Hiếu học là vốn truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt, nhưng để có được kết quả khoa bảng rực rỡ với 677 vị đại khoa thời phong kiến như đất Kinh Bắc thì quả không đâu có được. Truyền thống ấy theo thời gian tuy có lúc thăng trầm nhưng chưa khi nào đứt đoạn.
Có nhiều cách lý giải khác nhau về truyền thống hiếu học vùng Kinh Bắc địa linh, nhưng điều không thể phủ nhận là trên mảnh đất này, từ bao đời nay, ý thức vươn lên trên con đường học vấn đã ăn sâu vào máu thịt mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội, trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc, dù đang xây dựng quê hương hay vì lý do nào đó phải lập nghiệp ở những phương trời xa.
Không tự hào sao được bởi trong số 677 vị đại khoa xứ Kinh Bắc thời phong kiến thì riêng Bắc Ninh hiện nay, tỉnh nhỏ nhất nước nhưng là trung tâm tinh hoa của cả vùng Kinh Bắc cổ xưa, đã góp gần 400 vị. Không tự hào sao được khi Bắc Ninh - Kinh Bắc có cả Lê Văn Thịnh, người được xem là Trạng nguyên khai khoa (năm 1075, dưới triều Lý) và Nguyễn Quan Quang (có sách viết là Nguyễn Quán Quang), được xem là Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt, năm 1246, triều Trần.
Vẫn trên dải đất Bắc Ninh - Kinh Bắc thân yêu, không tự hào sao được bởi những tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử khoa bảng Việt Nam với đủ tam khôi (3 danh hiệu cao nhất là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đó là làng Tam Sơn, nay thuộc thị xã Từ Sơn. Có gia đình 5 anh em ruột đỗ Tiến sĩ. Có dòng họ 13 đời liên tục có người đỗ Tiến sĩ. Rồi rất nhiều gia tộc có nhiều người đỗ đạt cao làm vẻ vang dòng họ, vẻ vang cả bầu trời Nam. Điển hình như dòng họ Nguyễn Đăng ở xã Liên Bão, huyện Tiên Du; dòng họ Nguyễn ở làng Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh; dòng họ Nguyễn ở làng Vĩnh Kiều, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn; dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong… Truyền thống hiếu học và khoa bảng rực rỡ ấy đã biến đất Kinh Bắc thành quê hương của Một giỏ ông đồ/một bồ ông cống/một đống ông nghè/một bè tiến sĩ/ một bị trạng nguyên/một thuyền bảng nhãn…

Lãnh đạo tỉnh và các ngành dâng hương tưởng nhớ các vị tiên hiền tại Văn miếu Bắc Ninh, trong lễ xuất quân các đội tuyển dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020-2021 (tháng 12-2020).
Theo thời gian, lịch sử khoa cử Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng trên đất này, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn thực sự đã ăn sâu vào máu thịt mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội. Chính từ ý thức vươn lên trên con đường học vấn mà Bắc Ninh hôm nay, dù đang chững chạc vị thế tỉnh công nghiệp phát triển toàn diện, nhưng người người, nhà nhà vẫn chăm lo làm khuyến học, để khuyến học luôn sống trong lòng dân.
Những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, khi nhân loại và đất nước vẫn phải gồng mình chống chọi với đại dịch trăm năm mới có một lần (COVID-19), thì tại đất Kinh Bắc, ngoài chuyện chống dịch như chống giặc, người người, nhà nhà vẫn không quên chăm lo việc học. Tháng 2-2021, UBND tỉnh Quyết định thành lập và công nhận điều lệ Quỹ khuyến học, khuyến tài Kinh Dương Vương, huyện Thuận Thành.
Với sự ra đời của Quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên vị Thủy tổ người Việt, hiện nay tại Bắc Ninh, cấp tỉnh có Quỹ Khuyến học, khuyến tài mang tên Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh; 8/8 huyện, thị xã, thành phố cũng đều có quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên các danh nhân là người con quê hương hoặc gắn với trang sử vẻ vang của quê hương như: Quỹ Khuyến học, khuyến tài Lý Thường Kiệt (Yên Phong), Quỹ Khuyến học, khuyến tài Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh), Quỹ Khuyến học, khuyến tài Lý Thái Tổ (thị xã Từ Sơn), Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Cao (Quế Võ)… Mục tiêu cao nhất của việc thành lập Quỹ khuyến học là nhằm khuyến tài, tạo điểm tựa nâng cánh những ước mơ trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức.
Nhà giáo Nguyễn Đình Chế, Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho hay, đến hết năm 2020, tổng quỹ khuyến học toàn tỉnh đạt 143 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so cuối năm 2019; toàn tỉnh có gần 390 nghìn hội viên khuyến học các cấp, chiếm tới 31,3% dân số tỉnh…Ngoài Hội Khuyến học tỉnh, huyện, xã, Bắc Ninh có 1.624 chi hội và 4.344 ban khuyến học. Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 198 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 65,5%; 5.431 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, chiếm 70%; 645 cộng đồng được công nhận danh hiệu cộng đồng học tập, chiếm 86,5%; 645 đơn vị được công nhận danh hiệu đơn vị học tập, chiếm 92%...
Khi người người làm khuyến học và khuyến học đang sống trong lòng dân thì trên chính đất này lại xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương thầy nặng lòng với khuyến học. Họ là những người thầy giáo đáng kính, cả đời gắn bó với sự nghiệp trồng người của quê hương như Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tiến Chấn, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, nhà giáo Vũ Vinh Hương, nhà giáo Đỗ Văn Liễn, nhà giáo Nghiêm Đình Thường… Không ai khác chính các thầy đã góp phần trao truyền và làm thắm thêm chuyện học đất Kinh Bắc, góp phần để Bắc Ninh trở thành điểm sáng tiêu biểu về phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhắc đến truyền thống hiếu học của nhân dân mà không nói đến sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với sự nghiệp trồng người, nhất là từ khi tái lập tỉnh. Còn nhớ, năm 2000, khi ngành GD-ĐT nhiều tỉnh, thành phố còn mơ hồ về khái niệm trường chuẩn thì Lương Tài, một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn đã về đích sớm nhất toàn quốc với 100% trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. 20 năm sau, đến tháng 9-2020, 100% trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT công lập của tỉnh đều đạt chuẩn Quốc gia, nhiều trường hiện đại và đạt chuẩn ở mức cao, có giá trị sử dụng lâu dài, có tính đến yếu tố tăng dân số cơ học khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư… Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng góp phần quan trọng để Bắc Ninh luôn vững vàng vị thế trong tốp đầu toàn quốc về phát triển giáo dục
Tháng 9-2020, GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam về Bắc Ninh dự tổng kết 5 năm thực hiện QĐ số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội”. Trong bài phát biểu, GS-TS Nguyễn Thị Doan đã dành cho Bắc Ninh những lời hay, nhưng không hề sáo, đại ý Bắc Ninh là tỉnh nhỏ, nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản nhưng đặc biệt giàu có về truyền thống khoa bảng, về trí thức, về con người… Tài nguyên khoáng sản rồi sẽ cạn kiệt, chỉ có tài nguyên con người là trao truyền còn mãi, là thứ quý giá nhất, cần thiết nhất và mang lại niềm tự hào lớn lao nhất cho quê hương, đất nước.
Nhận định của GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch T.Ư Hội khuyến học Việt Nam vừa mang lại niềm tự hào, nhưng cũng là lời nhắc nhớ để những người con Bắc Ninh - Kinh Bắc hôm nay phải không ngừng nỗ lực, tô thắm thêm truyền thống hiếu học quê hương. Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng cần thiết, đón đầu cho những bước phát triển toàn diện và bền vững hơn nữa khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, một thành phố thông minh giàu bản sắc như khát vọng của những người thương mến một vùng đất mỹ tục khả phong, địa linh nhân kiệt từng làm rạng rỡ cả trời Nam…
Thanh Tú
Ý kiến ()