Một buổi chiều muộn, tôi nhận được cú điện thoại từ số máy lạ. Người gọi thẳng thắn góp ý một số chi tiết chưa chuẩn liên quan đến một bài viết về ngành giáo dục, mà tôi là tác giả. Cách góp ý thẳng thắn nhưng rành rẽ, khúc chiết pha chút hài hước, tôi lờ mờ rồi nhận ra đó là Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Cư...

Trường cấp 3 Tiên Du, nay là THPT Tiên Du số 1, địa chỉ tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du.
Ngược về những năm 2000, khi thầy Cư đương chức Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1, tôi từng tiếp chuyện ông vài lần và lần nào ông cũng để lại ít nhiều ấn tượng.
Được gặp lại người quen, tôi xin ông một cái hẹn và lần gặp này diễn ra vào một chiều xuân ấm áp tại nhà riêng của ông ở khu phố Bà La, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.
Bà La ngõ nhỏ, phố nhỏ quanh co nên NGƯT Trần Văn Cư hẹn đón tôi ở một điểm dễ nhớ, ấy là nhà văn hoá khu phố. Thoáng thấy dáng đi thoăn thoắt của ông lão bảy lăm, tôi rất ngạc nhiên. Rồi vẫn nụ cười giòn trẻ trung quen thuộc, ông hóm hỉnh nói, có lẽ từ khi nghỉ hưu, nhờ sống lạc quan, chăm tập thể dục cùng nếp sinh hoạt điều độ nên sức khoẻ và cả trí tuệ nữa, cũng… chưa đến nỗi nào?
Trò chuyện với NGƯT Trần Văn Cư, tôi thấy trí tuệ ông không phải “chưa đến nỗi nào” như ông tự nhận mà còn rất mẫn tiệp. Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó 25 năm liên tục làm quản lý, nhưng những kỷ niệm buồn, vui, những mốc thời gian quan trọng dường như vẫn tươi mới, vẹn nguyên trong ông như mới hôm qua.
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1969, thầy giáo trẻ Trần Văn Cư được điều về công tác tại trường cấp 3 Quế Võ, nay là THPT Quế Võ số 1. Từ một trường phổ thông đồng bằng, tháng 8-1972, ngành lại điều chuyển sang trường sư phạm Hà Bắc, tận miền rừng Lục Ngạn. Sức trẻ muốn được cống hiến của thầy giáo vùng xuôi vốn được đào tạo bài bản đã nhanh chóng mang lại cho ông nhiều thành tích nổi bật trong giảng dạy. Ngoài chuyên môn, thầy Cư còn hăng hái tham gia các phong trào do nhà trường và địa phương phát động… Đến một ngày, thầy Cư được Hiệu trưởng gọi lên phòng, chìa tay đưa cho tờ giấy và nói: “Cậu vừa được cấp trên bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, chúc mừng cậu, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhé!”. Đấy là thời điểm năm 1982, khi thầy Cư mới 35 tuổi, rất trẻ so với phần đông các đồng nghiệp ở ngôi trường hơn 100 cán bộ, giáo viên ấy.
Công tác cán bộ, có lẽ xuất phát từ thực tiễn nên mỗi thời có cách làm khác nhau, nhưng thi thoảng nhớ lại, thầy Cư vẫn không khỏi giật mình. Nhiều năm thay mặt lãnh đạo trường đi họp ở Bộ Giáo dục, dù khá chững chạc nhưng thầy vẫn là gương mặt trẻ nhất.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấy thầy Cư chài chãi 15 năm gắn bó với miền rừng Lục Ngạn, ông Ngô Văn Luật, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Bắc đã tạo điều kiện để thầy Cư được về công tác gần nhà. Nhưng về đâu và làm gì lại phải tính toán phù hợp. Rất may, trường cấp 3 Tiên Du khi ấy, nay là THPT Tiên Du số 1, đang khuyết Hiệu trưởng, thế là thầy Cư được cử về làm Hiệu trưởng. Đó là thời điểm năm 1987, khi ấy thầy Trần Văn Cư tròn 40 tuổi.
Niềm vui nhân đôi khi được công tác gần nhà, được thăng chức, nhưng niềm vui cũng qua mau bởi thầy Cư nhậm chức Hiệu trưởng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, kinh tế đất nước khủng hoảng trầm trọng. Nhà nước chủ trương giảm biên chế nên nhiều giáo viên phải nghỉ hưu non, rời ngành hoặc phải dạy các cấp học thấp hơn. Thực tế ấy đã tác động đến tâm lý những người ở lại. Đó là chưa kể thầy Hiệu trưởng mới, dù từng dạy cấp 3, nhưng suốt 15 năm qua chỉ chuyên tâm giảng dạy, rồi làm quản lý ở trường sư phạm, đối tượng học rất khác với cấp 3.
Vậy là, về trường mới, với vai trò Hiệu trưởng, thầy Trần Văn Cư thực sự như một người mở đường. Mở đường để đưa ngôi trường đang phải đối mặt nhiều thử thách vượt lên. Vì thời ấy, trong một số năm, số học sinh đỗ Đại học của trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhớ lại cái ngày mới về trường, giáo viên xếp hai hàng ngắm ngó và cả săm soi vị Hiệu trưởng lạ hoắc, thầy Cư càng nhận thấy trách nhiệm nặng nề với ngôi trường mới. Trách nhiệm trước hết ở sự nêu gương, trường cách nhà không xa nhưng nhiều đêm ông phải nghỉ lại, chong đèn nghĩ phương án làm sao để phát huy hiệu quả nhất trí tuệ tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên tất cả vì mục tiêu cấp bách là nâng cao chất lượng giáo dục. Tấm lòng thầy Hiệu trưởng nhanh chóng hâm nóng bầu nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên vốn được đánh giá là mạnh trong các trường THPT của tỉnh. Rõ nhất là môn Toán, thể hiện qua nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và Quốc gia, thi ĐH.
Thời Hà Bắc thênh thang, có năm trường xếp thứ 2 toàn tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo cử đoàn về tìm hiểu nhằm “khích” các trường vùng thuận lợi vươn lên. Đoàn về báo cáo Sở là tinh thần dạy và học của trường cấp 3 Tiên Du hết sức hăng say. Kỳ thi học sinh giỏi vừa kết thúc, giáo viên khi có đề thi là chong đèn cả đêm giải đề, sáng đến lớp công bố đáp án cho học sinh để các em đi thi biết được vị trí mình đang ở đâu? Việc này diễn ra trong nhiều năm tạo thành cái nếp trong phong trào thi đua “2 tốt” của nhà trường. Từ năm học 1991-1992, trường liên tục đạt tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh…

Tác giả trò chuyện với Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Cư tại nhà riêng ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.
Đầu những năm 2000, khi tôi về làm việc với thầy Cư thì Trường THPT Tiên Du số 1 đã rất nổi tiếng. Thời ấy ở Bắc Ninh có 3 NGƯT, 3 Hiệu trưởng cùng sinh năm 1947, cùng lãnh đạo 3 trường THPT số 1 nổi tiếng là Trần Văn Cư, Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1; Trần Đăng Phát, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1; Mẫn Đức Kiểm, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Phong số 1. Cả 3 trường này, trong nhiều năm thời Bộ GD-ĐT tổ chức thi Đại học theo hình thức “3 chung” là chung thời gian thi, chung đề thi và chung kết quả thi, đã phát lộ rất nhiều thủ khoa 30 điểm và á khoa 29,5 điểm.
Cũng 3 trường này nhiều năm vinh dự được Bộ GD-ĐT xếp hạng trong tốp 100 trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc. Cũng 3 trường này sau đều vinh dự được Chủ tịch nước thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, trong đó Trường THPT Tiên Du số 1 được nhận đầu tiên, năm 2005; tháng 11 năm 2006, Hiệu trưởng Trần Văn Cư vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Tính từ thời điểm về trường cấp 3 Tiên Du đến khi nghỉ hưu, NGƯT Trần Văn Cư tròn 20 năm làm Hiệu trưởng (1987-2007). 20 năm ấy, trường đã định hình lại vị thế, từ địa chỉ rất bình thường đã lọt vào tốp đầu, có năm là Lá cờ đầu khối THPT của tỉnh; từ chỗ mỗi năm chỉ có vài học sinh đỗ Đại học, đến nhiều năm vào tốp 100 trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc… Kết quả ấy, thành tích ấy là nỗ lực chung, là trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cùng sự quan tâm của tỉnh và ngành, nhưng công lao của NGƯT Trần Văn Cư, người thuyền trưởng suốt 20 năm là rất đáng ghi nhận.
Tạm biệt NGƯT Trần Văn Cư khi trời xuân vừa tắt nắng, ông lại nhiệt tình đưa tôi ra đúng vị trí mà ông đã đón tôi hồi chiều. Nhìn dáng đi khoẻ khoắn cùng gương mặt lạc quan của ông, tôi như đọc được niềm hạnh phúc trong ông. Đó là niềm vui tuổi già khi giời thương vẫn cho ông sức khoẻ tốt và trí tuệ mẫn tiệp, vẫn có ích cho gia đình, cho ngành và cho xã hội trong đó có tác giả bài viết này…
Ghi chép của Thanh Tú
Ý kiến ()