Hoàng Văn Hòe (HVH) hiệu là Hạc Nhân, người xã Phù Lưu tổng Phù Lưu huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Đông Ngàn TX Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh).
Hoàng Văn Hòe (HVH) hiệu là Hạc Nhân, ngươì xã Phù Lưu tổng Phù Lưu huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc phường Đông Ngàn TX Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông sinh năm Mậu Thân, năm Tự Đức nguyên niên (1848) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha là Hoàng Văn Định, đỗ Cử nhân (đứng thứ 20) khoa Ất Dậu niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 (1825) tại trường thi Thăng Long. Cụ Định làm quan đến chức Ngự sử đài thì được về chí sĩ. Anh ruột là Hoàng Văn Kỳ đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu năm Tự Đức thứ 14 (1861) tại trường thi Hà Nội.
Tại khoa Canh Ngọ năm Tự Đức thứ 23 (1870), HVH đỗ cử nhân (đứng thứ 2) tại trường thi Hà Nội. Đến khoa Canh Thìn năm Tự Đức thứ 33 (1880), HVH dự kỳ thi Hội và tiếp đó là kỳ thi Đình đỗ ngay Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau đó không lâu, ông lại trúng khoa thi Yên bác. Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, HVH được bổ nhiệm làm chức Thị độc, một thời gian sau được thăng Tri phủ Kiến Xương (Thái Bình).
Cũng như nhiều nho sĩ khác, mục đích dùi mài kinh sử của HVH là để ra làm quan, thực hiện lý tưởng “Chí quân, trạch dân” của mình. Nhưng lý tưởng tốt đẹp ấy của chàng tri thức trẻ tuổi này chưa thực hiện được bao nhiêu thì những biến cố lớn lao của đất nước đã làm đảo lộn toàn bộ dự định ban đầu của ông.
Năm Quý Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 26 (1873), khi HVH vừa đỗ Cử nhân được 3 năm thì giặc Pháp tấn công Hà Nội, mở đầu cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất. Với nhiệt huyết cuả tuổi trẻ, HVH đã hăng hái ứng nghĩa cùng binh lính triều đình giải vây thành Hà Nội. Trong tập “Hạc Nhân tùng ngôn”, ông viết: “Năm Quý Dậu (1873), Hà thành hữu sự. Lúc bấy giờ, tôi mộ quân đi theo quân thứ”.
Tháng 4 năm 1882, khi HVH giành được học vị Tiến sĩ được 2 năm thì giặc Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ 2. Trước cảnh nước mất nhà tan, HVH khi đó đang làm Tri phủ Kiến Xương đã khảng khái nộp ấn trả triều đình, theo quân thứ về Bắc Ninh.
Sau khi về Bắc Ninh, HVH liên hệ ngay với Nguyễn Cao (người xã Cách Bi huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Thiện Thuật (lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy) và nhiều sĩ phu Bắc Hà khác để bàn cách đối phó với mưu đồ đánh chiếm thành Bắc Ninh của giặc. Lúc này, HVH cùng với những người yêu nước của Bắc Ninh đứng ra tổ chức tuyến phòng thủ kiên cố chạy suốt từ làng Đình Bảng đến tận bờ đê sông Đuống, cách phủ Từ Sơn 2- 3 km.
Đầu tháng 2 năm 1884, giặc Pháp huy động 2 lữ đoàn gồm 16.300 quân với 55 đại bác và nhiều pháo thuyền đặt dưới sự chỉ huy của Trung tướng Milo và hai Thiếu tướng Bric đơ Lin, Negrierơ, chia làm hai cánh quân tiến vào đánh chiếm thành Bắc Ninh. Cánh quân thứ nhất xuất phát từ Hà Nội đi theo đường sông Đuống rồi đổ bộ lên. Cánh quân thứ hai xuất phát từ Hải Dương, theo đường sông Thái Bình, ngược sông Đuống rồi theo đường bộ tiến vào.
Ngày 20 tháng 2 năm 1884, giặc Pháp đánh chiếm Phả Lại. Tại đây, chúng dùng khinh khí cầu làm phương tiện để do thám cách bố phòng của ta xung quanh thành Bắc Ninh. Theo R. Cactơron trong “Những kỷ niệm về sự chiếm đóng ở xứ Bắc kỳ” thì quân ta đã “thiết lập nhiều phòng tuyến cầm cự ở xa thành phố ba tuyến nối tiếp nhau”.
Những ngày giặc Pháp uy hiếp và đánh phá thành Bắc Ninh, HVH thường xuyên có mặt trong thành để động viên binh sĩ và chỉ huy việc canh phòng, chiến đấu. Mặc dù binh sĩ dưới quyền chỉ huy của ông đã quên mình chiến đấu bảo vệ thành, nhưng vì kỹ thuật, chiến thuật kém, vũ khí quá thô sơ lạc hậu, nên sau một thời gian ngắn, trước sức tấn công dữ dội của giặc, ngày 12 tháng 3 năm 1884, giặc Pháp đã chiếm được thành Bắc Ninh.
Sau khi thành Bắc Ninh thất thủ, Hoàng Văn Hoè (và Nguyễn Cao) bị giáng chức và đổi đi nơi khác.
Vào thời kỳ đó, triều đình Huế có sự bất đồng quan điểm về việc đối phó với hành động xâm lược của giặc Pháp, do đó, tự nhiên hình thành hai phái: phái chủ chiến và phái chủ hoà. Tôn Thất Thuyết là người cầm đầu phái chủ chiến. Thấy HVH là người có lập trường cương quyết chống Pháp, Tôn Thất Thuyết đã vời ông vào Huế làm việc với danh nghĩa chức Sử quán Tu biên, nhưng thực chất là để tăng cường lực lượng cho phe chủ chiến.
Năm Ất Dậu (1885), HVH tham gia vào vụ chính biến ở kinh thành Huế và sau đó hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Nghệ- Tĩnh để chuẩn bị lực lượng đánh giặc. Từ đó trở đi, cuộc đời của HVH gắn liền với quá trình diễn tiến của công cuộc kháng Pháp của vua Hàm Nghi và những người cầm đầu phái chủ chiến của triều đình Huế.
Không những là một trí thức có tinh thần dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn, HVH còn là một nhà thơ có tài. Thơ ông được tập hợp trong tập “Hạc Nhân tùng ngôn” và được truyền miệng trong dân gian. Thơ HVH thể hiện cái nhìn tinh tế, cảm xúc sâu sắc trước thời cuộc và tình yêu gia đình, quê hương, đất nước rất tha thiết.
Năm 1880, khi HVH làm Tri phủ Kiến Xương, trước cảnh trời chiều bảng lảng nơi viễn xứ, ông chạnh nhớ đến vợ con, quê hương:
Chim nhạn bay xa lạc hết hàng
Ngậm thư không đến được Tiêu Tương
Cháu, con, vợ, mẹ qua ly loạn
Thành quách, non sông nửa nát hoang.
Địa danh Tiêu Tương ở đây chính là dòng sông phát nguyên từ Loa hồ của làng ông. Nhưng Tiêu Tương cũng là tên một con sông bên Trung Quốc, gắn với những mối tình diễm lệ, từ xưa đã đi vào điển tích văn học. Có lẽ, vì thế mà bài thơ có sức lắng sâu, có sức gợi cảm tinh tế.
HVH là một trí thức Nho học ôm mộng “kinh bang tế thế”, điều đó hẳn là con đường đi tất yếu của những người như ông. Nhưng trước cảnh nước mất nhà tan, ông cảm thấy xấu hổ, nên không lúc nào không tự dằn vặt mình. Bài “Ngày thu cảm hứng” (Chu Thiên dịch) sau đây là một trong những bài tiêu biểu phản ánh tâm trạng này của ông:
Giang hồ dấn bước đã từ lâu
Thân bệnh phong trần xá quản đâu
Hổ tiếng làng Nho sinh buổi loạn
Đau lòng đất khách lắng mưa thâu.
Bên sông trời tối chày khua rộn
Cây nặng sương đêm quạ rít sầu
Việc cũ không đành lòng nhớ lại
Sóc Sơn khoác giáp thét roi câu.
“Việc cũ” ở đây là chỉ sự kiện (theo truyền thuyết) Thánh gióng phá giặc Ân khi ngài mới ba tuổi. Địa danh Sóc Sơn được nhắc đến trong câu kết của bài thơ chính là nơi Thánh Gióng cởi bỏ giáp trụ để bay về trời.Trong cảm quan thi ca bay bổng của mình, HVH muốn khoác lên mình chính tấm áo giáp của Thánh Gióng để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đặng kế tục sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm vẻ vang của tổ tiên.
Nếu ở bài “Ngày thu cảm hứng”, tâm trạng day dứt, giằng xé giữa lý tưởng tốt đẹp mâu thuẫn với thực lực có hạn của bản thân bao phủ cả bài thơ, thì ở bài “Lời hô hào đánh giặc” (Chu Thiên dịch), âm hưởng quật cường của khí thế xung trận của đoàn quân lại là âm hưởng chủ đạo của bài thơ:
Chuột vẫn còn lẩn núi
Kình chợt quẫy sóng sông
Mi đỏ chưa bỏ chạy
Mặt trắng đốt binh nhung
Vua nước lo hôm sớm
Kinh xưa khói mịt mùng
Quân ta mau tiến phát
Thẳng đến thành Hoàng Long.
Có thể nói, trong mọi lúc, mọi nơi, ở mọi hoàn cảnh, HVH lúc nào cũng thể hiện là một người yêu nước chân chính. Khi hành động của nhà vua còn phù hợp với lợi ích dân tộc, ông phò vua không quản hiểm nguy; khi hành động của triều đình không phù hợp với lợi ích dân tộc, ông sẵn sàng trả lại ấn tín để về quê đánh giặc. HVH làm thơ cũng là để ký thác tấm lòng yêu nước và thể hiện tinh thần chống giặc của mình.
Xuất hiện trên trận tuyến chống Pháp vào những năm cuối của thế kỷ XIX, HVH là một trong những ông nghè đầu tiên của đất Bắc Ninh giương cao ngọn cờ đánh giặc cứu nước.
Nguyễn Quang Khải
Ý kiến ()