Chỉ cần điểm qua một số tác phẩm như: “Nhớ đêm giã bạn”, “Bắc Ninh nhớ mãi ơn Người”, “Bắc Ninh ơi thành phố anh hùng”, “Đảo xa anh không về hát hội”, “Nghe em hát còn duyên”… thì ai cũng nghĩ “cha đẻ” của nó phải là người sinh ra, lớn lên và được “ngụp lặn” trong văn hóa của người Kinh Bắc. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy, bởi tác giả của những ca khúc này - nhạc sĩ Nguyễn Tiến - là người Nam Định, trưởng thành tại Thủ đô. Gặp ông trong những ngày Thu này, ông bảo: “Đất và người Bắc Ninh là nguồn cảm hứng bất tận trong tôi”.
Vinh dự trong cuộc đời
Nguyễn Tiến (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tiến) sinh năm 1953 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố của ông là nghệ nhân Nguyễn Tiếu, một trong những người sáng lập Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Nam Định quê hương ông là vùng đất văn hóa văn nghệ nổi tiếng, nơi sản sinh cho đất nước nhiều nghệ sĩ tài danh, trong đó riêng lĩnh vực âm nhạc đã có những tên tuổi nhạc sĩ lớn như: Văn Cao, Đỗ Minh, Đặng Thế Phong, Đinh Ngọc Liên… Vì lẽ đó mà ngay từ hồi nhỏ, cậu bé Tiến đã phát lộ năng khiếu âm nhạc, nhất là “món” đàn bầu được học từ người cha thân yêu. Năm 6 tuổi, cậu tham gia Câu lạc bộ thiếu nhi Vàng Anh của tỉnh Nam Định và may mắn được 2 lần biểu diễn cho Bác Hồ xem. Đó là vào năm 1963 tại Nam Định và năm 1966 tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội).

Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (thứ 3 từ trái sang) cùng các nhạc sĩ Lê Mây, Ngọc Khuê, Vũ Thiết… về dự Lễ tổng kết cuộc thi sáng tác về thành phố Bắc Ninh năm 2016.
Lần đầu tiên Nguyễn Tiến biểu diễn cho Bác Hồ xem đã cách đây 57 năm, thế nhưng trong ký ức của nhạc sĩ Trần Viết Bính, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Hạt gạo làng ta” (phổ thơ Trần Đăng Khoa) và cũng là phụ trách Câu lạc bộ thiếu nhi Vàng Anh Nam Định thời ấy thì cuộc biểu diễn đặc biệt này như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua. Trong giọng nói của nhạc sĩ Trần Viết Bính vẫn đầy tự hào, hãnh diện khi nhắc về người học trò này. Ông kể: “Năm 1963, trong lần Bác Hồ về thăm Nam Định có một chú bé 10 tuổi, đánh đàn bầu rất giỏi cùng với đội đồng ca Vàng Anh Nam Định được đến biểu diễn phục vụ Bác. Chú bé đánh đàn đêm hôm ấy là diễn viên nhỏ tuổi nhất đoàn, được Bác thưởng kẹo và được Bác ôm vào lòng chụp ảnh chung. Thế rồi, thời gian thấm thoắt trôi đi, chú bé ấy giờ đã rất thành danh, là một nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (hàm Đại tá) và cũng là chủ nhân của Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Có thể nói, Nguyễn Tiến là một trong số rất ít nghệ sĩ có được thành công trong cả ba lĩnh vực: Biểu diễn, sáng tác và quản lý.
Là người Việt Nam được gặp Bác Hồ là một hạnh phúc lớn, thế nhưng Nguyễn Tiến không chỉ gặp mà còn được biểu diễn, chụp ảnh và trò chuyện cùng Bác thì quả là một vinh dự lớn trong cuộc đời. Trong đầu ông lúc nào cũng văng vẳng lời dạy của Bác năm xưa mà ông luôn coi là “kim chỉ nam” phấn đấu trong cuộc đời mình, đó là hãy cố gắng để trở thành một nghệ sĩ giỏi. Và quả thực hôm nay khi nhìn lại sự nghiệp của mình, ông không cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, với sự mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Yêu lắm một Bắc Ninh!
Nguyễn Tiến là người cầu thị, bởi vậy khi đã là một nghệ sĩ đàn bầu có tiếng, ông lại mong muốn được trải lòng mình qua những nốt nhạc, đó là được sáng tác những ca khúc. Với ông sáng tác là công việc vô cùng thú vị, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Từ những sáng tác đầu tay đến những sáng tác quen thuộc với khán giả, ông đã dần bước ra trở thành một nhạc sĩ tài hoa. Năm 2012, khi được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì ông đồng thời cũng được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho cụm 7 tác phẩm, trong đó có 5 ca khúc “Hoa cau vườn trầu”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Chiều xứ Lạng” (thơ Phạm Văn Thạch), “Phú nước non”, “Nhớ đêm giã bạn” và 2 khí nhạc “Ngũ quả mừng xuân”, “Hồn Việt”.

Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến cùng hai ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn.
Trong số những tác phẩm này, “Nhớ đêm giã bạn” là ca khúc mà ông viết tặng riêng cho Bắc Ninh. Ca khúc với lời ca và giai điệu trong sáng, vui tươi: “Hội đã tan rồi chia tay bên dòng sông/Chiếc nón quai thao xôn xao câu Quan họ/ Đến hẹn lại lên người ơi đừng quên nhé!/Con đò bồng bềnh nhớ nhau gọi câu: Mình ơi…”. Người Bắc Ninh từ lâu được biết đến với sự hiếu khách, nghĩa tình, bởi thế mà trong đêm giã bạn người con gái (chủ nhà) và người con trai (khách) quyến luyến, bịn rịn chẳng muốn rời xa. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến rất hiểu điều đó và ông đã khắc hoạ một cách uyển chuyển, tha thiết, tình cảm cuộc chia tay trong đêm trăng tuyệt đẹp giữa đất trời Kinh Bắc. Chia tay nhau mà “ướt đẫm vạt áo”, chia tay nhau mà người con gái đã “trao yếm đào anh nhận để làm tin”, “trao nón ba tầm mặc trời mưa ướt áo” thì đủ thấy người con gái của mảnh đất Quan họ đáng yêu làm sao, mến khách biết nhường nào. Đó cũng chính là cái tài trong cách dùng từ của Nguyễn Tiến. Ca khúc này cũng đã đem tên tuổi của nhiều ca sĩ đến gần với công chúng, trong đó có ca sĩ Lương Nguyệt Anh - giải Nhất Sao Mai năm 2011 ở phong cách dân gian, một người con của quê hương Kinh Bắc.
Một ca khúc khác của nhạc sĩ Nguyễn Tiến cũng đã được sử dụng trong nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh, đó là “Bắc Ninh nhớ mãi ơn Người”, được phổ từ thơ của đồng chí Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Mặc dù bận “trăm công nghìn việc” nhưng Bác đã về thăm và làm việc tại tỉnh đến 18 lần, và Bắc Ninh cũng tự hào là nơi mà Bác về thăm nhiều lần nhất. Bác đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi tại Bắc Ninh vì trong 18 lần về thì đã 4 lần Bác thăm công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, một lần tham gia Hội nghị Thủy lợi, một lần đi kiểm tra tình hình đê điều và công tác chuẩn bị phòng, chống lũ lụt. Những sự quan tâm, mong mỏi của Bác đã được nhạc sĩ Nguyễn Tiến truyền tải cụ thể qua những nốt nhạc: “Bác về thăm quê tôi/ Thắp hương đền Đô, thăm công trình thủy lợi/ Thăm những làng nghề, thăm đê kè chống lũ/ Lo sông Cầu mùa nước lũ lên …”. Để đáp lại kỳ vọng, mong mỏi của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh hôm nay luôn quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu đề ra: “Ôi bao yêu thương dành cho dân, cho nước/ Người dân quê tôi nguyện gắng hết sức mình/ Nhớ lời Bác dặn Bắc Ninh giờ đổi khác/ Hạnh phúc, ấm no đã về trên quê mình”.
Mang một tâm thế hừng hực, một niềm tự hào của quê hương trên con đường đổi mới, hội nhập, ông còn sáng tác ca khúc “Bắc Ninh ơi thành phố anh hùng”. Ca khúc cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả tỉnh nhà với giai điệu nhanh, trầm hùng: “Bay lên, bay lên thành phố mến yêu ơi/ Thành phố quê tôi xứng danh tầm cao mới/ Bắc Ninh ơi ngàn năm văn hiến/ Quyết xứng danh thành phố anh hùng”. Ngoài ra, có thể kể tên một số ca khúc của ông về Bắc Ninh như giai điệu da diết, tình cảm trong “Câu hát này là bạn tình ơi”; mềm mại, nhẹ nhàng trong “Đảo xa anh không về hát hội”; nhớ thương, chậm rãi trong “Một mình trao duyên” (thơ Nguyên Linh); thiết tha, sâu lắng trong “Nghe em hát còn duyên”; vừa phải, oán trách trong “Người đi đâu?”; vui tươi, hồn nhiên trong “Người ơi! Đến hẹn lại về”; mặn nồng, nhịp điệu trong “Tìm em qua câu Quan họ” (thơ Nguyễn Bá Thắng); mượt mà, đằm thắm trong “Tìm người giữa hội Lim” (thơ Đoàn Thị Lam Luyến), “Tìm người Quan họ” (thơ Ngô Đăng Khoa)…
Nguyễn Tiến cũng được biết đến là người “chắp đôi cánh âm nhạc” cho bài thơ nổi tiếng “Lá diêu bông” của nhà thơ lớn của quê hương Kinh Bắc Hoàng Cầm. Sau Xuân Diệu thì Hoàng Cầm cũng được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” và bài thơ “Lá diêu bông” được giới chuyên gia đánh giá là một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của Hoàng Cầm, không thua kém gì, về mặt thơ, có khi vượt bài thơ “Bên kia sông Đuống”. Là người thể hiện rất thành công ca khúc “Hoa cau vườn trầu” của Nguyễn Tiến, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền cũng đã thổi được “cái hồn” trong “Chuyện tình lá diêu bông”. Bài hát “Sao em nỡ vội lấy chồng” của nhạc sĩ Trần Tiến cũng được phổ từ bài thơ này, thế nhưng Nguyễn Tiến với đậm chất dân gian trong “Chuyện tình lá diêu bông” đã tạo ra những điểm nhấn riêng biệt của mình.
Những ca khúc của ông về Bắc Ninh đã trở nên quen thuộc với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thế nhưng có lẽ không ít người sẽ thắc mắc tại sao Nguyễn Tiến lại sáng tác nhiều về mảnh đất này đến thế, mà ca khúc nào cũng thật sâu sắc, đi vào lòng người. Thắc mắc ấy đã được tôi đem hỏi ông trong tháng cuối Thu này. Người nhạc sĩ đáng kính điềm nhiên trả lời tôi rằng: “Mình yêu Quan họ từ rất lâu rồi, cái chất Quan họ cũng đã ngấm vào mình từ rất lâu rồi, vậy nên hình ảnh về những ngôi chùa cổ kính, nghiêm trang; những câu ca Quan họ đằm thắm, mượt mà; lối sống nặng nghĩa, nặng tình… của đất và người Bắc Ninh cứ hiển hiện trong đầu mình. Nó đậm đà, quyến rũ mình đến độ ngây ngất, đắm say. Và với nhiệm vụ của một nhạc sĩ, mình phải “lôi” chúng ra và “đặt ngay ngắn” trên những khuông nhạc”.
Câu trả lời của Nguyễn Tiến đã đặt ra trong lòng mỗi người con của quê hương Bắc Ninh lời tự vấn sâu sắc: Mình đã yêu “quê cha đất tổ” của mình chưa và mình phải làm gì để xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương?
Ngô Khiêm
Ý kiến ()