Những năm qua, đồng hành với sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của tỉnh Bắc Ninh, công tác Bảo hiểm Y tế (BHYT) đạt được những thành quả đáng khích lệ. Nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh cho BHYT hướng trọng tâm tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực sự trở thành “phao cứu sinh” chia sẻ phần lớn gánh nặng viện phí cho người dân khi không may ốm đau, bệnh tật.
bệnh tật là con đường ngắn nhất đi đến tán gia bại sản” bởi gánh nặng kinh tế do bệnh tật mang lại là điều không phải bàn cãi. Trong quá trình tác nghiệp tại các bệnh viện, điều thường ám ảnh chúng tôi nhất là những gương mặt thất thần vừa lo lắng về bệnh tình của người thân vừa lo chạy vạy tiền bạc để chữa bệnh.
Hoàn cảnh éo le của gia đình chị Vũ Thị Toàn ở thôn Đại Mão (Hoài Thượng, Thuận Thành) là một trường hợp như thế. Gần 5 năm nay - kể từ khi chồng chị, anh Nguyễn Đình Nam bị tai biến mạch máu não, liệt tứ chi thì buồng bệnh chừng 10m2 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng trở thành “ngôi nhà bất đắc dĩ” của mấy mẹ con chị Toàn. Vì hoàn cảnh, con gái lớn Nguyễn Thị Thuỳ phải bỏ dở giấc mơ Đại học, đi làm kiếm tiền để mẹ yên tâm chăm sóc, phục vụ bố và em có cơ hội đến trường. Hoàn cảnh cùng cực của gia đình chị Toàn khiến bất cứ ai chứng kiến đều thương cảm, song công bằng mà nói, nếu không có sự “đỡ đần” của BHYT, chắc hẳn cuộc sống của chị sẽ bi đát hơn nhiều bởi BHYT đã “gánh” toàn bộ viện phí của anh Nam, Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh cũng hỗ trợ thêm tiền ăn hàng ngày.
Không thể kể hết những trường hợp khổ sở vì bệnh tật như gia đình chị Toàn, song có thể nói rằng, mỗi khi ốm đau, đi viện, BHYT chính là chỗ dựa, người bạn đồng hành đáng tin cậy nhất của người nghèo.
Tấm thẻ BHYT “đỡ đần” khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng cho bệnh nhân suy thận mãn có phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho hơn 150 bệnh nhân suy thận mãn có chỉ định lọc máu chu kỳ, 100% số bệnh nhân có thẻ BHYT, trong đó khoảng gần 80% là BHYT thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nếu không có thẻ BHYT, với giá viện phí hiện hành, trung bình mỗi bệnh nhân phải chi trả trên dưới 10 triệu đồng/ tháng cho chạy thận nhân tạo. Chúng tôi còn nhớ mãi câu nói của một bệnh nhân nam thuộc diện hộ nghèo mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Nếu Nhà nước hỗ trợ 1 triệu, thậm chí 10 triệu, chúng tôi rất cảm ơn, nhưng khi Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT, chúng tôi biết ơn bởi tấm thẻ BHYT giúp tôi yên tâm hơn khi không may mắc bệnh hiểm nghèo”.
Những năm qua, cùng với sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giúp đỡ các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Một trong các chính sách thực sự phát huy hiệu quả là giúp nhiều người dân có điều kiện tham gia BHYT. Bắc Ninh cũng được coi là một trong những tỉnh đi đầu toàn quốc về công tác hỗ trợ này. Với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, ngoài những đối tượng được ngân sách nhà nước đóng như Người có công với cách mạng, thương bệnh binh, trẻ em dưới 6 tuổi… thì Bắc Ninh còn hỗ trợ cho một số đối tượng đặc thù như: Hỗ trợ 70% mức phí cho đối tượng cận nghèo khi tham gia BHYT tự nguyện (từ năm 2006), hỗ trợ 100% tiền đóng BHYT cho Người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi, người được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng hoặc hỗ trợ một phần để các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, công an viên… được hưởng 100% tiền đóng BHYT.
Mới đây, ngày 10-8-2016 tỉnh tiếp tục quyết định hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT đối với Người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi. Theo đó, toàn tỉnh có thêm hơn 10 nghìn Người cao tuổi được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT… Những sự hỗ trợ của Bắc Ninh về lĩnh vực BHYT đối với các đối tượng đặc thù không chỉ khẳng định sự quan tâm đến công tác an sinh xã hội mà còn góp phần từng bước thực hiện thành công lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Vẫn còn những trăn trở
Trong 20 năm qua, số đơn vị và người tham gia BHXH, BHYT tại Bắc Ninh tăng nhanh qua các năm. Công tác BHYT học sinh, sinh viên ngày càng phát triển, Bắc Ninh là tỉnh đứng ở tốp đầu có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT cao nhất toàn quốc, năm 2013, 2014 đều đạt trên 98% tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Năm học 2015-2016, có 100% số trường học trong tỉnh tham gia BHYT với tỷ lệ đạt 99,2%; nhiều huyện đạt tỷ lệ 100%.
Nếu như năm 1997, toàn tỉnh mới có 344 đơn vị, với 22.614 người tham gia BHXH, số thu 17,44 tỷ đồng thì đến năm 2016, số đơn vị tham BHXH, BHYT, BHTN là 4.183 đơn vị, số người tham gia 933.116 người, số tiền thu 4.629,2 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2016 so với năm 1997, số đơn vị tham gia tăng 12 lần, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng 41 lần. Riêng BHYT, với chính sách đi đầu và ưu việt của tỉnh, đến nay có 100% hộ nghèo, cận nghèo có thẻ BHYT.
BHYT chi trả chi phí nhiều kỹ thuật cao đã giúp người bệnh yên tâm hơn khi đi khám chữa bệnh.
Dù những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, song công tác BHYT vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được sửa đổi, bổ sung mở rộng thêm đối tượng tham gia và thụ hưởng… là một khó khăn trong công tác tuyên truyền để người dân biết đủ, hiểu đúng khi triển khai thực hiện chế độ, chính sách mới. Tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh cơ bản của hàng nghìn người lao động và áp lực trực tiếp đến Quỹ BHXH, BHYT… Trong khi đó, ở một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT mà coi đó là nhiệm vụ của người sử dụng lao động và của cơ quan BHXH…
Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh tuy tăng theo các năm, nhưng hiện mới chỉ đạt 83,5% tổng số dân, là một trở ngại trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân… Nguyên nhân của thực trạng còn nhiều người chưa tham gia BHYT là do một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, làm cho người dân chưa hiểu hết về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT; mức phí tham gia BHYT còn cao, một số người dân còn khó khăn nên chưa tham gia…
Cùng với BHXH, BHYT là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách an sinh - xã hội, góp phần quan trọng đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển xã hội. Trên thực tế, tấm thẻ BHYT không cùng một “giá trị”. Với người nghèo, đó là một chiếc “phao cứu sinh”, trong khi một bộ phận nhỏ khác lại chưa thực sự mặn mà. Để hoàn thành BHYT toàn dân như mục tiêu đề ra, thiết nghĩ cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối kết hợp và tham gia của các cấp, ngành và hệ thống chính trị trong việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về BHYT. Không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến BHYT sâu rộng qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT. Ngành BHXH cũng cần chủ động tham mưu cho các cấp, các ngành về triển khai chính sách BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho tập thể, cá nhân khi tham gia BHYT. Từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám, bệnh chữa bệnh BHYT góp phần chăm sóc tốt sức khỏe, tạo dựng niềm tin để người dân hoàn toàn yên tâm khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Ý kiến ()