Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, mục đích cao nhất là nâng cao đời sống nhân dân. 27 năm qua, cùng với nhịp độ phát triển kinh tế ngày một tăng, lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm, các chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày một nâng lên, đời sống người dân dần nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa.
Đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, bà Nguyễn Thị Tố, 69 tuổi, ở thôn Thân Thượng, xã Yên Trung, huyện Yên Phong cho biết bị mắc chứng tê bì nửa người, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và cuộc sống. 3 năm nay bà thường xuyên phải nhờ đến các liệu pháp đông y để cải thiện sức khỏe. Việc điều trị tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc. Cũng may, bà có thẻ bảo hiểm y tế theo diện tỉnh hỗ trợ người cao tuổi nên chi phí điều trị không đáng là bao.
Cũng như bà Tố, nhiều người cao tuổi của tỉnh yên tâm sống vui, sống khỏe vì đã có chính sách an sinh xã hội. Theo chính sách hiện hành, nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người từ đủ 80 tuổi trở lên (không thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng. Thế nhưng, từ nhiều năm trước tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách để người cao tuổi thuộc diện này nhưng có độ tuổi thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc được thụ hưởng. Cụ thể, năm 2016, tại Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND, tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi. Năm 2018, tại Nghị quyết số 101/2018/NQ-HĐND, tỉnh quy định hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Năm 2023, tại Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Cư trú và chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế giúp người cao tuổi yên tâm khi không may phải đối mặt với bệnh tật. Bên cạnh đó, người cao tuổi của tỉnh còn được hưởng chính sách trợ cấp hằng tháng, giúp họ có khoản cố định để chi dùng cho những việc thiết yếu.
Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt nhờ chính sách an sinh xã hội.
Những năm đầu tái lập tỉnh, nhiều học sinh khu vực các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong không mấy mặn mà với trường THPT Chuyên Bắc Ninh mà lựa chọn theo học tại các trường THPT chuyên tại Hà Nội để được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn. Thế nhưng những năm gần đây, số học sinh giỏi của Bắc Ninh ra học tại các trường chuyên tại Hà Nội giảm rõ rệt, đa số lựa chọn theo học trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Bởi, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với giáo viên, học sinh tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Qua đó, học sinh không chỉ được thụ hưởng giáo dục chất lượng cao mà còn được học bổng, hỗ trợ tiền ăn, ở miễn phí... Với sự quan tâm đầu tư bài bản, đồng bộ, Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh có nhiều đổi mới, quy mô được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt tỷ lệ 100% kiên cố hóa phòng học trường công lập, 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia và cũng là tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục - xóa mù chữ ở mức độ cao nhất.
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ thấm đẫm trong đời sống nhân dân, Dân ca Quan họ Bắc Ninh còn tỏa sáng, khẳng định vai trò “sứ giả văn hóa” khi được Đảng, Nhà nước lựa chọn giới thiệu trong các cuộc đón tiếp khách quốc tế, các cuộc giao lưu, quảng bá kinh tế - văn hóa với nước ngoài. Hành trình gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của cha ông đã đạt được nhiều thành tựu xuất phát từ những chính sách ưu việt của tỉnh đầu tư cho văn hóa được nhân dân đồng tình, tích cực ủng hộ. Tiêu biểu như, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sỹ Quan họ, các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành...
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu; chất lượng hoạt động hệ thống y tế dự phòng được nâng lên rõ rệt. Tỉnh tập trung triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, tổ chức thành công Hội nghị thúc đẩy, triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án Nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ.
Hòa chung dòng chảy thời đại, tỉnh quan tâm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, truyền thông. Năm 2022 Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TU, ngày 18-3-2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 6 cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Việc quan tâm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã góp phần làm tăng năng suất lao động chung toàn tỉnh từ 4 triệu đồng/lao động vào năm 1997 lên 285,4 triệu đồng/lao động năm 2023, tăng gấp 71 lần. Mô hình chính quyền điện tử dần được hoàn thiện với hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư tập trung, đồng bộ đảm bảo năng lực xử lý, lưu trữ và kết nối an toàn, thông suốt. Các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung được triển khai thống nhất từ cấp tỉnh, huyện, xã; giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai thí điểm mô hình thành phố thông minh đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp vào việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý có hiệu quả các vấn đề bức xúc của người dân ngay từ cơ sở không để phát sinh thành các điểm nóng. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số, làm nền tảng cho việc thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) luôn được duy trì trong nhóm 10 tỉnh cao nhất cả nước.
Đi đôi với phát triển kinh tế là bảo đảm an sinh xã hội với nhiều chính sách được thực hiện cao hơn mức bình quân chung của cả nước đã trở thành “thương hiệu” khẳng định thành tựu của Bắc Ninh. Mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 10,35% năm 1997 xuống còn 0,94% năm 2023. Dự kiến trong năm 2024 Bắc Ninh công bố không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn có những thay đổi nhất định để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và xu hướng phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu nhất quán của Bắc Ninh là phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Kết quả đạt được thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của mục tiêu đó. Kế thừa những thành tựu, vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển, trong đó kiên định mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững song hành với văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp đà phát triển.
Vân Giang
Ý kiến ()