Chiều 17-5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật (Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công). Tham dự thảo luận Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 lượt ý kiến đóng góp.
Bổ sung nội dung “chi viện trợ theo các hiệp định”
Góp ý về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất một số ý kiến cụ thể như sau: Theo Khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật quy định về “sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước” với 3 nhóm chi là: Chi phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, chi dự trữ quốc gia, nhiệm vụ đối ngoại đột xuất, cấp bách; Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới; Chi hỗ trợ các địa phương khác. Để kịp thời thực hiện chương trình viện trợ theo các hiệp định, cam kết phát sinh trong năm mà chưa bố trí dự toán. Đề nghị bổ sung nội dung “chi viện trợ theo các hiệp định” đối với Khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật. Đại biểu dẫn chứng: “Việt Nam thường xuyên hỗ trợ Lào và Campuchia về xây dựng trường học, bệnh viện, đào tạo cán bộ, theo các hiệp định hợp tác song phương. Chi viện trợ này là chi từ ngân sách nhà nước, ghi rõ trong kế hoạch tài chính công, và thực hiện theo nội dung các hiệp định nên việc bổ sung vào dự phòng ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết”.
Về nguồn thu của ngân sách trung ương (Điều 35), tại Khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Để tránh biến động dự toán năm ngân sách 2025, bảo đảm phù hợp mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ nguồn lực và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đề nghị lựa chọn phương án 2. Theo đó chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia và giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.
Đối với tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân phân tích: Điểm g, phương án 2, Khoản 2, Điều 35 dự thảo Luật quy định: “ g) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều này, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%”. Tuy nhiên, nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất lớn, là nguồn lực chủ yếu để chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nguồn thu này không liên quan đến việc xác định cân đối ngân sách (vì thu tiền sử dụng đất phụ thuộc vào việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thị trường bất động sản, nên nguồn thu này không phản ánh năng lực thu ngân sách cơ bản của nền kinh tế); mặt khác việc hạch toán số thu tiền sử dụng đất hiện nay bao gồm cả chi phí đầu tư hạ tầng. Do vậy, đại biểu đề xuất phương án: Quy định thống nhất mức phân chia ngân sách trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80% (sau khi trừ chi phí đầu tư hạ tầng dự án);
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị việc ban hành chính sách địa phương cần thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật NSNN để tăng tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Quy định cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia
Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các ý kiến đã được thống nhất đối với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của Bộ Chính trị; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chỉnh lý hồ sơ dự án Luật để bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong quá trình thực hiện.
Theo đại biểu, nội dung bổ sung tại Khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật được quy định trên cơ sở luật hóa quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008; do vậy, đề nghị bổ sung các đánh giá cụ thể về tính tương thích, đồng bộ của quy định này với các quy định khác có liên quan, như: Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2019; quy định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác" tại Điều 4 14 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và để bảo đảm phù hợp với yêu cầu “quy dịnh rõ các nội dung cơ bản liên quan đến quyền đồng nghĩa vụ công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài tại Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 9-4-2025 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nội dung quy định tại dự thảo Luật này có biểu hiện gây khó khăn cho công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nếu người Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam. Cụ thể: Người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài thì thông tin nhập cảnh là thông tin của người nước ngoài, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, ở Việt Nam theo thời hạn chứng nhận tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh... nếu họ quá hạn tạm trú, cư trú "lý" hoặc không thực hiện các trách nhiệm như khai báo tạm trú, hoạt động theo mục đích nhập cảnh... việc xử lý vi phạm gặp vướng mắc, đặc biệt là trường hợp có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Ngoài ra, trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thuế... có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện thủ tục.
Do vậy, đề nghị Ban chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, các vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Cùng với đó, bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề “song tịch” để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam, cũng như ở nước sở tại; không để các nước lợi dụng chủ trương cởi mở, thông thoáng của Việt Nam nhằm đẩy đuổi số bị trục xuất, số không xác định được quốc tịch, số đối tượng có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam hoặc lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo có can thiệp, gây sức ép với Việt Nam...
Về nội dung bổ sung Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật, nên cân nhắc quy định “trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” vì Chính phủ theo chức năng, thẩm quyền không quy định về việc ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn các vị trí thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước. Đề nghị rút gọn phạm vi các vị trí Chính phủ quy định trong trường hợp đặc biệt; nên chỉ rõ quy định cụ thể của “Luật có liên quan” để thuận tiện và thống nhất trong áp dụng.
Về nội dung bổ sung Khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật, đề nghị chỉ rõ quyết định liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện để phù hợp với quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện hành chính (ví dụ: các quyết định về nhập, thôi, tước, cho trở lại quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước).
Thái Uyên
Ý kiến ()