Là một thanh niên sớm có tinh thần yêu nước, ngay từ khi là học sinh của Trường Bách Nghệ Hải Phòng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giác ngộ cách mạng, đi theo con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, nhằm giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, đồng chí đã từng bước trưởng thành và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí có nhiều công lao đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, về vai trò của Mặt trận đoàn kết dân tộc trong thực thi đường lối chiến lược cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và trong kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí luôn quan niệm sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của đất nước, của nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thể hiện trong thời kỳ vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng Mặt trận Việt Minh, đoàn kết tất cả các lực lượng để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực chỉ đạo, vận động các đoàn thể quần chúng, các đảng phái... tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc, tạo nên sức mạnh, đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện chiến lược xây dựng Mặt trận trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo, phải coi công tác Mặt trận là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, đồng chí nói: “Mặt trận là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”(1). Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng trong kháng chiến, còn nhằm chống lại âm mưu của địch hòng chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lôi kéo quần chúng, làm suy yếu lực lượng kháng chiến của ta. Làm tốt công tác Mặt trận, sẽ phát huy được sức mạnh toàn dân, đoàn kết mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng để kháng chiến thắng lợi, củng cố chính quyền, xây dựng dân chủ mới. Để tập hợp đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận, phải “tích cực thi hành chính sách Mặt trận của Đảng”(2).
Là người trực tiếp chỉ đạo công tác Mặt trận, nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tích cực chăm lo, xây dựng, củng cố Mặt trận về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí phê bình một số cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng đã có tư tưởng và thái độ không đúng đối với công tác Mặt trận, coi thường công tác Mặt trận. Đồng chí chỉ ra nguyên nhân của khuyết điểm trên là do một số cán bộ, đảng viên đã không hiểu rõ chính sách bạn đồng minh của Đảng, chưa rõ chính sách đối với các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn kháng chiến để vận động, đoàn kết, giáo dục quần chúng nhân dân thành một lực lượng mạnh mẽ, một lợi khí để đánh tan quân thù và để xây dựng đất nước; cán bộ làm công tác Mặt trận và dân vận chưa được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, còn thiếu quan điểm quần chúng; một số tổ chức Đảng chưa biết dùng Mặt trận làm trường học rộng rãi để gần gũi, giáo dục các tầng lớp nhân dân, học hỏi nhân dân, nên chưa động viên được thật đông đảo các tầng lớp trí thức, tư sản, địa chủ yêu nước giúp sức, giúp của cho kháng chiến; nhiều cán bộ, đảng viên còn có sự hiểu lầm rằng công tác Mặt trận không liên quan đến công tác Đảng. Thực tế đã chứng minh rằng: “Ở địa phương nào chú ý đến công tác Mặt trận, dân vận thì cơ sở Đảng, chính quyền, quân đội ở nơi ấy mạnh, nhân dân hăng hái thi đua làm mọi việc. Trái lại, nơi nào, công tác Mặt trận, dân vận kém thì mọi mặt đều kém”1. Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: Ban lãnh đạo Mặt trận phải có đủ các thành phần đại diện cho các tầng lớp nhân dân và phải hoạt động theo đúng nguyên tắc của Mặt trận. Mặt trận phải có cương lĩnh cụ thể. Để làm tròn nhiệm vụ, Mặt trận phải được củng cố và phát triển theo hai hướng: Một là, phải vận động các tầng lớp tư sản, trí thức, địa chủ, các tôn giáo, dân tộc tham gia đông đảo vào Mặt trận. Hai là, phải xây dựng vững chắc các tổ chức chính của Mặt trận như, Công đoàn, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên Cứu quốc.
Từ lý luận vận dụng vào thực tiễn cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đưa ra quan điểm về tổ chức Mặt trận: Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, song về tổ chức thì Đảng là một bộ phận trong Mặt trận, cho nên sau khi mọi chủ trương của Đảng đưa ra, được Mặt trận tán thành, thì Đảng cũng như mọi tổ chức khác trong Mặt trận phải thi hành. Việc Đảng sinh hoạt và đứng trong Mặt trận, là thành viên hạt nhân của Mặt trận, không những không làm cho Mặt trận lu mờ, mà còn đề cao vai trò chính trị của Mặt trận, làm cho khối đoàn kết dân tộc lớn mạnh thêm. Phương thức ấy cũng không làm mất uy tín của Đảng, mà càng làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng được đề cao. Đồng chí nêu lên phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận:
Thứ nhất, Đảng cần đưa ra một chương trình chung cho Mặt trận, tức là chương trình tối thiểu của Đảng. Chương trình ấy phải được các bộ phận trong Mặt trận nghiên cứu, thảo luận và nhất trí.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách dùng Đảng đoàn vận động; lấy danh nghĩa Đảng công khai đề nghị với Mặt trận. Đồng chí cho rằng: “Nếu chúng ta chỉ đưa ra một chương trình không thôi mà chưa làm cho các tổ chức, các giai tầng trong Mặt trận tán thành, chưa biến được chương trình ấy thành ý nguyện chung của Mặt trận, của nhân dân thì chính sách của Đảng không thể thực hiện được”1.
Thứ ba, phải củng cố khối liên minh công nông - cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất; phải làm cho tổ chức Công đoàn và Hội Nông dân được đề cao trong Mặt trận và có sự quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong công tác. Đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng nêu lên yêu cầu có tính nguyên tắc đối với Đảng: “Trong quá trình lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc giữ vững sự độc lập về tổ chức của Đảng. Trong khi liên minh với các đảng phái khác, không bao giờ Đảng hòa vào trong khối liên minh ấy, xóa nhòa tổ chức của mình. Đảng phải có chương trình rõ ràng (tối đa và tối thiểu), luôn luôn tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong Đảng để giác ngộ giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân. Đảng phải thực hiện tốt những nguyên tắc trên thì mới làm cho Đảng xứng đáng là lực lượng tổ chức và lãnh đạo của Mặt trận, là linh hồn của khối đại đoàn kết”1.
Đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo: Cán bộ phải có thái độ hòa nhã, khiêm tốn, cùng bàn bạc giúp đỡ quần chúng nhân dân trong mọi công việc; thật thà tự phê bình và phê bình để tiến bộ; dùng tình cảm, lý trí và quyền lợi thiết thực để vận động nhân dân; phải đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, học những cái hay của dân; phải kiên trì, nhẫn lại trong việc tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân. Có như vậy mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới hoàn thành được nhiệm vụ củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên toàn dân đánh đuổi đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ mới.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr 186
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 190
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.189.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.210.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.215.
Thảo Nguyên (T/h)
Ý kiến ()