Hơn hai mươi năm tái lập, Bắc Ninh-tỉnh nhỏ nhất cả nước về diện tích tự nhiên đã khởi động một giai đoạn phát triển mới. Từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đang hội nhập sâu sắc mà minh chứng sống động nhất là 16 KCN tập trung đang hội tụ 1.082 dự án đầu tư trực tiếp của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số vốn đầu tư hơn 15,5 tỷ USD.
Trong một không gian kinh tế thuận lợi, môi trường đầu tư an toàn hấp dẫn, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư đã đưa Bắc Ninh đạt nhiều chỉ tiêu trong top đầu toàn quốc: 9 tháng đầu năm 2017 Bắc Ninh đã vượt Hải Phòng và đứng thứ 1 về giá trị sản xuất công nghiệp...
Chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh như luồng gió mới đưa Yên Phong trở thành “vùng đất vàng”. Hiện nay KCN Yên Phong đang dẫn đầu trong các KCN tập trung của tỉnh về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với nhiều thương hiệu lớn mang tầm quốc tế, đặc biệt là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) với 3 công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị điện tử thông minh, điện gia dụng, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD.
Kết quả này là kết tinh của trí tuệ, thể hiện chủ trương hết sức đúng đắn của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) giao đất sạch nhanh nhất cho nhà đầu tư là khâu then chốt.
GPMB chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng khi đất sản xuất luôn là nguồn sống đối với người nông dân. Chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp người dân chưa thể định hình được cuộc sống của họ sẽ ra sao? ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương xây dựng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thâm nhập thực tế tìm hiểu, tuyên truyền và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Khi xây dựng KCN tập trung đầu tiên của tỉnh là Tiên Sơn, việc GPMB đã không hề đơn giản như sát dân hiểu dân và định hướng cho nhân dân là phương châm ở thôn Bất Lự. Tiếp đến năm 2007 khu ViSip được triển khai trong đó xã Phù Chẩn (Từ Sơn) phải dành toàn bộ gần 500 ha đất nông nghiệp, rồi đến cả dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn, thuộc phường Châu Khê là một công trình phúc lợi... một số người dân cũng gây khó khăn, đòi hỏi, thậm chí “mặc cả” với chính quyền và doanh nghiệp với nhiều hình thức tạo bầu không khí căng thẳng, làm mất an ninh trật tự địa phương... mà gần đây nhất, vào tháng 4 vừa qua khi thực hiện dự án KCN Yên Phong I mở rộng vào thôn Vọng Đông (Yên Trung). Không để phát sinh điểm nóng, tạo sự đồng thuận trong GPMB là thành công của Bắc Ninh. Có được như vậy bài học rút ra là vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, Chính quyền đoàn thể các cấp.
LUỒNG GIÓ MỚI TRÊN “VÙNG ĐẤT VÀNG”
Yên Phong-Mảnh đất nghìn năm gắn liền với sản xuất lúa nước, vậy mà chưa đầy 20 năm các tập đoàn kinh tế nổi tiếng thế giới xuất hiện ngay trên cánh đồng làng. Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, phương thức sản xuất đang làm thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nơi đây. Việc Tập đoàn Samsung đầu tư và không ngừng mở rộng, tăng vốn đầu tư tại KCN Yên Phong đã thể hiện sức hút không nhỏ của KCN này. Với quyết định đầu tư thêm 2,5 tỷ USD của Samsung Display tại KCN Yên Phong vào đầu năm 2017, đến nay, KCN đã thu hút được tổng vốn đầu tư nước ngoài lên hơn 10 tỷ USD. Có thể đánh giá, KCN Yên Phong do VIGLACERA làm chủ đầu tư là một trong những KCN có hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước, trung bình, mỗi hec-ta đất KCN Yên Phong đã thu hút được 0,4 tỷ USD vốn đầu tư.

Khu Công nghiệp Yên Phong-Nơi hội tụ các Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Ảnh: TT
Cùng với Samsung Electronics, Samsung Display không chỉ đưa KCN Yên Phong trở thành một trong những KCN kiểu mẫu mà còn đưa Bắc Ninh lên đứng vị trí hàng đầu trong toàn quốc về thu hút đầu tư trong những năm trở lại đây. Dự án góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử viễn thông, sớm đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm của ngành này tại Việt Nam.
Sau nhiều lần rà soát, điều chỉnh, sáp nhập, hiện nay huyện Yên Phong vẫn giữ nguyên các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đó là hai khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.320 ha (KCN Yên phong I: 665 ha; KCN Yên Phong II: 655 ha). Đến giữa năm 2017, tại KCN Yên Phong I đã thu hút 113 doanh nghiệp vào đầu tư với tổng vốn 197.218 tỷ đồng, 91.781 lao động; KCN Yên Phong II đã xây dựng nhà máy trên diện tích đất 5 ha, vốn đầu tư 15 tỷ đồng đã đi vào sản xuất, thu hút 668 lao động, hoạt động ổn định. Ngoài ra giai đoạn 2010-2015 huyện được quy hoạch 3 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 165 ha (các CCN đa nghề Đông Thọ, Yên Trung, Văn Môn) và sang giai đoạn này tỉnh quy hoạch thêm hai CCN với tổng diện tích 46,59 ha (CCN Yên Trung - Đông Tiến; CCN Mẫn Xá-Văn Môn).
Công nghiệp phát triển góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao nhưng làm thế nào để người dân đồng thuận ủng hộ việc triển khai dự án, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp luôn là bài toán cần Đảng bộ huyện giải quyết.
Chúng tôi về xã Yên Trung, một trong 4 xã của Yên Phong tiêu biểu cho Bắc Ninh và cả nước trong chuyển đổi nhiều đất cho phát triển công nghiệp. Yên Trung bây giờ sôi động như phố “tấc đất tấc vàng” bởi chỉ cần có vài mét mặt tiền là người ta có thể mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, buôn bán từ tạp hóa, trông xe, quán ăn... Nắm bắt nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong KCN, nhiều gia đình xây phòng trọ cho thuê, mỗi tháng thu nhập 20-30 triệu đồng thậm chí 50-70 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết: “Trước đây khi chưa phát triển công nghiệp, toàn xã có khoảng 956 ha đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ còn non một nửa (gần 400 ha) do thực hiện các dự án dành cho công nghiệp, nhà ở cho công nhân, dịch vụ thương mại và đất BT. Xã có 9 thôn thì 8 thôn có đất thu hồi phát triển KCN trong đó 6 thôn chuyển đổi nhiều đất nhất là: Yên Lãng, Trần Xá, Chính Trung, Vọng Đông, Xuân Cai, Ấp Đồn, Thân Thượng. Công nghiệp về, đời sống bà con có nhiều thay đổi, chất lượng cuộc sống được nâng lên, thực sự nhiều hộ được coi là giàu có nhờ phát triển các ngành nghề dịch vụ; năm 2016 thu nhập bình quân đạt 35,86 triệu đồng/người/năm.”.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong I) tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, thu hút hơn 40 nghìn lao động. Ảnh: Trần Uyên
Kể về công tác giải phóng mặt bằng tại Yên Trung, ông Huynh bảo hơn chục năm qua xã thực hiện nhiều dự án mà ông cũng không nhớ hết chi tiết. Còn nhớ khoảng những năm 2005-2006, khi còn làm Bí thư Đoàn xã cũng đã tham gia vào các đoàn công tác xuống các thôn tuyên truyền về chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh, huyện. Ông Huynh nhận xét: Người dân quê hồn hậu, chất phác, coi đất là nguồn sống nhưng luôn tin vào chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng vì thế việc giải phóng mặt bằng nhìn chung diễn ra thuận lợi, ổn định an ninh tại địa phương”.
Thành công của các dự án là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết là sự sâu sát của Đảng bộ xã và Chi bộ các thôn, biết dựa vào lực lượng nòng cốt là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở vì có thực hiện đúng, đủ các phương án bồi thường, nhưng không có những người vận động, tuyên truyền tốt để bà con hiểu, đồng thuận thì cũng vô cùng khó khăn. Bởi khi công nghiệp về làng, trong tư tưởng một số người dân cho rằng đây là cơ hội “mặc cả, đòi hỏi” để lấy lợi cho mình. Điển hình như tại thôn Vọng Đông liên quan đến việc thu hồi 14 mẫu đất khu Đồng Cốc của thôn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Yên Phong I mở rộng. Một số hộ dân do chưa hiểu đúng về loại đất khu Đồng Cốc nên đòi bồi thường hỗ trợ như đất nông nghiệp được giao lâu dài. Trước tình hình đó huyện đã tiến hành thành lập đoàn thanh tra tập trung làm rõ nguồn gốc khu đồng Cốc. Theo đó đồng Cốc có 22 mẫu 6 sào 8 thước được để lại không giao lâu dài mà giao có thời hạn 1993-2004. Năm 1999, thực hiện việc kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) nông nghiệp, một số hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp ở các xứ đồng khác để làm công trình công cộng (sân bóng) được chia bù bằng đất xứ đồng Cốc, sau đó các hộ được cấp GCN QSD đất nông nghiệp. Như vậy, đất đồng Cốc còn lại khoảng 14 mẫu. Tháng 10-2014 hội nghị xã viên họp triển khai chủ trương giao thầu lại đồng Cốc để lấy tiền xây trường mầm non của thôn. Đại biểu dự hội nghị biểu quyết tán thành 100%. Trên cơ sở này, HTX thông báo rộng rãi để các hộ xã viên đăng ký thuê đất đồng Cốc. Kết quả, có 76 hộ đăng ký và nộp tiền, HTX thu được hơn 181 triệu đồng và tiến hành cho thuê đất thời hạn giao thuê đất là 3 năm (2015-2018).
Trong suốt thời gian thực hiện quy trình giao thầu lại đất đồng Cốc, UBND xã, BQL HTX Vọng Đông không nhận được bất cứ đơn thư hoặc phản ánh nào của các hộ xã viên, khẳng định đất nông nghiệp khu đồng Cốc là quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Điều này được thể hiện trong quản lý quỹ Đất nông nghiệp của HTX Vọng Đông như: Đất đồng Cốc không được giao để sử dụng lâu dài (từ năm 1993 đến 2014 biến động về giao đất 3 lần-1993, 2004, 2014); quỹ đất đồng Cốc năm 1999 được cắt bớt để cấp bù cho các hộ dân có đất bị thu hồi làm công trình công cộng (từ 22 mẫu 6 sào 8 thước giảm còn khoảng 14 mẫu); nguồn lợi từ đất nông nghiệp đồng Cốc được sử dụng vào mục đích công cộng. Về ý kiến của một số hộ dân thôn Vọng Đông muốn áp dụng Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 01 ngày 6-1-2017 của Chính phủ để tính khu đất đồng Cốc là đất giao lâu dài khi thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẳng định, quy định này chỉ áp dụng đối với việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1-7-2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp GCN QSDĐ. Còn đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích thì thuộc các trường hợp không cấp GCN QSDĐ theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 43/2014 ngày 15-4-2014 của Chính phủ. Như vậy, đối với phần diện tích đất công ích khu đồng Cốc không được áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 01/2017 của Chính phủ.
Từ những căn cứ trên, lãnh đạo huyện Yên Phong tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh dự họp Chi bộ thôn Vọng Đông để lắng nghe nguyện vọng và giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận chủ trương GPMB tại KCN Yên Phong I mở rộng. Qua tuyên truyền, đại đa số người dân hiểu và thống nhất với phương án GPMB của địa phương, tuy nhiên vẫn còn một số ít đối tượng cố tình không chấp thuận dẫn đến phải triển khai phương án bảo vệ thi công thực hiện dự án. Bà Nguyễn Thị Luận, Bí thư Chi bộ Vọng Đông cho biết: Cán bộ, đảng viên ở Vọng Đông luôn chấp hành, gương mẫu với các chủ trương của tỉnh, huyện. Đây là vấn đề tiên quyết giúp bà con ổn định tư tưởng nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
GẦN DÂN, SÁT DÂN, QUAN TÂM LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA DÂN
Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, ngoài việc thực hiện tốt, đúng quy định các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể với nhân dân và khi dân hiểu, đồng tình ủng hộ sẽ chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất để bàn giao giải phóng mặt bằng.

Đời sống người dân được nâng cao khi phát triển dịch vụ phục vụ công nhân KCN.
Xuất phát từ quan điểm đó, tỉnh và các địa phương đều coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, tránh gây bức xúc cho người dân có đất bị thu hồi, đồng thời luôn cương quyết với những hành vi sai trái, lợi dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước trong giải phóng mặt bằng để trục lợi. Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Đặng Trần Trung bộc bạch với chúng tôi: “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề phức tạp tác động không nhỏ đến đời sống người dân trong vùng dự án, động chạm đến quyền lợi nhiều người nên đòi hỏi phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để thuyết phục, giải quyết hợp tình hợp lý. Xác định rõ điều đó nên chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này nghiêm túc theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm nguyên tắc công khai dân chủ, đáp ứng quyền lợi tối đa của người bị thu hồi đất theo quy định pháp luật. Ban Thường vụ Huyện uỷ thường xuyên sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn với từng dự án. Trong quá trình giải quyết vướng mắc phát sinh, huyện chú trọng hình thức đối thoại trực tiếp với từng hộ dân, qua đó giúp cơ quan chức năng và lãnh đạo Huyện uỷ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý… Vai trò của chi bộ, đoàn thể cũng được coi trọng đặc biệt, tại các địa phương có dự án, đa số đảng viên luôn đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh, của huyện, gương mẫu “đi trước” nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng ngay từ đợt đầu tiên”. Đặc biệt theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, việc có biện pháp bảo vệ, phát huy vai trò của chi bộ, đảng viên là vô cùng cần thiết, không để tình trạng đảng viên gương mẫu ủng hộ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước bị cô lập ngay tại cộng đồng dân cư của mình.
Trong các quy hoạch xây dựng nông thôn, hầu hết các địa phương quan tâm bố trí phần diện tích đất để sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển các làng nghề. Hiện Yên Phong vẫn duy trì được một số nghề truyền thống như: nấu rượu ở Đại Lâm (Tam Đa), làm mỳ gạo, bánh đa, miến dong ở các xã Yên Phụ, Tam Giang, nghề sản xuất đồ gỗ phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động…Hiện toàn huyện đã có trên 5.000 cơ sở sản xuất TTCN thu hút khoảng 20 nghìn lao động, hàng tháng đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Tuy nhiên trăn trở, mong muốn của đồng chí Bí thư huyện ủy là với mỗi một dự án cần dành lại một phần khoảng 7 đến 10% cho các hộ chuyển đổi đất, vừa thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, vừa tạo công ăn việc làm giúp người dân “ly nông không ly hương” yên tâm làm giàu trên chính đất quê hương.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, song nhờ áp dụng đúng, đủ các chế độ theo quy định hiện hành, đồng thời phát huy cao độ sự vào cuộc của hệ thống dân vận các cấp, nhất là đội ngũ không chuyên trách ở cơ sở và người có uy tín, nhiều dự án đã được bàn giao mặt bằng trước thời hạn, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Trong quá trình triển khai, chi bộ Đảng, đảng viên, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có vai trò rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, hội viên, nhất là của những hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng.
Bắc Ninh là nơi khởi nguồn “Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Thành công trong phát triển công nghiệp ở Bắc Ninh, trước hết phải kể đến Bắc Ninh đã làm tốt công tác GPMB, tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Thành công trong công tác GPMB ở Bắc Ninh phải khẳng định Bắc Ninh đã thực hiện tốt “Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Cán bộ, các cấp luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của người dân và đề cao quyền lợi hợp pháp của dân.
Ý kiến ()