Đó là quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc xử lý “tận gốc” tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá (Văn Môn, Yên Phong) hiện nay. Đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm gây ô nhiễm môi trường bị UBND tỉnh xử phạt nghiêm minh; 140 hộ dân lấn chiếm đất nông nghiệp dựng xưởng cô đúc nhôm bị cưỡng chế buộc tháo dỡ trong những ngày vừa qua. Cùng với đó là sự vào cuộc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án: Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng; đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Văn Môn; nhanh chóng rà soát các sai phạm của chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá… là những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh nhằm cứu lấy môi trường ở xã nghề Văn Môn trong thời gian sớm nhất, vừa bảo đảm sản xuất phát triển, vừa trả lại môi trường sạch cho người dân làng nghề vốn phải sống trong cảnh ô nhiễm từ nhiều năm nay.
Kỳ 1: “Báo động đỏ” môi trường một làng nghề

Khói bụi từ các lò đúc kim loại trộn khói bụi các phương tiện giao thông làm “gia tăng sự mờ ảo” bầu không khí làng nghề.
Những làn khói xám, trắng bạc bốc lên từ các lò cô đúc nhôm tạm bợ, mùi từ chất thải bã xỉ nhôm nồng nặc cùng với khói bụi từ than đốt, các phế liệu sản xuất, đường làng nhớp nhúa bùn đen xỉ than vào ngày mưa, còn bầu trời u ám ngay cả trong những ngày nắng đẹp… đó là đặc trưng của làng nghề Mẫn Xá lâu nay được “mệnh danh” là một trong những làng nghề ô nhiễm nhất cả nước. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây thực sự “báo động đỏ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đòi hỏi các biện pháp khắc phục phải mạnh hơn, khẩn trương hơn.
Hơn 30 năm trước, Mẫn Xá chỉ có một số hộ làm nghề đúc nồi niêu, xoong chảo bằng nhôm, sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt phục vụ tiêu dùng. Sau đó, những hộ này thu mua phế liệu nhôm về nấu, đúc, “cô” lại thành nhôm thanh, nhôm cục… bán cho các lò đúc xoong nồi. Dần dần, những xưởng cô nhôm, luyện nhôm hình thành, mọc lên khắp làng.
Đến nay, toàn xã Văn Môn có khoảng 130 công ty và doanh nghiệp tư nhân hoạt động; hơn 300 hộ làm nghề cô đúc nhôm, đồng, tập trung chủ yếu ở thôn Mẫn Xá. Cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, nghề tái chế nhôm ở đây còn là “động lực” gia tăng tốc độ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Mức độ ô nhiễm tỷ lệ thuận theo “cấp số nhân” với quá trình phát triển tự phát của các lò cô, đúc kim loại không theo quy hoạch. Đa phần các lò có quy mô nhỏ xây dựng thủ công, công nghệ lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư đã, đang từng ngày, từng giờ hủy hoại môi trường sinh thái không chỉ trong làng mà tác động hiệu ứng cả những khu vực xung quanh.
Khí thải, chất thải rắn (than lò, bã, xỉ) phát sinh từ các cơ sở sản xuất thải trực tiếp ra môi trường, khối lượng tro, xỉ từ bã nhôm còn tồn động hiện nay khoảng 300.0000 tấn. Toàn xã có 5 thôn, mỗi thôn đều có điểm tập kết rác thải sinh hoạt; có tổ vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải trong thôn về điểm tập kết. Tuy nhiên các điểm tập kết đều đã tràn đầy, quá tải, dẫn đến các bãi đổ trộm bã xỉ, nhôm xuất hiện trong khu dân cư, đổ trực tiếp xuống ruộng, ao, hồ gây ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, làng nghề Mẫn Xá xả thải khoảng 80 tấn tro, xỉ thải, hầu hết không qua bất cứ khâu xử lý nào mà xả trực tiếp ra môi trường, khiến ô nhiễm “chồng” ô nhiễm.
Cùng với vấn nạn môi trường, sức khỏe của người dân “sống chung với khói bụi” đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo chia sẻ của cán bộ y tế địa phương, môi trường ô nhiễm quá nghiêm trọng, nên người dân mắc các bệnh đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao. Số người tử vong do mắc ung thư vẫn chưa được thống kê chính xác, bởi nhiều gia đình tâm lý che giấu, lo sợ con em mình khó lòng kết hôn, lập gia đình... Những trường hợp qua đời do ung thư chủ yếu là mắc ung thư phổi, vòm họng… Sống trong môi trường ô nhiễm đó nhiều người có điều kiện đã rời đi nơi khác sinh sống, những người không thể đi vẫn gắn bó với nghề.
Là người dân sinh sống trong làng Mẫn Xá bà Nguyễn Thị Hoa còn ví von rằng: “với bầu không khí này thì COVID cũng chết trước khi vào làng”. Nhiều năm nay, làng nghề chưa khi nào hết bụi, luôn trong tình trạng không khí mờ ảo, cộng với mùi hóa chất nồng nặc. Sống lâu cũng thành quen, nhưng thực sự cũng lo ngại cho sức khỏe của mình, chính quyền các cấp có biện pháp mạnh hơn nữa giúp giảm thiểu ô nhiễm, trả lại cuộc sống trong lành cho người dân chúng tôi. Đây cũng là mong muốn của chính những người trực tiếp sản xuất cô đúc nhôm tại đây. Bà Hoa cho biết thêm.
Trước tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, nhiều đề xuất đã được lập, nhiều văn bản chỉ đạo được thông qua, triển khai vào cuộc và cũng không ít ý kiến chuyên môn được đưa ra về vấn đề môi trường tại làng nghề Mẫn Xá. Từ năm 2009, được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dự án “Hỗ trợ 6 mô hình trình diễn về xử lý ô nhiễm môi trường khí thải tại các làng nghề tái chế kim loại màu trên địa bàn tỉnh”. Trong đó có 3 mô hình tại Văn Môn được tuyển chọn tham gia. Song khi kết thúc chương trình cũng không thể nhân rộng thêm mô hình nào và ngay cả 3 mô hình được tham gia dự án cũng không kéo dài được lâu.
Ông Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng ủy, UBND xã quan tâm triển khai chỉ đạo, coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật tới các cán bộ và toàn thể nhân dân trong xã. Tuy nhiên do chưa có khu xử lý tập trung, chủ sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, cộng với việc thiếu ý thức của các hộ sản xuất, nên vẫn chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết, thậm chí xử phạt, nhưng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, tình trạng ô nhiễm từ chất thải, khí thải trong quá trình cô đúc nhôm vẫn không hề thuyên giảm.
Năm 2019, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-ĐU về lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý môi trường “phát động phong trào làm sạch đồng ruộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm giai đoạn 2019-2021” và chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các thôn, chi bộ đồng triển khai. UBND huyện Yên Phong đã chỉ đạo Công an huyện chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Văn Môn lập các trạm kiểm soát vào làng nghề để kiểm tra xử lý nguyên liệu đầu vào các lò cô đúc nhôm trên địa bàn xã, vận động các cơ sở, hộ gia đình ký cam kết không đổ, đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường. UBND xã thành lập tổ phản ứng nhanh đối với công tác bảo vệ môi trường để xử lý các trường hợp đổ, đốt chất thải công nghiệp ra môi trường; chỉ đạo lực lượng công an, dân phòng của xã, thôn tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, đổ chất thải sinh hoạt, công nghiệp trên đất nông nghiệp, không đúng nơi quy định.
Các ban ngành đoàn thể từ xã đến thôn thường xuyên phổ biến các quy định về vệ sinh, môi trường lồng ghép qua các hội nghị và tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở để cán bộ, đảng viên và mọi người dân hiểu được những nguy hại do ô nhiễm môi trường ở các làng nghề gây ra, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ sản xuất đối với công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt tập trung tuyên truyền đến các hộ gia đình, các tổ chức doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc tập kết chất thải đúng nơi quy định, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Hướng dẫn người dân tích cực phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời tổ chức ký cam kết với các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã, không đổ, đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường, ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường Xanh thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định. Phát huy trách nhiệm tổ phản ứng nhanh, nhằm xử lý kịp thời tình trạng đổ, đốt chất thải không đúng nơi quy định trên đất nông nghiệp, trên các trục đường giao thông trong xã. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm, đổ thải trộm dường như không giảm do sự thiếu ý thức trong chấp hành pháp luật về môi trường của các chủ sản xuất, chỉ biết đến cái lợi trước mắt nên việc xử lý ô nhiễm tại làng nghề Mẫn Xá dường như là chuyện bất khả thi, rất cần một chế tài đủ mạnh, một giải pháp phù hợp thực tiễn để Văn Môn không còn là “làng ô nhiễm”.
Nhiều văn bản là vậy, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện và địa phương đã có nhiều động thái, mềm mỏng có, mà cứng rắn cũng có, thế nhưng, suốt những năm qua, tình hình ô nhiễm thực tế chưa giảm. Rõ ràng, sẽ có những khó khăn trong việc xử lý hàng trăm tấn rác thải, khí thải tại làng nghề Mẫn Xá, thậm chí khối lượng công việc sẽ vô cùng lớn, cần nhiều cơ quan chức năng chung tay hợp tác, cũng như sự “giác ngộ” của người dân. Thế nhưng, không thể thấy khó không làm, mà cần phải làm ngay khi hàng ngàn nhân khẩu đang từng ngày chung sống với ô nhiễm quá phát, sức khỏe bị bào mòn từng ngày.
Kỳ 2: Khó mấy cũng phải làm
Thái Uyên- Hoài Anh
Ý kiến ()