Chiến thắng 30-4-1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là ngày non sông ta liền một dải, đất nước ta trọn niềm vui, lòng người nối một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Âm hưởng của tháng Tư trải dài như khúc khải hoàn chiến thắng, chồng lên bao cung bậc tình yêu, cộng hưởng bao niềm hạnh phúc, tự hào vì một nước Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường, quyết đấu tranh vì nền độc lập, tự do, dân chủ, hùng cường. Vào những ngày tháng tư lịch sử này, những người con đất Việt lại bồi hồi bao cảm xúc về những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Trong ký ức tháng Tư, khi những ngày cả nước đang sôi nổi kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại nhớ về chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh vào mùa hè năm ngoái. Lần đầu tiên được đặt chân lên thành phố mang tên Bác mà trong lòng không khỏi vui sướng và hạnh phúc. Một thành phố trẻ, đẹp, hiện đại và năng động. Những con người dung dị, dễ thương, nhiệt tình và mến khách. Được tham quan nhiều địa danh nổi tiếng như: Thăm bến Nhà Rồng, Bưu điện Thành phố, Chợ Lớn, Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND Thành phố... Trong đó không thể bỏ qua địa điểm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập, hay bây giờ được gọi là Dinh Thống Nhất.

Dinh Độc Lập, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, Dinh Độc Lập với lịch sử và kiến trúc độc đáo là chứng tích lịch sử, là biểu tượng của chiến thắng, nơi ghi dấu những ký ức không thể quên của dân tộc. Trên chiếc xe điện chở du khách tham quan một vòng quanh Dinh, anh lái xe nhiệt tình và vui tính không giấu được cảm xúc tự hào khi giới thiệu di tích lịch sử quan trọng này. Nơi đây thấm đẫm dấu ấn của thời gian, của những sự kiện lịch sử. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dinh Độc Lập trở thành nơi diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Vào lúc 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 của Quân Giải phóng đã húc vào cổng của Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, chiếc xe tăng 390 tiến vào bên trong. Đúng 11h30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên trên nóc Dinh Độc lập. Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam. Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng bất hủ của chiến thắng, của sự sụp đổ hoàn toàn chế độ Việt Nam Cộng hòa, và là biểu tượng của sự thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm chia cắt. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngày 30/4 trở thành ngày chiến thắng, ngày quân và dân ta đã thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bắc- Nam sum họp một nhà. Thắng lợi vĩ đại đó là nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thế hệ Việt Nam tiếp mạch cảm xúc tự hào, vui sướng xen lẫn những kí ức thiêng liêng và xúc động.

Cổng Dinh Độc Lập.
Theo chân những du khách tham quan kiến trúc tòa nhà, ghé thăm từng căn phòng, hòa mình vào không gian xanh mướt cỏ cây hoa lá mà trong lòng trào dâng niềm cảm xúc khó tả. Dinh Độc Lập, với kiến trúc đặc sắc mang đậm dấu ấn của phong cách hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm hơi thở phương Đông, không chỉ là công trình đồ sộ mà còn là biểu tượng văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh. Những bức tường màu trắng tinh khôi, những hàng cột vuông vức, cùng khu vườn rộng lớn xung quanh, thảm cỏ xanh ngăn ngắt phía trước mặt tiền khu dinh thự tạo nên một không gian thanh bình, tĩnh lặng giữa lòng đô thị nhộn nhịp. Khi bước vào Dinh, du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi lịch sử và hiện tại giao thoa. Những phòng họp sang trọng, những hành lang rộng rãi, và cả những đồ vật quý giá còn lưu giữ lại từ thời kỳ kháng chiến, tất cả đều mang đến cho người tham quan những góc nhìn chân thật về lịch sử. Dinh Độc lập là nơi chứng kiến những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc. Từng là biểu tượng quyền lực của chế độ cũ đến giờ là điểm di tích văn hóa của thành phố. Mỗi góc nhỏ của Dinh đều chứa đựng những câu chuyện, những kỷ niệm thiêng liêng của dân tộc. Sau năm 1975, với việc đổi tên thành Dinh Thống Nhất, Dinh Độc Lập đã mang một ý nghĩa biểu tượng mới, sâu sắc hơn. Dinh trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lan tỏa tình yêu nước. Không còn là biểu tượng của riêng một chế độ hay phe phái nào mà giờ đây đã trở thành tài sản chung của cả dân tộc Việt Nam, là nơi để mọi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều có thể tìm về cội nguồn, tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thế hệ chúng tôi trưởng thành khi chiến tranh đã chấm dứt nên chỉ biết về sự khốc liệt của chiến tranh, của chiến trường qua sách vở, phim ảnh. Vậy nên quả thực ngắm nhìn công trình kiến trúc Dinh Độc Lập, chứng tích cho những chiến công hiển hách của quân và dân ta đã không tiếc máu xương bảo vệ nền độc lập nước nhà, xây dựng non sông gấm vóc tươi đẹp mà tự hào, xúc động khôn nguôi. Ký ức về những ngày hào hùng vẫn luôn sáng rõ và vẹn nguyên mỗi khi được nhắc nhớ. Trong dòng người rất đông tham quan di tích ngày hôm đấy, tôi và rất nhiều người khác, già, trẻ, gái, trai, có cả những cựu binh, cả những bạn trẻ sinh ra trong thời bình, thậm chí cả những du khách nước ngoài đều muốn được chạm tay vào ký ức, muốn được tìm hiểu lịch sử, muốn sống lại những thời khắc trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để trân trọng hơn nữa giá trị của hòa bình mà chúng ta đang được tận hưởng.
Đứng trên ban công, nhìn ra xa, nơi nhịp sống thành phố vẫn đang chảy trôi, yên ả, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của lịch sử, những âm thanh vang vọng từ quá khứ hòa quyện với nhịp sống hiện tại. Dinh Độc Lập không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là nơi mỗi người Việt Nam có thể tìm thấy niềm tự hào về quê hương, về những gì đã trải qua để có được ngày hôm nay. Những câu chuyện, những ký ức về một thời kỳ lịch sử đầy biến động với những thời khắc quyết định, những bước ngoặt quan trọng, góp phần định hình nên diện mạo đất nước phát triển như ngày nay.
Chiến tranh đã lùi xa, thời gian đã xóa nhòa dấu vết nhưng dinh Độc Lập vẫn là chứng tích lịch sử, mãi mãi là trang sử hào hùng, là biểu tượng sáng ngời về khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập không chỉ là biểu tượng của quyền lực chính trị mà còn là minh chứng cho khát vọng tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam, là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, là ký ức về một thời hoa lửa, là sự bồi đắp tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Nó nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh và nỗ lực của những người đã chiến đấu vì một tương lai hòa bình. Trở về với ký ức là trở về với những gì thân quen, những gì gắn bó để cho ta thêm trân trọng ngày hôm nay, để cho ta thêm tự tin, tự hào với ngày hôm qua.
Yến Minh
Ý kiến ()