Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác.
Phương thức đào tạo liên thông được nhiều nước áp dụng như một giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của phát triển nhân lực.
Ở Việt Nam, trước xu thế hội nhập giáo dục, tạo điều kiện cho người học có cơ hội học tập suốt đời, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thí điểm đào tạo theo hình thức liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Năm 2002, Bộ giao cho 6 trường thí điểm đào tạo liên thông. Đến cuối năm 2008, đã có 36 trường Đại học và 51 trường Cao đẳng trên toàn quốc được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo liên thông từ trình độ Trung cấp lên Cao đẳng và từ trình độ Trung cấp, Cao đẳng lên trình độ Đại học.
Liên thông trong đào tạo đặt ra cho các trường và các cơ sở đào tạo những cơ hội và thách thức.
Đào tạo liên thông tạo điều kiện và cơ hội cho người học được học lên ở trình độ cao hơn và đào tạo những trình độ và ngành nghề khác.
Hiện nay, đào tạo liên thông có hai loại: Liên thông dọc và liên thông ngang. Liên thông dọc theo mô hình từ cấp thấp đến cao.
Đào tạo sơ cấp - Trung cấp - Cao đẳng - Đại học - Thạc sỹ -Tiến sỹ.
Đào tạo trung cấp - Đại học -Tiến sỹ.
Từ mô hình trên, có thể thấy rằng, cơ hội được học để có trình độ cao không chỉ dành riêng cho những người thi đỗ Đại học và thi Đại học không phải là con đường duy nhất để có bằng Đại học và trên Đại học, mô hình này góp phần tích cực vào việc giảm sức ép từ các kỳ thi Đại học và Cao đẳng.
Đào tạo liên thông ngang cho phép các trường, các ngành công nhận kết quả của nhau, trình độ ngang nhau để chuyển sang đào tạo một ngành nghề khác hoặc trình độ khác. Trong điều kiện cơ cấu đào tạo, cơ cấu việc làm hiện nay còn chưa cân đối, nhu cầu chuyển đổi ngành nghề và việc làm của nguồn nhân lực là một tất yếu khách quan, đào tạo liên thông ngang để tạo cơ hội thực hiện vấn đề này.
Đào tạo liên thông tiết kiệm thời gian, kinh phí cho cả người học và cơ sở đào tạo.
Với chương trình học mềm dẻo, thời gian học theo 2 hình thức: Chính quy tập trung và vừa làm vừa học, người học được sử dụng kết quả đã có để học lên hoặc chuyển đổi, đào tạo liên thông tiết kiệm cả thời gian và kinh phí cho người học và cơ sở đào tạo ở chỗ: không mất thời gian đào tạo lại và học lại. Không mất 2 lần kinh phí đào tạo khi đào tạo tách biệt.
Đào tạo liên thông góp phần chuẩn hoá chương trình đào tạo và chuẩn hoá cơ chế quản lý đào tạo.
Bản chất của chương trình đào tạo liên thông chính là tính kế thừa và tính nâng cao trên cơ sở thực tế nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.
Một khi đào tạo liên thông phát triển, đòi hỏi hệ thống chương trình của từng ngành và giữa các ngành phải chuẩn, đáp ứng yêu cầu liên thông và đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực theo chuẩn chung quốc gia và quốc tế. Từ đó, cơ chế đào tạo, cơ chế quản lý đào tạo cũng phải chuẩn trong toàn hệ thống giáo dục.
Như vậy, đào tạo liên thông không chỉ chuẩn hoá chương trình đào tạo, mà còn giúp cho nguồn nhân lực Việt Nam có điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế.
Đây chính là tác động tích cực của mô hình đào tạo liên thông tới sự chuẩn hoá của chương trình, cơ chế quản lý đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực.
Ngày 13-2-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quyết định 06/2008/QĐ-BGD&ĐT quy định về đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng và Đại học.
Thực chất, việc đào tạo theo hình thức liên thông đã được manh nha từ những năm 80 của thế kỷ trước với các hình thức đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa. Bởi lẽ, xét về bản chất, các hình thức đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa cũng dựa vào kết quả đào tạo đã có của người học để đào tạo tiếp ở trình độ cao hơn. Tuy nhiên, phải đến 2008, quy định chính thức về đào tạo liên thông (sau 6 năm thí điểm) mới chính thức được ban hành. Quy định này đã nêu rất rõ về các vấn đề mà bấy lâu các trường quan tâm, đó là: Đối tượng đào tạo liên thông, điều kiện và thẩm quyền đào tạo liên thông, chương trình đào tạo và việc công nhận kết quả đào tạo, nhiệm vụ và quyền của trường đào tạo liên thông, nhiệm vụ và quyền của người học, việc quản lý và cấp bằng, việc quy định về nghĩa vụ học phí... Đây chính là hành lang pháp lý cho các trường trong việc tổ chức đào tạo liên thông.
Tuy nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phương thức đào tạo liên thông. Không phải giảng viên nào cũng ý thức được cách thức đào tạo liên thông.
Phương thức đào tạo liên thông đặt ra cho các trường phải cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại chương trình, đổi mới cơ chế quản lý người dạy và người học, đặc biệt khi chúng ta áp dụng phương thức đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ.
Theo chúng tôi, trong đào tạo liên thông, quan trọng nhất chính là thiết kế chương trình. Chương trình đào tạo liên thông phải đáp ứng được yêu cầu liên thông trên cơ sở chuẩn chương trình. Trong hệ thống liên thông dọc, từ đào tạo sơ cấp lên Trung cấp - Cao đẳng - Đại học -Thạc sỹ - Tiến sỹ, xây dựng chương trình chuẩn phải lấy một trình độ làm tiêu điểm. Theo tôi, phải lấy tiêu điểm là chương trình đại học cùng chuyên ngành làm chuẩn, các chương trình dưới và trên bậc Đại học phải căn cứ vào chương trình chuẩn ngành đào tạo trình độ Đại học để thiết kế. Hiện nay, hệ thống chương trình của các trường chưa đáp ứng được điều này. Đây là bài toán cần thời gian và khá nhiều kinh phí.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT quy định và ban hành chương trình khung cho các ngành đào tạo. Các trường, dựa trên cơ sở chương trình khung và thực tế đào tạo của mình, xây dựng chương trình chi tiết. Việc xây dựng chương trình chi tiết của các trường cùng ngành đào tạo có khi không trùng nhau. Chủ trương đào tạo đa ngành dẫn đến, cùng một chương trình đào tạo, nhưng có rất nhiều trường tổ chức đào tạo và xây dựng chương trình chi tiết. Vấn đề là sự công nhận lẫn nhau của các trường về chương trình đào tạo.
Quy định đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT đã ban hành năm 2008.
Qua thực tế đào tạo ở các trường, có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hoá về pháp lý, đó là:
Về đối tượng tuyển sinh: Bộ quy định sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp, sinh viên tốt nghiệp loại Trung bình phải sau 1 năm công tác. Còn một loại đối tượng là Trung bình khá không được quy định. Các trường đang lúng túng và vận dụng khác nhau về đối tượng này.
Về cấp độ liên thông: Bộ mới quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học. Vấn đề đào tạo liên thông từ sơ cấp lên trung cấp, từ sơ cấp lên Cao đẳng, từ Cao đẳng, Đại học lên Thạc sỹ, Tiến sỹ chưa được quy định.
Về chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo. Đây là vấn đề lớn cần thống nhất. Đào tạo liên thông chỉ có kết quả như mong muốn nếu có hệ thống các chương trình đạo tạo bảo đảm khoa học, liên thông và kế thừa, công nhận lẫn nhau. Bộ cần chỉ đạo sâu về vấn đề này để chương trình các ngành, các trường cùng xây dựng và thống nhất.
Về giáo trình đào tạo. Hiện nay, khó khăn lớn cho người học chính là hệ thống giáo trình cho đào tạo liên thông của các ngành phần lớn chưa có. Chương trình đào tạo liên thông cần hệ thống giáo trình riêng, phù hợp với từng chuyên ngành và đối tượng.
Khai thác những thuận lợi, tập trung chỉ đạo để khắc phục những vướng mắc, khó khăn, những rào cản của đào tạo liên thông, tin rằng, đào tạo liên thông sẽ là phương thức đào tạo hấp dẫn được triển khai mạnh mẽ trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu của phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lâm
Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Ninh
Ý kiến ()