
Phối cảnh đường Vành đai 4.
Trong khi Cầu Nét là điển hình cho tình trạng chậm tiến độ, ngừng thi công thì năm 2024 này, hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn cũng được “gọi tên, điểm mặt”. Đó là Dự án đầu tư xây dựng đường ĐT.287 đoạn từ xã Trung Nghĩa (Yên Phong) đến phường Đồng Nguyên (thành phố Từ Sơn) có tổng mức đầu tư 335,2 tỷ đồng, được triển khai thi công từ tháng 7-2022 dự kiến hoàn thành tháng 12-2023, khối lượng hoàn thành hiện chỉ hơn 14%; Dự án xây dựng TL.277 đến khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thành phố Từ Sơn có tổng mức đầu tư 461,43 tỷ đồng, khối lượng hoàn thành mới đạt hơn 12 tỷ đồng; Dự án ĐT.287 đoạn từ xã Hoàn Sơn đến nút giao đường dẫn phía Bắc cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, huyện Tiên Du, mức đầu tư là 326 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019-2023, điều chỉnh tiếp đến năm 2024, đến nay khối lượng hoàn thành đạt hơn 20%; Dự án đầu tư xây dựng đường gom QL.18 từ KCN Quế Võ đến Khu đô thị Tây Hồ đoạn Km8 100 - Km8 400 (bên trái tuyến) với tổng mức đầu tư 38,76 tỷ đồng, triển khai thi công từ tháng 7-2019 và dự kiến hoàn thành tháng 4-2020, tạm dừng thi công từ tháng 6 năm 2021 với khối lượng hoàn thành đạt khoảng hơn 60%... Việc ngừng, dừng thi công đã khiến nhiều tuyến đường “ngắt quãng”, cỏ mọc phủ kín, tạo lên những điểm ách tắc giao thông kéo dài, khiến nhân dân đi lại vô cùng khó khăn, vất vả, chưa nói đến việc làm ảnh hưởng lớn đến giao thương phát triển kinh tế- xã hội giữa các địa phương có tuyến đường đi qua.
Không chỉ đối với dự án cũ, ngay cả dự án mới, có ý nghĩa lớn như dự án xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng thi công cầm chừng ở một số đoạn, tuyến. Dự án có chiều dài khoảng 35,3 km với tổng mức đầu tư 5.274 tỷ đồng, tiến độ thi công ở một số gói thầu chưa đạt kế hoạch.
Khối lượng hoàn thành để thanh toán thấp, khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của ngành giao thông khá chậm. Đến giữa tháng 10, tỷ lệ giải ngân của Ban Quản lý dự án xây dựng Giao thông mới được 768/2.460 tỷ đồng, đạt 31%. Quan trọng hơn, việc triển khai dự án kéo dài gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, chất lượng, mỹ thuật công trình, hiệu quả nguồn vốn và làm tăng tổng mức đầu tư, kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh.
Mũi thi công số 16 đoạn giao quốc lộ 38 thuộc phường Hạp Lĩnh, thành Phố Bắc Ninh của Dự án đường Vành đai 4.
Gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Từ cuối tháng 7 và nhất là thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiều lần trực tiếp đi thị sát các công trình, chủ trì nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình. Trước tình hình triển khai các dự án, các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, ngành chức năng và các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, quyết liệt, quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm bởi đây chính là nền tảng, tiền đề cho sự phát triển của tỉnh, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân trên con đường CNH, HĐH quê hương.
Trong đó, xác định rõ giải phóng mặt bằng (GPMB) là điểm nghẽn cần tháo gỡ khẩn trương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt nhằm quyết tâm xoay chuyển, giải quyết dứt điểm để bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư triển khai thi công. Trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật cho các hộ dân có đất bị thu hồi, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận của người dân song cũng cần có biện pháp kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối, tất cả vì mục tiêu chung của tỉnh. Tỉnh giao các địa phương phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, bảo đảm công khai, dân chủ phương án GPMB từng công trình, báo cáo tiến độ theo tuần để chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương theo đúng tinh thần của Phong trào thi đua “100 ngày cao điểm tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư công” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh.
Là một trong những địa phương có tiến độ GPMB chậm nhất tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Chí Cường phân trần: “Mặc dù công tác GPMB các dự án giao thông trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do xác định nguồn gốc đất đai phức tạp bởi tồn tại của lịch sử để lại, khiến khó kiểm đếm, lên phương án bồi thường... Song với sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đang quyết tâm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ mọi “nút thắt” về mặt bằng trong thời gian sớm nhất, bảo đảm các mục tiêu, mốc thời gian tỉnh giao đối với từng dự án giao thông”.
Còn tại thành phố Bắc Ninh, khi trao đổi với các hộ dân có đất bị thu hồi, chúng tôi nhận thấy người dân có sự đồng thuận cao với mong muốn sớm hoàn thành các con đường lớn chạy qua, mở ra các cơ hội phát triển cho địa phương. Anh Phạm Văn Tuyền, khu phố Tự Thôn, phường Nam Sơn là một trong những hộ dân trong diện phải di dời để thực hiện dự án Vành đai 4 chia sẻ: “Nơi đây không chỉ là chỗ ở mà còn là nơi sinh kế của gia đình, khi phải di dời chúng tôi cũng rất trăn trở suy nghĩ. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền giải thích, vận động và nhất là các phương án bồi thường được tiến hành công khai, dân chủ nên chúng tôi cơ bản đồng thuận với chủ trương mở đường của Nhà nước. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện bố trí tái định cư thuận lợi và bồi thường cho người dân sớm ổn định cuộc sống khi giao đất làm đường”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhất là tinh thần đồng thuận của người dân chắc chắn điểm nghẽn về GPMB các công trình giao thông sẽ được tháo gỡ. Vấn đề là các cấp, ngành, các địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết liệt thực thi nhiệm vụ và giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, bởi thực tiễn một số địa phương, đơn vị thiếu quyết liệt, trách nhiệm trong công tác GPMB, chậm giải ngân vốn đầu tư công để lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp kiểm điểm, phê bình. Đây chính là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong thời gian tới để các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh luôn được thuận lợi, thông suốt trong quá trình triển khai thi công và về đích đúng hẹn.
Kỳ 2: “Cú hích” từ quyết sách
Phóng sự của Phương Lan Thương
Ý kiến ()