Nội dung này được nhiều nhà chính trị gia, học giả, người làm truyền thông đề cập tại Hội thảo quốc tế truyền thông chính trị kỹ thuật số “Patria” lần thứ IV diễn ra từ ngày 17 đến 22/3/2025 tại La Habana-Cuba, với sự tham dự của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel Bermúdez, cùng nhiều quan chức Cuba và đại diện các đoàn báo chí đến từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh với khoảng 400 khách mời từ 47 quốc gia.

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội thảo
Thao túng truyền thông là việc sử dụng các chiến lược và kỹ thuật nhằm kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến cách thông tin được trình bày trên các phương tiện truyền thông, với mục đích định hình nhận thức và thái độ của công chúng theo hướng có lợi cho một cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ nhất định. Hành vi này thường liên quan đến việc lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu lầm hoặc thiên vị, nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế hoặc xã hội.

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo
Thực tế cho thấy, thao túng truyền thông, tin giả đang trở thành một vấn đề toàn cầu, nó không chỉ làm xói mòn lòng tin của công chúng vào báo chí, mà còn gây ra sự hoang mang, chia rẽ và thậm chí là xung đột trong xã hội. Việc nhận diện và đối phó với tin giả không chỉ là trách nhiệm của các nhà báo và tổ chức báo chí, mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chỉ thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan mới có thể bảo vệ sự thật, duy trì lòng tin và xây dựng môi trường thông tin, báo chí lành mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội Thảo chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Mella - Đại học Havana
Các nền tảng mạng xã hội đã trở thành môi trường lý tưởng để lan truyền tin giả, do các thuật toán đề xuất nội dung ưu tiên những thông tin gây tranh cãi hoặc có mức độ tương tác cao, thay vì độ chính xác. Điều này dẫn đến hiệu ứng "buồng vang", trong đó người dùng chỉ tiếp cận với những thông tin củng cố quan điểm sẵn có của họ, thay vì tiếp xúc với các nguồn tin đa chiều. Khi thông tin sai lệch liên tục được lặp lại và củng cố, người dân có xu hướng tin tưởng vào những câu chuyện được dàn dựng hơn là sự thật.

Đông đảo chính trị gia, học giả, người làm truyền thông tham dự Hội thảo
Một khảo sát năm 2023 do Liên Hợp Quốc thực hiện cho thấy 85% người dân toàn cầu lo ngại về tác động của thông tin sai lệch lên cộng đồng, và 87% cho rằng nó đã ảnh hưởng đến đời sống chính trị của quốc gia họ. Những số liệu này phản ánh thực trạng đáng báo động về mức độ xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống truyền thông và thông tin chính thống. Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook (Meta), Google (YouTube), Tiktok và Twitter (X) đã trở thành những nguồn thông tin chính cho hàng tỷ người trên thế giới, công cụ tìm kiếm Google hiện chiếm hơn 90% thị phần công cụ tìm kiếm toàn cầu, một con số áp đảo so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này mang lại cho Google một quyền lực to lớn trong việc định hướng luồng thông tin trên Internet và định hình cách mọi người tiếp nhận thông tin trên Internet. Với vị thế thống trị, Google có khả năng quyết định những thông tin nào được ưu tiên hiển thị và những thông tin nào bị "ẩn" đi. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ tìm kiếm mới như ChatGPT đang tạo ra những thách thức đối với vị thế thống trị của Google. Các công cụ này có khả năng cung cấp thông tin theo những cách mới, có thể làm thay đổi cách mọi người tìm kiếm và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, Google cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào AI để cải thiện khả năng tìm kiếm của mình, và thế thống trị của họ vẫn còn rất lớn.

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tại Hội thảo
Hội thảo quốc tế truyền thông chính trị kỹ thuật số “Patria” lần thứ IV đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những thách thức về truyền thông kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI) theo góc nhìn của các nước Nam Bán cầu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cần xây dựng một chiến lược truyền thông hiệu quả, trong đó coi trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về thông tin đa chiều; xây dựng nội dung thông tin đa dạng và phản ánh thực tế; đa dạng hóa các kênh truyền thông; tăng cường năng lực cho các nhà báo trong sản xuất nội dung; xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác. Các quốc gia Nam Bán cầu phải xây dựng được một hệ thống báo chí-truyền thông mạnh mẽ, độc lập và phản ánh đúng thực tế, góp phần phá vỡ sự thống trị thông tin hiện nay.
Thực tiễn ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã tung ra các thông tin xấu độc và lan truyền mạnh mẽ, thường qua mạng xã hội và các kênh thông tin không chính thống nhằm gây ra nhiễu thông tin, những hiểu lầm nghiêm trọng về các chính sách quan trọng của nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia; tung tin mang tính chất kích động, bôi nhọ lãnh đạo, bóp méo các chính sách kinh tế nhằm phục vụ "lợi ích nhóm". Ảnh hưởng của thao túng truyền thông qua những thông tin sai lệch này là rất lớn, làm giảm niềm tin của người dân vào chính sách của nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội, tạo ra một môi trường thông tin thiếu minh bạch, người dân dễ rơi vào tình trạng hoang mang dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong việc hình thành một xã hội gắn kết, làm lu mờ lòng tin đối với các phương tiện truyền thông chính thống.
Tiến sĩ Đinh Quỳnh Anh – Ban nghiệp Vụ Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra 05 nhóm giải pháp chống thao túng truyền thông đó là: Công nghệ; Quản lý và pháp lý; Truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tin giả; Vai trò của báo chí trong phòng chống tin giả và nâng cao nhận thức cộng đồng; Liên minh quốc tế và các sáng kiến toàn cầu nhằm chống lại thao túng truyền thông. Việt Nam đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm; cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng; nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên không gian mạng; nâng cao kỹ năng số, ứng xử văn hóa khi sử dụng internet...là những giải pháp giúp người dân tự bảo vệ mình trước tin giả và không trở thành công cụ phát tán thông tin sai lệch.
Các cơ quan báo chí cần xác định là lá chắn giúp bảo vệ sự thật, định hướng dư luận, tích cực tham gia vào quá trình kiểm chứng thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng và phối hợp với các nền tảng công nghệ để hạn chế sự lan truyền của thông tin sai lệch bằng các giải pháp: Hợp tác với báo chí để tuyên truyền, hay tạo công cụ hỗ trợ kiểm tra tin tức "Fact-checking" (Kiểm tra sự thật) để độc giả có thể truy cập nhanh thông tin chính thống trên tất cả các nền tảng số cũng là giải pháp tích cực. Hợp tác quốc tế là chìa khóa trong cuộc chiến chống lại thao túng truyền thông. Bằng cách kết nối chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty công nghệ và giới học thuật thế giới có thể xây dựng một hệ sinh thái thông tin minh bạch và đáng tin cậy hơn. Khi các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, chúng ta có thể bảo vệ nền tảng dân chủ và giúp công chúng tiếp cận thông tin chính xác, đáng tin cậy hơn./.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Ninh
Ý kiến ()