Bài 3: KIM CHỈ NAM CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Với những chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách trong 10 năm qua có thể khẳng định Chỉ thị 40 tạo nên một quyết tâm chính trị rộng lớn và mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở để mang lại những thành quả quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Giờ đây, Chỉ thị 40 đã và đang thực sự là “kim chỉ nam” để Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo đòn bẩy thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trong công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững.
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Điều đó thể hiện ở sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo động lực đổi thay trên mỗi miền quê và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng.
Gia đình bà Đặng Thị Thủy, khu Đương Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho vay lồng ghép 2 chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển mô hình VAC và vốn học sinh sinh viên cho 3 con theo học Đại học. Có vốn, gia đình bà đầu tư xây dựng chuồng trại, phân khu nuôi lợn, gà, thả cá và kết hợp trồng cây ăn quả. Sau 3 năm, gia đình thoát nghèo và trả hết nợ cũ, đến năm 2018 bà tiếp tục được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng quy mô trang trại. Bà Thủy vui mừng: “Trong khoảng thời gian hơn 10 năm, gia đình tôi được vay lồng ghép 3 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi đến nay gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn, 3 người con đều tốt nghiệp Đại học, có việc làm ổn định. Mô hình trang trại VAC phát triển, bình quân mỗi năm cho thu nhập 350 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách tín dụng ưu đãi giúp người dân tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.
Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm việc NHCSXH giao dịch lưu động định kỳ hằng tháng.
Với gia đình anh Nguyễn Văn Thu, chị Nguyễn Thị Hà ở thôn Chi Long, xã Long Châu (Yên Phong) thì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp anh chị xây dựng được trang trại nuôi dê quy mô lớn nhất vùng với 2.000m2 xây dựng gồm 3 dãy chuồng nuôi hơn 1.000 con dê. Anh Thu thổ lộ: “Trước đây gia đình chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế vẫn thiếu thốn. Nhờ được tiếp sức bởi nguồn vốn chính sách, gia đình tôi đầu tư phát triển chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài nhằm cải thiện cuộc sống và từng bước mở rộng quy mô”. Năm 2022 khi quyết định đầu tư mô hình nuôi dê này, gia đình rất thiếu vốn song nhờ chính quyền, đoàn thể quan tâm và nhất là NHCSXH xem xét nên anh được vay 2 tỷ đồng vốn khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ 5%/năm, thời hạn vay 5 năm. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, giúp gia đình có khát vọng và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trong câu chuyện làm kinh tế của gia đình mình, anh Thu, bà Thủy hay rất nhiều hộ gia đình khác được vay vốn ưu đãi đều luôn nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện. Đồng vốn tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo cho người nghèo nguồn lực tài chính mà còn là nguồn động lực để động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, những năm gần đây, Nhà nước điều chỉnh nâng hạn mức vay và mở rộng đối tượng vay. Ví như cho vay hộ nghèo, cận nghèo từ mức 50 triệu đồng/hộ vay nâng lên 100 triệu đồng/hộ; vốn vay giải quyết việc làm nâng lên tối đa 2 tỷ đồng/dự án và các chương trình như cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên… đều được tăng hạn mức vay phù hợp với nhu cầu thực tế. Bởi vậy, dòng vốn chính sách đang ngày càng lan tỏa, đến với các miền quê, làm thay đổi cuộc sống của các đối tượng thụ hưởng theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định, việc triển khai Chỉ thị số 40 cho thấy ngoài ý nghĩa kinh tế, Chỉ thị còn mang lại ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn cao cả, là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước khi thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tiếp tục quyết tâm chính trị của tỉnh
Giám đốc NHNN tỉnh Nguyễn Như Đôn cho rằng: Sau 10 năm Chỉ thị 40 đi vào thực tiễn đã góp phần tạo nguồn lực rất lớn cho tín dụng chính sách. Chỉ thị thực sự có ý nghĩa hơn khi được triển khai sâu rộng từ thành thị đến nông thôn ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, số lượt người được vay vốn tín dụng ngày càng nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Từ đây, cuộc sống của nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách từng bước được nâng cao, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các đơn vị có liên quan từ tỉnh đến cơ sở nên đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo quyết tâm chính trị trong toàn tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Chỉ thị 40 đề ra.
Sự chỉ đạo sâu sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh giúp hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả.
Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu chỉ đạo phiên họp của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Ninh đang đẩy nhanh công cuộc phát triển, phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hiện đại, văn minh thì đòi hỏi việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 cũng như các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn cần có những bước chuyển mới nhằm tiếp tục tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững. Đúng như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh Ngô Tân Phượng thì trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Chỉ thị số 40, coi Chỉ thị 40 như kim chỉ nam của hoạt động tín dụng chính sách xã hội để không ngừng nâng cao nhận thức và hành động, quyết tâm, quyết liệt tổ chức thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ Chỉ thị 40 đặt ra. Từ đó, coi việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp để có những giải pháp tổ chức thực thi cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng thụ hưởng nhằm không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tín dụng. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cần tiếp tục chủ động thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu...
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH nhằm đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt luôn duy trì, giữ vững vị trí thứ hạng cao trong số các tỉnh thành trong cả nước về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. BĐD HĐQT NHCSXH các cấp cần duy trì hoạt động nghiêm theo đúng quy chế; tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện chính sách tín dụng chính sách xã hội. Các sở, ngành rà soát đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực ngành, lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tham mưu, đề xuất giải pháp huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ do sở, ngành quản lý, chủ trì. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát của BĐD HĐQT NHCSXH, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách; đảm bảo triển khai chính sách dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định, tránh bị lợi dụng, trục lợi chính sách…
Với những giải pháp đồng bộ, được thực hiện quyết liệt cùng sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân, tin rằng việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, tạo động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vươn lên, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và tạo niềm tin, sự gắn bó mật thiết giữa dân với Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.
Hà Linh - Nguyên Phương
Ý kiến ()