Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật Xây dựng được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI. Bảy tháng sau, ngày 1-7-2004 Luật chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên các hoạt động xây dựng được điều chỉnh bằng luật, có tính chuyên ngành, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc triển khai Luật Xây dựng vào thực tiễn, càng thấy ý nghĩa to lớn của những tư tưởng đổi mới mà nhờ đó sức sáng tạo của ngành Xây dựng Bắc Ninh đã được nhân lên gấp nhiều lần.
Đổi mới rõ nhất là sự phân cấp mạnh. Đó là việc phân cấp về tổ chức thực hiện và thẩm quyền quyết định từ cấp trên chuyển xuống cấp dưới. Ví dụ như trước kia cấp huyện không có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng (QHXD) thì nay được giao thẩm quyền thẩm định, phê duyệt QHXD chi tiết đối với đô thị loại 4, loại 5, quy hoạch điểm dân cư nông thôn; hoặc thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) được nâng lên đến dưới 5 tỷ đồng và theo Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 thì thẩm quyền đó được mở rộng đến cả dự án nhóm A. Tâm lý lo lắng đã xuất hiện từ cả hai phía: Cấp trên lo cấp dưới không đáp ứng đủ năng lực, cấp dưới lo không đảm đương nổi trách nhiệm vì vượt quá khả năng. Nhưng rồi lo lắng đã dần được giải toả vì hiệu quả của quá trình đổi mới trên chính là sự giải phóng được khối lượng đồ sộ công việc mà quản lý nhà nước cấp trên trước kia thường vẫn ôm đồm, đồng thời tăng cường được trách nhiệm của cấp dưới, buộc cấp dưới phải vươn lên về năng lực để đáp ứng. Mặt khác, hiệu quả trông thấy là giảm được sự ách tắc, trì trệ về thời gian, nhờ thế mà tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn.
Đổi mới thứ hai là xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Trước hết, phân rõ giới hạn cơ quan quản lý nhà nước làm gì, chủ đầu tư làm gì. Trách nhiệm từng cấp được xác định rõ, trong đó tăng trách nhiệm cho cấp dưới trên cơ sở tăng thẩm quyền. Đối với từng chủ thể trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng, trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu được nêu rõ ở từng lĩnh vực. Trong đó, chủ đầu tư là chủ thể quan trọng nhất, được xác định vai trò quản lý trực tiếp và toàn diện hiệu quả đầu tư dự án của mình. Nói một cách khái quát, theo tư tưởng trên, nhà nước chỉ quản lý chiến lược phát triển, kiểm soát sự tuân thủ pháp luật; chủ đầu tư quản lý trực tiếp, cụ thể, toàn diện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; các tổ chức, cá nhân ai hoạt động lĩnh vực nào phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực đó.
Đổi mới thứ ba là, ai có năng lực đến đâu thì được làm đến đó. Điều này phản ánh một đặc điểm của ngành Xây dựng là phần lớn các lĩnh vực đều đòi hỏi hành nghề có điều kiện. Xã hội phát triển, sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Vấn đề điều kiện năng lực hành nghề xây dựng đặt ra như một đòi hỏi tất yếu. Vì thế một trong những nghiêm cấm được nêu tại Điều 10 Luật Xây dựng là: Cấm "nhà thầu hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực" và cấm chủ đầu tư "chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực".
Đổi mới thứ tư là lĩnh vực quy hoạch xây dựng được hệ thống đầy đủ từ công tác lập, thẩm định, phê duyệt đến tổ chức thực hiện; từ quy hoạch đô thị đến quy hoạch điểm dân cư nông thôn; trong đó đề cao việc lấy ý kiến nhân dân và công khai đồ án quy hoạch, bảo đảm quy hoạch mang tính định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Quản lý quy hoạch không tách khỏi quản lý kiến trúc, vì thế thiết kế đô thị là yêu cầu bắt buộc đối với đồ án quy hoạch. Những đổi mới quan trọng này đã góp phần làm cho diện mạo đô thị Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng thay đổi từng tháng, từng ngày.
Đổi mới thứ năm là tư duy đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề chất lượng công trình. Đã có một thời, chúng ta có khẩu hiệu "nhanh-nhiều-tốt-rẻ" (tiến độ-khối lượng-chất lượng-kinh tế). Bước vào kinh tế thị trường, chất lượng phải là số một. Nhưng hiểu thế nào cho đúng, để vấn đề chất lượng công trình phát huy đúng vị trí, vai trò trong công tác quản lý thì cần phải có một Nghị định riêng về quản lý chất lượng (Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004). Theo đó, ở tỉnh ta, lần đầu tiên ban hành một quy định riêng về phân công phân cấp trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình và các văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng chi tiết đến từng loại công tác của lĩnh vực này mà tác dụng của nó đã được kiểm chứng trong thực tiễn.
Đổi mới thứ sáu là tôn trọng quy luật kinh tế thị trường. Có thể nói Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13-6-2007 là một cuộc "cách mạng" về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình. Theo đó, các dự án sử dụng vốn nhà nước được quản lý gần như hoàn toàn theo cơ chế thị trường, giá xây dựng công trình được xác định cho từng công trình cụ thể mà chủ đầu tư phải tự quyết định trên cơ sở xác định đơn giá vật liệu xây dựng theo thị trường. Quan hệ A-B là quan hệ hợp đồng, sân chơi hoàn toàn bình đẳng. Với phương thức quản lý như vậy, lĩnh vực quản lý dự án đã gần như hội nhập hoàn toàn với thông lệ quốc tế.
Sự phân cấp mạnh đặt ra vấn đề tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý nhà nước về xây dựng. Do đó, Nghị định 126/2005/NĐ-CP ra đời và mới đây được thay thế bởi Nghị định 23/2009/NĐ-CP quy định những chế tài xử phạt rất cụ thể và nghiêm ngặt. Để duy trì điều đó, hệ thống thanh tra xây dựng được hình thành ở hai cấp. Cùng với đó, quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng tạo ra một cơ chế kiểm soát vừa theo chiều sâu, vừa theo chiều rộng, vừa thắt chặt kỷ cương, vừa phát huy dân chủ.
Đổi mới thứ tám là cải cách thủ tục hành chính. Đó vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của quá trình đổi mới bảy mặt nói trên. Hiệu quả của cải cách hành chính thể hiện rõ ở sự thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh tăng khá trong 5 năm trở lại đây, trong đó tỷ trọng ĐTXD là rất đáng kể.
Trên cơ sở những tư duy đổi mới nói trên, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã tích cực triển khai thực hiện Luật Xây dựng. Công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức. Cuộc thi tìm hiểu Luật Xây dựng được tổ chức trong toàn tỉnh với gần 6 vạn người dự thi đã mang lại hiệu quả thiết thực về nhận thức trong nhân dân. Hàng năm, Sở Xây dựng tổ chức hàng chục cuộc tập huấn đối với cán bộ ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự các lớp học ở Trung ương. Những vấn đề vướng mắc thường xuyên được giải đáp trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, các buổi làm việc tại cơ sở hoặc bằng văn bản. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến còn được tích cực thực hiện thông qua mạng Website Sở Xây dựng qua Báo, Đài tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở. Nhằm tổ chức thường xuyên các lớp hướng dẫn pháp luật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tháng 10/2008 UBND tỉnh giao cho Trung tâm Kiểm định chất lượng và Kinh tế xây dựng chức năng tổ chức đào tạo của ngành Xây dựng Bắc Ninh. Ngoài ra, hoạt động của Hội Xây dựng, Chi hội Kiến trúc sư cũng có nhiều hình thức tư vấn phản biện các văn bản pháp luật, tổ chức hội thảo, xuất bản tạp chí "Người Xây dựng Bắc Ninh" là diễn đàn để trao đổi những thông tin về văn bản pháp luật và việc thực hiện pháp luật về xây dựng. Những nội dung có yêu cầu phải phân công phân cấp, Sở Xây dựng chủ động tham mưu kịp thời để UBND tỉnh ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện từng lĩnh vực.
Có thể nói, Luật Xây dựng đã đi nhanh vào đời sống xã hội. Sức sống của nó đã tạo thành giá trị vật chất to lớn. Đó là những khu đô thị, khu công nghiệp, là những con đường, cây cầu, những toà nhà đồ sộ..., những công trình góp phần cho sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh đã là minh chứng sinh động. Luật Xây dựng tiếp tục là nguồn lực mạnh mẽ cho đất nước, quê hương Bắc Ninh phát triển, hội nhập cùng khu vực và thế giới.
Ths. KTS. Nguyễn Bá Lạc
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng, Chi hội trưởng Chi hội KTS Bắc Ninh
Ý kiến ()