...“Bắc Ninh sẽ tiếp tục là một trong những địa phương giàu có nhất cả nước, hướng tới là một trong 200 thành phố sáng tạo nhất thế giới, hình mẫu phát triển nhanh, bền vững trong khi vẫn giữ gìn, bảo tồn, phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc. Với truyền thống đoàn kết, kết quả đạt được và kinh nghiệm, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022”...
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác tại Bắc Ninh ngày 12-2-2017 khi đánh giá kết quả 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017), bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Bắc Ninh trong tương lai. Niềm tin ấy có cơ sở vững chắc là những thành tựu to lớn, sức sáng tạo và kinh nghiệm quý báu đã tạo thành “thương hiệu” của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bắc Ninh trong chặng đường hơn hai thập kỷ qua.
Kỳ 1: Mô hình sáng tạo trong phát triển kinh tế địa phương
Xuất phát từ lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Bắc Ninh có nhiều sáng tạo trong tổ chức không gian kinh tế, thu hút đầu tư từ công nghiệp để tạo đột phá tăng trưởng.
Mở đường vượt khó
“Năm 1997 tái lập tỉnh, là trung tâm tỉnh lỵ nhưng thị xã Bắc Ninh vẫn gọi là “thị xã đèn dầu” với vẻn vẹn một vài khu phố chạy dọc Quốc lộ 1A cũ. Nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh của tỉnh khi ấy, Bắc Ninh là một địa phương thuần nông, nghèo…” - lão thành cách mạng Nguyễn Văn Mạo, 90 tuổi, 69 tuổi Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Bắc Ninh giai đoạn 1966-1976 nhớ lại.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh thấp kém, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 24,1%, dịch vụ 29,5%, nông nghiệp 46,4%. Thu ngân sách Nhà nước 198 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người chỉ bằng 75% mức bình quân của cả nước. Hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi đều xuống cấp nghiêm trọng…
Đồng chí Ngô Đình Loan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh lâm thời khi tái lập tỉnh cho biết: “Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức ấy, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khi về thăm và làm việc với Bắc Ninh ngay trong năm 1997 đã nhận định bên cạnh những khó khăn, Bắc Ninh có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Hơn 20 năm là thời gian không dài với một hành trình lớn, chỉ như “cái chớp mắt của lịch sử” nhưng những thành tựu Bắc Ninh đạt được đã chứng minh tính đúng đắn trong đường lối mà các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gợi mở cho tỉnh và quyết tâm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vượt khó đi lên.
Khu công nghiệp Yên Phong là KCN lớn nhất cả nước về giá trị thu hút vốn đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.
Đến nay, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 5%. Bắc Ninh có nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp đầu của cả nước (năm 2016): Thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 5; quy mô kinh tế đứng thứ 6; thu ngân sách Nhà nước đứng thứ 10, đã tự cân đối và điều tiết ngân sách về Trung ương… Riêng 9 tháng năm 2017, Bắc Ninh xuất sắc vươn lên đứng thứ nhất cả nước về thu hút đầu tư với hơn 3 tỷ USD và về chỉ số sản xuất công nghiệp với mức tăng 25,1% (toàn ngành công nghiệp cả nước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016).
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân năm 2016 đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 20 lần so với năm 1997. Năm 1996, toàn tỉnh có 14,1% số hộ nghèo, đến cuối năm 2016, giảm còn 2,59%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Bắc Ninh năm 1997 mới đạt 0,67 và ở nhóm tỉnh có chỉ số HDI thấp, năm 2016 đạt 0,84 và thuộc nhóm cao. Hệ số chênh lệch giàu nghèo luôn ở ngưỡng an toàn.
Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Hướng tới mô hình nổi bật về phát triển kinh tế địa phương trong thời kỳ đổi mới, Bắc Ninh có sự đồng bộ trong phát triển các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị, cụm công nghiệp và phát huy lợi thế phát triển làng nghề, trong đó, phát triển các KCN được coi là khâu đột phá.
Công tác quy hoạch đi trước một bước để tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài KCN. Hạ tầng giao thông thuận tiện cho vận chuyển, giao lưu kinh tế với mạng lưới trên 7.670 km, mật độ đường 9,322 km/km2, cao so với bình quân cả nước. Qua địa bàn tỉnh còn có các quốc lộ 1A, 18, 38, 17, Cầu Hồ, Cầu Bình Than và nhiều tuyến tỉnh lộ được đầu tư xây dựng, nâng cấp quy mô hiện đại.
Toàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV, 6 đô thị loại V, 64 khu đô thị và hơn 200 khu nhà ở, khu dân cư dịch vụ được quy hoạch với diện tích 6.700 ha. Trong đó có 41 dự án đang triển khai xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích 89,9 ha với gần 30.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 140.000 người (trong đó nhà ở cho công nhân là 13.593 căn hộ). Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% năm 1997 lên 28,7% năm 2016.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng khu nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo thông qua việc hình thành và phát triển các khu làng đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện có 3 khu làng Đại học, trong đó khu Đại học 1 đã cơ bản được đăng ký lấp đầy. Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được hiện đại hóa. Hạ tầng cung cấp điện, nước được quan tâm đầu tư. Xử lý ô nhiễm môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN và các làng nghề đạt chuẩn 86%.
Hệ thống các khu, cụm công nghiệp của tỉnh ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bắc Ninh có 16 KCN với tổng diện tích 5.708,54 ha, ngoài ra còn có 28 CCN vừa và nhỏ, 120 làng nghề. Đến nay, 10/16 KCN tập trung đã đi vào hoạt động, cho thuê 2.561,24/3.296,41 ha đất công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt 88,48 %.
Nhờ những sáng tạo trong tổ chức không gian kinh tế, các KCN Bắc Ninh đã chứng minh được năng lực vượt trội thu hút đầu tư. Đặc biệt, Bắc Ninh là điểm sáng, một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về mức độ hấp dẫn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế đến ngày 20-9-2017, trên địa bàn tỉnh còn 1.082 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 15,55 tỷ USD; 1.128 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh là 115.884 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh: “Trong phát triển công nghiệp của Bắc Ninh, thành công nổi bật là thu hút được tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu như Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)... và các dự án FDI khác từ hơn 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Đây là điểm đặc biệt đáng chú ý khi trên cả nước, số lượng các tập đoàn lớn đầu tư còn rất khiêm tốn. Kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, hình thành các KCN chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ. Từ đó đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”.
Tiêu biểu KCN Yên Phong là KCN lớn nhất cả nước tính theo giá trị thu hút vốn đầu tư, giá trị sản xuất và xuất khẩu. Tại đây, riêng Tập đoàn Samsung đầu tư hơn 9 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng hơn 80 nghìn lao động. Các dự án của Samsung tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp Bắc Ninh xây dựng được hình ảnh, thu hút 300 doanh nghiệp vệ tinh, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động.
Các dự án FDI còn thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là sản xuất công nghiệp nội địa phát triển, góp phần dịch chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu, sang xuất siêu. Đồng thời làm tăng tỷ lệ thu ngân sách nội địa của tỉnh với số thu năm 2017 ước đạt 16.126 tỷ đồng (năm 2016 đạt 12.468 tỷ đồng).
FDI là một nhân tố quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI năm 1997 chỉ là 0,7 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 0,05%; năm 2016 là 639.740 tỷ đồng, chiếm tới 89,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đồng thời nâng GRDP toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) từ 1 tỷ đồng (năm 1997) lên 68.500 tỷ đồng (năm 2016).
Khu vực kinh tế FDI đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh: năm 2010 mới đạt 1.702 tỷ đồng; năm 2016 đạt 7.057 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2017 đạt 5.628 tỷ đồng, đạt 85% dự toán, tăng 32,6%. Các doanh nghiệp FDI còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Năm 1997, số lao động làm việc ở khu vực kinh tế FDI là 182 người, chiếm 0,04 %; đến năm 2016 đạt đến 169.144 người, chiếm 25,5% tổng số lao động trên toàn tỉnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Bắc Ninh hiện trở thành một môi trường đầu tư hấp dẫn, thương hiệu địa phương được quảng bá trên phạm vi toàn cầu, là điểm đến lý tưởng, sự lựa chọn tốt dành cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Bởi lẽ, Bắc Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là có chính sách đầu tư thông thoáng”.
Đón đọc kỳ 2: Bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc
Ý kiến ()