Thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2023-2025, thời gian qua tỉnh tích cực tổ chức triển khai thực hiện để sắp xếp điều chỉnh đối với 10 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó 06 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp và 04 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù, không thực hiện sắp xếp). Trong đó thành phố Bắc Ninh sáp nhập 03 phường: Tiền An, Ninh Xá, Vệ An và đặt tên cho phường mới.
Bắc Ninh là một vùng đất cổ nên khi sắp xếp, nhất là khi đặt lại tên cho phường xã mới (sau sáp nhập) rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, để cái tên mới phản ánh được truyền thống lịch sử, văn hóa, những đặc điểm nổi bật của các địa phương đó. Nhân việc này, xin nêu một vài suy nghĩ sau:
Thông thường có 3 hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: - Đặt tên mới hoàn toàn
- Giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập
- Ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau.
Trong đó, cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo kiểu lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới là cách làm rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Trước đây, việc ghép tên đơn vị hành chính cũng từng được sử dụng ở huyện Gia Lương (Gia Bình Lang Tài); Quế Võ (Quế Dương Võ Giàng), Tiên Sơn (Tiên Du Từ Sơn)… Gần đây 3 phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An cũng đang đề nghị tên mới là Tiền Ninh Vệ. Việc ghép tên này có vẻ như hợp lý vì dung hòa được nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của cán bộ, người dân các địa phương thường cố tranh chấp kiểu “mình phải có phần”. Tuy nhiên, nếu ghép tên đơn vị hành chính mới một cách cơ học, đơn giản sẽ không phản ánh được truyền thống lịch sử, văn hóa, những đặc điểm nổi bật của các địa phương đó.
Nhiều khi cái tên trở nên vô nghĩa như Hà Nội một thời gọi khu “Cao Xà Lá” (khu nhà máy Cao su Xà phòng Thuốc lá)…tên tỉnh “Hà Sơn Bình” chẳng có ý nghĩa gì, tỉnh “Bình Trị Thiên” (bị dân nói lái thành Thiên trị Bình), Bắc Giang có phường Phân Đạm (sau đổi thành phường Trần Nguyên Hãn).
Thực ra, tên Tiền An, Ninh Xá, Vệ An đã có từ lâu và trước kia nhiều lần cũng được gọi tắt lại là Tiền-Ninh-Vệ (Tháng 7-1927, đồng chí Ngô Gia Tự cùng với một số yếu nhân thành lập được 4 chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Ninh, trong đó có chi hội Tiền-Ninh-Vệ và chi hội Vạn-Yên-Hà. Thị xã Bắc Ninh (khi còn thuộc tỉnh Hà Bắc) từng có khu phố Tiền-Ninh-Vệ (cũng là cách ghép cơ học của 3 địa danh Tiền An, Ninh Xá, Vệ An).
Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng, đơn vị cộng cư nhỏ và gần gũi nhất đối với mỗi người. Đó có thể là những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường được thể hiện bằng chữ Hán, như Tiền An, Quế Dương, An Bình,… hay gắn với dòng họ lập làng, có đông người nhất như Bùi Xá, Ninh Xá, Trịnh Xá… hay gắn với đặc thù cảnh quan, môi trường thiên nhiên như Tiên Du, Phật Tích, Tam Sơn… Tức là địa danh luôn gắn với những thông điệp nhất định nào đó để ghi nhớ.
Từ thực tế này, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập cần thận trọng, bài bản, không nóng vội và không chủ quan duy ý chí. Đó không đơn thuần là công việc của chính quyền mà cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng và cả những mơ ước của họ gắn với những địa danh đó. Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Ta thường tự hào về cái tên gốc tích quê hương của mình. Vì thế, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.
Suy cho cùng: một cái tên của “địa danh” nên là một mỹ từ-tên đẹp có ý nghĩa lịch sử… để ta thêm yêu, thêm tự hào về cái tên quê hương của mình (ở Bắc Ninh, khi đề nghị nâng cấp từ Thị xã lên Thành phố, đã có nhiều ý kiến đồng ý đổi tên là thành phố Kinh Bắc, nhưng do thời gian gấp gáp, nên hội nghị đề nghị việc đổi tên sẽ làm sau, nhưng sau đó không ai nhắc lại cả với cái tên đẹp và rất đáng tự hào ấy! Huyện Thuận Thành khi nâng cấp lên Thị xã cũng có nhiều đề nghị lấy lại tên cổ xưa vừa hay, vừa đẹp là Thuận An hay Siêu Loại nhưng không ai quan tâm cả. Tiếc thật!).
Sáp nhập xã, phường: Nên hạn chế việc máy móc đặt tên bằng cách ghép từ với nhau. Nhưng để tìm ra một cái tên mới sau khi sáp nhập làng xã không phải là điều đơn giản. Chuyện ngày xưa có nơi đã đặt tên mới đáng học tập (khi sát nhập ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Tổng Bí thư Trường Chinh chọn tên Hoàng Liên Sơn là tên dãy núi nổi tiếng nhất trong vùng. Khi nhập huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ và khu vực Vĩnh Linh thành một huyện, ban đầu người ta dự định đặt tên là Gio Cam, sau nhiều bàn luận và tranh cãi, người ta đã đặt tên huyện mới là Bến Hải-tên con sông chảy qua cả ba vùng, lại là con sông lịch sử…).
Như vậy, nếu chọn được những cái tên mang biểu tượng lịch sử văn hóa đủ tầm cho cả vùng mấy đơn vị được nhập (ví dụ: Hoàng Liên Sơn, Bến Hải…), thì cái tên đó dễ được chấp nhận.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương thời gian qua cũng sáp nhập từ 2-3 xã, phường lại với nhau và không nhất thiết cứ phải ghép hai chữ cái đầu hoặc cuối của các xã, phường mới lại với nhau, mà có khi chỉ cần lấy tên của một xã, phường hiện có đại diện cho tên của 2-3 đơn vị hành chính sau sáp nhập. Còn các tên xã, phường cũ, có thể đặt lại cho tên các con đường, khu phố tại địa phương.
Đây là phương án đặt tên được khuyến khích, vì nó mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc ít nhất một nửa, hoặc một phần ba dân cư sẽ không phải điều chỉnh giấy tờ hành chính liên quan đến quê quán, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú… Một nửa, hoặc một phần ba vùng đất đó vẫn giữ được cái tên quen thuộc của mình.
Với thành phố Bắc Ninh, việc sáp nhập 3 phường Tiền An, Ninh Xá, Vệ An, cái tên “Tiền-Ninh-Vệ” nhiều người cho là một sự ghép tên thuần tuý cơ học, không tạo ra được xúc cảm gì. Tên “Ninh Xá” thực ra từ năm 1878 khi có khoảng hơn 20 hộ gia đình với gần 150 người họ Hoàng gốc ở làng Ninh Xá, tỉnh Thanh Hóa tới lập nghiệp, nên lấy tên nơi sinh sống, làm ăn là “Ninh Xá” để ghi nhớ nguồn gốc bản quán của mình. Nhưng sau này không rõ lý do hầu như toàn bộ các hộ dân họ Hoàng di chuyển hết lên khu vực Đáp Cầu rồi…). Nhiều người muốn chọn tên là Tiền An cho phường mới sáp nhập, nghe hợp lý hơn. Có người dân của phường đề xuất: “Tôi thấy nhân dân thắc mắc tên phường Tiền Ninh Vệ nhiều chữ quá, khó nghe. Theo tôi cứ lấy phường Nguyễn Du - một danh nhân văn hóa là đúng nhất”, rồi “nên chọn một tên phường mới ngắn gọn và dễ đọc hơn, chứ không nên ghép cơ học lại với nhau chẳng hạn như phường An Ninh vừa đầy đủ, vừa dễ nghe”… Nhà Văn hóa - nhà văn Nguyễn Khôi, quê Đình Bảng cũng băn khoăn: “Tiền Ninh Vệ: một cái tên vô nghĩa… sao không lấy tên “Tiền An” có hay hơn không?”.
Tất nhiên, đặt tên là bài toán tiếp theo của bài toán sáp nhập. Nếu bài toán sáp nhập đã được giải đúng, tức là các phường sáp nhập với nhau là hợp lý, là cần thiết và có thể. Trong đó, các “mảnh ghép” có những yếu tố tương đồng, hoặc phù hợp về văn hóa và lịch sử, khi sáp nhập với nhau sẽ tạo nên một thực thể mới hoàn chỉnh, không khiên cưỡng. Đó là tiền đề, điều kiện cần thiết để có thể đặt tên mới một cách hợp lý, tuy không phải là không gặp khó khăn.
Cho nên, khi đặt tên cho phường xã mới cần tham vấn các nhà nghiên cứu, hoặc những người am hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, để tìm những cái tên gắn với các biểu tượng văn hóa trong vùng, như tên một ngọn núi, một dòng sông, một danh nhân, một sự kiện lịch sử nào đó. Nếu biểu tượng văn hóa lịch sử được chọn đủ tầm, sẽ thuyết phục được Nhân dân.
Bắc Ninh 10-2024
KTS. Nguyễn Huy Phách
Ý kiến ()