Mới đây, KCN Yên Phong II-C (Yên Phong) vinh dự được nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ, Công ty Amkor Technology, Inc (Amkor) lựa chọn phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, tổng mức đầu tư lên đến 1,6 tỷ USD đến năm 2035, diện tích sử dụng đất 23 ha. Đây là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực gia công bao bì và thử nghiệm vi mạch. Sự kiện quan trọng này chính là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, tạo tiền đề để Bắc Ninh xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn. Đồng thời khẳng định năng lực thu hút đầu tư cũng như cơ hội cất cánh tăng trưởng của đất và người Yên Phong.
Đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Yên Phong- vùng đất cổ, được bao bọc bởi những con sông Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê nên đất đai bồi đắp thường xuyên, phì nhiêu, màu mỡ. Vốn là mảnh đất thuần nông, Yên Phong chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển lên thị xã trong tương lai gần. Mảnh “đất trăm nghề” ấy đã nức tiếng gần xa bởi các sản vật đặc sắc: Thóc Kẻ Chiền, tiền Kẻ Chóa; tiền Đông Sóc, thóc Đông Xuyên, gạo ré Đông Mơi, cá trôi đồng Chờ, lúa nếp Yên Phụ, rau an toàn Tam Giang... góp phần hình thành chuỗi cung ứng nông sản mang thương hiệu riêng của đất, người Yên Phong. Huyện đã, đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị canh tác. Đồng thời dồn lực phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trở thành vùng kinh tế công nghiệp năng động của tỉnh, tạo diện mạo Nông thôn mới, khang trang, hiện đại.
Năm 2021 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Huyện ủy, sự giám sát thường xuyên của HĐND, sự chỉ đạo, điều hành tích cực của UBND huyện và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Yên Phong thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ đặt ra, tạo tiền đề phát triển bền vững. Với quyết tâm cao trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa xử lý các vấn đề cấp bách một cách linh hoạt, thận trọng, các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đều vượt kế hoạch. Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Phong xây dựng mục tiêu mỗi xã, thị trấn hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chất lượng cao quy mô từ 10 ha trở lên. Tiếp tục duy trì vùng sản xuất lúa VietGAP quy mô 50 ha trở lên tại HTX Đức Lân, 20 ha tại HTX An Ninh (xã Yên Phụ), vùng rau an toàn quy mô 5 ha trở lên tại xã Tam Giang, vùng rau công nghệ cao trong nhà lưới quy mô 4,5 ha tại xã Thụy Hòa, vùng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 3.000 m2 tại thôn Lương Tân, xã Yên Trung. Khuyến khích tích tụ ruộng đất để quy vùng tập trung phát triển cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích VAC quy mô lớn 15 - 20 ha mỗi vùng. Duy trì cơ giới hóa 100% vào các khâu làm đất, cấy, gặt. Phát triển mở rộng quy trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thâm canh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hạn chế tối đa chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn nuôi nông hộ trong các khu dân cư… tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Yên Phong mang dáng dấp đô thị hiện đại.
Với tiềm năng nội lực đất trăm nghề, Yên Phong mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng chủ trương của tỉnh để hình thành các CCN và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các làng nghề truyền thống phát triển. Hầu hết các xã đều có nghề truyền thống như: Cô đúc nhôm ở Văn Môn; cày bừa Đông Suất; chế biến lương thực ở Yên Phụ, Tam Giang; sản xuất bao bì ở Đông Phong, hương thơm làng Chóa, đồ gỗ mỹ nghệ Ô Cách, nghề mộc ở các xã Đông Thọ, Trung Nghĩa, Yên Trung… Sản phẩm làng nghề Yên Phong cũng có mặt khắp thị trường trong nước và bước đầu vươn ra thị trường các nước lân cận như Đài Loan, Trung Quốc, Lào… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Kết nối với các trung tâm kinh tế lớn
Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Yên Phong còn được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của tỉnh. Với vị trí giao thương thuận lợi “ngã năm, mặt tiền” tiếp giáp Sân bay quốc tế Nội Bài, nằm ở điểm nút giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Yên Phong hiện có 2 KCN tập trung (KCN Yên Phong và KCN VSIP II) phát triển mạnh mẽ, hiệu suất sử dụng đất/ tổng vốn đầu tư cao của cả nước, bình quân, mỗi hecta đất thu hút được 0,04 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, KCN VISIP II, diện tích 273ha, vốn đầu tư gần 2.360 tỷ đồng chỉ dành cho các loại hình công nghiệp sạch và công nghệ cao. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với cảng biển, sân bay và các KCN lớn của miền Bắc nên các KCN của Yên Phong thực sự là điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh theo hướng tỉnh công nghiệp hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Cũng từ những lợi thế đó, KCN Yên Phong tự hào là điểm đến lý tưởng của Tập đoàn Samsung hiện đại bậc nhất thế giới, với số vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 10 tỷ USD, đóng góp lớn vào “cực tăng trưởng” của tỉnh. Cùng với sự hiện diện của Samsung, KCN Yên Phong II-C tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI. Tại lễ ký kết thỏa thuận giữa tỉnh với Công ty Amkor Technology, Inc (Amkor) vừa qua, ông JONGRIP JI, Chủ tịch Công ty Amkor nhấn mạnh: Môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh nói chung và Yên Phong nói riêng thực sự hấp dẫn chúng tôi bởi bản lĩnh, sự cần cù, linh hoạt của con người Bắc Ninh, bởi nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng hiện đại, giao thương thuận lợi… Đó là những yếu tố cần thiết để để tạo nên thành công của ngành công nghiệp bán dẫn. Amkor sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1 của nhà máy ở Bắc Ninh để có thể sản xuất hàng loạt từ năm 2023.
Với những lợi thế sẵn có, Yên Phong đang tập trung hoàn thiện công tác bồi thường, GPMB để tiếp tục triển khai các dự án như KCN VSIP Bắc Ninh II, KCN Yên Phong II-C; kết quả: KCN Yên Phong II-C đã giao 152,2 ha/189,4 ha đất; GPMB 221 ha quy hoạch; KCN VSIP Bắc Ninh II đã giao 46,6 ha/182 ha đất, GPMB 282,7 ha quy hoạch. UBND tỉnh cũng phê duyệt bổ sung CCN Yên Trung - Thụy Hòa, diện tích 50 ha, ngành nghề: điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, nhằm đón đầu các dòng đầu tư mới, tạo thế và lực cho Yên Phong kết nối đồng bộ với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh và khu vực.
Ông Lưu Văn Mùi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nhấn mạnh: Để kết nối với các trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng lân cận, huyện thực hiện thẩm định 6 đồ án quy hoạch về phát triển hạ tầng các công trình công cộng, dự án nhà ở và hạ tầng giao thông, tạo sự phát triển tổng thể hạ tầng kinh tế-xã hội. Ngay trong năm 2021, Yên Phong đã quyết định thu hồi 67,11 ha đất để thực hiện các dự án trọng điểm, tạo sự kết nối giao thương với các trung tâm đô thị lớn. Đây là “cú hích” quan trọng góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế địa phương, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tăng thu ngân sách, đưa Yên Phong trở thành đô thị hiện đại.
Yên Phong- miền gió lặng, đang chuyển mình mạnh mẽ trước mọi khó khăn, thách thức. Chủ động thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở năm 2022, Yên Phong sẽ vững vàng cất cánh, trở thành thị xã trong những năm tới, xứng đáng là vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Hoài Anh
Ý kiến ()